Lan Hương, phóng viên RFA
Công ty TNHH Pacific Crystal ở tỉnh Hải Dương. Photo courtesy of inres.vn
Theo những thông tin loan tải trên báo chí, truyền hình, chúng tôi tìm hiểu, liên lạc với bà con xã Lai Vu, huyện Kim Thảnh, tỉnh Hải Dương nơi đã mấy năm nay người dân phải chịu đựng thảm cảnh nguồn nước ô nhiễm và mùi hôi thối bốc lên hàng ngày do nước thải công ty TNHH Pacific Crystal xả vào sông Rạng – nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho bà con thuộc 3 xã Cộng Hòa, Lai Vu và Ái Quốc.
Xả thải gây ô nhiễm
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pacific Crystal là một thành viên của Tập đoàn Crystal Hồng Kông, với nhà máy đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dệt vải, và phụ liệu ngành dệt.
Tuy nhiên, người dân địa phương tố cáo từ khi được đưa vào hoạt động năm 2014, công ty này liên tục xả nước thải ra hồ điều hòa Khu công nghiệp Lai Vu và ra con sông Rạng khiến người dân vô cùng bức xúc. RFA trao đổi với ông Bùi Duy Tôn, một người dân xã Lai Vu thì được cho biết:
Từ khi Pacific mà dân bọn tôi gọi là bọn nhuộm đó, thời kỳ mới về thì không có nhà xử lý nước thải. Bây giờ bắt đầu mới đang làm chứ thời mới về cách đây chừng 2, 3 năm xả thải lung tung ra các đường rãnh thoát nước của khu công nghiệp đó, và đổ ra hồ. Hồ cách đây 2,3 năm về trước người ta cho thả cá, vừa rồi có hiện tượng cá chết thì họ mới đuổi không cho xả ra đó nữa.
Một người dân khác, bà Tăng Thị Tân, cũng là người con xã Lai Vu, lên tiếng bất bình khi thấy môi trường nơi bà sinh ra và lớn lên bị ô nhiễm nghiêm trọng:
Họ biết là nhiều lần rồi nhưng hôm đó họ bắt được quả tang họ mới gọi phóng viên VTC14 về. Nó cứ xả ra là dòng sông đen ngòm. Từ hôm kia đến nay thì nó lại xả ra cống ngầm chìm hôi thối lắm.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương về kết quả phân tích mẫu nước xả thải của Công ty Pacific có 5/10 thông số của các hóa chất pH, TSS, COD đều vượt chuẩn nhiều lần với lưu lượng xả thải từ 1.500 cho tới 2000m3/ngày
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, theo tìm hiểu của chúng tôi bà con nơi đây không những phải chịu đựng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, mà giấc ngủ hàng ngày cũng không được trọn vẹn vì công ty hoạt động ban đêm gây ra tiếng ồn lớn. Ngay cả bầu không khí họ hít thở cũng nặng mùi khét:
Công ty đó hiện giờ vẫn hoạt động, nó xả ra không những nước thải mà còn cả ô nhiễm không khí. Có thời kỳ 4 rưỡi, 5 giờ có mùi hắt vào trong dân như đốt ny-lông. Có những hôm cảm tưởng như có màn sương mù.
Tai họa ập đến vùng quê vốn yên bình bao năm nay, người dân lên tiếng cầu cứu với chính quyền nhưng xã nhưng xã cho biết họ không đủ thẩm quyền giải quyết. Con giun xéo lắm cũng quằn, người dân tiếp tục báo cáo lên chính quyền huyện và tỉnh nhưng anh Tôn cho biết vấn đề đâu vẫn hoàn đó. Anh chia sẻ thêm với chúng tôi:
Chúng tôi cũng lên chính quyền xã nhiều lần rồi nhưng xã người ta cũng không để ý đến việc này. Bên cạnh đó thì kể cả là tỉnh, huyện, rồi trên trung ương chúng tôi cũng có đề xuất nhưng thực chất ra người ta vẫn cho là dân chúng tôi chưa lấy được tiền ruộng nên muốn gây khó khăn cho người ta. Bây giờ các cơ quan pháp luật ngươì ta không giải quyết, chúng tôi chả biết kêu vào đâu.
Chính quyền nói gì?
Đường ống xả thải của Công ty Pacific Crystal đang được xử lý khắc phục. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn
Cũng trong cuộc trao đổi với anh Tôn, chúng tôi được biết mấy năm về trước có đội ngũ công an từ trên huyện, tỉnh về làm việc nhưng kết quả ra sao người dân không hề hay biết, thậm chí lãnh đạo của thôn, xã có đi giám sát cùng với nhóm công an đó nhưng cũng không lên tiếng báo cáo cho dân. Trước tình hình đó chúng tôi có liên lạc với ông Bùi Duy Hường – Chủ tịch UBND xã Lai Vu thì chỉ được cho biết ngắn gọn như sau:
Có một chút vụ việc xảy ra, địa phương phản ảnh báo cáo với huyện với tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh đã xử lý xong rồi, xử phạt rồi. Bây giờ tỉnh chỉ đạo cho công ty phải khắc phục ngay.
Liên hệ tiếp với Phó Chủ tịch Huyện Kim Thành, ông Nguyễn Văn Hán, chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời chóng vánh:
Cái đấy huyện và tỉnh đã phối hợp xử lý rồi, bây giờ nó đang khắc phục rồi, khắc phục ngay rồi!
Theo nguồn tin chúng tôi ghi nhận được, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã xử phạt gần 700 triệu đồng với hành vi vi phạm của Công ty này và yêu cầu Công ty phải dừng ngay việc xả thải vào nguồn nước của bà con người dân. Tuy nhiên theo bà Tân hiện tại Công ty này vẫn đang tiếp tục xả xuống sông Rạng. Bà cho biết suy nghĩ của mình về cách hành xử của Chính quyền như sau:
Xã bây giờ vào hùa với bọn đấy ăn hối lộ, đút lót, không làm việc đâu. Vừa rồi tỉnh có phạt 700 triệu nhưng nó vẫn xả. Bây giờ nó không có chỗ xả thì nó biết làm cách nào. Vẫn xả ra cống ngầm, xong rồi ra sông cái gọi là sông Rạng hay sông Kinh Thầy gì đó, nhưng mà nước vào nó lại chảy vào dân. Nguồn nước sinh hoạt bây giờ lấy từ sông đó vào mà. Chỗ mà nó xả ra là bây giờ có cá chết.
Đáp lại email của RFA hỏi về nguyên nhân vì sao sau khi thảm họa Formosa xảy ra, dấy lên một lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp về vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng hiện tượng này vẫn chưa dừng lại, tiến sĩ Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết vấn đề nằm ở hệ thống pháp luật – hành lang chưa đáp ứng thực tế. Đội ngũ thực thi pháp luật chưa nghiêm do nhiều lý do, song lý do lớn nhất vẫn là đồng tiền:
Còn nguyên nhân tại sao đồng tiền nó lại chi phối được nhiều thế thì nhiều người đã biết rõ và đã phản ánh trên công luận.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều nơi trong cả nước vẫn ưu tiên FDI để phát triển kinh tế nên việc chưa nghiêm khắc trong các giải pháp phòng ngừa bảo vệ môi trường, thường là phạt cho tồn tại. Các nhà máy thép, dệt, giấy, nhiệt điện vv… là các nguồn ô nhiễm hóa chất không gian rộng. Việc đánh giá tác động môi trường tới xã hội, con người (sinh nở và bệnh tật – thường hậu họa dài hạn) chưa được coi trọng đúng mức.
Vấn đề thực tế hiện nay là “lực bất tòng tâm” vì nhân lực và nguồn lực yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, yếu tố bất khả kháng này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến “nhiều công ty vẫn xả thải vào nguồn nước của người dân”, mà là do cơ quan quản lý không làm tròn trách nhiệm đã quy định trong luật pháp (nói mạnh là không có “tâm” để mà tòng).
Nguyên nhân thứ 3 không kém quan trọng là bình diện kinh tế, văn hóa và xã hội ở ta mới chỉ ở mức đó, không thể có một thể chế văn minh vượt lên trên nó được trong hoàn cảnh hiện nay.
Ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của con người mà có thể chưa thể hiện ra một sớm một chiều. Hôm 16/2 vừa qua, một nhóm nhà khoa học ở Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy mỗi năm có đến hàng triệu ca sinh non ở các nước Đông Nam Á liên quan đến ô nhiễm không khí.
Những công ty như Pacific Crystal quả thực mang lại nguồn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, nhưng nếu người dân phải đánh đổi cả sức khỏe, sinh mạng của mình thì liệu có xứng đáng hay không?
L.H.