Ai là người cầm chịch ở Hà Nội?
GS Nguyễn Thị Liên Hằng
Hank Tran dịch
Như mọi tư liệu chiến sự về Chiến tranh Việt Nam đều nói, phía Mỹ phải đương đầu với một “kẻ địch giấu mặt”: các đội du kích thoắt ẩn thoắt hiện, cấp chỉ huy các đạo quân lớn không muốn thực hiện các trận đánh đối công trực diện. Nhưng câu sáo ngữ đó còn mang một ý nghĩa khác mà hầu hết mọi người đều không nhận thấy. Đến mãi tận năm 1967, giới lãnh đạo quân sự, tình báo và dân sự của Hoa Kỳ vẫn không biết chắc được ai trong số các lãnh đạo ở Hà Nội là nhân vật có quyền đưa ra quyết định tối thượng.
Xét ở vài khía cạnh, đó chính là điều miền Bắc mong muốn – tạo ra ấn tượng rằng mọi quyết định đều do tập thể đưa ra, dưới bàn tay chỉ bảo nhẹ nhàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng sự nhầm lẫn của phía Hoa Kỳ cũng vô tình phản ánh một sự thật của nền chính trị Bắc Việt, đầy rẫy sự chia rẽ và lộn xộn, mà tới tận bây giờ các sử gia mới bắt đầu nhận ra. Nhờ việc giải mật các tài liệu lịch sử, tuy có phần chậm mà tùy tiện; nhờ các tác phẩm chép sử và hồi ký phản tỉnh, nhờ việc công bố các bức “thư ngỏ” của các cựu lãnh đạo bất mãn, và nhờ công sức nghiên cứu, phân tích cẩn thận và miệt mài của các chuyên gia Việt Nam học, giờ đây chúng ta có được kiến thức tốt hơn về người cầm chịch ở Hà Nội lúc đó, và để lên được vị trí đó ông ta đã trải qua các cuộc đấu đá như thế nào.
Trong thời chiến, các chuyên gia tình báo Hoa Kỳ từng rà đi soát lại một danh sách dài các ứng viên. Đã hơn một lần, kết quả thu thập thông tin và phân tích tại thời điểm đó thể hiện rằng tất cả 11 thành viên Bộ Chính trị đều là người lãnh đạo thực sự của Đảng Lao động Việt Nam. Lựa chọn hiển nhiên, và cũng là nhân vật được báo chí thể hiện trong vai trò lãnh đạo của miền Bắc, là Hồ Chí Minh, vị cha già với thành tích chống thực dân rực rỡ và kinh nghiệm bôn ba khắp thế giới đã trở thành nhân vật nổi tiếng toàn cầu. Một ứng viên nổi bật nữa là Võ Nguyên Giáp, vị tướng được ghi thành tích đã đánh bại đội quân Pháp hùng mạnh hơn nhiều với đấu pháp ngoạn mục trong trận Điện Biên Phủ. Ngay cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đại diện nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong Hội nghị Geneva năm 1954 cũng được đề cử là người nhiếp chính thực sự sau hậu trường cuộc chiến của Hà Nội. Thật ra, chẳng phải ai trong số đó cả. Lãnh đạo thực sự là Lê Văn Nhuận, người sau này lấy tên Lê Duẩn, một cán bộ đảng không mấy nổi bật, xuất thân bình dân từ miền Trung Việt Nam.
Giới tình báo Hoa Kỳ hầu như không biết được gì về sự thật là Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng mình với bàn tay sắt từ cuối thập niên 1950 cho đến tận khi chết vào năm 1986. Không có một Tổng Bí thư nào trước hay sau ông ta nắm được quyền lực trong Đảng lâu đến như vậy. Thế mà bên ngoài Việt Nam, người ta biết rất ít về Lê Duẩn và cách thức ông ta đã đánh bại được quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Sinh năm 1907, Lê Duẩn là một trong năm người con của một gia đình nghèo ở làng Bích La, tỉnh Quảng Trị. Lê Duẩn đã chứng kiến những thay đổi ở đất nước mình dưới sự cai trị có tính đàn áp và bóc lột của thực dân Pháp. Thoạt đầu, ông ta đi theo bước chân của cha mình, làm thư ký hỏa xa. Nhưng rồi sau đó bị cuốn vào phong trào chống thực dân đang thu hút rất nhiều thanh niên trong thế hệ đó, chàng trai Lê Duẩn mới 21 tuổi ra Hà Nội cùng người vợ mới cưới, Lê Thị Sương. Ở đó, ngay tại trung tâm chính trị của chính quyền thuộc địa Pháp, Lê Duẩn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, và giành được một ghế trong Ủy ban Giáo dục Đào tạo nhờ kinh nghiệm tổ chức trong ngành xe lửa.
Nhưng chính nhà tù của thực dân ở Đông Dương mới là nơi Lê Duẩn gặt hái được thành tích cách mạng. Các tù nhân bị cai tù của Pháp đánh đập đã trở nên cực đoan hơn, với ý chí tư tưởng mạnh mẽ hơn và họ đã khôi phục lại tổ chức Đảng trong quãng thời gian bị nhốt chung trong các xà lim chật chội. Lê Duẩn ngồi tù không chỉ một lần, mà những hai đợt nghiệt ngã trong các trại giam thực dân. Khi ông được giải thoát trước khi hết án tù lần thứ hai vào năm 1945, nước Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi. Thế chiến II sắp kết thúc, thực dân Pháp và kẻ hậu thuẫn Nhật Bản có vẻ như đã bị đánh bại. Điều quan trọng nhất là một vị lãnh đạo đầy sức thu hút có tên là Hồ Chí Minh đã tuyên bố Việt Nam độc lập tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội vào ngày mồng 2 tháng 9.
Tuy nhiên, sau ngày lễ độc lập mới là thời gian đầy thử thách đối với Lê Duẩn và với người Việt Nam nói chung. Người Pháp không có ý định khoanh tay đứng nhìn đế chế của mình tan rã mà không đánh lại, còn Lê Duẩn thì nhận ra rằng việc giành chỗ đứng cho mình trong Chính phủ mới đầy khó khăn. Nguyện vọng được làm Bộ trưởng Quốc phòng của ông ta bị dập tắt khi không tranh được với tướng Giáp, người vốn gần gũi hơn với Hồ Chí Minh. Dấu ấn nhỏ năm 1945 này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mối hiềm khích suốt đời của Lê Duẩn với tướng Giáp và Hồ Chí Minh.
Thế là thay vì ở lại Hà Nội trong vai trò một thành viên Bộ Chính trị với một chức vụ cấp bộ an nhàn, Lê Duẩn nhận nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của Đảng ở địa bàn miền Nam đầy khó khăn. Ông ta lên đường vào đồng bằng Nam Bộ, nơi cơ sở của Đảng yếu hơn miền Bắc rất nhiều. Không những phía Pháp quyết giành lại vùng đất phía Nam của thuộc địa cũ, mà các giáo phái Đạo Phật (Cao Đài – Hòa Hảo) với lực lượng tự vệ và các băng đảng người Hoa ở Chợ Lớn cũng đã chiếm cứ những khu vực quan trọng ở vùng này.
Lê Duẩn không phải đơn độc thực thi nhiệm vụ giành quyền kiểm soát địa bàn này về cho Đảng. Năm 1948, Lê Đức Thọ đã tới thực địa với nhiệm vụ làm phó cho Lê Duẩn. Là một nhà cách mạng cứng rắn quê ở miền Bắc, cũng từng leo lên vị trí lãnh đạo Đảng trong thời gian bị giam cầm khắc nghiệt sau song sắt nhà tù thực dân, Lê Đức Thọ đã tạo dựng được quan hệ chặt chẽ với Lê Duẩn để cùng nhau loại bỏ các địch thủ chính trị và kẻ thù công khai. Quá trình hoạt động ở miền Nam và mối quan hệ với Lê Đức Thọ đã chứng tỏ vai trò cốt tử trong bước đường lên tới đỉnh cao quyền lực của Lê Duẩn cũng như tạo ảnh hưởng lên các chính sách của ông ta sau khi nắm vị trí đó. Khi đất nước bị chia cắt ngang vĩ tuyến 17 vào năm 1954, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ mỗi người đi một đường. Thọ tập kết ra Bắc, Lê Duẩn luồn lại đồng bằng Nam Bộ, rồi phải chứng kiến tình trạng cơ sở kháng chiến gần như bị phá sạch dưới bàn tay Tổng thống Ngô Đình Diệm, và lời hứa hẹn về ngày thống nhất ngày càng xa vời.
Khi Lê Duẩn trở lại Hà Nội, ông ta nhận thấy Đảng mình đang gặp rắc rối với nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Rồi khi có một biến động lớn trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản, thời gian nằm ở miền Nam của Lê Duẩn đã phát huy tác dụng: Ông ta là thành viên duy nhất trong Bộ Chính trị không bị tì vết do các chính sách sai lầm ở miền Bắc. Sau khi Tổng Bí thư cũ bị cách chức, Lê Duẩn được kế thừa cái ghế Tổng Bí thư và nắm toàn bộ Đảng Lao động Việt Nam. Với cánh tay phải là Lê Đức Thọ, Lê Duẩn tạo dựng một nhà nước công an trị sắt đá ở miền Bắc, với định hướng mở một cuộc chiến tổng lực ở miền Nam. Những người lãnh đạo trên danh nghĩa khác, như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, muốn có một sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và quân sự, nhưng Lê Duẩn và Lê Đức Thọ tin rằng chỉ có thể giành được thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đảng với sự gia tăng khổng lồ các hoạt động quân sự dẫn đến nổi dậy ở miền Nam.
Dịp may của họ đến vào cuối năm 1963, sau khi hai Tổng thống Ngô Đình Diệm và John F. Kenedy bị ám sát. Cảm thấy có cơ hội tốc chiến tốc thắng trước một miền Nam đang không có người lãnh đạo, Lê Duẩn đã ép buộc được giới lãnh đạo Đảng dồn toàn lực để giành thắng lợi cuộc chiến với một kế hoạch táo bạo được ông ta gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy”. Đó thực sự là một canh bạc. Năm 1964, vào thời điểm Lê Duẩn bắt đầu xây dựng kế hoạch của mình, lực lượng Cộng sản không đủ mạnh để tiêu diệt quân đội quốc gia để từ đó khích động người dân nổi dậy – tức là các bước “tiến công” và “nổi dậy” – bất chấp hàng ngũ lãnh đạo quân sự-dân sự miền Nam có yếu đến đâu. Nhưng ông ta biết kiên nhẫn. Chuyển quân và khí giới, khí tài từ miền Bắc theo các con đường thâm nhập trên bộ và trên biển cần nhiều thời gian, nhưng cuối cùng Lê Duẩn cũng chuyển hóa được cuộc chiến ở phía Nam vĩ tuyến 17 từ các trận đánh du kích sử dụng địa phương quân miền Nam thành một cuộc nội chiến tổng lực với các đoàn quân chính quy từ miền Bắc.
Đến mùa thu năm 1964, Tổng Bí thư soạn thảo ra Kế hoạch X, là bước cuối cùng trong chiến lược giành chiến thắng của mình, trong đó có kế hoạch tấn công đầy tham vọng nhằm thẳng vào Sài Gòn. Đưa các đơn vị đặc công trang bị vũ khí hạng nặng chiếm giữ các mục tiêu xung yếu, lực lượng cách mạng được đặt rải rác khắp thành phố sẽ khích động người dân nổi dậy giành chính quyền từ tay của “chính quyền ngụy” đã thất thủ. Kín kẽ hơn, năm tiểu đoàn đặt ở năm hướng ngoại ô sẽ bao kín trung tâm thành phố, chặn các lực lượng còn lại của quân miền Nam cho tới khi quân chủ lực miền Bắc đến nơi.
Nhưng vào năm 1965, phía Hoa Kỳ bỗng gia tăng ồ ạt các đội quân tác chiến Mỹ khiến dự định triển khai nhanh Kế hoạch X của Lê Duẩn bị ngưng trệ, nhưng ông Tổng Bí thư này vẫn kiên định. Đinh ninh rằng nếu áp dụng trở lại mô hình chiến tranh du kích sẽ làm suy yếu tinh thần của những người Cộng sản, Lê Duẩn ra lệnh duy trì kế hoạch cũ và triển khai những trận đánh quy mô lớn. Khi chiến lược tấn công đó vấp phải những cuộc hành quân lớn của Mỹ ở khu vực nông thôn miền Nam vào năm 1966 và đầu năm 1967, chính sách lãnh đạo cuộc chiến của Lê Duẩn bị chỉ trích gay gắt ở Hà Nội.
Đột nhiên khả năng kiểm soát miền Bắc và lãnh đạo cuộc chiến của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có nguy cơ bị lung lay. Trước khi hai người có thể thực hiện Kế hoạch X theo một phiên bản cập nhật hơn – tấn công vào tất cả các đô thị lớn ở khắp miền Nam chứ không chỉ ở mỗi Sài Gòn – họ phải dập tắt các tiếng nói chỉ trích và giành lại vị thế ở Hà Nội. Trong khi những trái bom Mỹ đang trút xuống Bắc Việt, năm 1967 Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bắt tay vào một trận chiến chính trị dữ dội dẫn tới cuộc thanh trừng khủng khiếp nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – và gây dựng một môi trường chính trị xã hội theo ý mình để tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam.
H.T.
Nguồn bản gốc: https://www.nytimes.com/2017/02/14/opinion/who-called-the-shots-in-hanoi.html?_r=1
Dịch giả gửi BVN.