Vũ Kim Hạnh
Ảnh: Trụ sở hãng công nghệ Aixtron, Đức
Giữa tuần này, Bộ trưởng Kinh tế của 3 nền kinh tế lớn nhất liên minh EU, Pháp, Đức và Italy vừa gửi một bức thư chung cho Ủy viên thương mại Cecelia Malmstrom bày tỏ lo lắng về nạn nhiều nhà đầu tư ở ngoài EU đi thâu tóm công nghệ của Châu Âu.
Trong khi đó, giới đầu tư Châu Âu lại thường gặp phải những rào cản khi đến đầu tư ở các nước này, từ đó, họ đề nghị Hội đồng Châu Âu nên cân nhắc việc các nước thành viên EU có thể thẳng thừng ngăn cản, hay đặt điều kiện buộc tuân thủ với một nhà đầu tư nước ngoài nào đó. Họ dẫn “luật lệ châu Âu cấm FDI đe dọa an ninh và trật tự công cộng”, hoặc đặt điều kiện buộc họ phải tuân thủ.
Người ta lập tức liên tưởng ngay tới nỗi lo – hốt hoảng – của nước Đức.
Đầu năm 2016, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cáo buộc TQ tiến hành “hoạt động thương mại không công bằng và ham hố” vì ồ ạt tìm mua các hãng công nghệ cao hàng đầu của Đức và EU trong khi tìm mọi cách ngăn chặn việc Đức và EU mua các công ty TQ.
Theo công ty kiểm toán EY, doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang dành một số tiền kỷ lục 11 tỷ euro trong giai đoạn 10 tháng đầu năm 2016 để mua các công ty Đức và EU.
Bộ KT Đức không thể ngăn chặn công ty TQ kinh doanh hàng tiêu dùng Midea (đang hoạt động khá mạnh ở VN hiện nay) thâu tóm công ty công nghệ robot nổi tiếng Kuka, nhưng Berlin đã mở lại cuộc điều tra về hồ sơ đấu thầu mua Aixtron, hãng chế tạo chip điện tử vì có tin tình báo là quân đội Trung Quốc ứng dụng công nghệ Aixtron trong chương trình hạt nhân của họ.
Cũng vào đầu năm 2016, cả Mỹ, Anh cũng lên cơn sốt ngăn chặn TQ. Nổi tiếng là vụ Tập đoàn SX thiết bị lưu trữ lớn nhất TG Western Digital của Mỹ phải hủy bỏ kế hoạch nhận 3,8 tỉ USD từ 1 công ty TQ vì Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ CFIUS quyết định điều tra thương vụ này cùng lúc với việc Quốc hội Mỹ yêu cầu CFIUS điều tra TQ tìm cách lũng đoạn sàn giao dịch chứng khoán Chicago.
Họ có tiền thì họ cứ đi mua hàng, sao lại cấm hay la ó? Ở Việt Nam, họ chẳng mua thương vàng hạ cám đó sao?
Ấy vậy mà có chuyện để sốt vó. Đó là vì… họ rất thích mua lại các nhà máy điện hay đầu tư vào các mạng lưới điện, nhà máy điện hạ nhân, công nghệ robot hay công nghệ lưu trữ dữ liệu máy tính ở nước ngoài tức là đe dọa về an ninh quốc gia, nền công nghệ và cơ sở hạ tầng thiết yếu các quốc gia.
Mua bán quần áo, giày dép, heo gà… là chuyện cổ đại với họ. Mua bán sáp nhập xuyên biên giới mới là trò chơi mới mà nhà nước TQ đang thách thức cả thế giới bằng những xảo thuật lão luyện ngàn năm, từ kế buôn vua của Lã Bất Vi đến các hãng công nghệ TQ từ Phúc Kiến, Bắc Kinh, Thượng Hải… ngày nay, mang áo tư nhân để dễ lách luật nhưng thường là của quân đội hay nhà nước TQ.
Chúng ta thất thần hốt hoảng khi thương lái TQ biến mất không mua heo, thanh long, gà, chuối… Không hiểu họ ở tầm đi mua thế giới, thâu tóm cả cơ sở hạ tầng thiết yếu của các quốc gia phát triển, cả nền an ninh các quốc gia chỉ bằng phương thức hợp pháp mua bán sáp nhập các công ty xuyên quốc gia, thì chừng nào mới ”biết người biết ta trăm trận trăm thắng”?
Hàng trăm Viện nghiên cứu, hàng vạn tiến sĩ đáng kính, chúng ta đang dành bao nhiêu công trình nghiên cứu về vấn nạn mà thế giới đang “sốc hàng” vì cuộc thâu tóm có tính thời đại này?
V.K.H.