Ông Trần Đình Bá: “Lãnh đạo Cục Hàng không phải thay đổi tư duy…”

 MAI ANH

(GDVN) – Theo ông Trần Đình Bá, nếu thiếu tầm nhìn thì dù cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn có nguy cơ tiếp tục ách tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Trong cuộc họp về phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 9/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) thuộc Bộ Quốc phòng hoàn thiện các phương án, báo cáo Thủ tướng trước 25/2.

Phó Thủ tướng cũng nêu ra yêu cầu việc nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất phải hướng tới mục tiêu đáp ứng được nhu cầu phục vụ 40 – 50 triệu lượt khách/năm; hoàn thành trong năm 2017 với 4 yêu cầu:

Thứ nhất, phải nhanh để có thể để khắc phục ngay tình trạng ùn tắc “từ trên trời xuống dưới đất, từ trong ra ngoài” như hiện nay.

Không thể chọn phương án thi công kéo dài 3-5 năm hoặc lâu hơn. Mọi công đoạn thực hiện đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải được thực hiện nhanh nhất, ngay trong năm 2017, để năm 2018 có thể đưa vào sử dụng được.

Thứ hai, phải rẻ nhất, nhưng hiệu quả. Vốn đầu tư công hiện đang rất khó khăn, do đó phải hạn chế ở mức thấp nhất nguồn vốn nhà nước, thay vào đó cần có giải pháp để khuyến khích xã hội hoá, huy động vốn của các doanh nghiệp cho đầu tư, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư, giảm thất thoát.

Thứ ba, phải bảo đảm chất lượng công trình, cả về mỹ quan, cảnh quan, môi trường.

Thứ tư, phải bảo đảm an toàn cả trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng công trình; bảo đảm an toàn, an ninh hàng không.

clip_image001

Ông Trần Đình Bá cho rằng, tiềm năng của Tân Sơn Nhất rất lớn, hoàn toàn có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu 80 – 90 triệu lượt khách/năm- ảnh nguồn Chinhphu.vn

 

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đình Bá – Chuyên gia nghiên cứu hàng không thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đánh giá, sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc nghẽn từ ngoài vào trong, từ trên trời đến mặt đất là một thực tế trong những năm gần đây.

Sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế đáp ứng 25 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2016 lượng hành khách phải phục vụ lên đến hơn 32,5 triệu hành khách.

“Vì vậy việc giải cứu cho sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp bách, nếu để Tân Sơn Nhất tiếp tục ách tắc như hiện nay thì thiệt hại về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng là không lường hết.

Hậu quả của vấn đề này do tư duy lãnh đạo hàng không quá chậm, không lường được sự phát triển hàng không theo chiến lược hàng không. Lãnh đạo ngành hàng không thiếu tư duy chiến lược theo kiểu nước đến chân mới nhảy”, ông Bá đánh giá.

clip_image002

Ông Trần Đình Bá cho rằng chỉ cần 5-7 năm nữa lượng khách mà Tân Sơn Nhất phải phục vụ sẽ vượt con số 45 triệu hành khách/năm – ảnh nguồn Infonet.

 

Ông Trần Đình Bá khẳng định ủng hộ quan điểm của Chính phủ với hướng chỉ đạo cần nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 43 – 45 triệu hành khách/năm là phù hợp với tốc độ phát triển hàng không trong giai đoạn tới tại Việt Nam.

“Tân Sơn Nhất lớn hơn sân bay quốc tế Changi – Singapore nên hoàn toàn khả thi để nâng cấp, mở rộng. Nếu tận dụng tối đa tiềm năng của Tân Sơn Nhất, tiếp tục mở rộng thì trong tương lai hoàn toàn có thể phục vụ lên tới 80-90 triệu hành khách/năm”, ông Bá khẳng định.

clip_image003

PGS.Nguyễn Thiện Tống: Trước mắt cần mở rộng hết công suất sân bay Tân Sơn Nhất

clip_image004

Điều hành sân bay mà giống bến xe, thiệt hại sẽ rất lớn

Cũng theo ông Trần Đình Bá, chính vì tiềm năng rất lớn của Tân Sơn Nhất, vì thế nếu ai đó nghĩ rằng không nên nghĩ đến chuyện mở rộng, nâng công suất lên quá 40 triệu hành khách/năm vì có thêm sân bay Long Thành là một sai lầm thể hiện tầm nhìn yếu kém.

“Tốc độ phát triển hàng không rất nhanh, chỉ cần 5-7 năm nữa, trước khi có Long Thành thì lượng hành khách sân bay Tân Sơn Nhất phải phục vụ sẽ vượt con số 45 triệu hành khách/năm”, ông Bá dự báo.

Không vội kỳ vọng vào Long Thành

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, nhưng tới nay chưa có báo cáo tiền khả thi.

Các luận chứng kinh tế kỹ thuật của sân bay quốc tế là cực kỳ quan trọng để Quốc hội xem xét, thông qua, đồng thời kiểm tra, giám sát.

Ông Trần Đình Bá lo lắng dự án sân bay Long Thành hiện chưa có giải pháp huy động vốn, trong tình trạng ngân sách đang eo hẹp, nợ công quốc gia tăng vọt thì rất khó để triển khai.

Thậm chí ngay cả đối với việc huy động xã hội hóa cũng không dễ dàng, vì doanh nghiệp cần tập trung vào thế mạnh riêng, còn đầu tư vào Long Thành phải có chiến lược dài, chứ không thể thu hồi vốn nhanh được.

“Triển khai xong các loại quy trình, thủ tục, rồi xây dựng thì cũng phải mất 15 năm nữa sân bay Long Thành mới có thể đưa vào khai thác. Vì vậy phải tập trung nguồn lực để giải cứu cho Tân Sơn Nhất, không vội kỳ vọng vào sân bay Long Thành lúc này”, ông Bá cho hay.

Cũng như nhiều chuyên gia hàng không, ông Trần Đình Bá cho rằng, tiềm năng của Tân Sơn Nhất còn rất lớn vì thế cần nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hết công suất có thể.

“Nếu không tận dụng được hết tiềm năng của Tân Sơn Nhất mà lại tiếp tục vay tiền đầu tư làm mới sân bay Long Thành thì e là thật lãng phí. Mặt khác, chúng ta còn có sân bay Biên Hòa hiện đại cấp 4E ngang với Đà Nẵng chưa dùng tới”, ông Bá đánh giá.

Kết thúc cuộc trao đổi, ông Trần Đình Bá cho rằng, qua vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Cục Hàng không phải thay đổi cả tư duy và tổ chức, lắng nghe ý kiến góp ý chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu tốt cho Bộ trưởng Giao thông vận tải và Chính phủ.

Sau khoảng 5 năm tới đây, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể đạt mốc đón 40 triệu lượt khác/năm, và tăng trưởng lên tới 45 – 50 triệu trong khoảng 5 năm tiếp theo. Vì vậy, cần tư duy theo hướng mở rộng nhu cầu đáp ứng được 50 triệu khách/năm, thậm chí phải cao hơn nữa.

Cùng chung quan điểm với ông Trần Đình Bá, ông Mai Trọng Tuấn – tác giả đường bay vàng cho rằng, ngành hàng không cần nhanh chóng triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo ông Tuấn, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể bằng cách sử dụng dư địa đất đang được sử dụng làm sân golf, sân bóng đá, nhà kho chứa hàng… trở thành điểm đỗ, nhà ga phục vụ hàng không.

“Đúng là sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng quá tải là do ngành giao thông và do điều hành quản lý. Tại sao không mở rộng sân bay vào diện tích đang được cho thuê làm nhà kho chứa hàng, vào diện tích đất sân golf, đất sân bóng đá, hay đó là vùng cấm?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Ông Mai Trọng Tuấn khẳng định, nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ an ninh quốc phòng ở thời kỳ nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Nhưng không thể cứ lấy danh bảo vệ an ninh quốc phòng để giữ đất rồi sử dụng vào việc không cần thiết trong khi đất phục vụ phát triển kinh tế đang thiếu.

Mai Anh

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Ong-Tran-Dinh-Ba-Lanh-dao-Cuc-Hang-khong-phai-thay-doi-tu-duy-post174349.gd

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.