Mẫn Nhi
Tôi nghĩ một lần nữa, chúng ta sẽ phải đồng ý với tác giả Lãng Anh về con đường đấu tranh tốt nhất vẫn là nâng cao dân trí.
Nhà nước nhỏ đi – xã hội lớn dần
Tác giả Lãng Anh trên facebook cá nhân của mình luôn chia sẻ những tâm tư và trăn trở về hiện tình quốc gia. Gần đây, tác giả có bài viết “Minh định về con đường đấu tranh”, trong đó chỉ ra rằng, sự chờ đợi khủng hoảng kinh tế để lật đổ chế độ bằng bạo lực là một sự “ảo tường và ngu đần”, nó xấu xa “không kém độc tài cộng sản”.
Tác giả dẫn chứng rằng, số lượng cuộc cách mạng diễn ra ở các nước tư bản nhiều gấp 2-3 lần các nước độc tài, lý do nằm ở sự tiến bộ về dân trí và nhận thức. Trong khi đó, Việt Nam vẫn thuộc về nền văn hóa “tiểu nông”, với sức trì của bạo lực và đói nghèo. Và chính điều này khiến cho những người cộng sản duy trì quyền lực độc tài hơn nửa thế kỷ, 40 năm vẫn chưa đủ để cho dân tộc này chuyển sang một trang mới là như vậy.
Rồi một ngày, Việt Nam sẽ diễn ra cuộc “cách mạng” tương tự như ở Hong Kong, Đài Loan nếu đáp ứng điều kiện dân trí.
Tôi không muốn nhắc lại thêm về phong trào “Một lá phiếu, một cái tên” mà tác giả Lang Anh đề cập. Tôi muốn nhắc về một xã hội lớn hơn đang được hình thành, xã hội dân sự với sự ý thức và dũng cảm của người dân. Đó là xã hội của sự tự nguyện, của sự tiên phong. Về mặt nghị trường thì có “Phong trào công khai có gì mà ngại” với mục tiêu “Vì một Quốc Hội minh bạch”, cho đến cuộc vận động ứng cử ĐBQH năm 2016 với tiêu chí “Không nên bầu cử cho có, cho xong”; gần đây nhất là chương trình khảo sát và lấy ý kiến về dự thảo Luật Quyền lập Hội của các tổ chức/ nhóm/ cá nhân dân sự đã tác động không nhỏ đến sự cải tiến cho một dự luật sát sườn với quyền tự do của người dân. Ở tầng khác, chúng ta có thể thấy nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn đang ngày đêm “cải tạo” tri thức từ việc biên soạn sách giáo khoa nhân bản hơn – khai phóng hơn, để lớp trẻ tương lai có thể chèo lái quốc gia trên cánh buồm đó. Dưới nữa, là hàng trăm ngàn hội nhóm thiện nguyện, ví như chương trình thiện nguyện mang tên Mùa Én của các bạn sinh viên ngành Marketing (trường ĐH Hoa Sen) nhằm chia sẻ với những mảnh đời vất vả trong cuộc sống,… Tất cả tạo nên một xã hội vô cùng sinh động, nơi hỗ trợ và bổ khuyết xã hội một cách tự nguyện, hoàn toàn không bị chi phối bởi lợi nhuận và nhà nước.
Tôi cho đó là điều đáng mừng, bởi nó biểu hiện rõ nét nhất quan điểm, khi một xã hội tha hoá và chính quyền bất lực thì sự thức tỉnh xã hội sẽ bắt đầu. Nó là quá trình diễn biến mà Chủ nghĩa Mác đã từng đề cập: Nhà nước sẽ nhỏ đi và xã hội sẽ lớn lên.
Vận động xã hội quyến rũ nhà nước
Nhưng quan điểm gốc của sự thức tỉnh là quá trình của “sự vận động” – xã hội càng vận động tinh thần tham chính, đóng góp tự nguyện cho xã hội nhiều bao nhiêu thì sự thức tỉnh càng được lan tỏa bấy nhiêu. Thậm chí, sự vận động đầy thực tế và ý nghĩa của xã hội dân sự cũng quyến rũ cả những quan chức nhà nước, đưa họ vào guồng “sửa lỗi” cho thể chế nhà nước lẫn xã hội. Tất nhiên, nó sẽ không phải là một quy trình sửa lỗi chắp vá, mà ở đây, nó hoàn toàn lâu dài. Vừa qua, Viện Phan Châu Trinh ra đời tại đô thị cổ Hội An, đây là tổ chức văn hóa dựa trên triết lý nhân văn của nhà cải cách Phan Châu Trinh (khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh). Tổ chức này thực hiện tôn chỉ tiếp thu tinh hoa thế giới và phát huy tinh hoa Việt trên tinh thần khai phóng, nhằm hướng đến “con người, xã hội và môi trường”. Nhóm Hội đồng viên không chỉ là những nhân sĩ trong lĩnh vực văn hóa, mà có cả nhóm quan chức đã về hưu như TS. Vũ Ngọc Hoàng – người có những bài viết về chống tha hóa và lợi ích nhóm trong đảng gần đây, hay ông Nguyễn Sự – nhà lãnh đạo có tâm lẫn tầm ở TP. Hội An,…
Sở dĩ tôi phải nhắc về Viện Phan Châu Trinh, vì tôi cho rằng, cải tạo văn hóa – là nòng cốt trong cải tạo con người. Nếu tổ chức này không phải là một tổ chức ra đời để PR cho nhà nước hay tạo một cái nền đẹp cho những người đã từng làm trong khối nhà nước, hay là bình vẽ cho nhà nước thực hiện thứ gọi là “dân chủ giả hiệu” [*] thì nó thực sự rất cần thiết trong xã hội này, và càng nhân rộng ra. Cần nhớ rằng, trong Nghị Quyết số 33-NQ/TW của Đảng cầm quyền hiện nay đã dẫn ra rằng, lĩnh vực văn hóa đã “thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Càng nhiều Viện về cải tạo văn hóa, con người ra đời, thì sẽ tạo một cuộc chạy đua tổng thể trong cải tạo con người.
“Cách mạng Xanh”
Trở lại với vấn đề của tác giả Lãng Anh đề cập, tôi tin rằng, sự vận động của xã hội dân sự sẽ đem lại một cuộc cách mạng ở Việt Nam. Nhưng 2 chữ cách mạng ở đây, đúng như nhà thơ Bùi Minh Quốc, Phó Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam nhấn mạnh rằng, nó “không liên quan gì đến bạo lực, vũ trang lật đổ, mà chỉ nhằm xác định rõ tính chất và mục tiêu đấu tranh tạo nên một chuyển biến chính trị xã hội sâu sắc triệt để từ chế độ độc tài toàn trị hiện hành sang chế độ dân chủ – thiết lập quyền làm chủ thực sự của nhân dân – bằng phương cách ôn hoà, như Cách mạng Xanh”. Điều đó cho thấy rằng, sự vận động của xã hội về mặt văn hóa và nhận thức sẽ thúc đẩy và cho ra đời một “cuộc cách mạng hoà bình, công khai, hợp hiến, hợp pháp” ngay trong lòng chế độ toàn trị.
Cách mạng xanh sẽ đối nghịch với cuộc cách mạng đỏ của những người Cộng sản.
Tôi nghĩ một lần nữa, chúng ta sẽ phải đồng ý với tác giả Lãng Anh về con đường đấu tranh tốt nhất vẫn là nâng cao dân trí. Và ở đó, sẽ không còn chỗ đứng của nền văn hóa tiểu nông và bạo lực cách mạng.
[*] Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh vậy, vì trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An – Quảng Nam) cũng có nhóm người trong hội đồng viên Viện Phan Châu Trinh thành lập, với khẩu hiệu “Canh tân giáo dục”. Nhưng sau nhiều năm hoạt động, trường không những không đạt được nhiều về hiệu quả giáo dục khai phóng, mà càng ngày càng ít sức hút đối với học sinh trong khâu tuyển sinh.
M.N.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/02/vntb-khai-dan-tri-no-hoa-cach-mang-xanh.html