Đọc trên Tuần Việt Nam cháu thấy có bài “Phát ngôn ấn tượng: Vay nợ ư? lo gì, con cháu tài giỏi hơn sẽ trả!” rất hay nhưng không hiểu sao mới vừa đăng lên chưa lâu bài này đã bị gỡ xuống. Nếu có thể cháu muốn Bauxite Việt Nam đăng lại bài đó mà cháu còn giữ được, cho những người chưa kịp đọc.
Và thú thực cháu cũng có một thắc mắc. Trong đoạn sau đây tóm trích lời đại biểu Nguyễn Văn Thuận: “Như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn gọi dự án đường sắt cao tốc là “xa xỉ, ăn chơi“, rằng “Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Không cha mẹ nào lại ăn vào phần con cháu. Không thể quyết một dự án lớn mà không biết bao giờ mới trả nợ được“, rồi “Trách nhiệm của QH thế nào? Chúng ta đã ai tính đến bài học nợ của Hy Lạp chưa? Cả EU bây giờ phải cứu mà không biết có cứu được không. Chúng ta chấp hành ý kiến cấp trên nhưng phải căn cứ vào thực lực. Không thể quyết một dự án lớn thế này mà không biết bao giờ mới trả nợ được“.
Cháu muốn hỏi, cấp trên của Quốc hội là ai? Chẳng phải Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho người dân sao???
Nguyễn Thanh Tiến
Suốt tuần qua, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam “gây sốt” trong nghị trường và ngoài vỉa hè xã hội. Hàng loạt các phát ngôn ấn tượng tuần qua đều liên quan đến đại dự án này. Hãy cùng Tuần Việt Nam điểm lại.
“Tính thế nào cũng rẻ hơn vé máy bay”
Mới đầu hè trời đã nóng nực, dân Hà Nội, dân TP HCM đổ mồ hôi hột chen chúc đi lại trên đường mà vẫn lo ngay ngáy: sợ cúp điện ngang xương, sợ đường tắc, sợ thịt lợn tai xanh, sợ bụi bặm ô nhiễm và sợ ngập lụt dù trời nắng to… Thì đấy, TP HCM nóng 40 độ mà dân vẫn ngụp lặn đó thôi, nguyên nhân thì biết rồi, khổ lắm, nói mãi, là do triều cường.
Nhưng dù sao cũng có cái để mà quên đi đủ thứ lo âu trước mắt: Chính phủ đã có một “món quà” bất ngờ dành tặng cho Quốc hội, cũng có nghĩa là sẽ tặng cho toàn dân: Giấc mơ đường sắt cao tốc.
Đương nhiên, nếu ta có đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới thì khi muốn ra biển hóng gió để trốn nóng ở các thành phố lớn tiện lợi biết bao, nhất là chẳng ảnh hưởng gì mấy tới công việc cũng như tới hòa bình thế giới. Này nhé, thay vì phải chen chúc trong nội đô, ta có thể chơi sang gấp nghìn lần, hết giờ làm thì đi đường sắt cao tốc vào… Thanh Hóa ăn ghẹ, ăn tôm,… rồi lại về Hà Nội đi làm “một ngày như mọi ngày”. Dịp cuối tuần thì có thể vi vu sáng Hà Nội – trưa Đà Nẵng – tối TPHCM, khỏi lo tắc đường, khỏi lo ông điện lực cúp điện ngang xương, khỏi lo bụi bặm!
Nói thì nói thế thôi, bình tâm mà nghĩ lại thì phân vân không biết đồng lương của mình có đủ mua vé tàu cao tốc hiện đại nhất thế giới để chơi ngông như thế không. Có lẽ, chúng ta sẽ chầu rìa quanh vại bia cỏ để nghe kể về cái thú đi tàu cao tốc như nghe kể chuyện cổ tích Andecxen. Mà như thế cũng đã lãng mạn lắm rồi vì mãi 20 năm nữa mới có tàu cao tốc hiện đại nhất thế giới cơ mà.
Giấc mơ nào rồi cũng phải tỉnh và khi đã tỉnh táo hơn một chút thì câu hỏi khó chịu chợt nảy sinh: Vì sao “họ” lại nhiệt tình với đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới đến thế nhỉ? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển có ngay đáp án: “Đây là dự án đón đầu, có tầm nhìn xa. Năm 2030, khi dự án đi vào hoạt động, thu nhập người dân sẽ khác, có thể là 3.000 USD/người chứ không phải 1.000 USD như bây giờ. Vì thế, nếu tính giá vé đường sắt cao tốc, phải tính bằng thu nhập lúc đó. Tính thế nào cũng vẫn rẻ hơn vé máy bay!”
Đúng là tâm huyết của bố mẹ cho tương lai của con cái giống như dự tính vay bà con lối xóm để xây một ngôi nhà đẹp và mốt nhất cho đứa con hôm nay còn đang bập bẹ i tờ. Liệu đứa con này 20 năm nữa có thích ở ngôi nhà mà bố mẹ nó hôm nay cho là đẹp, là vô cùng cần thiết không, nhất là khi chính nó phải trả nợ cho ngôi nhà đó?
Chưa biết kết cục ra sao, chỉ thấy Quốc hội chia làm hai phe rõ rệt, với những phát ngôn xứng đáng xếp hạng ấn tượng tuần này.
Cứ đồng ý chủ trương đi, lợi hại tính sau!
Trước tiên hãy thử điểm danh những nhân vật đình đám của phe ủng hộ. Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng bảo chọn phương án hoành tráng nhất, làm đường sắt cho tốc độ 300 km/h dù chỉ chở được hành khách vì “muốn đi ngay vào hiện đại”. Cứ theo cách suy luận này thì phải rút ra kết luận như sau: Những nước có đường sắt tốc độ 200 km/h (hình như chiếm đa số!), để người và hàng hóa có thể cùng du hành, dứt khoát là không hiện đại! Sự lựa chọn của họ dứt khoát là không khôn ngoan như chúng ta rồi.
Hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ quan điểm này với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức “xui” các ĐBQH hãy cứ thông qua chủ trương rồi Chính phủ sẽ chuẩn bị báo cáo khả thi phân tích hiệu quả kinh tế, phương án huy động vốn, chi phí, giá cả… Theo lời ông Đức thì “Bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể“. Chà, chuyện cưới hỏi chỉ ảnh hưởng đến quan viên 2 họ và nếu 2 họ có chủ trương cưới vợ cho con thì cũng căn cứ trên tuổi hôn nhân hợp pháp mà thôi, phần cơ bản còn lại thì cũng phải hỏi con: mày thích lấy ai? Có thích lấy đứa A con ông B hay đứa C con bà D không?
Nhưng xây đường sắt cao tốc lại là chuyện quốc gia đại sự, so sánh với nhau đã khập khiễng rồi. Cứ giả sử so sánh của ông Thứ trưởng Đức là đúng, thì thử hỏi có gia đình nào cưới hỏi mà lại vay từ A đến Z, nhà nghèo nhưng lại muốn làm đám cưới cỡ đắt ngang kỷ lục thế giới không? Hẳn nhiên câu trả lời sẽ là không.
Tần Thủy Hoàng không quyết liệt thì không có Vạn lý trường thành!
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thì ví việc xây đường sắt cao tốc như một gia đình xây nhà, nếu không đủ thì phải đi vay. Ông trả lời chắc nịch rằng “thời gian vay nợ nhiều của đường sắt là sau năm 2020, nhưng lúc đó nguồn lực kinh tế của ta sẽ khác. Bình quân đầu người của chúng ta bây giờ mới là 1.200 USD, nhưng dự tính trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bình quân thu nhập đầu người của chúng ta năm 2020 là trên 3.000 USD“. Sao thế nhỉ? Cứ theo hứa hẹn của Bộ trưởng Ninh thì kinh tế Việt Nam 10 năm tới phải tăng trưởng với tốc độ hết sức phi mã là 10%/năm, còn cứ mà chưa đến 6% như năm vừa rồi, hay 7, 8% như những năm sáng sủa thì cũng chịu thôi.
Còn rất nhiều lập luận ủng hộ dự án, nghe đâu là từ những ĐB của các tỉnh có đường sắt đi qua, hay những ĐB đã được mời đi tham quan hệ thống đường sắt hiện đại của những cường quốc. Nhưng độc đáo nhất sẽ là phát biểu của Giám đốc công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều: “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?”.
Tần Thủy Hoàng mà nghe thấy so sánh này, không biết ông ta sẽ nổi giận đến mức nào? Ngày xưa ông làm Vạn lý trường thành, nào có phải để phục vụ những thượng khách VIP. Cái thời chiến tranh liên miên ấy, Vạn lý trường thành là tường thành vững chắc để nước Tần khỏi phải chịu họa từ phương Bắc thôi. Ai mà biết sau này lại có người vác tường thành của ông ra để lập luận như thế bao giờ?
Con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ trả nợ?
Bàn chuyện xây đường sắt cao tốc là bàn chuyện đi vay, đã vay thì phải trả nợ. Lại là lời của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: “Khi nào chạm mức an toàn là do mình lựa chọn thôi. Chính phủ đã lựa chọn giới hạn là 50% GDP, cũng tùy tiềm năng kinh tế mà có nước chọn mức cao hơn. Vấn đề là phải trả được nợ. Vay ít mà không trả được thì vẫn vỡ nợ như thường“.
Phải công nhận Bộ trưởng nói đúng quá, trả được thì vay bao nhiêu mà không được? Vấn đề là ai dám chắc sẽ trả được? Chưa có đường sắt cao tốc mà dư nợ của Chính phủ đến cuối năm 2009 đã là 41.9% GDP, trước mắt thấy hàng loạt dự án “xa xỉ”: nào quy hoạch Hà Nội 90 tỷ USD, điện hạt nhân 12 tỷ USD, giờ lại đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, không hiểu phải lên đến bao nhiêu %?
Lại phải trích phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay“. Nói dại, lỡ thế hệ con cháu không tài giỏi hơn thì phải làm sao nhỉ? Sao các bác, các chú cứ bắt con cháu phải là thiên tài như thế? Không chỉ phải tài cỡ đoạt giải Nobel mà phải có tài trả nợ thay cho các bác các cô các chú mà các bác các cô các chú lại chẳng cần biết con cháu có muốn hưởng thụ những gì các bác, các chú để lại không?
Hình như, đã muốn ủng hộ thì không khó khăn gì để đưa ra rất nhiều lập luận “tô hồng”, toàn những nhận định về tương lai xa thật là xa, đến lúc đó chẳng may có sai thì cứ xuống suối vàng mà tìm các bác các chú để trách cứ thoải mái.
Cũng hơi băn khoăn chút, chẳng thấy truyền thông nhắc đến Bộ trưởng nào phản đối dự án đường sắt cao tốc cả? Tiếc quá, không hiểu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội sẽ nghĩ gì, có lạc quan được như hai vị Bộ trưởng kia không?
Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ bàn đề xuất của Chính phủ sắp hết nhiệm kỳ!
Chỉ biết, vẫn còn rất nhiều ý kiến phản biện mạnh mẽ không chỉ từ các ĐBQH mà từ rất nhiều các chuyên gia độc lập phân tích về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, tác động xã hội, thậm chí từ cả Nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải Đào Đình Bình.
Như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn gọi dự án đường sắt cao tốc là “xa xỉ, ăn chơi”, rằng “Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Không cha mẹ nào lại ăn vào phần con cháu. Không thể quyết một dự án lớn mà không biết bao giờ mới trả nợ được“, rồi “Trách nhiệm của QH thế nào? Chúng ta đã ai tính đến bài học nợ của Hy Lạp chưa? Cả EU bây giờ phải cứu mà không biết có cứu được không. Chúng ta chấp hành ý kiến cấp trên nhưng phải căn cứ vào thực lực. Không thể quyết một dự án lớn thế này mà không biết bao giờ mới trả nợ được”.
Ấy ấy, ĐB Thuận nói thế có “xui” cho dự án của quốc gia quá không nhỉ? Chưa gì đã dọa Việt Nam phải học bài học từ Hy Lạp. Không lẽ ông Thuận không tin tưởng vào thế hệ con cháu của ông sao? Nhưng nghĩ lại thì “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, Hy Lạp lao đao còn được EU cứu, không biết nếu Việt Nam lao đao thì ai sẽ cứu Việt Nam?
Xuất sắc nhất, tỉnh táo nhất và trúng vấn đề nhất phải là phát ngôn rất thẳng thắn của ĐBQH Dương Trung Quốc: “Sao chúng ta lại phải vội vã khi đây là những kỳ họp cuối cùng của Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ, bàn về đề xuất của Chính phủ cũng sắp hết nhiệm kỳ?”. Đơn giản thế sao không ai để ý nhỉ? Hay vì đơn giản nên chẳng ai cần để ý? Hay vì Chính phủ sắp hết nhiệm kỳ nên mới phải ép Quốc hội, với hy vọng Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ sẽ “chặc lưỡi” thông qua. Chịu, chẳng dám kết luận gì, đành chờ xem Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ sẽ quyết thế nào vậy.