Vì sao Trần Huỳnh Duy Thức ‘không muốn sống lưu vong’?

BBC

Một tù nhân chính trị của Việt Nam bị kết án 16 năm với 7 năm đã thi hành án, quyết định ‘không đổi lưu vong lấy tự do’, gia đình của ông chia sẻ với truyền thông sau chuyến thăm Tết tại nhà tù với tù nhân này hôm mùng Hai tết Đinh Dậu

clip_image001

Ông Trần Huỳnh Duy Thức (trái) hiện đang thi hành bản án tù 16 năm và đã trải qua bảy năm ở trong tù.

“Anh ấy nói với gia đình đừng có nói cái chuyện đi nữa. Anh nói sự thay đổi sẽ rất là nhanh chóng mà không có gì ngăn cản sự thay đổi đâu. Anh rất kiên định trong vấn đề anh ở lại, không có đi tị nạn”, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em ruột của tù nhân chính trị được đài VOA tiếng Việt trích dẫn hôm 02/2, nói.

Ông Thức là tù nhân duy nhất trong vụ án ‘Lê Công Định và những người khác’ vẫn còn ở lại trong tù, các thành viên khác là các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung đã được trả tự do trong những khoảng thời gian khác nhau.

Không, tôi không nghĩ việc này là một sự lãng phí đâu. Bởi vì anh Thức đã trở thành một biểu tượng đấu tranh cho các lớp người tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Và việc anh không chấp nhận sự thỏa hiệp với đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, nó là một thông điệp cực kỳ mạnh mẽ – Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng

Bình luận với BBC hôm thứ Sáu, 03/2 về nguyên nhân và tính ‘đúng đắn’ hay không của quyết định của ông Thức, người đang thụ án tù ở trại giam số 6 Bộ Công an ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà vận động nhân quyền, từ Hà Nội nói với BBC:

“Cho đến bây giờ, tôi, báo chí, hay những người khác đều quan sát sự kiện của anh Thức theo tư thế của người ngoài, còn chính anh Thức hiểu hơn ai hết là cái gì tốt nhất cho anh ấy và chúng ta hãy cùng nhau tôn trọng sự lựa chọn đó”.

“Tuy nhiên về phía tôi chẳng hạn, nếu tôi đặt địa vị mình vào trong địa vị của anh Thức, thì tôi cũng sẽ chọn con đường tiếp tục đấu tranh”, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói.

‘Không hề lãng phí’

Có ý kiến cho rằng ông Trần Huỳnh Duy Thức là một thương gia có xuất thân ‘kỹ trị’ và ông cũng có thể lựa chọn một cách khác để sớm được trả tự do nhằm theo đuổi các con đường khác ‘có lợi hơn’, ‘ít lãng phí’ thời gian hơn, qua đó, ông có thể phát huy, phục vụ cộng đồng, xã hội tốt hơn là khi ‘ở trong tù’ như hiện nay.clip_image003

Nhà hoạt động, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng từ Việt Nam cho rằng ông Trần Huỳnh Duy Thức không hề lãng phí thời gian khi chọn hình thức đấu tranh như hiện nay ở trong nhà tù

Bình luận về điều này, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC hôm thứ Sáu:

“Tôi không nghĩ việc này là một sự lãng phí, bởi vì anh Thức đã trở thành một biểu tượng đấu tranh cho các lớp người tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”.

“Việc anh không chấp nhận sự thỏa hiệp với Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, nó là một thông điệp cực kỳ mạnh mẽ”.

“Nó tác động, ảnh hưởng rất lớn đến những người đấu tranh để người ta thấy rằng mình sẽ có thể rơi vào con đường trong tù như anh Thức và sẵn sàng hy sinh để đấu tranh cho tương lai của đất nước Việt Nam,” Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC từ Hà Nội.

Việc anh Thức cương quyết từ chối đi tị nạn chính trị đã được biết đến rộng rãi từ lâu và cũng không có gì bất ngờ. Đối với cá nhân anh Thức thì chắc chắn anh ấy phải tin đây là quyết định đúng. Riêng đối với tôi là người cũng từng trải qua cảnh tù đày và trong cùng vụ án với anh Thức thì tôi không muốn ai phải ở trong tù vì lý do chính trị hay tư tưởng – Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung

‘Không có gì bất ngờ’

Từ Sài Gòn, Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một thành viên cùng vụ án với ông Trần Huỳnh Duy Thức trong vụ án Lê Công Định và những người khác, bình luận về ‘quyết tâm’ của ông Trần Huỳnh Duy Thức và bàn về tính đúng đắn, hợp thời của quyết định này.

Thạc sỹ Trung qua một email cho BBC hay: “Việc anh Thức cương quyết từ chối đi tị nạn chính trị đã được biết đến rộng rãi từ lâu và cũng không có gì bất ngờ. Đối với cá nhân anh Thức thì chắc chắn anh ấy phải tin đây là quyết định đúng. Riêng đối với tôi là người cũng từng trải qua cảnh tù đày và trong cùng vụ án với anh Thức thì tôi không muốn ai phải ở trong tù vì lý do chính trị hay tư tưởng”.

“Do đó, tôi vẫn mong muốn anh Thức được tự do dù phải xa Việt Nam. Nhưng tôi tôn trọng quyết định của anh Thức”.

Trước câu hỏi liệu ông Thức có thể chưa có thông tin đầy đủ về thay đổi chính quyền và chính sách ở nước Mỹ, một quốc gia phương Tây từng đi đầu trong hỗ trợ cho dân chủ, nhân quyền ở quốc tế, và rằng giả thiết trong trường hợp ông biết đầy đủ, thì ý kiến của ông Thức có thể sẽ ra sao, Thạc sỹ Trung bình luận:

“Tôi không nghĩ là anh Thức có đầy đủ thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Trong tù thì anh Thức chỉ được đọc các báo của Đảng Cộng sản như Nhân dân, ngoài ra thì mỗi tháng gặp gia đình một tháng thì người nhà cũng không thể nói hết về tình hình diễn biến bên ngoài được”.

“Tuy nhiên, ngay cả khi anh Thức có đầy đủ thông tin về Việt Nam và thế giới thì tôi tin anh Thức vẫn sẽ lựa chọn ở lại đất nước. Đơn giản là việc dân chủ hóa đất nước là việc của người dân Việt Nam, dù tình hình bên ngoài có diễn biến thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn cần phải dân chủ hóa. Đó là nhu cầu cấp thiết của quốc gia, là đòi hỏi cấp bách của thời đại”.

Ông Nguyễn Tiến Trung cũng cho rằng: “Việc Tổng thống Trump thắng cử với khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ cho thấy chính quyền của ông sẽ chú tâm vào các vấn đề cấp thiết của nước Mỹ hơn là thế giới. Do đó, tôi nghĩ chính quyền của Tổng thống Trump sẽ chỉ chú tâm một cách chừng mực về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam”.

“Dù sao thì nhân quyền ở Việt Nam chỉ được tôn trọng khi người dân Việt Nam đoàn kết để hiện thực hóa quyền làm chủ của mình trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân. Quyền làm chủ đất nước đó không thể đến từ bên ngoài như từ chính quyền Mỹ được”.

“Vấn đề bây giờ là lực lượng chính trị nào có thể đứng ra đàm phán với Đảng Cộng sản? Đến giờ phút này chúng ta chưa thấy được tổ chức chính trị nào đủ tầm để sẵn sàng tham chính. Chính trị phải nói tới lực lượng và tổ chức chứ một cá nhân không thể nào gây ảnh hưởng tới chính trị quốc gia”.

“Do đó, tôi tin rằng khi có tổ chức chính trị đủ đông, đồng nhất và có đường hướng ôn hòa, bao dung, đoàn kết, hợp tác xây dựng thì lãnh đạo Đảng Cộng sản sẽ buộc phải ngồi xuống để đàm phán đưa đất nước đi tới, bắt đầu từ một bản Hiến pháp chuẩn mực của toàn dân”, ông Nguyễn Tiến Trung nói.clip_image005

Ba người trong cùng vụ án với ông Trần Huỳnh Duy Thức là các ông (từ trái sang phải) Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long đã được trả tự do

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38858815

Xem thêm:

Trần Huỳnh Duy Thức vẫn không chịu đổi lưu vong lấy tự do

Người Việt

clip_image006

Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong phiên tòa mà ông bị tuyên án 16 năm tù giam. (Hình: Getty Images)

NGHỆ AN (NV) – Ðó là tin mới nhất liên quan đến ông Trần Huỳnh Duy Thức, 51 tuổi, bị kết án 16 năm tù với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Thức đã ở tù gần tám năm.

Cha, vợ con, chị em ông Thức vừa từ Sài Gòn ra trại giam số 6 của Bộ Công an Việt Nam ở Nghệ An gặp ông hôm 29 Tháng Giêng, 2017.

Trong cuộc gặp mặt kéo dài một giờ, thân nhân của ông Thức tiếp tục đề cập đến trường hợp ông Ðặng Xuân Diệu, 37 tuổi (từng bị kết án 13 năm tù, cũng với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” đã được phóng thích sau 5 năm rưỡi bị giam để sang Pháp chữa bệnh) như một trường hợp để ông Thức tham khảo nhưng ông Thức cự tuyệt.

Theo lời em trai ông Thức, thì ông không muốn gia đình đề cập đến chuyện “đổi lưu vong lấy tự do” vì Việt Nam sẽ sớm thay đổi và không gì có thể cản được điều đó.

Năm ngoái, ông Thức từng từ chối sang Hoa Kỳ tỵ nạn.

Ông Thức là một Kỹ sư về công nghệ thông tin. Năm 1993 là người sáng lập thương hiệu máy tính EIS. Nhờ phẩm chất tốt, giá rẻ, máy tính EIS trở thành một thương hiệu được người tiêu dùng ở Việt Nam tín nhiệm.

Năm 1994, ông Thức cùng ông Lê Thăng Long thành lập Công ty tin học Duy Việt. Khi Internet bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, công ty này giới thiệu công nghệ truy cập digital thay cho công nghệ truy cập analog qua đường dây diện thoại nên thắng nhiều gói thầu mở rộng hạ tầng Internet tại Việt Nam.

Năm 2000, Công ty tin học Duy Việt đổi tên thành công ty EIS, chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu với dịch vụ mang tên One Connection, gồm ba chi nhánh, một ở Việt Nam, một ở San Jose (Hoa Kỳ), một ở Singapore và đặc biệt thành công tại Singapore.

Tuy là một trong những công ty công nghệ thông tin hiếm hoi của Việt Nam đầu tư ra ngoại quốc và rất thành công nhưng tại Việt Nam, EIS liên tục bị chính quyền Việt Nam gây khó dễ. Tháng Ba năm 2009, Sở Thông tin Truyền thông của thành phố Sài Gòn ra lệnh cho EIS ngưng cung cấp dịch vụ One Connection. EIS loan báo sẽ kiện cơ quan này ra tòa hành chính ở Sài Gòn và tại Singapore.

Ngày 24 Tháng Năm năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc “Trộm cắp cước viễn thông”. Sau đó, các ông Lê Thăng Long, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung lần lượt bị bắt.

Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông là blogger Trần Ðông Chấn với blog mang tên “Change we need”.

Xuất hiện trên Internet vào khoảng cuối năm 2008, chỉ trong vòng một vài tháng, blog “Change we need” của blogger Trần Ðông Chấn gây rúng động dư luận Việt Nam vì những phân tích sắc sảo về hiện tình chính trị, những cảnh báo được nhiều người đồng tình về việc phải nhanh chóng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, những dự báo về các nguy cơ đủ mặt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và đặc biệt là hiểm họa tiềm ẩn trong quan hệ Việt-Trung.

Không chỉ dân chúng, trí thức mà ngay cả cán bộ, đảng viên, viên chức trong chính quyền cũng bày tỏ sự tán thành những phân tích, nhận định và dự báo này của blogger Trần Ðông Chấn trên blog “Change we need”.

Ðó cũng là lý do ông Thức chính thức bị truy tố và bị phạt tù vì “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”!

Cuối Tháng Giêng năm 2010, tại phiên xử sơ thẩm ông Thức và ba người bạn, Tòa án Tối cao của Việt Nam phạt ông Thức 16 năm tù. Ông Nguyễn Tiến Trung bị phạt 7 năm tù, ông Lê Công Ðịnh và ông Lê Thăng Long cùng bị phạt mỗi người 5 năm tù. Ðến Tháng Năm năm 2010, khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao của Việt Nam chỉ giảm án cho ông Lê Thăng Long từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng tù.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tran-huynh-duy-thuc-van-khong-chiu-doi-luu-vong-lay-tu/

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.