Ba nước lớn có ba lãnh tụ theo dân tộc chủ nghĩa là Nga, Tàu và Mỹ.
Nga hơn 20 năm trước lẫy lừng với Liên Bang Xô Viết Mác-Lê tan rã, đánh mất danh vị cường quốc hàng đầu thế giới, đang nuối tiếc và hoài vọng, muốn lập lại địa vị cũ dưới sự lãnh đạo của Putin, một cựu trung tá mật vụ KGB, nhiều thông minh và cũng nhiều tham vọng, thủ đoạn, tàn ác, bằng mọi cách phải đạt cho tới mục tiêu.
Trung Quốc hàng ngàn năm trước – từ thời nhà Hán, nhà Đường – đã từng là một đế quốc lớn thời cổ, về sau suy thoái, hết bị Mông Cố chiếm ít lâu thì lại bị Mãn Châu thu tóm lập ra nhà Thanh cai trị từ 1.644 đến 1.911 (267 năm) mới thoát để lập ra Trung Hoa Dân Quốc.
Trong khi đó thì các nước châu Âu phát triển công nghệ trở nên hùng mạnh, liên kết tám nước gọi là Bát Quốc Liên Quân gồm Anh, Nga, Đức, Pháp, Bồ…tới đánh chiếm, xâu xé nước Trung Hoa: Đông Tam Tỉnh, quần đảo Đài Loan, Bành Hồ thuộc Nhật; Hồng Kông, Thượng Hải thuộc Anh; Ma Cao thuộc Bồ; Pháp, Nga đều có phần.
Cuộc chiến tương tàn Quốc – Cộng kết thúc năm 1949, Trung Quốc Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Mao (cũng như các nước Cộng sản khác) lạc hậu, suy kiệt, nghèo đói. Phải đợi đến khi Mao chết, Đặng tiểu Bình lên thay mở cửa mời gọi Tư Bản từ Âu, Mỹ, Á đem tiền bạc, kỹ thuật, máy móc vào lập cơ sở sản xuất trở nên khấm khá được khoảng hơn 10 năm thì lại bị khủng hoảng kinh tế năm 2008 bắt đầu từ Mỹ lan ra khắp thế giới làm kinh tế Trung Quốc suy trầm liên tiếp gần 10 năm nay chưa gượng dậy được. Ông Tập cận Bình lên thay Hồ cẩm Đào cuối năm 2011 phải gánh một di sản nặng nề: Chính quyền tham nhũng, cướp bóc đất đai, nhà cửa của người dân, sưu thuế nặng, xí nghiệp đóng cửa, vỡ nợ, nhân công thất nghiệp, biểu tình, bạo loạn khắp nơi, trong những năm 2010, 2011, 2012 hơn 180.000 vụ một năm. Tập một mặt mở chiến dịch chống tham nhũng, một mặt kích động chủ nghĩa dân tộc bằng “Giấc mơ Trung Quốc” ru ngủ người dân qua việc đẩy mạnh tranh chấp quần đảo Senkaku với Nhật, chiếm các bãi đá trên quần đảo Trường Sa để bồi đắp thành các căn cứ quân sự.
Nước Mỹ trở nên đại cường quốc sau thế chiến thứ hai và lãnh đạo thế giới Tự Do đối đầu với chủ nghĩa Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo cho đến khi đế quốc Cộng sản Liên Xô tan rã.
Nhưng vì hai cuộc chiến ở Afganistan và Irak, nước Mỹ nợ nần chồng chất, ngân sách thiếu hụt và vì các nhà máy đua nhau đem sang Trung Quốc sản xuất với tiền công rẻ mạt rồi đem về nước tiêu thụ. Đang từ một nước sản xuất và xuất cảng hàng hóa biến thành một nước tiêu thụ. Thị trường rộng lớn của Mỹ giao toàn bộ cho Trung Quốc. Từ cây tăm, cái kim, sợi chỉ, quần áo cho tới máy móc (TV, Computer, phụ tùng xe hơi) tràn ngập các cửa hàng từ nhỏ tới lớn ở Mỹ: Walgreen, Radio Sack, Target, Best Buy, Walmart…
Hậu quả là thuế sản xuất, thuế xuất cảng bị mất, dân trong nước không có việc làm, nạn thất nghiệp cao, công nghệ thu hẹp chỉ đóng góp có 12% tổng lợi tức quốc gia (GDP), 70% kinh tế Mỹ dựa vào thương mại. Thâm hụt Thương Mại năm 2014 là 508 tỉ usd, năm 2015 tăng lên 540 tỉ, trong đó thâm hụt với Trung Quốc chiếm khoảng 300 tỉ (năm 2014 Mỹ bán cho Trung Quốc 134 tỉ, mua của Trung Quốc 432 tỉ) . Bán ra ít mua vào nhiều tức thu ít, chi nhiều làm cho Mỹ mắc nợ như chúa Chổm mà chủ nợ lại chính là Trung Quốc. Tình trạng này làm nội lực của nước Mỹ yếu đi và sẽ dần dần bị suy kiệt.
Trump, Putin, Tập cận Bình cả ba đều muốn làm cho Mỹ, Nga, Tàu của họ trở thành nước đứng đầu thế giới, tất nhiên phải bành trướng sức mạnh của mình để đè bẹp những nước khác. Nên Nga, Tàu thân nhau chỉ là chiến thuật chính trị; Trump, Putin ca tụng nhau cũng vậy thôi – chẳng tử tế gì, đều là mạt cưa mướp đắng cả.
Khi ra ứng cử Tổng Thống, khẩu hiệu của ông Trump là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make American Great Again) và tố cáo Trung Quốc hiếp đáp nước Mỹ, hạ giá thấp đồng Nhân dân tệ để chận hàng Mỹ bán vào Trung Quốc.
Để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, Tổng Thống Obama đã xoay trục các lực lượng Mỹ về châu Á-Thái Bình Dương và cho tàu chiến Mỹ tuần tra thường xuyên ở Hoàng sa, Trường Sa. Trong thời gian tranh cử, ông Trump gần như không đề cập đến vấn đề quân sự mà chỉ nhấn mạnh đến cuộc chiến kinh tế: đánh thuế thật năng (45%) trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc và đem công việc từ Trung Quốc về cho công nhân Mỹ.
Sau khi đắc cử Tổng Thống, dù chưa tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã bắn phát súng lệnh đầu tiên khi dàn xếp cuộc nói chuyện với nữ Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan, vi phạm nguyên tắc cốt lõi “Một Nước Trung Quốc” mà chính quyền Trung Quốc đòi hỏi những nước muốn giao dịch với họ phải công nhân (Đài Loan đang độc lập phải là một tỉnh của Trung Quốc, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông bị Trung Quốc xâm chiếm là những tỉnh thuộc Trung Quốc và bây giờ đang là Biển Đông trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, biển Hoa Đông trong đó là quần đảo Sankaku của Nhật). Hành động thứ hai chuẩn bị cho cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc là khi thành lập chính phủ, ông Trump đã đưa vào toà Bạch Ốc những nhân vật cốt cán cho cuộc chiến này:
– Thứ nhất: Chủ tịch Hội Đồng Thương Mại là giáo sư Peter Navarro, một người quyết liệt chống Trung Quốc, ông đã viết nhiều cuốn sách tố cáo những phương cách làm ăn, buôn bán gian dối, bất công của nước này. Cuốn “Death by China” rất nổi tiếng được dịch và phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có bản tiếng Việt.
– Thứ hai: Trưởng Đại diện Thương Mại Mỹ là luật sư Robert Lighthizer, một người thường hay chỉ trích Trung Quốc, ông từng làm Phó Đại diện Thương Mại thời Tổng Thống Reagan.
– Thứ ba: trong giới thân cận của ông Trump có những người thân Đài Loan và chống Trung Quốc: Reince Priebus, cựu chủ tịch đảng Cộng Hoà, Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc và Stephan Yetes, chủ tịch đảng CH tiểu bang Idaho, họ dẫn một phái đoàn đến thăm Đài Loan một tuần lễ sau khi ông Trump đắc cử.
– Thứ tư: mặt trận chính trị và quân sự. Ông Rex Tillerson trong buổi điều trần tại Thượng Viện ngày 12-1-2017 để được chuẩn y chức ngoại trưởng cho rằng Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại Biển Đông là phi pháp và “Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các đảo và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo này”. Về quân sự, ứng viên Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tướng Mattis trình bày trước Thượng Viện rằng Trung Quốc cũng như Nga và Nhà Nước Hồi giáo (IS) là ba thách thức mà nước Mỹ phải đối phó. Quân đội là lực lượng mà ông Trump khi tranh cử đề nghị tăng cường ngân sách thêm 100 tỷ USD/năm để tăng quân số và nhất là chiến hạm. Quân đội mạnh sẽ yểm trợ cho chính sách ngoại giao và kinh tế của ông ta, nhất là đối với Trung Quốc đang hung hăng bành trướng ở Biển Đông.
Sau phát súng lệnh ông Trump bắn ra khi nói chuyện với TT Thái Anh Văn của Đài Loan, Trung Quốc đã cho máy bay chiến lược ném bom nguyên tử H-6 hai lần bay vần vũ ở Biển Đông để thị uy và HKMH Liêu Ninh hết tập trận bắn đạn thật ở biển Bột Hải lại vòng qua quần đảo Đài Loan uy hiếp rồi tới tập trận ở Biển Đông. Ngoài ra, báo chí do chính quyền Trung Quốc điều khiển hăm doạ sẽ trả đũa Mỹ như không mua máy bay Boeing, không cho hãng xe GM bán xe sang Trung Quốc, tẩy chay hàng hoá, dịch vụ của các nhà kinh doanh Mỹ ở Trung Quốc như cà phê Starbuks (2.500 quán), nhà hàng Mac Donald (khoảng 1.500 cửa hàng) . Trên thực tế, Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ bằng cách phạt chi nhánh GM ở nước này ngày 24-12-2016 29 triệu USD với tội “độc quyền về giá”, còn Mac Donald ngày thứ hai, 9-01-2017 công bố bán các nhà hàng, rút vốn hơn 2 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc.
Cuộc so găng đã bắt đầu ngay từ khi ông Trump chưa nhận chức! Chúng ta hãy chờ xem ông Trump, một người được coi là có tính bốc đồng, làm được những gì, làm được tới đâu và cuộc chiến kinh tế, quân sự giữa Mỹ – Trung Quốc thực sự xẩy ra như thế nào, gay cấn ra sao. Wait and see!
P.Đ.N.
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2017/01/ong-trump-chuan-bi-cuoc-chien-voi-trung.html