(Cali today)
Đó là câu hỏi của đông đảo người dân trong nước sau khi Bộ Tài chính cho biết dự kiến sẽ tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên đến 8,000 đồng/lít. Con số này thực sự khiến người dân bàng hoàng khi mà trên thế giới rất ít quốc gia áp dụng loại thuế này.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, thuế môi trường đối với xăng dầu đã liên tục tăng. Tháng 3/2015, Quốc hội CSVN quyết định cho tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên 300%, từ 1,000 đồng/lít tăng lên 3,000 đồng/lít.
Cuối tháng 3/2016, thuế môi trường xăng dầu lại tăng thêm 1,000 đồng/lít. Cứ mỗi lít xăng dầu người dân phải cõng thêm 4,000 đồng thuế môi trường. Nhưng lần này mới là đỉnh điểm khi thuế môi trường có thể sẽ thành 8,000 đồng/lít.
Trên tờ Người Lao Động cho biết, việc tăng thuế môi trường là nhằm cứu vãn ngân sách, khi mà ngân sách quốc gia đã trở nên cạn kiệt, chính quyền bắt đầu chính sách tận thu.
Giá xăng ở Việt Nam cao hơn rất nhiều nước trên thế giới, ngoài việc phải cõng thuế môi trường, cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm rất nhiều thứ thuế, phí khác. Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới.
Tiền thuế của người dân được dùng để làm gì? Đó là một câu hỏi không khó để trả lời, nó dùng để nuôi bộ máy chính quyền độc tài Cộng sản. Vì thực tế cho thấy rằng, môi trường ở Việt Nam ngày càng ô nhiễm. Liên tục trong nhiều năm qua rất nhiều vụ biểu tình của người dân liên quan đến vấn đề môi sinh do ô nhiễm. Người dân đòi hỏi phải sống trong môi trường sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Đó là quyền chính đáng của người dân.
Lãnh đạo chính quyền luôn nói, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Song, bầu không khí ô nhiễm ở trong nước hiện nay phủ nhận tất cả những lời nói của họ. Từ thảm họa môi trường do Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, đến cho nhà máy thép hoạt động trên thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam), rồi cá chết hàng loạt trên sông Đắk Yao do nhà máy nhôm Nhân Cơ (Đắk Nông) của chủ đầu tư Trung Quốc xả chất độc. Chính quyền sẵn sàng bán môi trường để đổi lại những đồng Dollar xanh.
Trong một chế độ không có sự minh bạch thì từng đồng thuế của dân không biết lọt vào tay ai. Những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân rất dễ trở thành tòa biệt thự, chiếc siêu xe hay những căn nhà do quan chức chính quyền mua ở nước ngoài.
Số tiền thu được từ việc đánh thuế môi trường là rất lớn. Hiện nay, cứ mỗi ngày người dân trong nước tiêu thụ khoảng 37,5 triệu lít xăng, lấy con số ấy nhân lên với 8,000 đồng sẽ ra con số kinh khủng.
Trong vài năm qua, nền kinh tế của Việt Nam rất bết bát, mỗi năm có đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Ngân sách từ đó mà bị thâm thủng do phải nuôi bộ máy quá cồng kềnh. Từ việc đó, lãnh đạo Việt Nam liên tục đi vay mượn các quốc gia trên thế giới. Trong khoảng 9 tháng đầu năm 2016, chính phủ Việt Nam đi vay được 16 tỷ Mỹ kim, thì hết 12 tỷ dùng để trả nợ.
Việc tăng thuế môi trường sẽ càng làm cho nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn vì chẳng thể cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác, do chi phí bỏ ra nhiều hơn.
Song, có một điều chắc chắn rằng, một khi dự thảo này được đưa ra nó sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua. Vì chỉ có tăng thuế mới có tiền duy trì bộ máy khỏi bị sụp đổ. Người dân trở thành con bò sữa để chính quyền CSVN vắt cho đến khi kiệt quệ.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/01/tien-thue-moi-truong-e-lam-gi.html