Việt Nam đứng đầu ASEAN về bỏ tù người cầm bút

clip_image002

Nhà báo tự do Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (trái) và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy ra tòa ở Hà Nội hồi năm ngoái. (Hình: AFP/Getty Images)

NEW YORK (NV) – Việt Nam là nước bỏ tù nhiều người nhất ở Ðông Nam Á chỉ vì họ dùng mạng thông tin toàn cầu phát biểu ý kiến hoặc đưa thông tin ngược với chủ trương tuyên truyền của nhà cầm quyền.

Trong bản thông kê đầu năm của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả quốc tế CPJ (Committee to Protect Journalists) có trụ sở ở New York, tổ chức này nêu ra con số thống kê ít nhất có 259 người cầm bút trên thế giới đã bị nhà cầm quyền các nơi bỏ tù khi người ta sử dụng quyền tự do phát biểu, tự do thông tin, tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2016.

clip_image003

Việt Nam là một nước độc tài đảng trị, hệ thống thông tin truyền thông nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của nhà nước. Những người làm trong các cơ quan truyền thông báo chí và được cấp thẻ hành nghề trong chế độ đều là những người lãnh lương, phục vụ cho nhu cầu tuyên truyền một chiều của chế độ.

Những ai muốn đưa tin tức khác, hoặc phát biểu ý kiến gì đều phải sử dụng các trang mạng xã hội. Họ phải tìm cách “leo rào”, vượt qua các tầng nấc ngăn chặn tường lửa của nhà cầm quyền.

Theo thống kê của CPJ, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có số nhà báo bị giam giữ nhiều nhất với 81 người mà có người tin rằng con số đó còn cao hơn nhiều nữa. Trung Quốc là có số nhà báo bị tù đày nhiều thứ hai với khoảng 38 người. Xếp hạng thứ ba là Ai Cập với ít nhất 25 nhà báo đang bị giam giữ và 12 nhà báo bị giết kể từ năm 1992.

Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực Ðông Nam Á, với ít nhất 8 nhà báo đang bị cầm tù. Tiếp theo là Myanmar (2), Singapore (2) và Thái Lan (1).

Những người cầm bút tại Việt Nam bị chế độ vu cho các tội danh từ “Tuyên truyền chống nhà nước…” đến “Hoạt động lật đổ”, thậm chí cả tội “Gây rối trật tự công cộng…” hoặc “Trốn thuế” nhằm biện minh cho việc bỏ tù người ta không ngoài mục đích bịt miệng họ.

Danh sách CPJ nêu ra đầu năm nay với 8 người còn đang bị giam cầm gồm:

1. Trần Huỳnh Duy Thức (bị bắt tháng 5, 2009)

2. Ðặng Xuân Diệu (bị bắt tháng 7, 2011)

3. Hồ Văn Hòa (tháng 7, 2011)

4. Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (tháng 5, 2014)

5. Nguyễn Thị Minh Thúy (tháng 5, 2014)

6. Nguyễn Ðình Ngọc (tháng 12, 2014)

7. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bị bắt tháng 10, 2016)

8. Hồ Văn Hải (bị bắt tháng 11, 2016).

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Bác sĩ Hồ Hải hiện chưa biết ngày nào bị đưa ra tòa lãnh án trong khi những người khác đều bị áp đặt các bản án rất nặng. Nặng nhất là Trần Huỳnh Duy Thức với 16 năm tù, Ðặng Xuân Diệu và Hồ Văn Hòa với 13 năm tù.

Tuy Hiến pháp CSVN công nhận người dân có đủ mọi thứ quyền tự do căn bản như quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do hội họp, biểu tình nhưng lại đề ra các điều luật hình sự siết các quyền này lại trong những từ ngữ mơ hồ. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã thường xuyên tố cáo nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền, làm ngược lại các cam kết quốc tế.

Bản phúc trình nhân quyền và tự do tôn giáo thế giới hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luôn luôn nêu ra các trường hợp cụ thể về tình trạng vi phạm nhân quyền của Hà Nội. (TN)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-dung-dau-asean-ve-bo-tu-nguoi-cam/

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.