Hành động để đường phố thành địa điểm: Làm sao chánh quyền làm được chuyện đó?

Project for Public Spaces, 15 tháng 1 năm 2016

Nguyễn Chính Đại dịch

Sau nhiều thập niên đặt ưu tiên cho lưu thông thông suốt và xe cộ trên đường phố của chúng ta, chánh quyền đã bắt đầu nhận ra cái vai trò rộng lớn mà đường phố có thể và phải đóng trong các đấu trường công cộng như thương mại, xã hội hóa, kỷ niệm cộng đồng và giải trí.

Một trong những sách hướng dẫn mới mẻ đầu tiên của chánh quyền hiện đại trong lãnh vực này, Sổ tay Đường phố [Manual for Streets] của Liên hiệp Anh, ấn hành năm 2007, nói rằng: “Trong 50 năm vừa qua, việc quy hoạch và kiến tạo đường phố đô thị ở Liên hiệp Anh và một số quốc gia Âu Châu khác được chỉ đạo bởi các kỹ sư giao thông và họ dành ưu tiên cho xe cộ. Điều này khiến cho môi trường đường phố không thu hút người đi bộ, để đi bộ sử dụng như một nơi cho các hoạt động kinh tế hay xã hội.” Nó tiếp tục thảo luận về việc làm thế nào các cơ quan giao thông có những tiêu chuẩn kiến tạo và luật lệ chi tiết để xe cộ dễ dàng di chuyển trên đường phố, nhưng nói rằng “nhiều hoạt động trên đường phố khác thì không thể so sánh [với giao thông].” Để bù đắp cho điều đó, Sổ tay Đường phố và Hướng dẫn Liên kết và Địa điểm [Link and Place Guide] đã xem xét phạm vi và vai trò của đường phố. Đường phố trong đó giao thông có ưu tiên được gọi là “Liên kết,” và “đường phố là nơi đến theo đúng nghĩa của nó: một địa điểm nơi các hoạt động xảy ra ở trên hay kế bên đường phố” được gọi là “Địa điểm.” Những hướng dẫn này đề nghị rằng trong khi các nhà quy hoạch và kỹ sư giao thông nên đi đầu trong việc quy hoạch và quản trị đường phố Liên kết, các nhà quy hoạch và kiến tạo đô thị nên đi đầu trong đường phố Địa điểm.

Ở Hoa Kỳ cũng vậy, Sở Giao thông của Thành phố New York [NYCDOT] làm chuyện chưa từng thấy với kế hoạch chiến lược Đường phố Khả chấp [Sustainable Streets], công bố năm 2008, gồm có việc chú trọng đến “đường phố như là những địa điểm công cộng quan trọng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và xã hội, ngoài các vai trò truyền thống của nó là hành lang cho sự đi lại.” Tài liệu này liệt kê một loạt chánh sách và ưu tiên để “biến đường phố của chúng ta thành những nơi đến tốt,” kể cả việc đưa ra Sáng kiến Quảng trường Công cộng [Public Plaza Initiative], nâng cao tiêu chuẩn về cảnh trí đường phố của cơ quan, nới rộng chương trình nghệ thuật công cộng trên đường phố, và khuyến khích đường dành riêng cho người đi bộ tạm thời và vĩnh viễn.

Trong những năm kế tiếp, các cơ quan giao thông và các sở khác có ảnh hưởng đến diện mạo và hoạt động của đường phố – có thể gồm hàng chục cơ quan từ Quy hoạch đến Công viên & Giải trí của một thành phố tiêu biểu – đã sáng tạo một số chương trình mới mẻ, các tiêu chuẩn, và chánh sách để khuyến khích Đường phố Địa điểm. Cái hay nhất của các chương trình này là hỗ trợ viễn kiến do cộng đồng chủ xướng và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, và những nhóm địa phương trong tiến trình tái tạo đường phố. Trong khi vẫn còn những rào cản trong lãnh vực này – kể cả nhiệm vụ tập trung vào tính lưu động cổ điển của các cơ quan giao thông, sự thiếu sót phối hợp giữa các cơ quan có ảnh hưởng và sử dụng lộ giới, các luật lệ và tiến trình cấp phép phức tạp – chúng ta đang sống trong những thời kỳ sống động nơi mà vai trò của đường phố đang được cứu xét lại trong cộng đồng khắp cả nước.

Dưới đây là vài khái niệm về việc làm thế nào lãnh đạo chánh quyền và các cơ quan có thể sáng tạo Đường phố Địa điểm; các trang khác cũng thảo luận vai trò quan trọng mà cá nhân, cũng như tổ chức và cộng đồng có thể đóng trong việc khởi động đường phố. Xin giúp chúng tôi thêm các thí dụ khác cho trang này! Hãy gởi những đề nghị khác về việc sáng tạo đường phố trong phần ý kiến, hay gởi về địa chỉ email transportation@pps.org.

1. GIÚP NGƯỜI DÂN KHỞI ĐỘNG ĐƯỜNG PHỐ CỦA HỌ

CHO PHÉP DỰ ÁN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

clip_image002

Cư dân sơn đường phố trong dự án sửa ngã tư ở Portland, Oregon. Ảnh: Flickr.

Khuyến khích Dự án Sửa Ngã tư. Sở Giao thông Portland quản trị chương trình Sửa Ngã tư cùng với Dự án Sửa chữa Thành phố, cho cư dân nộp đơn xin phép sơn các ngã tư, cũng như đặt băng ngồi, chậu hoa, giàn hoa, và quán để biến ngã tư thành những địa điểm tụ họp cộng đồng. Kết quả nghiên cứu các dự án này cho thấy rằng chúng có liên hệ với nhau về ý thức được nâng cao của cộng đồng, tác động qua lại của xã hội lớn hơn, và sức khỏe tổng quát tốt hơn.

Cho phép Cư dân Chiếm Cù lao Phân cách. Chương trình Chiếm một Cù lao Phân cách [Adopt-a-Median Program] của Los Angeles cho phép các nhóm cộng đồng trồng và đặt dấu hiệu, tranh tường, và đồ đạc đường phố trên các cù lao phân cách nếu họ duy trì việc cải thiện vô thời hạn. Văn phòng Làm đẹp Cộng đồng của Hội đồng Công Chánh phối hợp đơn xin phép và sự chấp thuận của Thành phố, miễn tất cả lệ phí liên quan đến việc cải thiện trong lộ giới. Thành phố cũng sẽ cho mượn và chịu trách nhiệm các dụng cụ cầm tay dùng trong công tác. Dự án Giữ Nước mưa Đa dụng Woodman [Woodman Avenue Multi-Beneficial Stormwater Capture Project – PDF], một sự công tác giữa các cơ quan của thành phố và các nhóm khu phố, gồm có một cù lao phân cách trồng cây do Kaiser Permanente bảo trì qua chương trình Chiếm một Cù lao Phân cách.

clip_image004

Một lối băng qua đường sơn biểu tượng Phi Châu ở Trung tâm Seatle. Ảnh: Sounder Bruce – Flickr.

Để Cư dân Trang trí các Lối băng qua đường. Trong một nỗ lực để khuyến khích cái cảm giác của địa điểm và để xây dựng cộng đồng, Sở Giao thông Seatle cho phép thành viên của cộng đồng trang trí các lối băng qua đường của chính họ qua Góp Quỹ Khu phố của thành phố. Chương trình là một nỗ lực để kết hợp nhiều hơn đặc tính khu xóm vào đường phố của thành phố và tạo cho cư dân cơ hội để giao thiệp với khu xóm của họ qua một dự án Làm địa điểm địa phương.

KHUYẾN KHÍCH Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DÂN VỀ ĐỒ ĐẠC ĐƯỜNG PHỐ

clip_image006

Một bộ hành nghỉ trên một băng ngồi ở NYC. Ảnh: Betty Tsang – Flickr.

Chương trình Băng ngồi Thành phố [CityBench program] là một sáng kiến của Sở Giao thông Thành phố New York để làm tăng số ghế công cộng trên đường phố của Thành phố New York [NYC], khuyến khích khách bộ hành kéo dài, nghỉ ngơi, và quan sát đường phố. Cư dân, doanh nghiệp, và tổ chức có thể đề nghị vị trí với NYCDOT để đặt các băng ngồi miễn phí, với ưu tiên cho trạm xe buýt, hành lang bán lẻ, và những nơi có nhiều người cao niên tập trung.

2. KHUYẾN KHÍCH ĐƯỜNG PHỐ KHÔNG CÓ XE VÀ CHƠI ĐÙA

Đường phố không có xe, đường phố chơi đùa, và Đường xe đạp [Ciclovias] tạm thời đóng đường phố để người dân có thể dùng cho các hoạt động vui tươi và lành mạnh như đi bộ, chạy bộ, đạp xe và khiêu vũ. Những hoạt động này đã được tổ chức ở nhiều thành phố trên khắp Hoa Kỳ và các nước trên toàn thế giới.

ĐƠN GIẢN HÓA GIẤY PHÉP ĐÓNG ĐƯỜNG ĐỂ KHUYẾN KHÍCH SỰ KIỆN

Thành phố St. Albert ở Canada tích cực đẩy mạnh những buổi liên hoan khu phố như là cách để làm tốt cộng đồng. Cư dân có thể điền một đơn xin ngắn trên mạng, bổ túc bằng một văn bản có chữ ký của địa phương 10 ngày trước buổi liên hoan, và trang web liên hoan khu phố của chánh quyền có một hướng dẫn với lời khuyên, một mẫu lượng định, một mẫu ghi danh, và cách tìm các trò chơi bốc thăm và thức ăn miễn phí. Cũng có đề nghị tổ chức các buổi liên hoan khu phố mùa đông ở miền lạnh.

TỔ CHỨC SỰ KIỆN ĐƯỜNG KHÔNG CÓ XE HAY ĐƯỜNG XE ĐẠP

clip_image008

Đường xe đạp ở Bogota, Columbia. Ảnh: Saúl Ortega – Flickr.

Đóng đường Hàng tuần cho Đường xe đạp. Bogota, Columbia đã tiên phong trong phong trào Đường xe đạp khi thành phố chấp thuận thí nghiệm việc đóng đường tạm thời vào năm 1974. Ngày nay, Đường xe đạp Bogota đã phát triển thành một sự kiện Đường xe đạp hàng tuần, kéo dài 7 tiếng đồng hồ và đóng gần 70 dặm đường phố của thành phố vào Chủ Nhật, để dành riêng cho người đi bộ, trượt bánh xe, khiêu vũ, đạp xe, và tập thể dục nhịp điệu. Sự kiện này, có thể thu hút đến 1,8 triệu người, đã gây cảm hứng cho nhiều cộng đồng khác trên khắp thế giới để bắt đầu các sự kiện Đường xe đạp của chính họ. Đường xe đạp giúp người dân tự do khám phá thành phố của họ trong một cách mới và làm quen với hàng xóm. Như lời của Gil Penalosa, cựu Ủy viên Công viên và Giải trí ở Bogota, “nó giống như một công viên được tráng mặt khổng lồ mở cửa 7 tiếng một tuần để người dân ở mọi lứa tuổi và thành phần vui chơi thay cho xe cộ.”

clip_image010

Một sự kiện Đường Không có xe trên Đường Nicollet ở Minneapolis. Ảnh: Ajith George – Flickr.

Mở Đường Chính cho Người dân. Đường Không có xe Minneapolis [Open Streets Minneapolis] ở Minesota, tập họp các nhóm cộng đồng và doanh nghiệp địa phương, đóng tạm thời các trục lộ chánh đối với xe cộ, và mở cửa cho người dân để đi bộ, đạp xe, và trợt bánh xe. Hơn một ngày hội đường phố, Đường Không có xe Minneapolis tạo cho cư dân cơ hội để khám phá hàng xóm của họ và xem đường phố như là không gian chung. Năm 2015, hơn 65.000 người tham gia tám sự kiện Đường Không xe ở Minneapolis.

clip_image012

Những người tham dự vui thú với đường phố không có xe trong ngày Raahgiri của Gurgaon. Ảnh: Nidhi Gulati.

Chương trình Sự kiện Không có Xe. Mỗi Chủ Nhật ở Gurgaon, Ấn Độ, đường phố được đóng tạm thời đối với xe cộ và mở cửa cho người dân trong sự kiện được gọi là Ngày Raahgiri. Trẻ em và người lớn được khuyến khích hòa đồng trên đường phố với các sự kiện cộng đồng miễn phí, như đá banh và các lớp thể dục nhịp điệu, cùng với đi bộ, đạp xe, trượt bánh xe và nhiều thứ khác.

3. BIẾN MẶT ĐƯỜNG THÀNH KHÔNG GIAN CON NGƯỜI

BẮT ĐẦU CHƯƠNG TRÌNH VỈA HÈ NỚI RỘNG (PARKLET PROGRAM)

clip_image014

Một bộ đánh đu hào hứng mang sinh động đến đường phố. Ảnh: Sở Kế hoạch San Francisco – Flickr.

Với các phương pháp quy hoạch sáng tạo, Thành phố San Francisco [SF] ưu tiên cho việc cải tạo các không gian công cộng cho khách bộ hành. Qua Chương trình Mặt đường thành Công viên [Pavement to Parks Program], thành phố tạo nên sáu Quảng trường cho khách bộ hành và hơn 50 vỉa hè nới rộng bằng cách biến các chỗ đậu xe thành những công viên nhỏ. Các sáng kiến khởi động lề đường như các bộ đánh đu trên Đường Market trong hình trên khuyến khích giao tế xã hội và kéo dài thời gian trên đường phố SF. Các nhóm cộng đồng và những người khác có thể xin bảo trợ chương trình Quảng trường cho khách bộ hành hay vỉa hè nới rộng bằng Tập Đề nghị Quảng trường [Plaza Proposal Package] và Sổ tay Vỉa hè Nới rộng [Parklet Manual] rất dễ dùng.

BIẾN ĐƯỜNG PHỐ THÀNH ĐỊA ĐIỂM CON NGƯỜI

clip_image016

Quảng trường Tam giác Sunset, một dự án của Chương trình Đường phố Con người ở Los Angeles. Ảnh: Sở Giao thông Los Angeles – Flickr.

Thành phố Los Angeles, California [LA] có nhiều đường phố hơn các nơi khác ở Hoa Kỳ, và như hầu hết các thành phố Mỹ, đa số đường phố của LA dành ưu tiên cho xe cộ nhiều hơn là con người. Tuy nhiên, Sở Giao thông LA đang chuyển sự chú tâm trở lại địa điểm và con người với Chương trình Đường phố Con người [People St Program]. Đường phố Con người là một sáng kiến để tạo nên đường phố có tính mời gọi và rung động hơn đối với khách bộ hành qua việc trang trí và thiết trí các Quảng trường, vỉa hè, và nơi dựng xe đạp trong khắp LA. Mỗi loại dự án Đường phố Con người đều có một Hướng dẫn các Thành phần [Kit of Parts] được chấp thuận trước bao gồm sự xếp đặt trọn gói để giảm chi phí cho người xin phép.

MỞ ĐƯỜNG PHỐ CHO CHƯƠNG TRÌNH VÀ THỊ TRƯỜNG MỚI

clip_image018

Sáng kiến Mở Đường cho Con người [Make Way for People] của Sở Giao thông Chicago để tạo nên những không gian công cộng trong việc vun trồng cộng đồng và văn hóa trong các vùng lân cận của Chicago qua việc Làm Địa điểm. Sáng kiến Mở Đường cho Con người hỗ trợ những đổi mới công khai bằng cách mở đường phố Chicago, các bãi đậu xe, Quảng trường, và đường hẻm cho chương trình và thị trường mới. Ngoài việc cải thiện an ninh đường phố và đẩy mạnh cộng đồng đi bộ, sáng kiến này hỗ trợ việc phát triển kinh tế cho doanh nghiệp địa phương ở Chicago.

4. HỖ TRỢ NGHỆ THUẬT TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

BẮT ĐẦU HAY NỚI RỘNG CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG

clip_image020

Thiện nguyện viên làm việc trong dự án làm đẹp tường chắn dọc theo Đường Bruckner và Gerard ở Bronx, NYC. Ảnh: NYCDOT – Flickr.

Chương trình Nghệ thuật (Art Program) của NYCDOT phối hợp với các tổ chức cộng đồng và họa sĩ địa phương để mang nghệ thuật đến với đường phố của thành phố, với nhiều chương trình sử dụng họa sĩ, đối tác với các tổ chức địa phương, để đáp ứng các yêu cầu làm đẹp địa điểm của cộng đồng. Thí dụ, các chương trình Khởi động Nghệ thuật Mặt nhựa và Làm đẹp Tường chắn (Barrier Beautification and Asphalt Art Activation) mời họa sĩ nộp đề nghị về việc sơn các tường chắn bê tông trên đường (thường dùng để bảo vệ đường xe đạp và lề đường) và mặt nhựa chung quanh các trạm cho mượn xe đạp (bike share station) cho các địa điểm được chọn theo yêu cầu của cộng đồng. NYCDOT và đối tác chịu chi phí sơn và tiền vật liệu và trả một lệ phí danh dự cho các họa sĩ. Rồi thì, trong một ngày sơn duy nhất, các thiện nguyện viên giúp họa sĩ các trang trí thêm một hình ảnh đặc thù, bất ngờ và nhiều màu sắc cho cảnh trí của đường phố.

KHUYẾN KHÍCH BIỂU DIỄN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

clip_image022

Một vũ công nhào lộn biểu diễn trên đường phố ở Copenhagen, Denmark. Ảnh: Busking Project.

Những người biểu diễn đường phố, cũng được biết như diễn viên rong, hỗ trợ cho sự sinh động, tính xã hội và sự náo động của đường phố. Melbourne, Australia xếp hàng đầu trong việc hỗ trợ cộng đồng diễn viên rong bằng Dự án Biểu diễn rong [Busking Project]. Chánh sách của thành phố nhấn mạnh đến bốn loại giấy phép, mỗi loại phản ánh một kiểu biểu diễn rong riêng. Việc biểu diễn thử chỉ đòi hỏi đối với những cuộc biểu diễn nguy hiểm và được điều khiển bởi hiệp hội của người biểu diễn rong. Được khuếch đại âm thanh mà không cần phải xin phép thêm nhưng chịu sự kiểm soát của cảnh sát. Chìa khóa của sự thành công của Melbourne là sự hợp tác giữa Thành phố và cộng đồng người biểu diễn rong mà họ có liên quan trong việc thiết lập chánh sách. Cũng có một quản trị viên riêng biệt cho những người biểu diễn rong ở Tòa Thị chánh có nhiệm vụ liên lạc cho mọi thắc mắc và quan tâm. Đối tác này đã thúc đẩy một hiện tượng biểu diễn rong mạnh mẽ ở Melbourne, được chấp nhận vào chánh sách văn hóa và nhãn hiệu của Melbourne. Các thành phố được xếp hạng khác trong việc ủng hộ biểu diễn đường phố là những thành phố dễ dàng trong việc quản trị thời gian trình diễn, vị trí, và biểu diễn thử. Các chánh quyền cũng có thể khuyến khích du khách thưởng thức biểu diễn qua dấu hiệu, thông cáo báo chí, và sự kiện truyền thông.

TẠO MỘT KHÔNG GIAN NGÀY HỘI CÔNG CỘNG

clip_image024

Ngày Hội Quốc tế Jazz ở Montréal, Canada thu hút hàng trăm du khách đến đường phố. Ảnh: Doug – Flickr.

Từ năm 1980, mỗi mùa hè, Ngày hội Quốc tế Jazz Montréal ở Montréal, Canada đã tạo cho các nhạc sĩ jazz trên khắp thế giới một loạt những nơi gặp gỡ trong nhà và ngoài trời ở trung tâm của Quartier des Spectacles, một không gian công cộng dùng làm nơi tổ chức các ngày hội và các buổi tụ họp đông đảo ở trung tâm Montréal. Một vài đường phố bị cấm xe cộ và không khí của ngày hội tạo nên một khung cảnh đường phố đông người sôi nổi, đầy âm nhạc và thức ăn.

TỔ CHỨC HÒA NHẠC TRỌN MÙA HÈ TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

Đến nay là năm thứ bảy, Mùa hè và Âm nhạc [Summer and Music – SAM] là một loạt các buổi hòa nhạc địa phương ở trung tâm thành phố Long Beach, California, cung cấp âm nhạc miễn phí trọn mùa hè cho người dân trên đường phố và các không gian công cộng của thành phố. Được ra đời bởi Liên đới Trung tâm Thành phố Long Beach [Downtown Long Beach Associates], SAM được mục “Ngày hội có Âm nhạc Hay nhất [Best Music Festival]” của Tuần báo Quận Cam [OC Weekly] bầu ba lần liên tục cho việc trình diễn những tiết mục địa phương ở các nơi gặp gỡ ngoài trời, với những màn trình diễn nối kết các thể loại jazz [nhạc có âm hưởng Phi Châu], pop [nhạc phổ thông], rockbilly [nhạc thịnh hành ở miền Đông Nam Hoa Kỳ], và funk [một sự pha trộn giữa nhạc jazz, rhythm và blues].

5. TÀI TRỢ CẢI THIỆN ĐƯỜNG PHỐ DO CỘNG ĐỒNG CHỦ XƯỚNG

HỖ TRỢ DỰ ÁN CỦA CƯ DÂN

clip_image026

Đồ đạc đường phố, chậu hoa và dù tô điểm cho Quảng trường Madison Square ở NYC. Ảnh: NYCDOT – Flickr.

Năm 2008, Chương trình Quảng trường [Plaza Program] của NYCDOT đã thành công trong việc biến đường phố không sử dụng đúng mức của NYC thành những không gian công cộng, như một phần của sáng kiến có mục đích làm cho tất cả người New York phải được tiếp cận với không gian tự do ở cách nhà trong vòng ¼ dặm. Mỗi năm, các tổ chức bất vụ lợi đủ điều kiện có thể nộp đơn vào NYCDOT để làm các địa điểm Quảng trường mới trong khu phố của họ. NYCDOT tài trợ phần đồ án và xây dựng Quảng trường. Ngoài ra, NYCDOT còn trợ giúp các đối tác bất vụ lợi để thực hiện một đồ án thỏa mãn nhu cầu của khu phố bằng cách tổ chức các buổi họp công tác viễn kiến trong các cộng đồng được chọn cho các Quảng trường.

TRỢ CẤP ĐỂ THỰC HIỆN ĐỊA ĐIỂM ĐƯỜNG PHỐ

clip_image028

Nghị viên Mike Bonin thích thú khi bất ngờ cho thấy đường dành cho xe đạp, một phần của phần thưởng Trợ cấp Thách thức Biến Nó thành Mar Vista [Make It Mar Vista Challenge Grant] [Mar Vista là một khu dân cư và thương mại đa dạng ở phía tây của Los Angeles, California], một chương trình trợ cấp của Sáng kiến Đường phố Lớn Los Angeles (Los Angeles Great Streets Initiative). Ảnh: Văn phòng Thị trưởng Eric Garcetti, Sáng kiến Đường phố Lớn.

BẮT ĐẦU DỰ THẢO NGÂN SÁCH CHO NGƯỜI THAM GIA

Dự thảo ngân sách cho người tham gia giúp cho thành viên cộng đồng một cơ hội để có ảnh hưởng trực tiếp về cách chi tiêu một phần ngân sách của thành phố, thu hút khả năng chuyên môn tại chỗ và khát vọng. Năm rồi, ở NYC, 27 nghị viên thành phố cho phép cử tri của họ quyết định về việc làm thế nào để sử dụng tổng số 30 triệu đô la của ngân sách công. Nhiều dự án được chọn, từ sân chơi đến thư viện, cũng như một số dự án cải thiện đường phố. Trong tương lai gần, cư dân sẽ thấy các dự án địa phương mà họ phát triển và chấp thuận được xây dựng, như sửa chữa lề đường (50.000 đô la), nâng các lối băng qua đường (250.000 đô la), cải thiện đường dành cho xe đạp và khách bộ hành (200.000 đô la), và trồng cây mới dọc theo vỉa hè (300.000 đô la).

6. KHUYẾN KHÍCH AN TOÀN ĐƯỜNG PHỐ

NHÌN NHẬN CHÁNH SÁCH VIỄN KIẾN ZERO

clip_image030

NYC công nhận chánh sách Viễn kiến Zero trong năm 2014, với mục tiêu không có tai nạn giao thông chết người ở NYC vào năm 2025. Như là một phần của kế hoạch Viễn kiến Zero, vận tốc giới hạn trong NYC được giảm từ 30 dặm/giờ xuống còn 25 dặm/giờ. Ảnh: NYCDOT – Flickr.

Một khung chánh sách được phát minh và áp dụng ở Thụy Điển năm 1997, Viễn kiến Zero đã trở thành một dự án đa quốc gia với mục tiêu là không còn tử vong và thương vong nghiêm trọng trên đường phố và trục lộ. Nguyên tắc chính của Viễn kiến Zero là giá trị của nhân mạng, mà trong một xã hội nhân đạo không thể đổi bằng giá trị tiền bạc như trong các phân tích chi phí-lợi ích của kiến tạo giao thông cổ điển. Phiên bản của Thụy Điển chú trọng vào quy hoạch và giảm nhẹ những lỗi lầm của người lái xe qua đồ án hạ tầng cơ sở an toàn. Từ khi được thực hiện, tỉ lệ tử vong hàng năm trên trục lộ của Thụy Điển đã giảm từ 7/100.000 xuống dưới 3/100.000 (tính đến năm 2014), một trong những tỉ lệ thấp nhất trên thế giới. Ngày nay, chánh sách Viễn kiến Zero đã được công nhận khắp nơi trên thế giới.

ỦNG HỘ ĐƯỜNG PHỐ TRỌN BỘ

clip_image032

Đường Eastern ở Charlotte, North Carolina được tái kiến tạo thành một Đường phố Trọn bộ. Với các làn xe hẹp, đường cho xe đạp, vỉa hè, và cù lao cho khách bộ hành, Đường Eastern có thể dùng cho mọi cách đi lại. Ảnh: Charlotte DOT – Flickr.

Chánh sách Đường phố Trọn bộ 2014 của Austin, Texas công nhận rằng đường phố là một phần quan trọng của cộng đồng. Nó khẳng định rằng, “Đồ án của các thành phố bắt đầu với đồ án của đường phố là nơi mà người dân muốn ở,” và thêm rằng các dự án đường phố phải được tiếp cận như cơ hội để nâng cao lãnh vực công cộng “qua sự sáng tạo địa điểm thận trọng.” Nó đề nghị cây cối đường phố, nghệ thuật công cộng, sự dễ chịu của khách bộ hành, cà phê vỉa hè và của hàng bán lẻ quay ra đường phải được bao gồm trong đồ án Đường phố Trọn bộ để tạo thành những địa điểm cộng đồng nơi người dân muốn tiêu thời gian. Hơn 700 cơ quan trên khắp Hoa Kỳ đã công nhận chánh sách Đường phố Trọn bộ, có mục đích bảo đảm rằng đường phố là của mọi người, và rằng chúng được kiến tạo và điều hành để người sử dụng trong mọi lứa tuổi và khả năng có thể lui tới một cách an toàn.

LÀM CHẬM VẬN TỐC XE CỘ

Năm 2013, tiểu bang Washington thông qua Dự luật An toàn Đường phố Khu phố [Neighborhood Safe Streets Bill] cho phép các thành phố giảm vận tốc giới hạn xuống 20 mph trên các đường phụ mà không cần nghiên cứu kỹ thuật giao thông tốn kém. Điều này cho phép sử dụng tài nguyên vào việc cải thiện an toàn khác để làm dịu lưu thông và giảm việc lái xe nguy hiểm trên đường phố trong khu phố.

7. HỖ TRỢ ĐI BỘ VÀ ĐẠP XE

ĐẦU TƯ VÀO HẠ TẦNG CƠ SỞ ĐẠP XE AN TOÀN

clip_image034

Cầu Vòm Đá ở Minneapolis, Minnesota là cầu dành riêng cho khách bộ hành và xe đạp với cảnh trí lộng lẫy của trung tâm thành phố và sông Mississippi. Ảnh: Meet Minneapolis – Flickr.

Tạo nên đường phố thu hút người đi xe đạp là một cách rất hay để chuyển cái thông điệp “đường phố không chỉ dành cho xe cộ.” Mặc dù mùa đông dài và lạnh, Minneapolis, Minnesota trở nên thành phố đầu tiên ở Hoa Kỳ được ghi nhận trong Bản Liệt kê các Thành phố Thân thiện với Xe đạp của Copenhagenize [Copenhagenize Index of bike-Friendly cities] bằng cách đặt ưu tiên cho khách bộ hành và người đi xe đạp. Thành phố đã xây trên 118 dặm đường dành cho xe đạp trên đường phố, và 20 dặm đại lộ dành cho xe đạp, một hệ thống đường dành cho xe đạp tổng cộng lên đến 213 dặm.

CHÚ TRỌNG ĐẾN TÍNH THÂN THIỆN CỦA NƠI ĐI BỘ

clip_image036

Cha và con đi bộ về nhà từ chợ trời ở Birmingham, Michgan. Ành: Michgan Municipal League – Flickr.

Sau ba thập niên của thế kỷ 20 mất dân và suy thoái thương mại, Birmingham, Michigan quyết tâm xây dựng một đặc tính mới – “Cộng đồng Có thể Đi bộ.” Năm 1996, thành phố đồng ý theo đuổi các chiến lược mới để làm dịu lưu thông, xây công viên, cải thiện quang cảnh đường phố, và sửa đổi luật lệ để hỗ trợ cho mục tiêu này. Thành phố thiết lập quy định phát triển địa ốc [form-based code], khuyến khích các kiến trúc ở vỉa hè, thu hẹp Đường Main để thêm cù lao phân cách ở giữa và chỗ đậu xe xéo góc. Ngày nay, trung tâm thành phố là một địa điểm có thể đi bộ và Birmingham đã phát triển đều đặn kể từ đầu thế kỷ 2 – mặc dù toàn vùng ở trong tình trạng suy thoái kinh tế.

GIÚP ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG AN TOÀN HƠN

clip_image038

Một nhóm trẻ con đi đến trường ở Missouri. Ảnh: MoBikeFed – Flickr.

Sở Công chánh của Burlington, Vermont có chương trình Đường đến Trường An toàn [Safe Routes to Schools Program] để làm dễ dàng trong việc cải thiện an toàn cho khách bộ hành, chẳng hạn như nâng cấp các dấu hiệu cho khách bộ hành, vỉa hè mới, lối băng qua đường và ngã tư, và bảng báo tốc độ cho người lái xe. Sự hỗ trợ này của thành phố giúp cho trẻ em và phụ huynh đi hay đạp xe đến trường an toàn và thích thú, gia tăng khối lượng và tính đa dạng của hoạt động đường phố.

Ở cấp tiểu bang, chương trình Đường đến Trường An toàn của Bộ Giao thông New Jersey nhằm mục đích khuyến khích sinh viên đi bộ hay đạp xe đến trường nhiều hơn ở những nơi có an toàn, và cải thiện những nơi không có an toàn. Tiểu bang cấp tài trợ, qua một trợ cấp Đường đến Trường An toàn, cho trường học và cộng đồng để cải thiện điều kiện đi bộ và đạp xe, và cung cấp tài nguyên giúp cho tiến trình được dễ dàng.

ĐẶT BẢNG CHỈ ĐƯỜNG CHO KHÁCH BỘ HÀNH

clip_image040

Các bảng Đi vòng Thành phố của Bạn hướng dẫn khách bộ hành đến Tòa Thị chánh và Công viên Guadalupe ở San Jose, California. Ảnh: Richard Masoner – Flickr.

Sau khi bắt đầu như là một “chiến thuật đường phố du kích” mà không có sự đồng ý của thành phố, các bảng chỉ đường mà nhà hoạt động Matt Tomasulo treo chung quanh Raleigh được Sở Kế hoạch của Thành phố tán thành. Những dấu hiệu đơn giản này, buộc vào cột đèn ở một vài giao lộ quan trọng của thành phố, báo cho cư dân và du khách biết những địa điểm hấp dẫn và thú vị nào có thể đi bộ đến và mất bao nhiêu phút. Tomasulo đưa ra chiến dịch Kickstarter để lập ra website, Walk [Your City], cho phép các nhà hoạt động trên khắp nước phác họa các dấu hiệu chỉ đường giá rẻ của chính họ, cùng với mã số QR mà người dùng có thể quét [scan] để có hướng dẫn chi tiết và tin tức về các địa điểm hấp dẫn. Từ khi được bắt đầu hai năm trước đây, trên 100 cộng đồng đã đặt mua dấu hiệu qua website – các nơi như Mount Hope, West Virgina, một thị trấn 1.500 dân thiết lập 70 bảng hướng dẫn cho du khách sẽ đến dự một sự kiện mùa hè lớn của thị trấn.

8. ĐẶT KHÁCH BỘ HÀNH LÊN TRÊN HẾT

BIẾN QUẢNG TRƯỜNG THÀNH NƠI THÂN THIỆN VỚI KHÁCH BỘ HÀNH

clip_image042

Quảng trường Trafalga ở London vào buổi sáng. Ảnh: Neil Howard – Flickr.

Vào giữa thập niên 1990s, quảng trường nổi tiếng nhất của London hoàn toàn không lui tới được, tất cả mọi phía đều kẹt cứng bởi lưu thông đông nghẹt. Quảng trường Trafalga được thay đổi bằng cách cấm xe cộ ở phía Bắc, và tạo nên một thềm rộng nối Phòng Triển lãm Quốc gia với không gian công cộng lộng lẫy mới được phục hồi này.

clip_image044

Tái khai trương Quảng trường Cộng hòa [Place de la République] ở Paris, Pháp năm 2013. Ảnh: Clem – Flickr.

Tương tự, trước khi được thay đổi năm 2013, Quảng trường Cộng hòa ở Paris, Pháp là một không gian không được sử dụng đúng mức gồm có hai vườn hoa ở trung tâm với lượng lưu thông xe loại nhỏ rất cao. Xe cộ lưu thông chiếm trên 2/3 diện tích của quảng trường. Đồ án mới hình thành kiểu lưu thông mới, trong khi tạo nên một không gian công cộng dễ chịu hơn cho quảng trường. Sáu làn xe được bỏ đi, và nay lưu thông chỉ giới hạn ở chu vi của quảng trường. Ngày nay, Quảng trường Cộng hòa là một không gian rộng 2 ha dành riêng cho khách bộ hành và người đi xe đạp với một hồ phản chiếu, ghế ngồi, những hàng cây, và một cái rạp.

KHUYẾN KHÍCH ĐƯỜNG PHỐ CHIA KHÔNG GIAN

clip_image046

Đường 25 de Março, một đường phố chia không gian ở Sao Paulo, Brazil. Ảnh: Dylan Passmore – Flickr.

Auckland, New Zealand có một chương trình chia không gian dành cho việc tạo nên đường phố chạy chậm, nơi mà khách bộ hành có ưu tiên nhưng xe cộ vẫn được lưu thông. Một phần kiến tạo tiêu biểu là bỏ lề đường trên đường chia không gian, tạo cho khách bộ hành có đầy đủ ưu tiên và cung cấp nhiều chỗ hơn cho người đi bộ, ăn ngoài trời, và các hoạt động hay sự kiện đường phố khác. Từ năm 2011, những không gian chia mới được mở trên năm đường phố trong khắp thành phố, và lượng định dự án cho thấy những đồ án mới này làm tăng lưu thông đi bộ, giảm vận tốc xe cộ, và tăng việc tiêu xài trong các hàng quán địa phương.

TẠO NÊN ĐƯỜNG PHỐ KHÔNG CÓ XE

clip_image048

Đại lộ Vitosha ở Sophia, Bulgaria năm 2011. Ảnh: L’imaGiraphe – Flickr.

Đại lộ Vitosha trước kia là một đường phố đông đúc ở Sofia, Bulgaria thường bị kẹt xe, với đường xe điện và một vài cửa hàng cao cấp – nhưng không phải là một nơi thích thú để đi bộ vì vỉa hè chật cứng và xe cộ lưu thông ồn ào. Trong thập niên 1990, thành phố Sofia thực hiện một vùng không có xe cho một phần của đại lộ, nhưng không thay đổi đường xe điện và hạ tầng cơ sở của nó. Trong những năm gần đây, đại lộ đã chuyển tiếp với xe điện ngầm mới thay thế cho việc vận chuyển công cộng [transit] trên mặt đất. Vùng không có xe đã được cải tiến để quãng đường được tráng mặt trong khung cảnh thân thiện với khách bộ hành và dễ lui tới, tạo cơ hội cho cà phê ngoài trời nảy nở. Ngày nay, Đại lộ Vitosha là một không gian mời gọi công chúng và dễ thương và là một điểm đến cho khách bộ hành.

9. DÙNG VẬN CHUYỂN CÔNG CỘNG ĐỂ XÚC TÁC SỰ SINH ĐỘNG CỦA ĐƯỜNG PHỐ

TẠO ĐỊA ĐIỂM Ở TRẠM VÀ TRUNG TÂM VẬN CHUYỂN

Quảng trường Wynkoop, ở phía đông của trung tâm vận chuyển Union Station của Denver, Colorado, gồm có vòi phun nước, không gian cho sự kiện, vườn hoa, và vườn cảnh. Công viên do Khu Giao thông Vùng của Denver điều hành, giao kèo với một quản trị viên sự kiện tư nhân để lập chương trình cho không gian. Không gian được kiến tạo để phù hợp với việc trình diễn sân khấu, ngày hội, xe bán hàng, trò chơi, và các hoạt động khác.

clip_image050

Người ta chờ xe điện Green Line tại Trạm East Bank ở Minneapolis, Minnesota. Ảnh: Michael Hicks – Flickr.

Xe điện Green Line thuộc hệ thống Vận chuyển Công cộng Thành phố [Metro Transit] đã tiếp sinh lực cho doanh nghiệp và không gian công cộng dọc theo đường phố. Ở Trạm Đường Victoria, hạ tầng cơ sở của xe điện mới góp phần trong việc đầu tư vào không gian công cộng của Model Cities, một nhóm phát triển cộng đồng và phục vụ nhân loại bất vụ lợi, hy vọng bắt đầu xây dựng hai địa điểm ở hay gần với Trạm Đường Victoria. Dự án của Model Cities sẽ mang lại hai công viên bỏ túi mới, nghệ thuật công cộng, và một phòng đọc sách chú trọng đến vai trò của người Mỹ gốc Phi Châu ở St. Paul như là một nỗ lực tạo nên một khu vực văn hóa riêng biệt để tán dương lịch sử của vùng và sự pha trộn văn hóa hiện nay ở đó.

clip_image052

Những người du hành thích thú với trạm xe buýt Phòng Khách ở trung tâm thành phố Minneapolis, Minnesota. Ảnh: Musicant Group.

Trạm Phòng Khách là một trạm xe buýt ở trung tâm thành phố Minneapolis, Minnesota có những tiện nghi thường thấy trong nhà: ghế ngồi, thảm, sách báo, và thỉnh thoảng chương trình, chẳng hạn như Trick hay Treating. Được sáng tạo bởi một tổ chức làm địa địa điểm địa phương, Nhóm The Musicant, dự án tiền phong này của Vận chuyển Công cộng Thành phố đang thí nghiệm những cách để cải thiện các nơi chờ xe ở trung tâm thành phố Minneapolis, hầu hết là những trạm xe buýt có số hành khách cao nhưng hiện là những không gian thiếu hấp dẫn.

10. ĐỪNG ĐỂ VIỆC ĐẬU XE LÀM GIẢM GIÁ TRỊ

LÀM NHẸ BỚT ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC ĐẬU XE TRÊN ĐƯỜNG PHỐ

clip_image054

Ở NYC, việc sử dụng cây và bụi rậm là việc cần phải có để làm nhẹ bớt ảnh hưởng của việc đậu xe. Trong hình này, những thay đổi được đề nghị cho môt bãi đậu xe ở Queens sẽ cải thiện thẩm mỹ và nhận thức của đường phố. Ảnh: Sở Kế hoạch Thành phố NYC.

Ở NYC, một chánh sách bắt buộc những bãi đậu xe có 18 chỗ hay nhiều hơn hay rộng 6.000 feet2 dọc theo một đường phố phải có màn che ở dạng vườn cảnh. Yêu cầu làm nhẹ ảnh hưởng việc đậu xe này, bằng cách sử dụng bụi rậm, cải thiện thẩm mỹ và nhận thức của đường phố cho người qua lại.

Một chánh sách ở Philadelphia đòi hỏi những nhà đậu xe quay mặt ra vỉa hè hay không gian công cộng phải có cửa hàng bán lẻ ở mặt đất. Quy định này cho phép các nhà đậu xe hiện diện mà không phải mất đi không gian quý giá trên đường phố có thể dùng cho nhiều mục đích thương mại và hoạt động khác nhau.

BỎ CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẬU XE

Tháng 7 năm 2015, Hội đồng Thành phố Minneapolis thông qua việc thay đổi các điều kiện đậu xe cho các khu phố sử dụng vận chuyển công cộng cao, bằng cách giảm đáng kể hay loại bỏ hoàn toàn mức tối thiểu cho những bãi đậu xe mới, tùy theo vị trí. Những kiến trúc hay bãi đậu xe cạnh đường phố (thường phải có một mức tối thiểu trong việc xây mới hay sửa chữa được ấn định trong quy định của thành phố) có thể lấn lướt cảnh trí tại chỗ và tạo nên vùng chết dọc theo đường phố, kềm chế sự sinh động của đường phố. Bằng cách loại trừ hay cắt giảm các mức tối thiểu này và cắt bớt số kiến trúc hay bãi đậu xe cạnh đường phố, thành phố có thể mở thêm không gian mới cho không gian công cộng hay cho việc phát triển pha trộn để tạo nên những cạnh khép kín và thú vị dọc theo vỉa hè.

TỐT HƠN – CỨU XÉT MỨC TỐI ĐA CHO VIỆC ĐẬU XE

Năm 1989, Zurich, Switzeland thêm mức tối đa vào mức tối thiểu cho việc đậu xe hiện có, với ý định làm cho khu trung tâm thành phố không có quá nhiều xe đậu. Các mức tối đa này được hạ thấp theo thời gian. Năm 1996, đậu xe ở giữa thành phố được giới hạn ở mức 1990, và năm 2010 một mức tự động được áp dụng cho toàn thành phố, với các mức tối đa thấp hơn cho những vùng có vận chuyển công cộng.

Trong Kế hoạch London 2011, London bỏ các mức tối thiểu và thiết lập mức tối đa cho việc đậu xe ở các cửa hàng bán lẻ, văn phòng, và khu gia cư. Thành phố cũng đặt tiêu chuẩn đậu xe tối thiểu cho xe đạp.

11. TẠO KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG Ở CÁC NƠI KHÔNG ĐƯỢC DÙNG ĐÚNG MỨC

BIẾN ĐỔI DẠ CẦU ĐƯỜNG [UNDERPASS]

clip_image056

Ánh sáng Im lặng là nghệ thuật đô thị làm sinh động lối đi dành cho khách bộ hành bên dưới Đường Tốc hành Brooklyn Queens ở NYC. Ảnh: NYCDOT – Flickr.

Đối tác với NYCDOT, Design Trust, ấn hành một phúc trình gần đây có tên Bên dưới cái Trên cao [Under the Elevated], xem xét việc làm thế nào để biến đổi không gian công cộng bên dưới 700 dặm của hạ tầng cơ sở vận chuyển công cộng ở trên cao thành những nơi có ích cho cộng đồng thay vì làm chướng mắt.

12. KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP GÓP PHẦN LÀM SINH ĐỘNG ĐƯỜNG PHỐ

TẠO DỄ DÀNG CHO VIỆC SỬ DỤNG PHA TRỘN TRÊN ĐƯỜNG CHÁNH

clip_image058

Đêm chiếu phim mùa hè ở Urbana của Urbanalove, một tổ chức kinh doanh nòng cốt ở trung tâm thành phố. Ảnh: Carl Catedral.

Đường Chánh ở Urbana, Illinois đã trải qua một biến đổi đáng kể trong 33 tháng vừa qua. Trợ cấp TIF của thành phố và những biện pháp địa ốc sang tạo chú trọng đến việc chia không gian đã giúp doanh nghiệp khởi động đường phố. Các sáng kiến sử dụng pha trộn [mixed-use] cho phép nhiều người thuê cộng tác với nhau trong việc khởi động không gian chẳng hạn như không gian nơi làm việc chung/nơi làm việc được trang bị sẵn [coworking/incubator spaces]; nhà hàng pizza phối hợp với quán cà phê; và một phòng trưng bày ngoài trời sắp khai trương; vườn uống bia và không gian cho sự kiện. Thành phố cũng đã giúp chuẩn bị cho các hoạt động lớn hơn của đường phố bằng cách nới rộng băng ngồi dọc theo vỉa hè trong các nơi đậu xe trước đây, tổ chức đêm chiếu phim mùa hè ở các bãi đậu xe tư nhân, và khuyến khích trung tâm thành phố dùng tựa đề #urbanalove trên mạng xã hội.

GIÚP DOANH NGHIỆP “TRÀN” RA ĐƯỜNG

clip_image060

Cà phê vỉa hè ở Brussels, Bỉ mang từ trong nhà ra ngoài trời, tạo sinh động mạnh mẽ cho đường phố. Ảnh: Thomas Quine – Flickr.

Từ quán cà phê vỉa hè đến nơi ngồi nghỉ và bày bán lẻ, doanh nghiệp tư nhân có một vai trò quan trọng trong việc khởi động các vỉa hè, nhất là dọc theo các đường phố thương mại. Một sáng kiến của Cộng đồng Sáng tạo [Creative Communities] ở North Palmerston, New Zealand cộng tác với những người bán lẻ địa phương để giúp họ tạo nên cách bày hàng và khởi động vỉa hè năng động và sống động hơn. Một dự án gần đây chú trọng đến đường Broadway ở trung tâm thành phố, nơi mà chủ tiệm đặt thêm chậu hoa, ghế ngồi ngoài trời, biểu ngữ, và các nét đặc sắc khác để tạo một đường phố thu hút khách bộ hành hơn.

ĐỂ DOANH NGHIỆP BẢO TRỢ VỈA HÈ NỚI RỘNG VÀ QUẢNG TRƯỜNG

clip_image062

Ghế trên Đường #9 tại 425 Đại lộ Mother Gaston ở Brooklyn, NYC. Ảnh: NYCDOT – Flickr.

Chương trình Ghế trên Đường [Street Seats Program] của NYCDOT cho phép sáng tạo những không gian công cộng tùy theo mùa, thường gồm có bàn ghế, tại các vị trí không có băng ngồi ở vỉa hè. NYCDOT cho phép doanh nghiệp và những người khác có tầng trệt quay ra đường được xin phép để biến chỗ đậu xe thành vỉa hè nới rộng trong những tháng ấm áp. Trong khi người bảo trợ chịu phí tổn đồ án, vật liệu và thiết đặt, NYCDOT cung cấp hướng dẫn đồ án và tiến trình xin phép đơn giản để việc thực hiện Ghế trên Đường được dễ dàng.

13. KHUYẾN KHÍCH BÁN HÀNG RONG

KẾT HỢP NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG RONG VÀO VIỆC LÀM ĐỊA ĐIỂM

Warwick, Durban là một vùng buôn bán trên đường phố nhộn nhịp nhất, và cũng là một không gian kinh doanh và giao tiếp xã hội quan trọng của thành phố. Trong nhiều thập niên, các viên chức địa phương đã cộng tác với những người bán hàng rong để cải thiện điều kiện của vùng qua việc thiết lập những chiến lược về chánh sách và đồ án trong Dự án Khôi phục Đô thị Giao lộ Warwick [Warwick Junction Urban Renewal Project]. Kết quả là quán có điện nước, vỉa hè được mở rộng, đèn, tủ an toàn để chứa hàng qua đêm, tất cả giúp cho việc bán hàng rong tồn tại và an toàn hơn.

ĐƯA RA QUY ĐỊNH BÁN HÀNG RONG DỄ ÁP DỤNG

clip_image064

Xe bán thức ăn ở San Antonio, Texas. Ảnh: Nan Palmero – Flickr.

San Antonio, Texas có một khung cảnh bán hàng rong bận rộn, phần lớn được chánh quyền ủng hộ. Điều kiện bán hàng rong được chi tiết hóa cho mỗi loại thức ăn và được liệt kê bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha trên website của thành phố. Thủ tục xin giấy phép tương đối đơn giản. Nhưng có một vấn đề là các xe bán thức ăn phải đậu cách xa các nhà hàng xây bằng gạch 300 feet. Điều này thường phương hại đến khả năng đậu trên đường phố của xe bán thức ăn và đưa đến việc thiết lập các bãi đậu xe bán thức ăn.

14. CHẤP THUẬN MỘT CHIẾN LƯỢC LÀM ĐỊA ĐIỂM

clip_image066

Sự kiện Làm Địa điểm Đột xuất của Splash Adelaide

Adelaide, thủ đô của Nam Australia, có một chiến lược làm địa điểm chánh thức của thành phố, được dùng như một động lực để phục hồi sức sống, ủy quyền của công dân, và những thử nghiệm sáng tạo. Adelaide đã đi tiên phong trong nhiều sáng tạo của chánh quyền, kể cả việc đề cử một “Điều phối viên Địa điểm [Place Facilitator]” cho từng phần của thành phố, là nơi tiếp xúc duy nhất của thành viên cộng đồng, doanh nghiệp, và những người khác để giúp họ đi qua cái mê cung của hệ thống quan liêu nhằm khởi động và thay đổi lãnh vực công cộng. Thành phố cũng đã đặt ưu tiên việc cải thiện Nhẹ hơn, Nhanh hơn và Rẻ hơn qua Splash, một loạt các thử nghiệm không gian đô thị, gồm có chợ đêm, các nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi [retreats], nhạc sống, và trình diễn văn hóa ngoạn mục trong khắp Adelaide.

15. CÔNG NHẬN VIỆC LÀM ĐỊA ĐIỂM TRONG HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG PHỐ

Trước đây, sổ tay kiến tạo đường phố chú trọng vào xe cộ, với những luật lệ ưu tiên cho việc lưu thông xe cộ và vận tốc hơn là khả năng sống [livability] và đặc tính của khách bộ hành. Ngày nay, cộng đồng trên khắp thế giới đang cập nhật tiêu chuẩn đường phố của họ để được đầy đủ hơn và để công nhận vai trò quan trọng của không gian công cộng của nhiều đường phố.

ĐẶT CON NGƯỜI VÀ ĐỊA ĐIỂM VÀO

TÂM ĐIỂM CỦA HƯỚNG DẪN KIẾN TẠO ĐƯỜNG PHỐ

Như cựu Thị trưởng Michael Bloomberg của NYC viết trong lời giới thiệu của Sổ tay Kiến tạo Đường phố của NYC [New York City’s Street Design Manual]: “Đường phố của NYC thường được xem như vật cố định thường trực trong cuộc sống của thành phố, và trong nhiều trường hợp, chúng đúng là như thế. Nhưng đường phố của chúng ta cũng năng động, đặc tính và việc sử dụng chúng có thể thay đổi khi thành phố liên tục tiến triển và thay đổi hoàn toàn.” Sổ tay cung cấp hướng dẫn trong việc kiến tạo nét đặc thù của đường phố để hỗ trợ vai trò của đường phố như không gian công cộng, bao gồm đồ đạc đường phố, đèn chiếu sáng cho khách bộ hành, cảnh trí, và hạ tầng cơ sở an toàn cho khách bộ hành và người đạp xe.

CHÚ TRỌNG ĐẾN NHU CẦU CỦA KHÁCH BỘ HÀNH

clip_image068

Khuyến khích vỉa hè nới rộng qua Sổ tay Kiến tạo Vỉa hè Nới rộng [Parklet Design Manual] và một tiến trình cấp phép dễ dàng là một phần của Kế hoạch Đường phố Tốt hơn [Better Streets Plan] của SF. Tổ chức bởi một tiệm bánh, vỉa hè nới rộng này nằm trên Đường Noriega ở SF. Ảnh: Sở Kế hoạch SF – Flickr.

Năm 2010, SF chấp thuận Kế hoạch Đường phố Tốt hơn cung cấp những hướng dẫn tổng thể cho việc kiến tạo đường phố của thành phố, đặc biệt chú trọng đến khách bộ hành và việc làm thế nào để đường phố có thể dùng như không gian công cộng.

16. THIẾT LẬP QUY ĐỊNH ĐỂ KHUYẾN KHÍCH ĐƯỜNG PHỐ MỜI GỌI

KHUYẾN KHÍCH VIỆC LÀM ĐỊA ĐIỂM TRONG QUY ĐỊNH PHÂN VÙNG

Quy định phân vùng của Englewood, Colorado bắt buộc một số nơi bán lẻ mới phải có những thành phần kiến tạo để khuyến khích Việc làm Địa điểm, chẳng hạn như đa dạng thẩm mỹ, mặt tiền gây chú ý và lối vào của khách hàng, sự liên kết với khách bộ hành, và những nơi không thể xâm nhập cho kho chứa hàng, nơi bốc dỡ, và đổ rác. Đặc thù nhất có lẽ là tiêu chuẩn bắt buộc phải có những tiện nghi cho cộng đồng, như mái che [patio], Quảng trường dành cho khách bộ hành với ghế ngồi, nghệ thuật công cộng hay sân chơi ngoài trời.

BẮT BUỘC SỬ DỤNG TÍCH CỰC TẦNG TRỆT

Philadelphia, Pennsylvania muốn tránh những bức tường trống ở tầng trệt bằng cách bắt buộc tất cả các mặt tiền phải có ít nhất 17,5% không gian được dùng như cửa sổ hay cửa vào chính. Tầng trệt có nhiều cửa và cửa sổ tạo một kinh nghiệm kích thích hơn đối với khách bộ hành. Chúng cũng cổ võ “để mắt vào đường phố” và khuyến khích an toàn cao hơn.

Ở Nashville, Tennessee, chủ nhân của không gian tầng trệt trên đường phố chánh và phụ, cũng như chủ nhân đối diện với không gian công cộng và đường qua lại của khách bộ hành, bị buộc phải sử dụng tích cực chẳng hạn như bán lẻ, văn phòng, tổ chức, hay phương tiện giải trí. Chánh sách này làm sinh động tầng trệt và làm nản lòng việc sử dụng có vấn đề ở mặt đường, chẳng hạn như nhà đậu xe.

CHẤP THUẬN QUY ĐỊNH PHÁT TRIỂN ĐỊA ỐC

clip_image070

Thành phố Miami là thành phố lớn đầu tiên ở Hoa Kỳ chấp thuận Quy định Phát triển Địa ốc. Hoàn toàn thay thế cho quy định phân vùng hiện có, Quy định Phát triển Địa ốc của Miami là một mô hình cách tân quốc gia để khuyến khích tăng trưởng thông minh và đời sống tích cực của đường phố. Ảnh: Payton Chung – Flickr.

Quy định xây dựng và chánh sách sử dụng đất kiểm soát sự liên hệ giữa nhà cửa và lãnh vực công cộng và có ảnh hưởng to lớn đến việc liệu đường phố là một địa điểm mà người ta cảm thấy dễ chịu và muốn tiêu thời gian. Thông thường, các luật lệ phân vùng cổ điển bắt buộc tách riêng việc sử dụng đất khác nhau và khoảng cách tối thiểu từ ranh đất đến công trình [minimum building setback], hầu như bảo đảm rằng cảm giác của địa điểm không thể được tạo nên trên đường phố nằm cạnh khu xây cất mới. Quy định Phát triển Địa ốc là một biện pháp thay thế để điều tiết việc phát triển chú trọng vào việc điều tiết hình dáng của sự phát triển thay vì việc sử dụng, khiến cho việc tạo nên một lãnh vực công cộng mong muốn và cảm giác của địa điểm dễ dàng hơn.

Dịch giả gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.