(The Need for Renewed American Leadership in the Asia-Pacific)
John McCain, The Heritage Foundation – 29 tháng 12 năm 2016
Bình Yên Đông lược dịch
Là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ công nhận rằng hầu hết lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Một kỷ nguyên hòa bình và an ninh chưa từng có cho phép hàng trăm triệu người Châu Á thoát nghèo và biến đổi kinh tế trong khu vực. Châu Á này – một Châu Á hòa bình, thịnh vượng và dân chủ – là một sức mạnh đang lên đáng kể nhất trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, cách cư xử của Trung Quốc đe dọa phá vỡ cái trật tự đã tạo ra kỷ nguyên hòa bình và an ninh này. Hoa Kỳ không thể chọn lựa cho Châu Á trong việc duy trì và bảo vệ cái trật tự dựa trên luật lệ đó. Nhưng chúng ta có thể làm cho sự lựa chọn dễ dàng hơn với việc tái lập sự lãnh đạo ở Châu Á – Thái Bình Dương, bằng cách duy trì sự cam kết tích cực trên thế giới như là một đối tác kinh tế và an ninh không thể thiếu được. Trong buổi Thuyết trình B.C. Lee 2016, John McCain nói về việc làm thế nào để Mỹ duy trì vai trò lịch sử như là một sức mạnh Thái Bình Dương lâu dài trong tương lai.
Tôi rất vui khi được gặp lại bạn bè ở The Heritage Foundation. Tôi cảm ơn sự tiếp đón ân cần và sự lãnh đạo liên tục trong việc ủng hộ những nguyên tắc bảo thủ của Chủ tịch, Thượng nghị sĩ [TNS] Jim DeMint.
Quả là một đặc ân được có mặt trong buổi Thuyết trình B. C. Lee ngày hôm nay. Tôi thành thật cảm ơn gia đình Lee đã hỗ trợ chương trình này, với một truyền thống tự hào của các diễn giả đại diện cho một số tiếng nói hàng đầu về chánh sách của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương, kể cả Henry Kissinger và Condoleeza Rice. Chỉ một lần The Heritage Foundation hạ thấp tiêu chuẩn của nó là khi mời TNS Joe Lieberman nói chuyện.
Tôi cũng cảm ơn khách mời của chúng ta, Đại sứ Ahn của Hàn Quốc, đã đến dự ngày hôm nay. Và tôi lấy làm vinh dự được thấy một số đại sứ từ các quốc gia trong khu vực và những thượng khác khác ở đây ngày hôm nay.
Châu Á: Quá khứ, Hiện tại, và Tương lai
Là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ công nhận rằng hầu hết lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những cơ hội to lớn ở trước mặt, và tôi tin rằng chúng ta có thể nắm lấy chúng nếu chúng ta vẫn giữ những nguyên tắc đã đưa chúng ta đến thời điểm thuận lợi trong lịch sử Châu Á.
70 năm trước, từ đống tro tàn của thế chiến, Mỹ cùng đồng minh và đối tác của chúng ta đã xây một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ [rules-based international order] – một trật tự dựa trên những nguyên tắc quản trị tốt và luật pháp, dân tộc tự do và thị trường tự do, vùng biển và vùng trời tự do, và niềm tin rằng chiến tranh xâm lấn phải được trả lại cho quá khứ đẫm máu. Nói đơn giản: Những khái niệm này đã thay đổi vận mệnh của Châu Á mãi mãi.
Một kỷ nguyên hòa bình và an ninh chưa từng có cho phép hàng trăm triệu người Châu Á thoát nghèo và biến đổi kinh tế trong khu vực. Châu Á nay là một trung tâm đông đúc của mậu dịch toàn cầu. Nay, có nhiều công dân Châu Á được tự do phát biểu ý kiến và được chọn lựa theo ý họ. Và khi họ được bảo đảm những quyến căn bản này, hàng triệu người Châu Á đã bầu lãnh đạo của chính họ, sống trong luật pháp do họ đặt ra, và ủng hộ các chánh phủ dân chủ. Gộp chung với nhau, tôi tin Châu Á này – một Châu Á hòa bình, thịnh vượng và dân chủ – là một sức mạnh đang lên đáng kể nhất trên thế giới hiện nay.
Lãnh đạo của Mỹ và Tương lai của Châu Á
Không có điều nào được sắp đặt trước. Đúng là một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã thành công vì sự quyến rũ cố hữu của những giá trị của nó và những lợi ích vật chất mà chúng cổ vũ. Nhưng những khái niệm vĩ đại cần một người vô địch. Và đó là cái mà Mỹ và các quốc gia của khu vực này đã cùng làm. Chúng ta đã tập họp sức mạnh và ảnh hưởng. Chúng ta đã trả giá cho những hy sinh. Chúng ta đã chọn lựa để bảo vệ những nguyên tắc của trật tự dựa trên luật lệ ở Châu Á. Nay, chúng ta phải chọn lựa một lần nữa.
Và chúng ta không chọn lựa một mình. Tất cả các quốc gia Châu Á cần phải quyết định cái tương lai nào họ mong muốn.
Họ có chọn cho chính họ để đầu tư và bảo vệ những khuôn mẫu khung, tiêu chuẩn, luật lệ, và luật pháp đã là căn bản cho an ninh, thịnh vượng, và tự do của Châu Á trong 7 thập niên qua hay không? Hay họ sẽ kết luận rằng cái giá phải trả quá cao và những hậu quả quá thê thảm, và rồi cho phép một trật tự mới bén rễ – cái giống như quá khứ đen tối của khu vực, lúc sức mạnh là chân lý và những kẻ áp bức đặt ra luật lệ và vi phạm chúng.
Trung Quốc và tương lai của Châu Á
Dựa trên thái độ gây hấn trong những năm gần đây, tôi chỉ có thể kết luận rằng Trung Quốc đang làm bất cứ chuyện gì họ có thể làm để bảo đảm rằng Châu Á sẽ có lựa chọn thứ hai.
Tôi rất buồn khi kết luận như thế. Và điều lạ lùng là không một quốc gia nào đã hưởng lợi từ cái trật tự dựa trên luật lệ nhiều hơn Trung Quốc. Chỉ trong một thế hệ, Trung Quốc đã trở thành một siêu cường kinh tế và một vai chánh trong bang giao quốc tế. Và không quốc gia nào đã ủng hộ cho sự thành công của Trung Quốc nhiều hơn Liên bang Mỹ.
Một Trung Quốc cam kết “trỗi dậy trong hòa bình” sẽ là một đối tác quan trọng trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nhưng, Trung Quốc dường như đang chọn việc sử dụng sức mạnh và vị thế đang lớn của mình để phá vỡ cái trật tự đó. Và họ đã cẩn thận hướng tới một chánh sách dọa dẫm và ép buộc để hỗ trợ cho mục tiêu này, một tiến trình được tăng tốc mãnh liệt dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã dùng mậu dịch như một vũ khí trong các vụ tranh chấp với các nước láng giềng.
Trung Quốc đã dùng hệ thống điện toán [cyber] để đánh cắp sở hữu trí tuệ từ doanh nghiệp ngoại quốc để trục lợi cho nền công nghiệp của chính mình.
Trung Quốc đã sách nhiễu ngư dân của Philippines, Việt Nam, Indonesia, và Malaysia.
Trung Quốc tăng cường xâm nhập vũ khí chung quanh Quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản trị ở Biển Hoa Đông.
Trung Quốc đã ngăn chận một cách nguy hiểm các máy bay quân sự đang bay đúng theo luật quốc tế.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đã xé bỏ những cam kết với láng giềng trong Tuyên bố Ứng xử 2002 cũng như những cam kết gần đây với chánh phủ Hoa Kỳ, bằng cách tiến hành việc cải tạo trên các điểm tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông ở một mức độ sửng sốt và bất ổn định.
Rồi khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết chống lại những mạo nhận rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc hành xử như một kẻ bắt nạt. Nó yêu cầu các quốc gia trong khu vực và toàn cầu im lặng. Và nó đe dọa hậu quả cho những ai ủng hộ phán quyết quốc tế. Phán quyết đó rất dứt khoát: đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị và hoàn toàn mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Vì không vừa ý, Trung Quốc nói rằng phán quyết là một âm mưu do Hoa Kỳ cầm đầu và cả quyết không tuân theo.
Tất cả những điều này là một phần của trò chơi một chọi với số còn lại [zero-sum game] đối với sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực. Lãnh đạo Trung Quốc xem hai thế kỷ vừa qua là những lầm lạc của lịch sử. Họ tìm cách để tái lập vị thế của Trung Quốc như là một sức mạnh chiếm ưu thế ở Châu Á – Thái Bình Dương. Như một nhà ngoại giao hàng đầu của Singapore nói trong năm nay, “Trung Quốc không chỉ muốn cứu xét những quyền lợi của họ. Trung Quốc muốn quyền lợi của họ phải được chấp nhận” bởi các quốc gia Châu Á khác.
Nói cách khác, lãnh đạo Trung Quốc muốn ban những luật lệ kinh tế và an ninh cho con đường Châu Á. Và họ xem Hoa Kỳ như là một chướng ngại vật chính yếu trong việc hoàn thành mục tiêu này.
Trung Quốc: Một láng giềng xấu
Vì thế, Trung Quốc đã đưa ra một sự chọn lựa sai lầm cho các quốc gia Châu Á. Anh với chúng tôi, hay anh với Hoa Kỳ? Và những ai, không có sự chọn lựa đúng trong mắt của Trung Quốc, phải chuẩn bị những hậu quả.
Thí dụ như Hàn Quốc. Sau vụ thí nghiệm nguyên tử của Triều Tiên trong tháng 1 năm nay, Hàn Quốc đồng ý bố trí hệ thống tên lửa phòng không THAAD [Terminal High Attitude Area Defense] của Hoa Kỳ – một hệ thống không đe dọa Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc đã dành nhiều sức lực và ảnh hưởng để bắt nạt Hàn Quốc vì nước này có quyết định chủ quyền để tự phòng thủ thay vì dùng ảnh hưởng to lớn của mình đối với Triều Tiên để ngăn chận bước tiến của chương trình nguyên tử của nó. Kết quả của những ưu tiên sai lầm của Trung Quốc được ghi nhận trên địa chấn kế Richter tối hôm qua khi Triều Tiên cho nổ thiết bị nguyên tử thứ 5 của nó.
Việc Trung Quốc hiển nhiên bắt nạt các láng giềng rất đáng lo ngại. Và nó có thể không đạt kết quả mong muốn. Quả thật là những đe dọa và ngoại giao vụng về của Trung Quốc đã tạo nên phản ứng ngược mạnh mẽ. Nhưng điều đó không nói rằng áp lực như thế không thể có hiệu quả.
Trung Quốc chắc sẽ kiên trì trong việc ép buộc các quốc gia Châu Á phải thách thức cái trật tự dựa trên luật lệ. Họ dường như tin tưởng rằng cán cân quyền lực đã biến đổi, và Mỹ đang suy thoái, và rằng nay là lúc để sửa sai những sai lầm lịch sử.
Tôi tin rằng sự đánh giá này sai lầm. Nhưng nếu các quốc gia khác ở Châu Á đều đi đến một kết luận tương tự thì đó là một mối nguy hiểm thật sự.
Lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương
Hoa Kỳ không thể chọn lựa cho Châu Á có hay không nên duy trì và bảo vệ cái trật tự dựa trên luật lệ. Nhưng chúng ta có thể làm cho sự lựa chọn dễ dàng hơn với việc tái lập sự lãnh đạo ở Châu Á – Thái Bình Dương, bằng cách duy trì sự cam kết tích cực trên thế giới như là một đối tác kinh tế và an ninh không thể thiếu được.
Tôi biết có nhiều người thắc mắc là Mỹ được chuẩn bị để cho thấy sự lãnh đạo đó và để thực hiện sự chọn lựa đó hay chưa. Và tôi biết tại sao.
Những ngày đó, Mỹ chia sẻ những thử thách – một tình trạng tài chánh khó khăn lâu dài, những điều chỉnh cấu trúc trong nền kinh tế của chúng ta gây xáo trộn thật sự, ảnh hưởng tàn khốc do việc cắt giảm ngân sách tự động [sequestration] đối với quân đội của chúng ta và chánh trị bế tắc khiến cho việc giải quyết những vấn đề khó khăn càng khó khăn hơn.
Nhưng thưa các bạn, Mỹ đã đối diện với những thách thức to lớn hơn nhiều trước đây. Và những nghi ngờ về quyết tâm của chúng ta không có gì mới mẻ. Nhưng sau cùng, sự thành công là kết quả của những điều mà chúng ta chọn lựa. Chúng ta chọn đóng một vai trò lãnh đạo trên thế giới, không từ bỏ đồng minh và đối tác của chúng ta, và gánh chịu chi phí để làm như thế. Sự lựa chọn đó, nhiều lúc, đã không được quần chúng ưa thích. Nhưng nó đã là, và vẫn là, một chọn lựa đúng. Và đó chính là sự lựa chọn mà chúng ta phải chuẩn bị để làm ngày hôm nay.
Lãnh đạo của Mỹ: Thực hiện cân bằng quân sự
Hoa Kỳ phải tiếp tục duy trì một sự cân bằng quân sự thuận lợi ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để bảo đảm quyền lợi quốc gia lâu dài của chúng ta, duy trì những cam kết về hiệp ước của chúng ta, và bảo vệ an toàn cho vùng biển tự do và thương mại tự do.
Điều này bắt đầu với một nỗ lực không ngừng để tiếp tục bay, chạy trên biển và hoạt động bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, như chúng ta đã làm ở Tây Thái Bình Dương trong hơn một thế kỷ qua. Tự do hàng hải là một phần quan trọng của cái trật tự dựa trên luật lệ. Nhưng quan trọng nhất, tự do hàng hải là chuyện nằm trong máu của người Mỹ. Tự do hàng hải không phải là sự lựa chọn của Mỹ. Nó là một phần thiết yếu của dân tộc của chúng ta.
Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa một số điểm ở Quần đảo Trường Sa, tạo nên một chỗ đứng địa lý mới ở Biển Đông để áp bức các láng giềng của nó. Ngoài Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi cũng lo ngại về cái ý định của Trung Quốc trong việc chiếm và cải tạo bãi cạn Scarborough như là một địa điểm quân sự thứ ba trong cái tam giác ảnh hưởng Biển Đông của nó. Một kết quả như thế sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng cho đồng minh hiệp ước của chúng ta là Philippines. Nội các đương nhiệm và kế nhiệm phải xem việc ngăn chận sự chiếm đóng Scarborough như là một mục đích chính của chiến lược bảo vệ tự do hàng hải.
Rộng hơn, Hoa Kỳ phải đầu tư mạnh mẽ vào hải quân, không quân, và sự hiện diện trên bộ để cung cấp một “tuyến phòng thủ tiền phương” ở Tây Thái Bình Dương. Chúng ta đã có tiến bộ đáng kể trong vấn đề này trong những năm vừa qua – Thỏa thuận Hợp tác Quốc Phòng Bổ túc [Enhanced Defense Cooperation Agreement] với Philippines, quyền sử dụng căn cứ hải quân mới ở Singapore, Sáng kiến Tiếp cận Lực lượng với Australia, và Hướng dẫn Phòng thủ với Nhật Bản.
Nhưng với những đầu tư quân sự mà Trung Quốc đã thực hiện, thế đứng được hoạch định của chúng ta trong thập niên sắp đến cần được xem xét lại. Đó là lý do tại sao tôi tin nội các kế nhiệm sẽ tiến hành một cuộc duyệt xét thế đứng lực lượng toàn cầu mới, bao gồm một cái nhìn mới mẻ về các bước xa hơn để tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Một phần, chúng ta cần xem kỹ các nghiên cứu gần đây đề nghị lập nhiều vị trí quân sự tiền phương hơn ở Tây Thái Bình Dương, gồm một tàu sân bay thứ hai và Phi đội của nó ở Nhật Bản, một Hạm đội Sẵn sàng Đổ bộ [Amphibious Ready Group] ở một vị trí chẳng hạn như Guam, thêm một số tàu ngầm tấn công ở Guam, và luân chuyển một số chiến hạm lớn ở Đông Nam Á.
Tôi cũng rất khích lệ khi biết rằng Đô đốc Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương, đang hướng dẫn việc phát triển những khái niệm hành quân mới để cho các lực lượng bộ binh và không lực hành quân có thể tham chiến trong vùng biển.
Lãnh đạo của Mỹ: Xây dựng Đồng minh vững mạnh
Hoa Kỳ cũng phải tiếp tục giúp cho đồng minh của chúng ta vững mạnh thêm và phát triển những đối tác mới. Khi làm, chúng ta phải chú trọng vào việc hợp nhất những đối tác song phương này vào một hệ thống đối tác khu vực rộng rãi hơn dựa trên quyền lợi và giá trị chung.
Tôi xin nêu một thí dụ mà tôi rất thích và quan tâm: mối quan hệ đang gia tăng của đất nước chúng ta với Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ một loạt những quyền lợi kinh tế và chiến lược. Tôi tin rằng đã đến lúc để hai quốc gia của chúng ta phóng ra một Sáng kiến Hàng hải Việt-Mỹ [U.S.-Vietnam Maritime Initiative] lâu dài hơn. Điều này có thể bao gồm việc nới rộng các cuộc tập trận hỗn hợp trên biển, hoan nghênh Việt Nam trong các cuộc tập trận ở Rìa Thái Bình Dương, và gia tăng các cuộc viếng thăm cảng của Hải quân Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Cùng lúc, Thượng viện sẽ tiếp tục phần việc của mình. Năm rồi, TNS Jack Reed và tôi đã cộng tác để thành lập Sáng kiến An ninh Hàng hải [Maritime Security Initiative]. Nỗ lực ½ tỉ đô la này cho phép Bộ Quốc phòng xây dựng khả năng hàng hải cho các đối tác Đông Nam Á của chúng ta. Và tôi rất vui để tường trình rằng, năm nay, Ủy ban hành động trong tư thế lưỡng đảng để nâng cấp sáng kiến này và cung cấp nhiều tài nguyên mới cho nỗ lực.
Song song với nỗ lực này, TNS Graham là Chủ tịch Phân Ủy ban Quốc gia, Hoạt động Hải ngoại và Chương trình Liên hệ [State, Foreign Operations, and Related Programs] đã có những bước để gia tăng đáng kể Tài trợ Quân sự Hải ngoại và Huấn luyện và Giáo dục Quân sự Quốc tế cho đối tác của chúng ta trong khu vực. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy sự cam kết của Quốc hội trong việc phát huy những sáng kiến của chúng ta ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Lãnh đạo cũa Mỹ: Thực hiện tự do mậu dịch
Nhưng tái lập lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương không chỉ với quân đội của chúng ta. Tôi tin rằng dấu hiệu mạnh nhất mà Hoa Kỳ có thể gởi đi ngay bây giờ về sự cam kết lâu dài với an ninh và thịnh vượng của Châu Á là việc phê chuẩn Đối tác Xuyên Thái bình Dương [Trans-Pacific Partnership – TPP].
TPP tạo một cơ hội lịch sử để giảm thiểu các rào cản mậu dịch, mở thêm thị trường mới, khuyến khích xuất khẩu, và làm cho các công ty Hoa Kỳ cạnh tranh trong một của những vùng kinh tế năng động nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Và tôi tin rằng đó là nhiệm vụ của những người bảo thủ như tôi và các tổ chức bảo thủ như The Heritage Foundation – từ lâu là trọng tâm trí tuệ cho tự do mậu dịch – để giúp lãnh đạo cuộc chiến này. Tổ chức này đã lãnh đạo sự tiến bộ của tự do kinh tế ở trong và ngoài nước trong nhiều thập niên. Heritage từ lâu đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến này vì một lý do đơn giản: thị trường tự do và mậu dịch tự do. Chúng mang lợi cho chúng ta.
Mặc khác, nếu TPP thất bại, sự lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương có thể sẽ thất bại theo. Tôi vừa hỏi Thủ tướng Singapore chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn TPP. Ông trả lời: “Anh đã chấm dứt ở Châu Á.”
Tôi xin lặp lại: “Anh đã chấm dứt ở Châu Á.”
Khi chúng ta nói, Trung Quốc đang vận động một thỏa thuận mậu dịch vùng của chính nó mà không có Hoa Kỳ. Trung Quốc muốn viết lại những luật lệ kinh tế ở Châu Á bằng phí tổn của chúng ta. Và nếu chúng ta không phê chuẩn TPP, chúng ta để họ tự do làm việc đó.
Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa. Những quyền lợi của TPP rất lớn. Và Mỹ phải hiểu điều đó một cách đúng đắn.
Kết luận: Vững tin vào tương lai của Mỹ
Các bạn thân mến: Trong cuộc đời của tôi, Mỹ đã đối diện với nhiều vấn đề rất to lớn hơn những vấn đề chúng ta đang đương đầu hiện nay, và chúng ta không chỉ vượt qua những thử thách ngày trước, chúng ta trở nên mạnh hơn và tốt đẹp hơn. Chúng ta luôn có mặt trong những buổi bình minh mới tươi sáng hơn ở Mỹ. Mỹ đã bị loại trước đây, nhưng chúng ta luôn luôn chứng minh rằng những người nghi ngờ là sai. Chưa bao giờ có ai thắng cuộc khi đánh cuộc là Mỹ sẽ thua, và thưa các bạn, tôi không nghĩ nay là lúc để bắt đầu.
Tôi rất lạc quan về tương lai của Mỹ. Tôi rất vững tin vào Mỹ vì nền kinh tế của chúng ta vẫn duy trì sự thúc đẩy năng động nhất cho sự phát triển toàn cầu, và khả năng của nó trong việc tái sáng chế và sáng kiến thì thực là không có giới hạn.
Tôi vững tin vào Mỹ vì những kỹ thuật mới đang mở ra những nguồn năng lượng to lớn của đất nước, và Mỹ hiện trên con đường trở thành một nhà xuất siêu về dầu và khí đốt.
Tôi vững tin vào Mỹ vì nền giáo dục đại học của chúng ta là sự thèm muốn của thế giới, vì xã hội của chúng ta tiếp tục đãi ngộ việc chấp nhận nguy cơ và tinh thần đầu tư, và vì chúng ta tiếp tục thu hút tài năng sáng chói nhất và giỏi nhất trên toàn cầu và kết hợp lại trong xã hội đa dạng của chúng ta.
Tôi vững tin vào Mỹ vì quân đội Hoa Kỳ vẫn là một lực lượng chiến đấu được thử thách và hữu hiệu nhất trên thế giới.
Và dù chúng ta, những người Mỹ, luôn có quá nhiều tranh luận hăng say, tôi vững tin vào Mỹ vì hệ thống chánh trị của chúng ta vẫn có khả năng làm nên đại sự có tính sống còn đối với tương lai của Mỹ.
Winston Churchill có nói: “Bạn có thể luôn trông cậy vào Hoa Kỳ để làm đúng – sau khi họ đã thử mọi thứ khác.” Có lẽ điều đó có phần nào đúng. Nhưng khi có sự lựa chọn giữa lôi kéo và duy trì cam kết ở Châu Á và thế giới, tôi tin sự lựa chọn thì rõ ràng. Tôi tin Mỹ sẽ làm đúng để giữ vững vai trò của một sức mạnh Thái Bình Dương lâu dài trong tương lai.
J. M.
John McCain đại diện cho Arizona ở Thượng viện Hoa Kỳ và là Chủ tịch Ủy ban Quân Vụ Thượng viện.
Dịch giả gửi BVN.