Mảnh đất màu mỡ

Luật sư Lê Luân

Các bạn có biết, điều tréo ngoe nhất ở đất nước chúng ta đó là Hiến pháp đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Chính vì quy định này mà chỉ có nhà nước – một pháp nhân xác định và đầy đủ quyền năng để thực hiện mọi quyền và nghĩa vụ của một chủ sở hữu đối với tàn sản, còn toàn dân là một chủ thể bất định. Chính bởi vậy mà chủ sở hữu như ấn định trong Hiến pháp lại chẳng là ai và cũng không thể xác định được.

Đây chính là một quy định mà không có bất kỳ ý nghĩa về mặt học thuật nào đối với khoa học pháp lý. Tất cả các nhà nghiên cứu luật pháp cũng đều đành phải bó tay với kiểu sở hữu này trên thế giới.

Và vì cái thứ sở hữu ấy nên nhà nước chính là chủ thể trực tiếp để quyết định mọi vấn đề về thu hồi, bồi thường và các quyết định chính sách khác về đất đai. Và cũng vì lẽ đó mà các tập đoàn, cá nhân muốn làm ăn thì phải “tham nhũng chính sách” nếu muốn đầu tư về đất đai, dự án nhà ở. Vì chỉ có nhà nước mới là “chủ sở hữu” thực sự của đất đai mà toàn dân thì không ai biết là ai và không có bất kỳ giá trị gì về mặt pháp lý trên thực tế.

Và vì vậy mà ở Việt Nam mới mọc lên các loại đại gia bất động sản một cách khủng khiếp và nhiều như nấm là thế: Vingroup, FLC, Tân Hoàng Minh, Sungroup, Sunshine,… ở các nước khác trên thế giới thì không có ông tỷ phú nào về bất động sản cả.

Nền kinh tế của chúng ta chỉ có đầu tư vào đất đai (và bởi thế mới là cơ hội để làm sân sau hoặc tham nhũng lợi ích là vậy) đã chiếm một tỷ trọng quá lớn đối với nền kinh tế, làm méo mó các hoạt động kinh tế đa lĩnh vực mà các lĩnh vực khác mới là trọng tâm.

Nền kinh tế chúng ta không thể trụ được lâu nữa nếu tiếp tục để quả bóng bất động sản cứ phình ra mãi. Cách đây 2 năm tôi đã nói vì sao chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng lại bơm đến 30.000 tỷ đồng vào lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản để cứu nền kinh tế rơi vào suy thoái. Vì cứu cái quả bóng bất động sản là cứu lợi ích nhóm, cứu ngành ngân hàng, không sẽ sụp đổ hệ thống nếu để bất động sản tiếp tục rơi vào khủng hoảng như năm 2012 – 2013.

Từ quy định pháp lý ấy trong Hiến pháp, rồi dẫn tới Luật Đất đai ban hành ra đều chỉ để cụ thể hoá việc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu”. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ nhất cho những tay tài phiệt làm ăn bám vào đất đai với các dự án khủng. Nhưng chính họ là những người phá nát và đánh sập nền kinh tế này nhanh hơn bất cứ thứ gì khác. Nếu họ tạo ra được 10.000 việc làm cho người nào đó thì cũng đồng thời với nó là sẽ tạo ra bất công và khả năng mất đất, rơi vào nghèo khó, mất nơi sản xuất, mất cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế khác cho 100.000 người khác ngoài xã hội. Hơn thế, loại đầu tư bất động sản là loại đầu tư kìm hãm sự sáng tạo của con người và sự lành mạnh của nền kinh tế của một đất nước.

Nhìn vào những người giàu chỉ vì ôm đất và đầu cơ, gây ra bất ổn cho xã hội, cho nền kinh tế ngày càng lớn thì hiểu rằng cán cân kinh tế ngày càng bị bênh cao hơn lên mà ở phần trên là những ngành còn lại của nền kinh tế này gộp lại.

Và cứ nhìn các tập đoàn tư nhân tài phiệt thay nhau thu mua các khoảnh đất vàng trên các địa bàn khắp cả nước và thay nhau đứng đầu danh sách đại gia hàng đầu thì sẽ thấy những điều tôi phân tích ở trên đây rõ ràng hơn bất cứ chứng cứ nào.

L. L.

Nguồn: FB Luân Lê

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.