Còn vài giờ đồng hồ nữa là hết năm, ngồi điểm lại những thời khắc đáng nhớ nhất của bản thân trong năm qua, chợt nhận ra là đều liên quan tới Formosa.
Đó là khi phải cải trang thành công nhân xây dựng, trốn chui nhủi trong thùng xe tải do dân địa phương chuẩn bị sẵn để thoát khỏi Kỳ Anh hồi tháng 5. Nhìn cảnh vật trôi đi qua khe hở của thùng xe, thấy đau đớn vô cùng, rằng đất mình đây mà đến phải bí mật, đi phải chui nhủi thế này.
Đó là lúc trấn an Lipin, nữ phóng viên của đài PTS Đài Loan, cho qua cơn sợ hãi sau khi cả đoàn bị an ninh truy đuổi vì sang làm tin thảm họa cá chết tại Hà Tĩnh. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi với cô trước khi đoàn rời đi ngay trong đêm đã giúp tôi lần đầu tiên cảm được bằng cách nào lòng yêu thiên nhiên có thể vượt biên giới quốc gia và đam mê nghề nghiệp có thể bước qua nỗi sợ hiểm nguy.
Đó cũng là lúc bước lên xe đi đón các nạn nhân địa phương cho buổi gặp lúc 4h sáng với phái đoàn Dân biểu Su Chih-fen sang thị sát Formosa. Nói với anh em lời chào từ biệt vì không chắc đi xong có về lại được nữa không.
Đều là những phút đáng nhớ, song xúc động nhất lại là một khoảnh khắc rất khác mà tôi sẽ kể dưới đây:
Buổi sáng hôm đó là một trong những ngày đầu tiên ở Kỳ Anh khi vụ cá chết xảy ra, tôi thức dậy sớm vì tiếng chuông nhà thờ. Nơi đây dân biển đi lễ sớm để ra âu thuyền làm việc, 5h tờ mờ sáng người đã đông đúc rộn vang giáo đường. Vốn ngoại đạo và cũng tò mò một buổi lễ vùng biển diễn ra thế nào, tôi đứng ở một khoảng cách không quá xa để quan sát, tình cờ nghe trọn lời của cha Lai quản xứ hôm đó với giáo dân, điều mà cha còn nhắc lại nhiều lần nữa trong những buổi lễ sau đó:
“Nếu cá các con đánh về, nhặt về mà các con không dám ăn, thì các con không được bán cho người ta. Bán cho người ta là các con mang tội với Thiên Chúa, mang tội với cha. Dù đói cũng không được đem bán cho người ta”.
Ngay lúc đó tôi biết rằng tôi, gia đình tôi, người thân của tôi nợ những người dân nơi đây một lời cảm ơn, vì họ thà chịu đói chứ không đẩy cá độc ra thị trường gây hại cho chúng tôi.
Và cũng lúc đó, tôi biết, dân tộc mình vẫn còn hy vọng.
Ảnh: Nhà nguyện, nơi tổ chức các buổi lễ ở giáo xứ Đông Yên, Kỳ Phương, Hà Tĩnh. Đây là nhà tạm trong lúc chờ nhà thờ chính đang xây. Quá trình xây dựng bị trì hoãn vì nhà thờ đem nhiều kinh phí xây dựng ra giúp giáo dân trong quãng thời gian khó khăn vừa qua.
N.T.A.