Xẻ thịt Tân Sơn Nhất: Thời chiến vẫn lảng vảng đâu đây

Nguyễn Hoàng Hải

(VNTB) – Hơn bốn mươi năm thời bình, sân bay vẫn nhỏ so với quỹ đất dành cho, máy bay giờ phải đậu qua đêm ở sân bay khác, cứ y như thể thời chiến vẫn lảng vảng đâu đây.

clip_image001

Để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, Cục hàng không Việt Nam vừa đề nghị các hãng hàng không Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco sớm triển khai kế hoạch đưa máy bay nghỉ qua đêm tại sân bay Cần Thơ (CT).

Do mật độ khai thác bay tăng cao, khai thác mới đường bay nội địa, nên số lượng máy bay để đáp ứng cho việc khai thác ngày càng nhiều, dẫn đến kết cấu hạ tầng không đủ chỗ cho máy bay đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất (TSN).

Trao đổi với VnExpress, ông Võ Huy Cường (Phó cục trưởng cục hàng không) lý giải rằng yêu cầu trên không phải là dồn máy bay từ TSN đến sân bay CT đậu qua đêm, rồi sáng mai quay lại TP. HCM đón khách.

Ông tiếp: “Thực hiện yêu cầu này, hãng hàng không phải sắp xếp lại lịch bay, các chuyến bay trong khuôn khổ Tân Sơn Nhất điều phối được vẫn đến sân bay này bình thường. Còn lại thì bố trí các chuyến bay cuối ngày về sân bay Cần Thơ đỗ qua đêm, sáng hôm sau sẽ khởi hành đi các tỉnh phía Bắc tại đây, chứ không phải khởi hành từ Tân Sơn Nhất”.

Với cách đề nghị và lý giải như trên, thật sự hành khách khi muốn sử dụng phương tiện hàng không, không biết sẽ có lợi hơn hay không qua cách sắp xếp thật sự khó hiểu này?

Các chuyến bay cuối cùng trong ngày, nếu điểm đến của hành khách là sân bay TSN thì sao, hành khách có phải theo xuống sân bay CT để nghỉ qua đêm hay không? Rồi sáng mai, khi những máy bay này bay đi hướng Bắc thì hành khách làm sao về hướng Nam? Hành khách có phải tốn thêm tiền để mua vé từ Cần Thơ về lại Tân Sơn Nhất hay không?

Các chuyến bay trong khuôn khổ và ngoài khuôn khổ là sao? Trong khuôn khổ điều phối được thì vẫn về sân bay TSN, còn không điều phối được thì hành khách có bị buộc phải xuống CT nghỉ qua đêm hay không?

Được biết, quỹ đất để phát triển lâu dài cho sân bay TSN lớn hơn nhiều so với bây giờ. Diện tích lúc đó khoảng 36 km2 (tức 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore). Nó bao gồm cả phần đất sau này cắt ra để làm đô thị thuộc các quận Tân Bình, Gò Vấp và phần đất thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Toàn bộ phần quận Tân Bình tính từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương, cũng như phần của quận Tân Bình và Gò Vấp từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung… vốn nằm trong hàng rào sân bay TSN cũ (theo ông Lương Hoài Nam – nguyên giám đốc điều hành hãng hàng không Air Mekong).

Như vậy, nếu quỹ đất để phát triển lâu dài cho sân bay TSN trước đây không bị chiếm dụng, cũng như cắt ra để làm đô thị, lẽ nào giờ đây sân bay TSN lại không có đủ chỗ để máy bay đậu đỗ?

Việc cắt đất thuộc phạm vi sân bay TSN để phát triển đô thị trước đây, vô hình trung làm tăng dân số sinh sống bao quanh khu vực sân bay, tạo ra gọng kìm thắt chặt hành lang an toàn của sân bay. Phải nói, đây là quyết định sai lầm và tai hại nhất cho việc phát triển đô thị của các cơ quan chức năng. Khi làm, cứ cắm đầu mà làm không hề suy nghĩ lợi và hại trước sau của việc mình làm.

Giờ đây, việc thu hồi lại đất đã phát triển thành đô thị là việc khó có thể thành hiện thực bởi lấy đâu ra tiền để đền bù và tái định cư.

Nhưng, muốn nâng công suất để phát triển tìm năng bay với lượng khách ngày một cao hơn, thực tế quỹ đất còn lại hiện tại vẫn còn khả năng đáp ứng được trong việc nâng cao tìm lực phát triển sân bay.

Qua thông số mà trước đây TS. Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch hội tư vấn công nghệ và quản lý Hascon – đã đưa ra như sau: 157 ha chiếm dụng làm sân golf, 38 ha đất trống trong khuôn viên sân bay. Phần còn lại, chưa kể đất quân đội đang đóng quân trong sân bay cũng như phần đất khác mà các xí nghiệp đã thuê của sân bay.

Tuy quỹ đất còn lại so với trước đây đã vơi đi rất nhiều, nhưng theo các chuyên gia vẫn còn đủ để mở rộng và phát triển được cho nhiều thập kỷ tới, nếu những phần đất còn lại kể trên được thu hồi trả lại cho sân bay TSN theo đúng chức năng sở hữu và sử dụng thuộc sân bay TSN.

Nhưng nghịch lý bấy lâu nay là thế lực “nhóm lợi ích” vẫn thâu tóm toàn bộ quỹ đất còn lại làm cát cứ riêng cho mình, sân golf là một trong những cát cứ riêng còn chình ình ra đó, như muốn thách đố tiềm năng khai thác cũng như bề mặt của một sân bay được cho là sân bay lớn nhất của quốc gia.

Việc ông phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra giải pháp phải gấp rút triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm giảm tình trạng quá tải trầm trọng tại cửa ngõ hàng không lớn nhất nước cũng chỉ dừng lại ở con số 21 ha đất mà phòng không không quân sẽ giao lại.

Nghĩa là, quỹ đất còn lại vẫn mặc nhiên tồn tại cho lợi ích quyền lực nào đó chứ không phải dành cho lợi ích quốc gia.

Trở lại với vấn đề hiện tại, chắn chắn người dân càng ngày sẽ càng chi trả nhiều tiền hơn cho việc đi lại của mình, mà thời gian chắc cũng không như ý muốn được bởi những khó khăn và nghịch lý hiện tại.

Hơn bốn mươi năm thời bình, sân bay vẫn nhỏ so với quỹ đất dành cho, máy bay giờ phải đậu qua đêm ở sân bay khác, cứ y như thể thời chiến vẫn lảng vảng đâu đây.

N.H.H.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/12/vntb-xe-thit-tan-son-nhat-thoi-chien.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.