Trả lời trên một trang báo mạng ở Việt Nam mới đây, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng việc tặng quà Tết trái quy định không phải là hành vi ăn trộm, ăn cắp nên khó “bắt quả tang”. Việc người dân phản ánh qua đường dây nóng phải có quá trình xem xét để tránh việc lợi dụng, ảnh hưởng đến danh dự của người liên quan.
Câu trả lời của ông Đạt, xét trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, cho thấy tính chất nghiêm trọng của nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chọt… mà ngay chính các cơ quan thanh tra, chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam cũng phải đau đầu. Nhưng nếu chúng ta nhìn quanh các quốc gia ít có nạn tham nhũng, chúng ta có thể thấy việc quản lý quà tặng cho quan chức không phải là chuyện khó khăn. Tại sao vậy?
Thứ nhất, tôi cho rằng đó là nhân tố đạo đức hay tính tự giác chấp hành pháp luật. Nếu so sánh mức độ tự giác của người Việt và người Mỹ, người châu Âu ngay tại đất Việt Nam hay ở nước ngoài, chúng ta có thể thấy rõ người Việt chúng ta kém tự giác hơn người nước ngoài. Điều này có thể nhận ra trong việc sử dụng các hệ thống nhà vệ sinh công cộng, việc bỏ rác vào thùng rác, việc giữ gìn tài sản chung, việc trả tiền trong siêu thị, hay như việc dám làm dám chịu (mà một biểu hiện tiêu biểu là hành động từ chức khi phạm sai lầm). Tình hình này có thể bắt nguồn từ yếu tố văn hóa, từ môi trường xã hội, từ nền giáo dục chưa tôi rèn được ý thức tự giác, từ cơ chế tuyển dụng công nhân, viên chức chưa minh bạch, còn nạn chạy chọt và nạn thế hệ này phải “kéo” thế hệ sau. Tính tự giác kém của các thành phần bất hảo kèm theo các quan chức bất hảo, khiến cho luật cấm quà cáp không ngăn chặn nổi hàng tá những chiêu trò mà họ bày ra, khiến các nhà làm luật lẫn các cơ quan thi hành pháp luật phải bó tay.
Thứ hai, quan trọng không kém, chính là sự quyết liệt của bộ phận chống tham nhũng. Gần đây Việt Nam phát hiện ra nhiều trường hợp tham nhũng lớn, khiến nhiều người dân phấn khởi. Tuy nhiên nhìn lại sẽ thấy, những kẻ tham nhũng có thời gian “ủ bệnh” rất lâu dài. Các quan tham có thời gian thăng tiến từ việc này đến việc nọ; từ một nhân viên hành chính bình thường leo lên tận các vị trí cao cấp mà khi bị bại lộ, ai nấy cũng ngỡ ngàng. Như vậy tôi đặt ra hai câu hỏi: một là có hay không sự quyết liệt chống tham nhũng? Xin nhớ cho chỉ số tham nhũng và minh bạch ở Việt Nam vẫn bị thế giới xếp vào hạng kém trong nhiều năm trời, bất chấp quá trình hội nhập kinh tế buộc Việt Nam phải cải cách không ít lần. Hai là, phải chăng những gói quà “lót tay” hiện nay không chỉ qua mắt được bàn dân thiên hạ, mà còn qua mắt được luôn cả những người và cơ quan chống tham nhũng? Quản lý quà Tết không phải là cứ chăm chắm vào gói quà đó, hay buộc người ta khui gói quà ra trước mắt mình để “bắt quả tang”, mà là quản lý nguồn thu nhập cá nhân của quan chức: một đồng xu trong tài sản, dưới bất kỳ hình thức nào của quan chức và gia đình họ cũng phải được kê khai một cách rõ ràng, minh bạch và được kiểm chứng, giám sát.
Ở các nước ít có nạn tham nhũng, quan chức có trách nhiệm giải trình tài sản bất kể khi nào người dân hay các cơ quan giám sát có nghi ngờ. Họ phải giải thích được nguồn gốc tài sản của họ, trong khi tài sản của thân nhân các quan chức cũng được kê khai và đối chứng khi cần thiết. Các món quà họ được tặng, những bữa cơm họ được mời, những chuyến du lịch họ tham dự, những buổi hội thảo họ đến tham gia, hay ngay như thù lao họ được trả khi viết một quyển sách… tất cả đều phải được kê khai chi tiết, được công khai ngay khi cần thiết.
Việc ông Phạm Trọng Đạt đặt vấn đề “bắt quả tang” khi tặng quà cho nhau có dấu hiệu tham nhũng cho thấy ông Đạt (hay mở rộng ra là hệ thống quản lý minh bạch, chống tham nhũng) của Việt Nam dường như thiếu tính phổ quát, chưa có tầm ảnh hưởng sâu rộng – điều tối thiểu mà một hệ thống luật pháp cần có. Tôi cũng cho rằng việc đặt vấn đề “bắt quả tang” quà tặng của ông Đạt là quá hạn hẹp, nên đặt vấn đề rộng hơn đó là đối chất, chất vấn về tài sản quan chức theo định kỳ hoặc hàng năm. Còn với các gói quà Tết vượt mức quy định nhưng được thể hiện dưới dạng du lịch, vé khuyến mãi, học bổng cho con em quan chức, hay thậm chí một bữa cơm, một túi lì xì nhỏ gọn… thì phải dựa vào sự giám sát của nhân dân (qua đường dây nóng), hoặc phải quay về câu hỏi đầu tiên đó là tính tự giác của quan chức. Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng quy trình tuyển dụng minh bạch, công bằng, dựa trên khả năng đích thực của các cơ quan công quyền.
Kèm theo đó, với các gói quà Tết bất hợp pháp dù chỉ là nhỏ, thì cũng phải được xử lý thật nghiêm khắc. Ở nước ngoài, ăn một bữa cơm mời có giá trị vượt quá quy định vài ba trăm ngàn đồng cũng đã bị kỷ luật, thậm chí giáng chức nếu được chứng minh quan hệ giữa quan chức và người mời cơm là quan hệ thiếu minh bạch, có khả năng hợp tác trục lợi. Các phong bì lớn nhỏ, cứ hễ bị khám phá thông qua hệ thống quản lý thu nhập quan chức rất hiện đại, hiệu quả, thì những người vi phạm có rất nhiều khả năng bị vào tù.
Đừng xem nhẹ tính tự giác mà lơ là trong việc tuyển người có đạo đức, hay đơn thuần giơ cao đánh khẽ (theo kiểu: “Vụ ông Vũ Huy Hoàng, Quốc hội phê phán thế đã đủ đau chưa?”), thì nạn quà cáp trong ba ngày Tết vẫn sẽ là cái ung nhọt vô phương cứu chữa.
C.H.H.
__________
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/de-chong-tham-nhung-doi-lot-qua-tet/3648230.html