Tô Hải
Chỉ mới hôm qua, đọc trên báo Đảng, có chuyện buồn cười về tình trạng bi-hài trong giới văn nghệ. Đó là: Ông Tổng thư ký Hội Nhà văn công khai trên báo chí: “Sẽ tính đến chuyện bán cả 2 trụ sở Hội làm nhà hàng khách sạn để lấy tiền hoạt động trước nguy cơ Hội phải giải tán vì Nhà nước cúp tài trợ! Chả khác gì: “Không chịu chi tiền cho chúng em thì chúng em đành… nghỉ sáng tác vậy”!
Một chuyện “làm mình làm mẩy” đến nực cười! Nhưng, hôm nay, mở tờ Tuổi Trẻ lại có một tin về văn hóa nghệ thuật động đất, động trời chưa từng xảy ra tại đất nước VN. Một tin làm cả hàng ngàn văn nghệ sỹ chân chính không thể không thét lên: “có thế chứ!”, bởi tính chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của nó rõ ràng là đã quá… “tích cực”, dù cái thể chế hiện nay người ta đang hô hào tiếp tục “đổi mới”, nhưng nói thẳng ra rằng: nó đang ngày càng đâm đầu vào bụi rậm mà chẳng tìm ra cái ný sự cùn nào để khẳng định nó là dơi hay là chuột! Bài báo như sau: Phiên đấu giá mỹ thuật đầu tiên VN: 40 ngàn USD tranh Lê Phổ.
Tớ hăm hở, cố đeo kính chống mù, đọc đi, đọc lại mà chẳng để ý gì đến trên má mình đã từ từ chảy xuống những giọt nước mắt đọng lại trên mi từ khi đọc đến 2 cái tên mà mình quá quen thuộc…
Đó là 2 họa sỹ – bạn già – cùng phục nhau vì đồng lý tưởng khao khát tự do cho sáng tác nên phải sống cực khổ cho đến chết mà vẫn bị coi là “phần tử chống đối giai cấp!” Tuy không bị đi cải tạo như anh em “Nhân văn – Giai phẩm” nhưng họ cũng bị suốt đời kềm kẹp do đã “dám liều mình” xin ra khỏi cơ quan Nhà nước, dám không sinh hoạt ở các Hội chính trị – nghề nghiệp mà Đảng đã dựng nên để kiểm soát về nội dung tư tưởng trong tác phẩm và cả trong suy nghĩ, lời ăn, tiếng nói, tác phong sinh hoat của mỗi cá nhân nghệ sỹ…
Riêng đối với một số văn nghệ sỹ quyết tâm rời bỏ cơ quan Nhà nước, không lương bổng, tem phiếu, không có ai quản lý này thì… chẳng còn ông bí thư hay thủ trưởng nào ngăn cản được họ vẽ cái gì? Vẽ theo trường phái nào? Không cho triển lãm, thì treo tranh ở nhà… Nhà chật chội thì đem treo ở nhà bạn bè hoặc xếp hàng đống dưới gầm giường! (như Lưu Công Nhân thời ở khu tập thể Văn Chương).
Riêng mình, có hai người thân quen nhất lần này có tên trong ba họa sỹ đã quá cố(*) được đánh giá lại giá trị, tài năng qua tác phẩm bằng buổi bán đấu giá tới mấy chục ngàn USD một bức tranh, làm mình cảm động nhất vì nó gợi lại cả một thời kỳ văn nghệ sỹ miền Bắc phải viết, vẽ, diễn… theo ý Đảng để được hưởng lương và được mua lương thực, nhu yếu phẩm theo tem phiếu.
Đấu giá tranh tiền cả mấy chục ngàn đô-la của họa sỹ VN đã qua đời. Ảnh: Internet
Ơi! TRẦN ĐÔNG LƯƠNG ƠI! Cậu chết trước tớ nên chả biết được lúc này tớ khóc thầm cho cậu vì đang nghĩ đến cái cảnh cậu ì ạch vác đến tận nhà tớ bức tranh mà cậu biết là tớ thích! Cậu tặng tớ mà tớ thì không dám lấy vì mua nó tớ cũng chả dám đề cập đến nữa là. Tớ nói: “Ông định trả ơn tôi về mấy chục kí gạo tôi mang đến cho chị và các cháu đấy à! Tranh này, gặp dịp có thể bán được cả ngàn đô-la chứ chẳng đùa đâu”. Ai ngờ cậu nói “Ơn huệ cái mẹ gì! Lúc khó khăn này tình nghĩa anh em mình, cả triệu đô la cũng chẳng mua được ấy chứ. Còn tranh tớ, dưới quyền lãnh đạo của mấy ông bần cố nông này thì có đến mùa quýt cũng chăng ai dám bỏ ra lấy một trăm đô mà mua tranh bọn mình! Toàn con gái, chim hoa, lá, cá cả mà!”
Thế mà… ĐÔNG LƯƠNG ƠI! Hôm 17/12/2016 vừa rồi, tại ngay đất Sài-Gòn này, bức “Chân dung thiếu nữ” chì trên giấy của cậu đã được mua với giá HAI MƯƠI BA NGÀN ĐÔ-LA đấy!
Chỉ tiếc rằng: Lúc này đây cậu đã mang theo mối hận về trời và không hiểu có phải các cháu nó đứng ra bán hay lại qua tay một người “mua rẻ” bằng gạo cứu đói như mình?
Còn ông bạn già, họa sĩ LÊ VĂN XƯƠNG thì lại trong một hoàn cảnh đặc biệt khác. Ông không đi kháng chiến chống Pháp mà đi triển lãm tranh chân dung Việt Nam ở tận Paris. Đặc biệt ông có tài vẽ chân dung, rất nhanh, rất sống động và nhấn được cá tính nhân vật qua mầu sắc và ánh sáng. Nhưng mấy ông cách mạng hỏi ông về bằng cấp thì… CHƯA TỐT NGHIỆP MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG NHƯNG ĐÃ ĐƯỢC NGƯỜI TÂY MỜI ĐI TRIỂN LÃM! Và thế là ông cứ phất phơ yên lặng làm nghề vô cùng nổi tiếng. Nhưng tranh, tượng của ông “không theo đường lối vô sản”, không phục vụ kịp thời mọi nhiệm vụ chính trị nào mà Đảng đang để ra cả! Ông ở khu phố lại kiếm ra tiền bằng nghề vẽ và nặn tượng bất cứ ai ông yêu thích nên họ “đấu tố” ông đủ điều. Cuối cùng, để yên thân, ông xin vào cơ quan mà mình mới được Quân Đội “tăng cường” cho bên Nhân Dân (!?): Nhà Xuất bản Mỹ thuật Âm nhạc. Thế là mình … để ý đến cái ông già suốt ngày mẩu thuốc là dính mép, cặm cụi nặn Bác Hồ bằng thạch cao, cái nào cũng y hệt cái nào, nằm tầng tầng lớp lớp trong căn phòng chưa được 40 mét vuông của Ban Nặn Tượng gọi cho sang trọng là Tổ… Tạo Hình!
Nghệ thuật tạo hình đồng loạt của Nhà nước sản xuất ra để “bán cũng như cho” mà! Văn Xương chấp nhận về làm việc ở chỗ đó, theo hợp đồng như một người “thợ lành nghề”. Chẳng nói, chẳng rằng cho đến hết giờ hành chính, không đến muộn cũng như chẳng về sớm bao giờ! Riêng với mình, thấy mình hơi… “khác đời”, thỉnh thoảng ông cũng tâm sự về cái sự “yên lặng là vàng của ông”. Rằng thì là: vì có cơ quan kiểm soát rồi thì về nhà sẽ tha hồ kiếm ra vàng… Hai con người trong ông cứ thế song song tồn tại. Cho đến ngày 30/4/1975 thì ông hủy hợp đồng làm việc với cơ quan. Về Sài Gòn ông mở một xưởng vẽ và làm tượng đủ kiểu cho bất cứ ai com-măng trả tiền! Chả lệ thuộc vào ai.
Cơ sở của ông ở ngay mặt tiền Nguyễn Đình Chiểu, không lúc nào vắng khách đặt hàng. Ông sống phây phây trước mọi khó khăn của xã hội những thập niên 70-80. Tuy vậy, thỉnh thoảng ông cũng hy sinh chuyện “vắt đất ra tiền” để buộc đồ nghề trên pooc-ba-ga xe đạp, đi đây đó vẽ cho đỡ nhớ! Một địa chỉ mà ông thường đến thăm là cái chuồng cu 23 Lý Tự Trọng của mình, mà bà xã sau này của mình thường được nhờ làm mẫu với cái giá… “Vẽ 5 cho chọn lấy 2!” Kể cũng thỏa đáng!
Đây tranh của họa sỹ Trần Đông Lương, người nghệ sỹ tài năng mà cả nhà phải “đoi sắc” vì dám xin ra khỏi biên chế để được tự do sáng tác! Ảnh: Tô Hải
Và đây lão nghệ sỹ Văn Xương không có tiền thuê người mẫu, chỉ vẽ con cháu và ai muốn vẽ free thì cứ … “vẽ 5 tranh chọn 2”. Ảnh: Tô Hải
Hôm nay, báo đăng tranh lụa “Thiếu Nữ”của Lê Xăn Xương do chính con ông, kiêm người mẫu trong tranh đứng ra bán được HAI MƯƠI HAI NGÀN NĂM TRĂM USD, mình bỗng nhớ tới những ngày cùng ông sống chung một cơ quan. Một họa sỹ Đảng không công nhận nhưng cứ yên lặng ngậm chặt chữ “Nhẫn”, kín tiếng suốt ngày để làm nghệ thuật ăn lương Nhà nước và về nhà thì… làm nghệ thuật theo cái đầu và con tim của mình!
Cho tới giờ, tôi càng cảm phục tài năng, sức chịu đựng, tác phong làm việc của ông, và nhân dịp giá trị đích thực của một nghệ sỹ chân chính đã được đánh giá lại, tôi bỗng nhớ ông vô cùng ông Xương ơi! Giá mà ông còn sống để mà hưởng cái sự “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” không gì cưỡng nổi trong làng văn nghệ cánh ta lúc này!
T.H.
__________
(*) Riêng với họa sỹ Lê Phổ, một trong ba họa sỹ đã quá cố, có tranh bán được giá cao ngày 17.12 vừa qua, do mình không quen, không biết tác phẩm của ông nên xin phép được miễn bàn.