5 HUYỀN THOẠI VẾ MỐI BANG GIAO TRUNG-MỸ

(Five myths about U.S.-China relations)

John Pomfret

The Washington Post – 9 tháng 12 năm 2016

Bình Yên Đông lược dịch

Mối bang giao Trung-Mỹ chưa bao giờ được dễ dàng. Không vấn đề nào trên thế giới có thể được giải quyết mà không có cả hai cùng hợp tác, nhưng rất khó hợp tác. Mối bang giao càng không thể tiên liệu với Donald Trump. Vào ngày 2 tháng 12, Trump nhận một cú điện thoại từ Tổng thống dân cử của Đài Loan, phá bỏ tiền lệ của nhiều thập niên. Cú điện thoại làm tăng mối lo ngại rằng Trump sẽ có thái độ cứng rắn với Trung Hoa. Nhưng rồi, không thể đoán trước như bao giờ, Tổng thống tân cử chọn Thống đốc Iowa Terry Branstad làm Đại sứ ở Bắc Kinh. Branstad có một mối liên hệ cá nhân mật thiết với Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình. Liệu đấy là một cảnh sát tốt nhỏ nhoi hay là một cảnh sát xấu? Dù sao đi nữa, một sự “thần kỳ” đã hiện ra về mối bang giao vốn gây nhiều hậu quả nhất trên thế giới. Sau đây là một vài huyền thoại có thể chia sẻ.

Huyền thoại 1: Thương mại và giao tiếp sẽ đưa Trung Hoa đến tự do

Khái niệm này là một huyền thoại cơ bản cho sự giao tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa từ khi Tổng thống (TT) Richard Nixon đi qua đó vào năm 1972; nó được dùng để biện minh cho tác động qua lại trong nhiều thập niên. Vào ngày Trung Hoa được công nhận tình trạng thương mại tối huệ quốc ở Washington năm 1980, Dân biểu Bill Alexander (Arkansa), người ủng hộ TT Jimmy Carter, nói với Hạ viện, “Hạt giống dân chủ đang mọc ở Trung Hoa”. Lóe sáng đến việc thu nhận Trung Hoa vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, và Rober Rubin, cựu Bộ trưởng ngân khố thời Bill Clinton, bảo đảm với Quốc hội rằng hành động này sẽ “gieo hạt giống tự do cho 1,2 tỉ dân Trung Hoa”.

Cho đến nay, cái đánh cuộc lịch sử này đã phá sản. Kinh tế Trung Hoa cởi mở hơn trong nhiều thập niên qua, và tự do cá nhân cho người dân trung bình được nới rộng. Nhưng quốc gia độc đảng Trung Hoa thì lại đàn áp bất đồng chánh kiến nghiêm trọng hơn cách đây 30 năm, trong thời kỳ trước cuộc đàn áp những người ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn vào năm 1989. Một số lớn tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản cho thấy rằng mức độ nghi ngờ về các giá trị của Mỹ xâm nhập vào Trung Hoa đã đến một đỉnh cao. Trong khi đó, tư bản Tây phương vẫn bị cấm đầu tư trong nhiều lãnh vực, bao gồm năng lượng, viễn thông, và đẩu tư của nước ngoài vào Trung Quốc.

Huyền thoại 2: Cú gọi Trump từ Đài Loan đe dọa nguyên trạng

Khi Trump nhận điện thoại từ Đài Loan, các tổ chức chánh sách ngoại giao Hoa Kỳ đã có một suy sụp tinh thần nho nhỏ. Vox cảnh báo về “sự xáo trộn” trong mối bang giao Trung-Mỹ. Tạp chí New York nêu lên ám ảnh của một “thảm họa ngoại giao”.

Hãy lắng đọng và nhận thức rằng “nguyên trạng (status quo)” giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đã tiến triển trong nhiều thập niên. Để đổi lấy những hứa hẹn của Trung Hoa trong việc giúp Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam và đối đầu với Liên Xô, các viên chức của Chánh phủ Nixon và Carter hứa với Trung Hoa rằng Mỹ sẽ bỏ Đài Loan, cho phép Trung Hoa hấp thu hòn đảo 23 triệu dân mà Trung Hoa xem như là một tỉnh ly khai.

Nhưng từ đó, nhất là khi các TT Hoa Kỳ nhận ra rằng hệ thống chánh trị Trung Hoa không đi theo hướng tích cực, các chánh phủ tiếp theo đã cố gắng để có quan hệ tốt hơn với Đài Loan. Vũ khí bán cho hòn đảo vẫn mạnh mẽ mặc dù một hứa hẹn với Trung Hoa trong năm 1982 làm chậm mối giao thương ấy lại. Liên lạc ngoại giao được nâng cấp. Washington nay ủng hộ việc công nhận Đài Loan như là một quan sát viên trong nhiều tổ chức quốc tế khác nhau. Hầu hết người Đài Loan có thể đến Hoa Kỳ không cần chiếu khán. Trong ý nghĩa đó, cú điện thoại của Trump chỉ là một sự liên tục hợp lý trong một tiến trình tiến triển chậm chạp của mối bang giao được cải thiện. Tuy nhiên, quan tâm lớn nhất là liệu Trung Hoa có dùng cú điện thoại như cái cớ để bắt nạt Đài Loan hơn và Trump sẽ chờ sẵn.

Huyền thoại 3: Hoa Kỳ cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Hoa

Đây là phiên bản Trung Hoa của Huyền thoại 1, và nó là căn bản cho cái nhìn của viên chức Bắc Kinh về Hoa Kỳ. Nó xuất hiện trong sách lịch sử Trung Hoa, và được lặp đi lặp lại một cách nhàm chán trên hệ thống truyền thông nhà nước và được dùng như một cách vứt bỏ trong động tác qua lại hàng ngày giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ. Một hàng tít gần đây trên trang web của Chánh phủ Trung Hoa viết, “Ngăn chận Trung Hoa: Mỹ có 5 lá bài trùm”.

Đã quá đủ. Bất cứ một cái nhìn điềm tĩnh nào vào lịch sử giữa hai nước cho thấy rằng, trong suốt các động tác qua lại của họ, ngoại trừ một lúc tạm ngừng ngắn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã là, nếu có, quốc gia ngoại cuộc quan trọng nhất có thể làm Trung Hoa trỗi dậy. Những túi tiền rộng mở của Mỹ, xã hội rộng mở và đại học rộng mở là những yếu tố chủ chốt trên con đường đi lên của Trung Hoa, từ một tình trạng cổ hủ của Thế giới Thứ ba thành một sức mạnh kinh tế toàn cầu. Năm 2001, Hoa Kỳ đưa Trung Hoa vào Tổ chức Thương mại Thế giới, tạo nên một sự bùng nổ to lớn cho việc xuất cảng của Trung Hoa. Khoa học gia do Mỹ huấn luyện nắm các viện nghiên cứu Trung Hoa, và chuyên viên do Mỹ huấn luyện đóng ở Ngân hàng trung ương.

Chắc như thế, người Mỹ đã làm những điều ngu để biện minh cho những mối nghi ngờ của Trung Hoa, chẳng hạn như nỗ lực sai lầm để chống lại việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á Châu (Asia Infrastructure Investment Bank (AIIB)) của Trung Hoa trong năm 2015. Nhưng đó chỉ là một lon bia nhỏ. Dĩ nhiên, Đảng Cộng sản Trung Hoa, với sự nghi ngờ về các giá trị của Mỹ, không thể công khai thừa nhận sự kiện này. Nhưng ở chốn riêng tư, mọi lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình đã gởi con cái sang Hoa Kỳ để học – một sự thừa nhận rằng Mỹ nắm một số câu trả lời cho việc tìm kiếm dài lâu và gian khổ của Trung Hoa để trở nên giàu mạnh.

Huyền thoại 4: Trung Hoa đang giết nền kinh tế Hoa Kỳ

Khái niệm cho rằng Trung Hoa tiến đến việc làm chủ thế giới là một đề tài quan trọng của kỳ bầu cử này. Trump nói với một đám đông trong tháng 5: “Chúng ta không thể tiếp tục để cho Trung Hoa ăn hiếp đất nước của chúng ta”, cáo buộc rằng Trung Hoa “đang giết” Hoa Kỳ về thương mại và áp đảo chúng ta trên thị trường quốc tế. Trump và nhiều nhiều người khác cũng tranh luận rằng việc Trung Hoa nắm giữ khoảng $1.000 tỉ nợ của Hoa Kỳ tạo đòn bẩy trên mọi chuyện chúng ta làm.

Thật sự không đúng như vậy. Trước hết, thị trường Trái phiếu Hoa Kỳ rất to lớn, tổng cộng khoảng $11.000 tỉ, và rất dễ đổi ra tiền mặt. Trung Hoa nắm giữ một lượng Trái phiếu nhiều như Nhật Bản. Và việc bỏ trái phiếu cũng sẽ hại Trung Hoa nhiều như Hoa Kỳ, vì giá Trái phiếu giảm sẽ hạ thấp giá trị đầu tư của Trung Hoa.

Về thương mại, nhiều năm nghiên cứu cho thấy rằng tự động hóa là một yếu tố quan trọng hơn là ký hợp đồng với Trung Hoa làm mất đi việc làm cho ngành chế tạo ở Mỹ. Nói như thế, vài bộ phận của nền kinh tế, như đồ gỗ và tơ sợi, đã bị Trung Hoa nện nhừ tử. Đối với sự cạnh tranh chung với Hoa Kỳ, người Mỹ có khuynh hướng xem nặng các vấn đề của chúng ta và xem thường các vấn đề của đối thủ. Trung Hoa đang đối mặt với một loạt tình trạng khó khăn đang lù lù hiện ra: tỉ lệ nợ công ty so với GDP là một trong số cao nhất trên thế giới; nếu không giải quyết sớm, nó có thể gây khủng hoảng tài chánh. Vấn đề môi trường thì trầm trọng đến nỗi nhiều thành phố, chẳng hạn như Bắc Kinh, thường xuyên được bao phủ bởi bụi và sương khói (smog), đã ngưng công bố thống kê về tuổi thọ trung bình. Và sau cùng, nhân khẩu của Trung Hoa, sinh ra từ chánh sách một con trước đây, đang trở thành một dân số già nua nhanh chóng và chi phí lao động cao hơn. Nếu năng suất không gia tăng đáng kể, tổng sản lượng nội địa của Trung Hoa sẽ tăng chậm hơn nữa.

Huyền thoại 5: Tuyên truyền chống Mỹ của Trung Hoa không đi đến đâu

Khi Henry Kissinger sang Trung Hoa trong chuyến đi lịch sử 1971, ông than phiền với Thủ tướng Chu Ân Lai về một sự gia tăng mạnh mẽ trong việc tuyên truyền chống Mỹ. Trong một chiến thuật mà những người kế nhiệm ông có thể lặp lại, Chu nói truyền thông nhà nước “đang bắn đại bác rỗng” và bảo đảm với Kissinger rằng nó không đi đến đâu.

Sơ lược về tác giả

John Pomfret, nguyên Trưởng văn phòng của Washington Post ở Bắc Kinh, là tác giả của quyển “The Beautiful Country and the Middle Kingdom: America and China, 1776 to the Present”.

Nguồn bản gốc: https://www.washingtonpost.com/opinions/five-myths-about-us-china-relations/2016/12/09/beedb888-bccc-11e6-91ee-1adddfe36cbe_story.html?utm_term=.93617ea6c7da

B.Y.Đ.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.