Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Vừa qua, tin đồ án xây dựng nhà ga hàng không Long Thành được trưng bày để “lấy ý kiến rộng rãi” với tinh thần xây nhà ga hàng không “hiện đại mang phong cách dân tộc” làm nhiều người ít nhiều hiểu về hàng không cảm thấy “bóng ma” nhà ga T1 Nội Bài lại hiện về.
Vào những năm 1992-1993, việc phải có một nhà ga hàng không đàng hoàng ở Hà Nội trở nên cần thiết mà mục tiêu là đáp ứng nhu cầu vận chuyển và chào đón hội nghị quốc tế nói tiếng Pháp 1997, các sự kiện lớn diễn ra tại Hà Nội. Nhưng do những khó khăn về tài chính, quy hoạch, công nghệ…, trải qua vài trăm cuộc họp hành với đủ các ngành, các cấp, nên mãi đến năm 1995-1996 công trình mới thực sự được khởi động khi các nhà ga tạm “G” (tạm) ở Nội Bài chật chội, thường xuyên phải cơi nới, sửa chữa. Nội Bài liên tục làm việc dưới sức ép quy hoạch, sửa chữa, chuyển đổi công năng, các công trình và cả búa rìu dư luận về sự manh mún chật hẹp của nhà ga quốc tế.
Để “phấn đấu” hoàn thành công trình kịp đón sự kiện lớn, nhà ga T1 được phép vừa thiết kế vừa thi công và chỉ định thầu. Đặc biệt, nhiều nhà lãnh đạo VN chỉ thị việc xây nhà ga “phải hiện đại mang phong cách nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc”. Thiết kế nhà ga T1 được giao cho công ty tư vấn thiết kế xây dựng dân dụng Bộ Xây dựng(VNCC) đảm trách. Các công ty xây dựng lớn trong nước thi công. Ngày 5/5/1995 Thủ tướng chính phủ phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng T1. Ngày 9/1/1999 cục trưởng cục Hàng không Việt Nam có quyết định số 32 phê duyệt thiết kế kỹ thuật nhà ga T1 với diện tích sử dụng 84.000 m2 công suất 6 triệu khách/năm, vốn đầu tư 76 triệu USD chủ yếu huy động trong nước.
Có thể nói, việc ngành xây dựng Việt Nam tự thiết kế, xây dựng nhà ga hàng không hiện đại lại “mang đậm phong cách dân tộc” (dù có thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài, đi tham quan nhiều nhà ga trên thế giới…) là một sự “liều, điếc không sợ súng”. Bởi vì, trên thế giới những tập đoàn thiết kế, xây dựng nhà ga hàng không chưa đủ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng rất cao, các nhà ga hàng không được vận hành bởi nhiều loại công nghệ, tự động hóa hết sức phức tạp. Đây là những đòi hỏi mà ngành xây dựng Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm. Thậm chí họ không đủ kiến thức để copy những nhà ga hiện đạị lại thêm “mang đậm phong cách văn minh lúa nước”, xây dựng trong hoàn cảnh “phấn đấu” vừa thiết kế, vừa thi công “đẽo cày giữa đường” nên khi thi công có cây cột bê tông đã đổ lên gần mái nhưng phải đập bỏ do không biết nó chống vào đâu.
Trong quá trình thi công T1, có lẽ chủ đầu tư – lãnh đạo và ban quản lý dự án Nội Bài là những người, đơn vị “bận rộn nhất thế giới”. Hầu như không có ngày nào, buổi nào là không có những cuộc họp lớn, nhỏ về những mắc mớ đủ kiểu của T1 ở tại đơn vị cũng như các ban, ngành ở Hà Nội. Thường thấy kỹ sư Cấn Vũ Lân, trưởng ban quản lý dự án T1 người còm nhom cùng với các đồng nghiệp ngồi bên những cái núi hồ sơ, giấy má… Đến nay đã hơn 10 năm sử dụng nhưng T1 vẫn không thể quyết toán.
Có thể nói, với những người có chút hiểu biết về nhà ga hàng không, việc T1 hoàn thành, đưa vào khai thác an toàn đến nay là “một kỳ tích” của ban quản lý và chủ đầu tư dù T1 không chỉ bị dột “hàng trăm cái chậu hứng mưa” liên tục trong quá trình sửa chữa. Ở một đất nước thời tiết khắc nghiệt mà mái nhà ga thiết kế vòm kiểu “mái đình, chùa…” khung kim loại vật liệu Trung Quốc gắn keo thì việc nó không bị dột mới là lạ. Ngoài bị dột, khi T1 mới hoàn thành đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết của công trình kiểu “phấn đấu”: Diện tích mặt bằng các khu chức năng không đồng bộ, hệ thống bảo đảm an ninh không khoa học, tốn nhiều người canh gác, hệ thống cửa từ, thiết bị điện tử chất lượg thấp chóng hư hỏng, khoá từ phải thay bằng khóa dây Việt Tiệp (khóa xe đạp), không thiết kế hệ thống cấp nhiên liệu ngầm, diện tích dành cho hệ thống xử lý hành lý quá khổ, các đảo hành lý… không hợp lý. Riêng kiến trúc nhà ga “mang đậm phong các dân tộc giống như ngôi đình, chùa” được giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2004 là sự sỉ nhục: Cực kỳ bất hợp lý trong việc bố trí công nghệ vận hành.
T1 “chưa cần và cũng không thể” lắp đặt hệ thống băng chuyền cho hành khách đi lại trong nhà ga, đặc biệt là bố trí các cầu vận chuyển hành khách rất “tốn diện tích” do cấu trúc tổng thể nhà ga không hợp lý… Khu cách ly quá rộng nhưng khu check in, kiểm tra an ninh… lại quá hẹp nên thủ tục bay thường chậm trễ, cự ly các cầu hành khách không hợp lý, hai cầu dẫn khách không thể đón hai máy bay lớn đậu cùng lúc…
T1 như thế lại, thêm hải quan, công an cửa khẩu, an ninh sân bay…“thanh liêm, thoải mái, niềm nở…” thì việc năm 2014 bị các tổ chức quan sát nhà ga hàng không quốc tế đánh giá T1 (Nội Bài) là 1 trong 10 sân bay tệ nhất thế giới và nay lại phải chi ra hàng “núi tiền” để cải tạo sửa chữa là tất yếu.
Nay đồ án nhà ga Long Thành “lớn và hiện đại cỡ nhất thế giới” lại đem ra cho quan, dân không có những hiểu biết cần thiết về nhà ga hàng không tham khảo, ý kiến rồi lại phán phải “mang phong cách dân tộc đình chùa” thì rất có thể lặp lại nguy cơ sai lầm lố bịch như nhà ga T1 Nội Bài.
N.Đ.A.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/12/vntb-bong-ma-nha-ga-hang-khong-t1-noi.html