Trung Quốc và cuộc chiến của các luật sư nhân quyền

John Sudworth, BBC News, Bắc Kinh

Có khá nhiều nơi có thể được viết tới nhằm đánh dấu Ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, 10/12.

Nhưng việc luật sư Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong) mất tích là một lý do khiến Bắc Kinh là nơi đáng được chọn.

Trần Quế Thu là một trong những người cuối cùng được cho là đã nhìn thấy ông Giang trong tháng Mười Một.

clip_image001

Bà Trần (bìa phải) đứng cùng ông Giang (thứ hai, từ trái sang) và các luật sư địa phương khác trong tấm ảnh được chụp hồi tháng trước. Ảnh: CHEN GUIQIU

“Ông ấy tới nhà tôi ở Trường Sa để tìm hiểu về vụ việc của chồng tôi,” bà Trần nói với tôi.

“Chúng tôi cùng nhau tới trại giam. Sau khi ông ấy rời đi thì ông ấy mất tích luôn. Chúng tôi đã không nghe được tin tức gì từ ông kể từ đó.”

Bản thân bà Trần là một bằng chứng mạnh mẽ về điều đang được nhìn nhận rộng rãi là tình hình nhân quyền tại Trung Quốc đang đi xuống.

Chồng bà, ông Tạ Dương, biến mất trong tháng Bảy 2015 cùng với hàng chục luật sư, trợ lý pháp lý và các nhà hoạt động khác trong đợt trấn áp hoạt động nhân quyền.

“Bởi ông ấy làm việc với rất nhiều vụ việc nhạy cảm, như phá dỡ nhà cửa, buộc phải tái định cư,” bà nói.

“Tất cả các vụ việc người dân muốn đấu tranh chống lại chính quyền.”

Phải tới hơn một năm sau, các luật sư mới được cho gặp ông Tạ, và theo họ thì ông đã bị những vết thương ở đầu do bị lính canh đánh đập.

clip_image003

Ông Tạ Dương ‘biến mất’ từ 7/2015. Ảnh: CHEN GUIQIU

Nay thì luật sư Giang Thiên Dũng, người được hy vọng là sẽ giúp bảo vệ pháp lý cho ông Tạ, cũng đã biến mất vào hố đen pháp lý và trở thành nạn nhân mới nhất trong cái gọi là ‘Cuộc chiến Pháp lý’ ở Trung Quốc.

Ngày Nhân quyền LHQ được chọn vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày Đại hội đồng LHQ thông qua Tuyên bố Phổ quát về Nhân quyền hồi năm 1948.

Ông Giang thường nhận ra là mình không được hưởng những gì được nêu trong bản tuyên bố đó trong nhiều năm. Tin tức nói rằng ông thỉnh thoảng bị các lực lượng an ninh tra tấn do ông bảo vệ thân chủ trong các vụ án nhân quyền nổi tiếng, nhạy cảm.

Lần này, LHQ nghi rằng ông đã bị bắt giữ cũng bởi lý do trên.

Hồi tháng Tám, ông Giang có gặp gỡ Đặc phái viên LHQ về nhân quyền và tình trạng đói nghèo cùng cực, Philip Alston, trong chuyến thăm của ông này tới Trung Quốc.

Trước đó, trong tuần rồi, ông Alston đã tỏ ý quan ngại rằng việc ông Giang mất tích có thể liên quan tới buổi gặp gỡ đó.

Bất chấp những quy định về bảo vệ pháp lý được ghi trong luật pháp Trung Quốc dành cho các nghi phạm bị bắt giữ, có rất nhiều lỗ hổng to lớn trong các vụ việc liên quan đến ‘an ninh quốc gia’.

Giới chức được quyền giữ nghi phạm trong nhiều tháng mà không cho họ gặp gỡ luật sư và gia đình.

Nếu thân nhân của họ cố tìm cách đòi công lý, thì những người bị bắt giữ có nguy cơ bị trừng phạt trả đũa.

clip_image004

Lý Hòa Bình là một trong số các luật sư đã bị bắt giữ. Ảnh: WANG QIAOLING

Tìm lời đáp

Tại một quán ăn ở Bắc Kinh, tôi gặp ba người phụ nữ là vợ của ba luật sư khác, những người đã có chiến dịch vận động đòi biết tin tức về chồng mình.

Vương Tiễu Lĩnh, Lý Văn Túc và và Viên San San vẫn chưa hề được gặp, cũng không có bất kỳ liên hệ trực tiếp nào với chồng mình kể từ cuộc trấn áp hồi tháng Bảy 2015 tới nay.

“Chúng tôi không nghe tin tức gì kể từ khi anh ấy bị bắt,” bà Lý nói về chồng mình, ông Vương Toàn Chương.

“Chúng tôi không được cho gặp luật sư của anh ấy, chúng tôi không có thông tin gì và thậm chí cũng không được viết thư cho anh ấy.”

“Họ đuổi chúng tôi ra khỏi những căn hộ chúng tôi đi thuê,” bà kể. “Toàn bộ các nhà trẻ địa phương được chỉ thị là không nhận đứa con bốn tuổi của tôi vào học.”

“Chúng tôi đã bị bắt giữ, bị đánh đập và các hoạt động của chúng tôi đều bị theo dõi.”

clip_image006

Lý Văn Túc (trái) kể về việc gia đình bà đã bị quấy nhiễu ra sao sau khi chồng bà biến mất

Sau khi ăn bữa sáng vội vã, họ tới nơi nộp đơn kháng thuộc Viện Kiểm sát Tối cao để nộp đơn chính thức yêu cầu được trả lời về trường hợp những người chồng bị bắt của họ, và để hỏi về thủ tục tố tụng tiếp theo.

Chúng tôi đi theo họ nhưng đã nhanh chóng bị cản, không cho quay phim.

Do đó, chúng tôi đã gặp những người phụ nữ này trong chốc lát bên ngoài một nhà ga điện ngầm.

Họ đã nộp đơn, tuy các tài liệu hỗ trợ cho đơn kiện thì bị bác, và họ cũng không mấy hy vọng.

“Họ bảo chúng tôi hãy tin tưởng và hệ thống công lý,” Vương Tiễu Lĩnh nói.

“Các nhân viên an ninh đối xử với chúng tôi rất thô lỗ,” Viên San San nói với tôi. “Họ đối xử với chúng tôi như kẻ thù, lột mũ, khăn, áo khoác của chúng tôi ra, và kiểm tra chúng tôi rất kỹ.”

Trung Quốc, trong các bằng chứng mà họ gửi tới cho LHQ, đã bác bỏ các cáo buộc tra tấn.

Trung Quốc đặc biệt bác bỏ cáo buộc đã tra tấn ông Giang Thiên Dũng trong một phiên tòa hồi năm ngoái.

Và Trung Quốc thường phản đối với lập luận rằng việc phán xét theo kiểu “phương Tây” trong vấn đề nhân quyền là sai, và nói họ đã có những bước tiến to lớn trong việc xử lý tình trạng đói nghèo trong mấy chục năm qua.

Thế nhưng trong lúc sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đem lại lợi ích cho nhiều người, thì nó cũng khiến nhiều người phải chịu mất mát.

‘Cuộc chiến Pháp lý’

Trong lúc ba người vợ đi nộp đơn khiếu nại, thì còn một lượng lớn những người khác vẫn đang phải đau khổ vật lộn với rất nhiều thứ giấy tờ để hy vọng đi tìm kiếm công lý.

Một người đàn ông cho tôi xem hồ sơ khiếu nại đòi bồi thường trong một vụ tai nạn công nghiệp.

Một người mẹ bật khóc khi cho tôi xem ảnh đứa con trai mà bà nói đã bị giết chết trong thời gian bị cảnh sát giam giữ.

“Kinh tế đất nước chúng tôi đang phát triển nhanh chóng,” bà Trần Quế Thu, vợ của luật sư Tạ Dương đang bị giam giữ, nói với tôi.

“Nhưng vấn đề nằm ở dưới đáy xã hội vẫn cần được những người như chồng chúng tôi quan tâm tới. Chính phủ cần phải nhìn nhận điều đó như điều tạo hy vọng cho xã hội.”

“Đáng buồn là chính phủ lại không nghĩ thế.”

J. S.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-38276266

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.