Lê Dung (SBTN)
“TẨU VI THƯỢNG SÁCH” & CHỈ THỊ 15
Lời bình của Huy Đức
Lê Chung Dũng (Manh Quân nhé) “lặn” ngay sau khi người đồng nhiệm của mình ở PVPower là Trần Đức Chính và, mới nhất là, Trần Đức Minh – giám đốc PV Coating – bị bắt (23/11/2016). Ai sẽ là người tiếp tục “noi gương” Trịnh Xuân Thanh [Danh sách “có khả năng bỏ trốn” trong ngành Dầu Khí mà cơ quan điều tra mới trao cho Tập đoàn lên tới… 192 nhân vật].
Tôi không nghĩ Công an Việt Nam dở như vậy. Họ mà giữ thì con kiến cũng khó đi đâu. Việc chậm khởi tố những người như Dũng, Duy, Thanh, để bọn chúng bỏ trốn là vi phạm điều 294 BLHS (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội). Tuy nhiên rất khó để xử lý cơ quan điều tra, vì thay vì “chỉ tuân theo pháp luật” khi khởi tố đảng viên họ còn phải tuân theo “Chỉ thị 15” nữa. Tôi nghĩ, nếu Ban Bí thư không muốn bọn tham nhũng tiếp tục bỏ trốn thì phải bãi bỏ ngay đặc quyền trước pháp luật này cho các đảng viên phạm tội.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được cho là có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình đầu tư. (Ảnh: Dân Trí)
Trong khi đảng vẫn chưa làm cách nào để lần ra manh mối của hai nhân vật Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã “biến” ra nước ngoài, lại thêm một thách thức vỗ mặt nữa dành cho chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của tổng bí thư Trọng.
Ngày 8/12/2016, báo Dân trí đưa tin ông Lê Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) – một doanh nghiệp lớn thuộc PVN đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về. Những thông tin ban đầu cho thấy, ông Dũng xin nghỉ phép với lý do cá nhân và đi nước ngoài bằng hộ chiếu phổ thông. Tuy nhiên, việc ông này 3 tuần qua chưa về mà không báo cáo việc kéo dài thời gian nghỉ (ngoài chế độ) là điều rất bất thường và vi phạm quy định của Nhà nước.
Cũng theo báo Dân trí, hiện không còn thấy tên ông Dũng trên bảng cơ cấu lãnh đạo của PV Power trên trang web của Tổng công ty này. Một nguồn tin khác cho biết, ông Dũng được cho là có liên quan trách nhiệm đến những sai phạm trong triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, khi ông này còn làm ở Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc.
Một chi tiết đáng lưu ý: Dân Trí là một trong số hiếm hoi tờ báo dường như có vị thế “đặc cách” trong chiến dịch truyền thông hỗ trợ cho Tổng bí thư Trọng. Trong nửa năm qua, tờ báo này đã đăng nhiều bài công kích các nhân vật Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy… với nguồn tài liệu riêng mang tố chất “nguồn nội bộ”.
Nếu ông Lê Trung Dũng thực sự “theo chân” Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy, hiện tượng này đã quá đủ cơ sở để được kết luận về bản chất mà cho tới giờ đảng không dám nói ra: đã chính thức hình thành một phong trào “Tây tiến” của giới quan tham – một phương cách thoát thân không khác gì giới quan tham Trung cộng.
Không khó để hình dung thái độ và phản ứng của tổng bí thư Trọng trước thông tin nóng hổi về vụ Lê Trung Dũng “Tây tiến”. Nhưng lại thật khó hiểu việc sau khi một tổng bí thư đã tự tham gia thường vụ đảng ủy công an trung ương để giữ gìn an ninh trật tự cho đất nước, mà vẫn đều đặn diễn ra những vụ đào tẩu của Vũ Đình Duy, và nay có thể là Lê Trung Dũng.
Thực trạng quá bức bối đối với ông Trọng, là có vẻ vai trò ủy viên thường vụ trong Đảng ủy công an trung ương của ông đã chẳng mấy phát huy tác dụng. Trước và sau hội nghị trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” vào tháng 10/2016 do ông Trọng khởi xướng, không có bất kỳ thông tin nào công bố về lời khai của nhân vật Vũ Đức Thuận – người được xem là một trong những trợ lý thân cận của Đinh La Thăng, thời ông này còn ở Bộ Giao thông Vận tải.
Với đà “Tây tiến” hiện thời, dự báo trong thời gian tới sẽ còn có thể xảy ra những trường hợp “ra nước ngoài chữa bệnh trót lọt” khác.
L. D.
Nguồn: http://www.sbtn.tv/pvn-thach-thuc-tong-bi-thu-trong-nhan-vat-thu-ba-bien-ra-nuoc-ngoai/