Phạm Toàn và Huệ Chi

Nguyễn Thị Từ Huy

Những thảo luận gần đây về vấn đề liên minh và chia rẽ khiến tôi nhớ lại một câu chuyện giữa hai cá nhân: Phạm Toàn và Huệ Chi.

Cách đây mấy năm, vào thời điểm khi tôi trở về Việt Nam sau lần du học đầu tiên, một buổi chiều tôi nhận được điện thoại của Phạm Toàn, giọng rất nghiêm trọng: “Tối nay toa bận gì, hẹn gì với ai cũng phải bỏ để đến ngay nhà moi, có việc gấp, quan trọng” (Chắc nghĩ tôi mới ở Pháp về nên Phạm Toàn thỉnh thoảng chua tiếng Pháp vào các cuộc trò chuyện). Tôi nghe giọng điệu cũng cảm thấy là quan trọng, liền trả lời không chần chừ: “Cháu sẽ huỷ mọi cuộc hẹn để đến nhà chú, lúc 8h tối”.

Lúc đó Phạm Toàn còn thuê nhà ở khu Ciputra. Lúc tôi bước vào căn hộ rộng rãi và bày biện rất hiện đại thì đã thấy Phạm Toàn chỉnh tề ngồi đợi sẵn. Theo phong cách “tây” Phạm Toàn mời tôi chọn đồ uống, tôi chọn uống trà, đúng kiểu Việt Nam.

Sau đó Phạm Toàn bắt đầu nói rất dài về Huệ Chi, dĩ nhiên, giờ đây tôi chẳng còn nhớ gì, mà chắc Phạm Toàn cũng chẳng còn nhớ gì. Bởi vì lúc đó ông nói trong giận dữ. Tôi ngồi nghe, nghe với kinh nghiệm của một người từng làm việc vài năm trong một dịch vụ gọi là “Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm” (phải nói rằng những kinh nghiệm làm việc trong thời gian đó thực sự quý giá đối với tôi). Tôi để Phạm Toàn đi hết cơn giận của ông. Rồi cũng đến lúc ông hỏi: “Vậy theo toa thì moi nên làm như thế nào? Moi định cắt đứt với Bô-xít. Moi không chấp nhận được”.

Tôi xin thêm một ly trà thứ hai, và quyết định nói thực sự những gì tôi nghĩ: “Cháu không thể nói gì về chuyện giữa chú và chú Huệ Chi. Cháu chỉ nghe mỗi mình chú, không được nghe chú Huệ Chi nên không biết thực hư câu chuyện như thế nào. Mà cái version (phiên bản) của chú lại được nói trong lúc chú tức giận như thế thì nó chính xác đến mức nào, cháu không dám chắc. Vì thế, cháu không thể nhận định gì về chuyện riêng giữa chú và chú Huệ Chi. Cháu cũng không thể khuyên chú điều gì, làm sao cháu dám khuyên chú! Cháu chỉ muốn nói một điều thôi: dù chú quyết định như thế nào, dù chú lựa chọn giải pháp nào, thì Bô-xít, trong đánh giá của cháu, và có lẽ cũng là của nhiều người, là một thành quả của công cuộc dân chủ hoá, và nó sẽ đi vào lịch sử báo chí như là một thành quả của nỗ lực của người Việt Nam ở giai đoạn này. Chú cân nhắc điều đó khi lựa chọn giải pháp, cháu chỉ muốn nói như vậy thôi”. Ông Toàn gật gật gù gù rồi nói: “Nhưng moi tức không chịu được”.

Lúc đó tôi hỏi thêm: “Chú có nghĩ rằng đây là một sự hiểu lầm không, chú có nghĩ là có yếu tố an ninh trong tất cả những chuyện này không?” Tôi không còn nhớ câu trả lời, nhưng phản ứng của Phạm Toàn vẫn trong tình trạng giận dữ. Sau đó chúng tôi chuyển sang chuyện khác, chuyện làm sách giáo dục. Rồi tôi ra về, vẫn không biết được Phạm Toàn sẽ quyết định như thế nào, có thể trong giới đấu tranh lại sắp có một xcăng-đan.

Vài ngày sau, an ninh gửi đi một email từ một địa chỉ gần giống hệt địa chỉ Phạm Toàn (hình như chỉ thêm vào một chữ cái). Email đó được gửi đến cho tất cả những người có trong danh sách địa chỉ mail của Phạm Toàn, tôi không nhớ nội dung cụ thể, chỉ biết là nó rất tệ, góp phần khắc sâu mâu thuẫn giữa Phạm Toàn và Huệ Chi và đặt Bô-xít vào tình trạng bê bối. Tôi vội gọi cho Phạm Toàn thì được biết đó là địa chỉ giả. Mọi việc lập tức được soi sáng. Cùng lúc đó an ninh liên tục gọi Huệ Chi lên để thẩm vấn. Trong những ngày ấy, ngày nào Phạm Toàn cũng đến nhà Huệ Chi, ngồi chờ cho đến lúc Huệ Chi từ đồn công an trở về, động viên gia đình Huệ Chi. Phạm Toàn viết bài đăng lên Bô-Xít để bày tỏ tình cảm tương ái và tình cảm yêu mến đối với Huệ Chi. Lúc đó mới thấy thật là khó có ai thương Huệ Chi hơn Phạm Toàn.

Câu chuyện về đại thể là như vậy. Bô-xít tiếp tục hành trình tranh đấu. Tình bạn của Phạm Toàn và Huệ Chi sâu đậm hơn, bền chặt hơn. Chính Phạm Toàn đã dẫn tôi tới thăm Huệ Chi tại nhà ông.

Phạm Toàn và Huệ Chi, từ hợp tác đến tan vỡ có thể chỉ trong khoảnh khắc, nhưng từ tan vỡ đến thương quý và thấu hiểu cũng chỉ trong khoảnh khắc. Trí nhớ của tôi vốn rất tệ, nhưng nó đã lưu giữ câu chuyện này, bởi đó là một câu chuyện đẹp. Thật khó mà quên được một câu chuyện đẹp như thế.

(Bài được đăng với sự đồng ý của Phạm Toàn và Huệ Chi???)

N.T.T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.