Fidel Castro – ‘người không chấp nhận đối lập’

BBC Tiếng Việt

clip_image001

Lực lượng của Castro tiến vào Havana năm 1959. Image copyright Getty

Fidel Castro lãnh đạo Cuba, quốc gia độc đảng, trong gần nửa thế kỷ

Fidel Castro lên nắm quyền tại Cuba vào ngày 1 tháng Giêng năm 1959 sau một cuộc chiến dài lật đổ Tổng thống Batista. Ông là Thủ tướng cho tới năm 1976 khi ông trở thành Nguyên thủ Quốc gia và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.

Fidel Castro sinh tại miền Đông Cuba và là con trai của một điền chủ trồng mía giàu có và được giáo dục là một người theo Dòng Tên.

Khi là một sinh viên trẻ ông bắt đầu tham gia vào chính trị cách mạng và năm 1953 ông bị bỏ tù vì vai trò của mình trong kế hoạch nhưng không được thực hiện dự định lật đổ chính phủ của Tổng thống Batista.

Khi được thả tự do ông sang Mexico và cùng với những người Cuba lưu vong khác bắt đầu một kế hoạch mới.

Tháng 12 năm 1956 khoảng một trăm người của nhóm này đổ bộ vào Cuba từ một chiếc tàu cá. Họ đã được chờ sẵn và ngay trong cuộc đụng độ đầu tiên với quân chính phủ tại bãi biển chỉ còn 12 người trong số này sống sót.

Họ trốn vào các khu đồi và thành lập các cơ sở hạt nhân của đội quân du kích và lực lượng này đã hoạt động thành công tới mức chỉ trong hai năm Tổng thống Batista đã bỏ chạy khỏi Cuba.

Vào ngày mùng 1 Tết năm 1959, Castro chiến thắng tiến vào thủ đô Havana. Năm đó ông 32 tuổi.

Trên cương vị Thủ tướng (được giới chức của một Tổng thống mà chính ông dựng lên) ông tiến hành một chương trình cấp tiến về nông nghiệp và các cải tổ khác và kiên trì với nó bất cấp nhưng khó khăn không thể tránh khỏi về tài chính.

Thỏa thuận thương mại của ông với Liên bang Xô Viết đã khiến cả chính phủ và các doanh nghiệp lớn của Mỹ bất bình và ông còn làm cho vấn đề tồi tệ hơn khi tước đoạt và bán hàng loạt các tài sản của Mỹ tại Cuba.

Ông lặp đi lặp lại cáo buộc là Hoa Kỳ đã nuôi dưỡng phe nổi dậy chống lại chế độ của ông và vào mùa xuân 1961 cuộc xâm nhập Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) từ căn cứ tại Florida của những người Cuba lưu vong sớm thất bại đã được dùng là cớ cho các cáo buộc đó.

clip_image003

Ông Castro tuyên bố không chấp nhận đối lập. Image copyright AP.

Trong năm 1962, đồ cung ứng và kỹ thuật viên của Liên xô đổ vào Cuba và tới mùa thu người ta biết rằng những vị khách này đang xây dựng một mạng lưới các căn cứ hỏa tiễn mà khi hoàn tất sẽ có thể bắn phá những khu vực xa xôi nhất trên đất Mỹ.

Tới tháng 10, Tổng thống Kennedy, với sự hậu thuẫn của Tổ chức Các Tiểu bang Mỹ, đã áp đặt một lệnh phong tỏa một phần đối với Cuba và đưa ra các dấu hiệu có chủ định tiến hành một cuộc tấn công vào hòn đảo này.

‘Sự pha trộn’

Cuộc khủng hoảng chỉ qua đi khi ông Nikita Khrushchev, sau các trao đổi thư từ với Tổng thống Kennedy, đồng ý vì lợi ích của hòa bình sẽ tháo dỡ các căn cứ này và đem hỏa tiễn về Nga.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba vẫn tiếp tục căng thẳng và không được cải thiện do quyết của Castro vào giữa những năm 70 gửi hàng ngàn binh lính Cuba tới châu Phi.

Họ tới Angola để giúp phong trào MPLA do Liên Xô hậu thuẫn để giành quyền kiểm soát tại đây khi nhà nước Trung Phi này đạt được độc lập từ Bồ Đào Nha.

Fidel Castro thực sự vừa là một người trí thức vừa là người của hành động. Suốt nhiều năm, ít người trên thế giới có thể là đối thủ của ông như một lãnh tụ cách mạng xuất sắc.

Cuộc xâm chiếm Afghanistan của Nga vào tháng 12 năm 1979 đã làm cho quan hệ của Cuba với Nga căng thẳng nhưng một năm sau Castro bày tỏ sự ủng hộ hết lòng cho “sự can thiệp” này.

Nền kinh tế ngày càng tồi tệ đã khiến nhiều người Cuba bất mãn, những người cảm thấy không bằng lòng về sự hiện diện của quân đội nước họ tại châu Phi. Ước tính con số binh lính Cuba có mặt tại Angola là 36 ngàn quân và ở Ethiopia là 12 ngàn.

Những năm qua chính phủ Anh giữ quan hệ khá thận trọng với Castro, không hẳn là thù nghịch; những chỉ trích của Mỹ đã không ngăn các công ty của Anh cung cấp cho Castro xe buýt và những thứ mà đất nước ông cần.

Đối với nhiều người tại đây Castro vẫn giữ được không khí lãng mạn về ông. Hình ảnh ông xuất hiện trên truyền hình và tại rạp chiếu phim có lẽ phần nào giúp tạo ra điều đó: cao và râu cao nón, trong bộ trang phục rằn ri dã chiến màu xanh rêu, thường với một khẩu súng lục bên hông và một điếu ci-ga trên tay, ông trông giống như một sự pha trộn giữa một nhà thơ đi tiên phong và một tay cướp biển.

Ông thực sự vừa là một người trí thức vừa là người của hành động và suốt nhiều năm ít người trên thế giới có thể là đối thủ của ông như một lãnh tụ cách mạng xuất sắc.

Tháng Chín năm 1988, Cộng đồng châu Âu tuyên bố thành lập quan hệ ngoại giao với Cuba nhưng sự tan vỡ của Liên Xô và khối Đông Âu đã là một đòn giáng đối với nền kinh tế nước này.

85% thương mại của Cuba, mà chủ yếu là đường, là với Liên Xô và các nước vệ tinh của nước này và Castro phải đối mặt với tình trạng tài chính bị hủy hoại khi giá trị của đồng peso Cuba giảm giá hơn một nửa.

Chỉ có chợ đen là phát triển vào khi những người nổi dậy chống chính phủ xuống đường biểu tình tại thủ đô Havana.

Tiếp sau đó là vài năm vô cùng khó khăn thiếu thốn trên khắp đất nước Cuba. Fidel Castro khuyến khích du lịch để lấp khoảng trống trong nền kinh tế do khối các nước Liên Xô cũng để lại.

Nó giúp giảm thiểu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và quyết định vào cuối những năm 1990 hợp pháp hóa việc sở hữu đồng đôla Mỹ đồng thời cho phép thành lập một số công ty liên doanh và doanh nghiệp tư nhân cũng đã góp phần tương tự.

Vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày cách mạng Cuba năm 1999, Castro vẫn rao giảng với người dân của ông về sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản. Người dân Cuba của ông vẫn đang nhận thẻ chăm sóc y tế miễn phí và một hệ thống giáo dục có tỉ lệ biết chữ rất cao nhưng thái độ bất bình chính trị tiếp tục gia tăng.

Thái độ không chấp nhận đối lập của ông cũng có nghĩa là con số tù chính trị tại các nhà tù Cuba có lúc lên tới 80.000 người và năm 2003 trong khi truyền thông tập trung vào cuộc chiến tại Iraq ông đã bỏ tù một số nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng.

clip_image004

Fidel Castro nhận quà tặng từ ông Trần Đại Quang và phu nhân, bà Nguyễn Thị Hiền, ở Havana hôm 15/11/2016. Image copyright ALEX CASTRO/EPA

‘Độc nhất vô nhị’

Fidel Castro đã tạo ra nhãn hiệu cộng sản độc nhất vô nhị ở vùng Caribe. Trong những năm cuối đời, ông bị buộc phải thích nghi và từ từ cho phép một vài cải tổ thị trường để cứu vãn tên tuổi của mình.

Ngày 31/7/2006, chỉ vài ngày trước sinh nhật 80, Castro tạm thời trao quyền cho em trai Raul, sau khi trải qua phẫu thuật ruột kết.

Sức khỏe của ông tiếp tục đi xuống. Đầu năm 2008, Castro thông báo ông sẽ không nhận chức Chủ tịch và lãnh đạo quân đội tại cuộc họp của Quốc hội.

Nói chung ông ít xuất hiện trước công chúng, chỉ viết các bài báo trên truyền thông nhà nước dưới tiêu đề Suy tưởng của Đồng chí Fidel.

Tháng Bảy 2010 ông xuất hiện lần đầu tiên từ khi ốm, chào đón người lao động và lên truyền hình trả lời phỏng vấn, nói về căng thẳng của Mỹ với Iran và Bắc Hàn.

Tháng sau đó, Castro lần đầu phát biểu trước Quốc hội sau bốn năm, kêu gọi Mỹ không dùng vũ trang chống Iran hay Bắc Hàn, cảnh báo hủy diệt hạt nhân nếu căng thẳng gia tăng.

Tháng 12 năm 2014, loan báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc giảm trừng phạt Cuba đã bắt đầu quá trình tan băng giữa hai nước.

Castro hoan nghênh bước đi này, nói rằng đây là “bước đi tích cực thiết lập hòa bình trong khu vực” nhưng cũng nói ông không tin chính phủ Mỹ.

Mặc dù nhiều người Cuba căm ghét Castro, nhiều người khác cũng thực sự yêu mến ông. Họ xem ông như một anh hùng bé nhỏ David chống lại Goliath khổng lồ, là Mỹ.

Với họ, Castro là Cuba và Cuba là Castro.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-38115332

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.