Hình chụp phiên xử bốn người H’Mông vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng – theo đạo Tin Lành bị cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi tháng 3 năm 2011. Hình: Nhân Dân.
HÀ NỘI (NV) – Cuối tuần vừa qua, Quốc Hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Nội dung bộ luật khác xa với quảng cáo của chính quyền Việt Nam.
Vài năm vừa qua, khi đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam đang xúc tiến việc soạn thảo một bộ luật về tín ngưỡng-tôn giáo và bộ luật này sẽ là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam không ngừng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo.
Tuy nhiên tháng 5 năm ngoái, sau khi chính quyền Việt Nam công bố Dự luật Tín ngưỡng tôn giáo để mời gọi dân chúng góp ý thì nhiều người, nhiều giới cùng khẳng định, dự luật này chỉ gây thêm lo ngại cho tự do tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam.
Vào thời điểm đó, Hội đồng Giám nục Việt Nam từng gửi cho chính quyền Việt Nam một thư ngỏ, đề nghị viết lại dự luật về tín ngưỡng-tôn giáo bởi dự luật được đưa ra để “xin ý kiến” đã “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người”.
Theo Hội đồng Giám gục Việt Nam thì dự luật bao gồm “những qui định chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền mà quên đi quyền lợi của người dân”. Tổ chức lãnh đạo Công giáo Việt Nam đã chỉ ra 14 điểm bất hợp lý, không khả thi, mâu thuẫn với cả Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, lẫn Hiến pháp của Việt Nam. Thậm chí, theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, Dự luật Tín ngưỡng tôn giáo còn có sự thụt lùi so với Pháp lệnh Tín Ngưỡng tôn giáo năm 2004 bởi “tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định rằng, Công giáo Việt Nam “không đồng ý với dự luật tín ngưỡng, tôn giáo”.
Chẳng riêng Hội đồng Giám mục Việt Nam, khi trò chuyện với Le Monde của Pháp, tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tại Việt Nam cũng khẳng định, không ai hoan nghênh Dự luật về tín ngưỡng-tôn giáo.
Hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi trò chuyện với tu sĩ của nhiều tôn giáo, phóng viên Bruno Philips của tờ Le Monde cho biết, ngoài Công giáo, những tôn giáo khác như PhậtgGiáo, Tin Lành, Cao Ðài,… cũng nghi ngại Dự luật tôn giáo.
Bà Trần Thị Liên, một người nghiên cứu về tôn giáo, giải thích với nhà báo Philips rằng, sở dĩ chính quyền Việt Nam hạn chế hoạt động của các tôn giáo vì họ không muốn có lực lượng nào cạnh tranh về chính trị. Ðó là lý do chính quyền Việt Nam muốn duy trì sự kiểm soát toàn bộ các hoạt động tín ngưỡng, khống chế các tôn giáo bằng chuyện chi phối việc tấn phong hàng giáo phẩm.
Nhà báo Philips cũng đã trao đổi với các viên chức Việt Nam chịu trách nhiệm về tôn giáo. Trong khi giới ngoại giao Việt Nam phủ nhận các nghi ngại từ bên ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam thì những viên chức phụ trách tôn giáo của chính quyền Việt Nam phủ nhận các nghi ngại từ bên trong. Bất kể phản ứng của các tôn giáo, ông Dương Ngọc Tấn, phó Ban Tôn Giáo chính phủ Việt Nam, vẫn khăng khăng bảo rằng Dự luật tín ngưỡng-tôn giáo là một “tiến bộ” vì “nhìn nhận các tổ chức tôn giáo, mang lại cho các tổ chức này sự tự do rộng rãi” và đã là luật thì phải xác định cái gì có thể làm và cái gì không thể làm.
Ông Ðỗ Quang Hưng, một trong những người tham gia soạn dự luật thì dẫn chuyện cho phép tù nhân có quyền thực hành tín ngưỡng để minh họa sự tiến bộ của dự luật.
Nay dự luật tín ngưỡng-tôn giáo đã trở thành luật. Theo đó, các tổ chức tôn giáo phải được chính quyền “công nhận,” muốn được “công nhận là tổ chức tôn giáo” thì phải hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền ít nhất 5 năm.
Luật Tín ngưỡng tôn giáo nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng-tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, cũng như xâm hại đạo đức xã hội, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Luật Tín ngưỡng tôn giáo cũng nghiêm cấm các hoạt động tín ngưỡng-tôn giáo chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ người theo tín ngưỡng-tôn giáo với người không theo, giữa những người theo các tín ngưỡng-tôn giáo khác nhau.
Thật ra những hành vi mà Luật Tín ngưỡng tôn giáo không mới. Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam thì những hành vi này đã bị xem là tội phạm. Luật Tín ngưỡng tôn giáo lập lại dường như chỉ nhằm tạo thêm cơ sở để dễ xử lý những vị là chức sắc các tôn giáo, không ngoan ngoãn, vâng lời chính quyền. (G.Ð)