Nỗi nhớ khôn nguôi – nhớ thầy, nhớ trò, nhớ trường, nhớ lớp

Tương Lai

Trong Mênh mông thế sự tôi luôn dành một góc tâm tình đằm thắm nhất và cũng vô tư nhất cho các học trò cũ, những học sinh, sinh viên từ những năm tháng cuối 1954, lúc tôi về dạy học ở trường Chu Văn An Hà Nội do cụ Mai Phương làm Hiệu trưởng cho đến hôm nay, lúc ngoài tuổi 80. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy vẫn in đậm những cảm xúc nguyên sơ để rồi ngày mỗi ngày đầy đặn thêm, chìm sâu hơn, lay động.

Cứ mỗi dịp 20 tháng 11, cảm xúc lại xốn xang khi gặp lại những học trò cũ, nhận được những cuộc điện thoại, những lá thư gửi bưu điện và thư điện tử, biết bao kỷ niệm ập đến, nhớ đến mỗi người để nhớ mọi người.

Thế rồi năm nay, cùng trong một ngày 12.11, nhận được điện thoại của hai người, một đồng nghiệp cũ ở trường Chu Văn An Hà Nội và một học trò cũ của khoa Triết khóa I, Đại học Tổng hợp hỏi thăm và mong gặp tại Hà Nội trong ngày 20 tháng 11 tới, tôi nảy ra ý nghĩ gửi đến các bạn tôi mười bài “Mênh mông thế sự” gần đây nhất thay cho cái bắt tay thân tình và quý mến. Bởi lẽ, với tôi, viết là tồn tại và tồn tại bằng viết. Khái niệm “viết”, với tôi, là sự trao gửi và sẻ chia ý tưởng, cảm xúc với những người đồng cảm và đồng điệu.

Ấy vậy mà thật oái oăm, tôi bị cảnh báo khẩn cấp về mắt phải ngưng ngay chuyện đọc và viết trước màn hình và bàn phím máy tính. Đối với tôi vậy là gần kề với một bản án tử hình. May mà rồi cũng được giảm án sau mấy tháng chữa trị quyết liệt. Phải chăng vì đây không là một án bỏ túi như những bản án mà người ta đang xử! Thế mà dạo ấy tôi đã phải nói quá lên cái khả năng xấu nhất mà người bạn chí thân vừa gặp phải để tự trấn an, mà cũng là để an ủi bằng cách tự diễu mình với câu thơ Tú Xương trong bài Đau mắt:

Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ,

Giương mắt trông chi buổi bạc tình

Thế mà cái “buổi này” còn tệ hơn “buổi bạc tình” thời Tú Xương nhiều. Bạc tình thuộc phạm trù cá nhân. Vì thế tôi quyết không chịu mù để quyết chống lại cái thời bạc nghĩa. 

Mà là bạc nghĩa với ông cha, bạc nghĩa với truyền thống quật cường của dân tộc khi mới hôm qua hôm kia thôi, các nghị sĩ của “Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” đồng loạt vỗ tay chào đón “thiên triều” đến dự khán buổi họp của Quốc hội tại đại sảnh mang tên Diên Hồng, nơi đã từng trải thảm đỏ rước Tập Cận Bình đến ban truyền chiếu chỉ để được cung cúc lắng nghe!

Vì thế mà phải làm ngược lại. Không những không muốn, cũng không thể mù!

Bởi vì chúng nó đều muốn cho dân tộc này mù, trước hết là chúng muốn chúng ta, những người biết cầm bút phải mù. Thì chẳng thế sao? Chưa mù, mắt vẫn thao láo ra kia, lại đúng vào dịp 20 tháng 11 này, ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay tại diễn đàn Quốc hội vừa được “thiên triều dự khán” kia lại có thể tùy tiện một cách dốt nát khó có thể tưởng tượng nổi đã dám phát biểu về hiện tượng đáng sỉ nhục cho truyền thống tôn sư trọng đạo với việc chính quyền ở Hà Tĩnh điều nữ giáo viên đi tiếp khách chỉ là “chuyện vui vẻ thôi mà”! Cũng may là một nữ đại biểu đã kịp thời bật dậy: “Bộ trưởng nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng lại nói rằng chỉ vui vẻ thôi. Về góc độ giới, tôi thấy rất đau lòng”.

Và may thay, không chỉ có sự nhạy cảm của nữ giới bị ngài “đại trí thức giáo sư tiến sĩ Bộ trưởng” kia xúc phạm, mà sự ngu xuẩn của người lĩnh sứ mạng cao cả giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ đã lộ diện ngay trong dịp tôn vinh nhà giáo 20.11 này còn gọi dậy sự phẫn nộ của nam giới qua lời phát biểu của đại biểu ở Cà Mau: “Hôm qua phát ngôn trước báo chí, Bộ trưởng nói rằng các cô giáo ấy phải xem lại mình. Bộ trưởng hãy xem lại câu nói đó, đặc biệt là Bộ trưởng nên đọc những bình luận mà người ta viết dưới câu nói của Bộ trưởng.

Chao ôi, ai? Ai phải “xem lại mình” đây?

Vậy là, sự kiện đáng xấu hổ bục ra trong dịp nhạy cảm này ngay trước “diễn đàn Quốc hội” e phải bổ sung vào lời thơ Tú Xương: phải giương mắt không chỉ để trông buổi bạc tình mà còn là bạc nghĩabạc đức nữa.

Chẳng trách mà nền văn hóa, trong đó sự nghiệp giáo dục đào tạo giữ vị trí số một đang xuống cấp không phanh nếu không có một đột phá mang tính quyết định về thể chế chính trị để vực dậy mà hồi sinh đất nước.

Sự kiện đáng xấu hổ nói trên rồi cũng khỏa lấp đi trong bộn bề của những nhiễu nhương thế sự của cuộc chiến quyền lực vào buổi hoàng hôn triều đại thì rồi chỉ cần dăm ba câu tỏ lòng trung thành tuyệt đối với người kiên định chủ nghĩa Mác-Lê và định hướng xã hội chủ nghĩa là những kẻ bạc nghĩa, bạc đức kia vẫn sẽ tiếp tục vung vinh thăng tiến cao hơn để văn hóa giáo dục xuống thấp cho đến tận đáy.

Xin gợi lên một đối sánh để hiểu rõ nguồn cơn câu chuyện nói trên. Đó là sự kiện cụ thể mà sáng nay tivi vừa loan: ở Hàn Quốc có lệnh trong 50 phút học sinh làm bài thi, tất cả các loại máy bay đều không được cất và hạ cánh tại sân bay Seoul để không làm mất sự tập trung làm bài của thí sinh vì tiếng ồn. Nên nhớ đây cũng là lúc hệ thống Hiến pháp và luật pháp của nước này đang chuẩn bị tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống, và bà Park đã tuyên bố sẵn sàng chấp hành! Có lẽ vì thế mà cùng một xuất phát điểm với Việt Nam năm 1975, mà Hàn Quốc đang là nước có sản phẩm công nghệ cao đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với nhiều nước có bề dày phát triển cả trăm năm, còn phim Hàn Quốc thì đang thu hút thị hiếu giới trẻ Việt Nam!

Chính trong nỗi niềm suy tư và lòng phẫn nộ này mà tôi cố gắng giương mắt lên nhìn thẳng vào sự thật đau đớn và xót xa của đất nước để cố gắng viết ra, đặng cũng mong nói được như Tú Xương:

Chỉ bền một nén tâm hương nguyện” (Một nén tâm hương)

Vâng, mỗi trang viết của tôi cố gắng là một “nén tâm hương nguyện”.

Mong như vậy để cố gắng. Còn được đến đâu thì mắt còn phải giương lên, đầu phải tỉnh táo, tim phải đập theo nhịp dồn dập, giục giã của vận mệnh dân tộc. Thời gian đang ủng hộ chúng ta khi với thời gian, những tín điều ngu xuẩn tự tan rã và niềm tin vào chân lý cuộc sống sẽ được trỗi dậy và dâng trào.

Mong các bạn nhận ở đây một sự chân thành. Chân thành trong sai lầm cũng như chân thành trong niềm tin vào cái đúng. Vì cái đúngcái tốt và cũng là cái đẹp.

19.11.2016

T. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.