Suy nghĩ về đổi mới toàn diện triệt để giáo dục và đào tạo

Trần Đình Sử

Giáo sư tiến sĩ Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Hà Nội

clip_image002

Đã đúng ba năm chẵn tính từ ngày có nghị quyết TW kì họp thứ 8 khoá 11 (4/11/2013) về giáo dục đào tạo. Đây có thể coi là nghị quyết nêu vấn đề sâu sắc nhất, “kiên quyết” nhất,  “bức thiết” nhất, “dứt khoát” nhất, “quyết liệt” nhất của Đảng cộng sản VN về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Tuy nhiên cũng giống như nhiều nghị quyết khác của Đảng đều nêu ra từ trên xuống, không dựa từ cở sở lên, thiếu điều kiện từ cơ sở để thực hiện, nói một cách khác là nghị quyết duy ý chí, cho nên thực hiện bao giờ cũng tốn kém, lúng túng và bất cập, mà kết quả không lấy gì làm hứa hẹn… Cần phải nói ngay rằng nghị quyết ngay từ khi ra đời đã không phải được dư luận đồng thuận. Sau khi nghị quyết ra đời cũng có nhiều ý kiến phản biện, trước hết là vấn đề triết lí giáo dục. GS Phạm Minh Hạc cho rằng triết lí giáo dục đã nằm trong đường lối của Đảng rồi, không cần thảo luận nữa, tuy nhiên nhiều trí thức cho rằng đào tạo con người phải đặt lên đầu mục tiêu con người nhân văn, dân tộc và tự do, trong khi đó mục tiêu của chúng ta nhấn mạnh ở việc đào tạo nhân lực. Có một số ý kiến cho rằng nếu mục tiêu đào tạo ra con người theo kiểu “con ngoan, trò giỏi”, sau thành công dân ngoan, làm việc giỏi theo kiểu vâng lời, bảo sao nghe vậy thì đó không thể là người công dân của một nước phát triển. Cho đến nay vấn đề triết lí giáo dục vẫn chưa ngả ngũ. Trên thực tế, khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn được thờ trong các nhà trường là một điều phi lí, trong khi khẩu hiệu của Unesco học để biết, học để sáng tạo, học để sống và để chung sống vẫn chưa thật sự đi vào nhà trường. Điều này cho thấy tư tưởng bảo thủ trong giáo dục Việt Nam hiện rất nặng nề, nó cản trở giáo dục Việt Nam thay đổi.

Vấn đề thứ hai tôi muốn nêu lên là để thực hiện một nghị quyết lớn như thế chúng ta hầu như thiêú việc tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục và cập nhật các kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trên thế giới. Các việc làm của Bộ giáo dục như dự án về ngoại ngữ tiếng Anh, dự án về trường học mới VNEN đều là dự án khép kín, xã hội nói chung là không biết, không ai được biết và tham gia ý kiến. Chỉ để sau khi đã tiêu hết tiền của dự án, sau khi các địa phương tỏ ra bất mản với dự án ấy đề nghị dừng thì xã hội mới biết. Ở đây phải nói rằng cách làm khép kín là rất cũ. Chúng tôi đã nêu kinh nghiệm của việc đổi mới giáo dục lần trước là do thiếu sự đồng thuận của xã hội, bởi vì thiếu công bố thông tin. Lần này lại lặp lại. Tôi nghe nói các vị chuyên gia, lãnh đạo giáo dục sang Columbia hình như vẫn không tiếp cận được chương trình và SGK đem về dịch tham khảo, mà họ chỉ tiếp cận ý tưởng rồi về triển khai riêng có tính chất nhóm. Cách triển khai đã có tiền của Ngân hàng thế giới cho nên họ không cần tham gia của các chuyên gia giáo dục trong nước. Vì quá tin vào một phương án VNEN, cho nên trong thời gian ấy không có phương án khác được thực hiện. Nếu có bây giờ cúng ta đã có các kết quả bổ sung cho nhau. Đến bây giờ thời gian không còn nữa. Bây giờ kêu gọi chắt lọc cái tốt của VNEN để kết hợp với cái khác thì lấy đâu ra? VNEN là nhà trường phát huy năng lực tự quản và năng lực tự học của HS đối với các lớp học ghép các lớp khác nhau, thích hợp với vùng núi, HS ít. Áp dụng cho lớp HS đông như VN là không ổn, phần lớn HS thực hiện theo lối diễn chứ không thực có tự học và tự quản. Trò diễn này chúng tôi đã thấy nhiều rồi. Vấn đề là phải làm sao cho HS VN biết tự học. Đây vẫn là vấn đề mà nhiều nhà giáo VN từ thời các thứ trưởng đáng kính như  các GS Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Kỳ đã nêu mà chưa có kết luận khoa học và thực tiễn. Thêm nữa, thiếu nhân tố khêu gợi và gây cảm hững của thầy thì quá trình học tập của HS khó mà khởi động, sẽ không được thực hiện đầy đủ.

Tôi cho rằng để thực hiện một nghị quyết lớn như nghị quyết 29 thì cần triển khai một lúc nhiều đề tài về khoa học giáo dục, từ mục tiêu, phương pháp dạy học, cách thi, tổ chức thi, cách ra đề, cách soạn chương trình mới, phương pháp ra đề mở, cách tích hợp các môn học tự nhiên và xã hội, công bố các dự kiến để lấy dư luận trong xã hội. Cách làm việc của Bộ là có một nhóm nhỏ khép kín, danh sách ấy do ai phụ trách, gồm những chuyên gia nào cũng không thấy công bố. Vì thế cho nên khi đưa ra, về môn sử đã bị dư luận không đồng tình. Và vì lí do đó mà cho đến nay chương trình tổng thể vẫn chưa thông qua được. Mà chương trình này chưa thông qua thì chương trình bộ môn cũng chưa thể biên soạn.

Các trường đại học cũng rất quan tâm, nhưng họ không được giao việc, hoặc chỉ giao các việc phụ như đề xuất form của SGK, mà không đề cập nội dung. Tôi cho rằng một núi công việc còn nguyên chưa đụng đến, ví như tích hợp các môn xã hội, các môn tự nhiên, việc tích hợp đó có thể có những variant nào, variant nào có ưu điểm, hình như chưa ai biết. Trong bộ môn ngữ văn trước đây chương trình phân bố theo lịch sử văn học. Khoa tôi làm chương trình, muốn thay mô hình đó nhưng bị quan điểm bảo thủ phản đối. Nay dạy theo năng lực nghe nói đọc viết, vậy chương trình các lớp sẽ phân hoá như thế nào, chưa thấy ai nghiên cứu và đề xuất, mà thiếu nguyên tắc ấy thì khó mà xây dựng chương trình ngữ văn từ 6 – 9 và từ 10 – 12. Một việc rất lớn như vậy mà chúng ta thiếu chiến lược động viên trí tuệ xã hội vào công việc. Phải chăng là vì tiền? Vì sợ phải chia chác cho nên phải thu thu giấu giấu trong nhóm nhỏ, mà cách làm như vậy rõ ràng đã không thành công. Nếu bộ giáo dục còn theo nguyên tắc lợi ích nhóm (nguyên tắc này chi phối từ trung ương đến địa phương, thì nó chi phối trong Bộ cũng là chuyện bình thường thôi), thì việc đổi mới giáo dục không thể thành công. Khi nói đến điều này tôi đã xác định là mình đã cao tuổi rồi, không có điều kiện tham gia nữa. Nếu có thì chỉ một vài việc không quá nặng nhọc. Cho nên không phải vì lợi ích mà nếu vấn đề này. Cứ nhìn cung cách làm dự án này tôi nghĩ rằng kết quả của đợt đổi mới giáo dục này sẽ khó đạt kết quả mong muốn.

Bây giờ thì thời gian đã quá muộn. Chỉ còn một năm 2017, mà năm 2018 đã phải có sách làm theo cuốn chiếu để đổi mới giáo dục, tôi cho là vội vã và sẽ thất bại. Sách mới chưa có điều kiện thẩm định, thí điểm, rút kinh nghiệm, giáo viên chưa được bồi dưỡng, bồi dưỡng như cách chúng ta đã làm trước đây đã không có kết quả thì tôi cho rằng lần này nếu không thay đổi thì vẫn không kết quả. Chính vì vậy tôi đề nghị lùi thời gian thực hiện chương trình mới lại. Không theo kế hoạch 2018, vì đề ra chúng ta sẽ phải chạy cho kịp, và lúc đó sẽ bộc lộ thêm nhiều khiếm khuyết nữa.

Về dự án dạy tiếng Anh, là lĩnh vực ngoài chuyên môn của tôi xin không góp ý. Mới đây bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại công bố sẽ thực hiện dự án dạy tiếng Trung như là ngoại ngữ thứ nhất, còn tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai. Tôi xin nói ngay cách hiểu ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai như thế là trái với cách dùng thông thường được giới ngữ học chấp nhận. Đối với nước ta, tiếng Việt là ngôn ngữ duy nhất, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, do đó không có chuyện tiếng Trung là ngoại ngữ thứ nhất được. Một nhà lãnh đạo mà dùng khái niệm sai lệch như thế là không thể chấp nhận, gây hiểu lầm trong xã hội.

Bây giờ xin góp ý về chủ trương thi trắc nghiệm.  Quyết định thi trắc nghiệm trong kỳ thi quốc gia năm 2017 là một quyết định hơi vội, khiến học sinh và giáo viên bị động, chuẩn bị không kịp. Nếu cách thi sẽ chỉ đạo cách học theo nguyên tắc thi thế nào học thế ấy thì học sinh sẽ học theo lối trắc nghiệm. Không học trình bày mạch lạc theo logic. Thêm nữa, có nhiều phương án trắc nghiệm. Chúng ta đã nghiên cứu hết các phương án chưa mà đã quy định hình thức trắc nghiệm. Theo tôi biết, về môn ngữ văn lối trắc nghiệm vẫn sử dụng lâu nay tỏ ra rất sơ lược và ấu trĩ. Chưa đi vào cơ chế đọc hiểu văn học của hoạt động đọc. Nếu không nghiên cứu mà đến khi phải sử dụng trắc nghiệm ở môn ngữ văn thì HS và GV chắc chăn sẽ lúng túng. Trắc nghiệm môn xã hội chưa tích hợp hoặc tích hợp sẽ là vấn đề mới, tôi chưa biết bộ đã tổ chức nghiên cứu như thế nào mà quyết định ra đề trắc nghiệm. Đề tự luận môn ngữ văn không có gì mới, HS có thể là được, nhưng các môn xã hội khác là cả một vấn đề đáng lo. Bây giờ thì Bộ đã quyết định rồi, các trường đều phải thực hiện. Nhưng tôi vẫn lo là chưa chuẩn bị chu đáo sẽ nảy sinh sự cố không mong muốn.

Trên đây là một số ý kiến nêu ra để trao đổi, mong là sẽ có ích cho việc thực hiện nghị quyết 29TW về giáo dục đào tạo. Nếu có gì chưa ổn xin được lượng thứ.

9 tháng 11 năm 2016

T.Đ.S.

Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.com/2016/11/12/ve-doi-moi-giao-duc-dao-tao-o-viet-nam-hien-nay/

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.