Nguyễn Thanh Giang
NGƯỜI CÔNG AN TRÍ THỨC
Trong hàng ngũ trí thức Việt Nam đương đại, giáo sư Lê Thi được xem là một trong những gương mặt trí thức tiên phong. Giáo sư Lê Thi tên thật là Dương thị Thoa, con gái giáo sư liệt sĩ Dương Quảng Hàm – người được tôn vinh là nhà sư phạm mẫu mực, nhà văn học sử tiên phong của Việt Nam. Bác ruột Dương Bá Trạc của bà đỗ cử nhân năm 17 tuổi, là một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Bà là bác ruột của nhà văn, nhà báo, chiến sĩ Dương thị Xuân Quý (vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc).
Lê Thi dễ dàng được khẳng định là một trí thức không chỉ ở hành động lịch sử kéo Lá cờ Đỏ Sao Vàng đầu tiên trên Lễ đài Độc lập Hà Nội mà còn bởi hàm giáo sư, bởi chức vị Viện trưởng Viện Triết đầu tiên của Việt Nam … (ông Hoàng Minh Chính là trưởng Ban Triết của Đảng, lúc đó chưa chính thức thành lập Viện Triết)
Bài tiểu luận này muốn xác định danh tính một trí thức nữa trong gia đình giáo sư Lê Thi. Đấy là “ý trung nhân” của bà – ông công an gạo cội Lê Hồng Hà –
“ GIỮA ĐÀNG THẤY SỰ BẤT BẰNG MÀ THA ”
Nhiều người quá xem trọng trình độ học vấn, thậm chí lấy tiêu chuẩn bằng cấp, học vị để định danh trí thức. Tôi hiểu như học giả Pháp J.P. Sartre: Trí thức là những người thường “xớ rớ” vào những chuyện không liên quan đến mình. Những chuyện không phải của chính mình mà họ thấy là của mình. Vì luôn coi việc trong trời đất là việc của chính mình nên người trí thức luôn tìm đến sự thật. Qua phản ánh sự thật, người trí thức luôn nhìn thấy khuyết điểm của hiện hữu. Không chấp nhận những gì là nguỵ lý, người trí thức thường đưa ra những phản biện mang nội dung phê phán và dự báo. Họ làm việc đó một cách bình thản và can đảm dù cho vì thế mà họ gặp phải nhiều hệ luỵ.
Lê Hồng Hà đã từng “xớ rớ vào những chuyện không liên quan đến mình” để rồi “gặp phải nhiều hệ luỵ”
Sự thật thì đúng như ông đã viết trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đề ngày 18 tháng 7 năm 1995: “Tôi chỉ có một tội: có lương tâm và dũng khí đưa ra kiến nghị giải oan cho những người vô tội, và một dại dột: quá tin vào lương tri và ý thức trách nhiệm của một số người lãnh đạo của Đảng, quá tin vào các điều khoản trong điều lệ Đảng”.
Năm 1955 – 1957 với tư cách uỷ viên Đảng đoàn Bộ Công an, ông đã tham gia sửa sai về công tác đánh địch trong cải cách ruộng đất. Đây là đợt sửa chữa những sai lầm lớn về đánh địch, về xử lý oan trong nội bộ Đảng lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử ĐCSVN. Đến năm 1963 – 1964 ông lại là người đóng góp rất tích cực trong việc phát hiện và giải oan cho 8 cán bộ lãnh đạo chủ chốt về Đảng và về Công đoàn ở Nhà máy Cơ khí Gia Lâm. Lúc đó, tại nhà máy xảy ra sự kiện: Trung tá Võ An Khang từ quân đội chuyển ngành sang làm giám đốc Nhà máy bỗng nhiên bị chết. Công an Hà Nội cho đây là vụ giết người, đã bắt giam và tra hỏi 8 cán bộ chủ chốt của nhà máy. Họ bức cung hết sức khốc liệt nên chỉ sau một thời gian, tất cả đều nhận tội giết người. Giám đốc công an Hà Nội đã báo cáo với 5 uỷ viên Trung ương Đảng và được đồng tình chuẩn bị đưa ra xử tội. Việc giải oan vô cùng khó khăn vì việc quy tội sai lại liên quan đến một cán bộ cấp cao. Đằng đẵng suốt 4 năm trời xả thân vì công lý vụ án oan mới được giải. Khi được trả tự do, một số đã bị tâm thần, sức khoẻ suy kiệt, gia đình tan nát.
Cứ mang cái nghiệp như thế vào thân, năm 1995 ông lại “xớ rớ” vào một việc động trời: đòi minh oan cho Vụ án Xét lại Chống Đảng. Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông đã vạch rõ: “Báo cáo của ông Nguyễn Đình Hương (chuyên viên cao cấp của Ban Bảo vệ Nội bộ) về vụ án “Chống Đảng” là xuyên tạc sự thật và lừa dối Đảng. Bộ Chính trị chỉ dựa vào báo cáo vốn đã sai lầm của ông Nguyễn Đình Hương thì tất yếu sẽ rút ra những kết luận sai lầm thể hiện trong thông báo số 111 ngày 14 tháng 4 năm 1995 do ông Lê Đức Anh ký. Trung ương cần kiểm tra lại hoạt động của Bộ Chính trị và cần giải oan cho hàng trăm người vô tội đã bị oan khuất, khốn đốn suốt 30 năm nay”. Trong thư gửi BCHTWĐ ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông căn vặn vạch vòi: “Sự hình thành tổ chức này (XLCĐ) ra sao? Có từ bao giờ? Do ai sáng lập? Ai là lãnh tụ? Có tên gọi không? Có điều lệ không? Có cương lĩnh không? Cương lĩnh ấy được cấp nào thông qua? Có cấp trên, cấp dưới không? Ai là uỷ viên chấp hành? Ban chấp hành do chỉ định (ai chỉ định?) hay do bầu (ai bầu?) hay do tự phong? Được ai thừa nhận? Có thủ tục kết nạp và khai trừ không? Tổ chức theo chi bộ, tổ đảng hay đơn tuyến? …”, “Việc quy tội làm tình báo cho người nước ngoài có phần hồ đồ và không có căn cứ chính trị pháp lý. Nói hồ đồ là không thể quy hàng trăm người dính vào vụ án đều có tội tình báo được. Công tác tình báo chỉ có thể là việc của một người cá biệt nào đó mà thôi. Vậy nếu chỉ có một vài người thì là những người nào? Họ lấy tình báo gì? Họ chuyển cho ai? Ở đâu? ngày giờ nào? Sở dĩ nói không có căn cứ chính trị pháp lý vì tội tình báo bao giờ cũng gắn liền với việc phục vụ cho một nước ngoài đối địch với ta, họ có những âm mưư phá hoại chính trị nước ta. Ở đây nói nước ngoài là Liên Xô, nhưng suốt thời gian đó, Liên Xô chưa hề là nước đối địch, chưa hề có những hoạt động phá hoại chế độ chính trị nước ta. Chẳng những thế Liên Xô còn là nước đồng minh chiến lược hàng đầu được nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước xác định trong cuộc chiến tranh chống đế quốc trước đây”, “Ông Nguyễn Đình Hương có cho triển lãm sơ đồ tổ chức do Hoàng Minh Chính tự vẽ ra để nói là có tổ chức ( ? ). Vậy xin hỏi: Hoàng Minh Chính giữ vai trò gì trong tổ chức này (là Tổng bí thư, là trưởng ban tổ chức hay là cái gì) mà vẽ ra tổ chức? Có bao nhiêu người thừa nhận sơ đồ đó? Sao lại lấy lời khai của một người để quy tội cho hàng chục, hàng trăm người là hoạt động phá hoại có tổ chức ư?”.
Lê Hồng Hà đã rất thận trọng trước khi dám hạ quyết tâm “xớ rớ” vào vụ này. Ông tìm gặp lại Nguyễn Trung Thành, nguyên là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Nội Bộ, người giúp việc chính cho ông Lê Đức Thọ trong việc theo dõi trong vụ án Xét lại Chống Đảng từ đầu đến cuối. Ông đã “cật vấn” ông Nguyễn Trung Thành hàng loạt câu hỏi: “Vì sao 29 năm trước đây anh vẫn cho số người này là có tội mà hơn một năm nay (kể từ cuối năm 1993 trở lại đây) anh lại cho họ là vô tội?”, “Vì sao anh có vị trí gần nhất với ông Lê Đức Thọ, người chủ chốt chỉ đạo vụ án, tức là gần mặt trời hàng ngày được chứng kiến cái đúng đắn trong chỉ đạo, mà anh lại nói là sai?”, “Vì sao các khoá TW trước đây (kể cả của Ban Bí thư cuối năm 1991) vẫn cho là đúng, nay cá nhân anh lại cho là sai? Như vậy có phải là anh chống lại TW không?”, “Từ khi anh thấy vụ án này sai, anh đã báo cáo với Bộ Chính trị và Ban Bí thư chưa? Đã được trả lời thế nào?” ….
Trong thư gửi BCHTW ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông khẳng định: “Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Trung Thành trình bày, giải thích cặn kẽ cho tôi nghe về vụ án, và qua đó, với trình độ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rõ rằng: tất cả những người bị bắt và xử trí trong vụ án này đều không phạm tội, dù là một tội nhỏ. Và tôi tin tưởng rằng chỉ cần với một lương tri tối thiểu, nếu các cơ quan có trách nhiệm chịu nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Trung Thành thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng, không có gì khó khăn phức tạp”.
Hơn thế nữa, trước khi dám “xớ rớ” vào chuyện động trời này, Lê Hồng Hà không chỉ “cật vấn” Nguyễn Trung Thành mà ông đã cày cục lần mò tìm đến trao đổi với nhiều vị “đại lão thành cách mạng” như Nguyễn văn Trấn, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Quang Việt … Cùng khoảng đó ông Nguyễn Trung Thành thì gặp Hoàng Tùng, Nguyễn Côn, Đoàn Duy Thành, Lê Khắc, Nguyễn Tài … Hầu hết đều đồng tình và hứa sẽ đóng góp vào việc giải oan này.
Nhưng rồi … ông đã thất bại! Tấm huân chương mà Đảng của ông tặng thưởng hành động nghĩa cử, xả thân vì uy tín của Đảng, vì đồng chí, đồng đội của ông là bản quyết định khai trừ khỏi Đảng. (Người viết không đóng ngoặc kép chữ huân chương vì xét theo lập trường nào đó, nó đúng nghĩa đen).
Tài giỏi gấp triệu lần Lê Hồng Hà mà xớ rớ vào chuyện này thì cũng lãnh đủ như vậy thôi. Bởi vì, giải oan được cho hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cỡ lớn của Đảng (4 uỷ viên Trung ương, 1 thiếu tướng, 3 đại tá, 4 vụ trưởng …) thì có nghĩa phải kết án Lê Đức Thọ không chỉ ở mức tử hình mà phải tru di tam tộc. Trong khi đó, dù Lê Đức Thọ có chết đi rồi thì vẫn còn đó những kẻ đời đời mang ơn Lê Đức Thọ. Không có Lê Đức Thọ thì làm sao cái ông hoạn lợn ít học kia lại có thể được tâng lên đứng trên đầu toàn Đảng như vậy !
Thực tế đã và đang không chỉ có ông Đỗ Mười!
Người ta cứ tưởng rằng TW khoá Ba và Bộ Chính trị lúc đó tập thể lãnh đạo phá vụ án này. Thực ra, mãi đến tháng 3 năm 1971 Bộ Chính trị mới họp để nghe về vụ án, và cũng mãi tới tháng 1 năm 1972 BCHTW mới họp nghe báo cáo về vụ án. Người ta lại cũng cứ tưởng rằng có một ban chỉ đạo gồm 8 uỷ viên TW đã được lập ra để chỉ đạo vụ án; song thực ra phải đến tháng 11 năm 1968, một ban như thế mới được lập ra với nhiệm vụ giải quyết các việc còn sót lại của vụ án. Suốt cả quá trình từ 1963 đến cuối 1968, toàn bộ quá trình xác lập vụ án, bắt bớ, tra khảo, quy tội … đều do Lê Đức Thọ chỉ đạo. Tuy luôn nhân danh Bộ Chính trị nhưng không hề có một nghị quyết nào của Bộ Chính trị cả, Lê Đức Thọ chỉ sử dụng một số cán bộ của ngành công an, bảo vệ quân đội và tổ chức TW. Toàn bộ cán bộ của ngành kiểm sát và toà án không hề can dự, không hề được biết, được hỏi gì cả !
HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ
Đảng không chỉ tặng thưởng Lê Hồng Hà tấm “Huân chương Khai trừ” (Các ông Trần Độ, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, Vi Đức Hồi, Phạm Đình Trọng, Vũ Minh Trí … cũng đều nhận được tấm huân chương cao quý này) mà còn tống tù ông. Ngày 6 tháng 12 năm 1995, công an Hà Nội đã bắt giam và ngày 22 tháng 8 năm 1996, Toà án Nhân dân Hà Nội kết án 2 năm tù giam về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, cụ thể là “đã đọc và chuyển cho người khác đọc bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị, đề ngày 9 tháng 8 năm 1995”.
Người ta cứ nhất quyết bỏ tù ông, mặc dù những lời biện hộ của ông rất thấu tình đạt lý và đầy lý lẽ thuyết phục:
– Xét về nội dung, ý tứ và lời lẽ của hai bức thư thì đây là thư ông Võ Văn Kiệt với tư cách là một đảng viên gửi Bộ Chính trị, nghĩa là một tài liệu của bên Đảng, không phải là tài liệu với tư cách Thủ tướng. Trong thư không hề xưng danh Thủ tướng. Không có dấu và công văn của Văn phòng Chính phủ.
– – Quyết định 338/ TTg ngày 29 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu bí mật chỉ là văn bản hành chính nội bộ của Văn phòng Chính phủ, thuộc loại văn bản không được phổ biến lên đài, lên báo. Các cơ quan lập pháp không được dựa vào một văn bản hành chính nội bộ để kết tội công dân.
– Nội dung điều 1, mục II, khoản 5 của quyết định 338/TTg trái với Điều I và Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước, tức là trái với luật, như vậy mặc nhiên không thể trở thành căn cứ để truy tố và xử tội công dân.
– Theo Bộ luật, khi xét xử tội danh “Tiết lộ bí mật Nhà nước”, thì thông thường chủ thể của tội phạm chỉ có thể là những cán bộ đương chức, có nhiệm vụ quản lý những bí mật nhà nước, chứ không thể tuỳ tiện xử tội những cán bộ về hưu…”
Tôi hoan nghênh việc công khai hoá bức thư Võ Văn Kiệt của ông Lê Hồng Hà. Đây là một trong những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đất nước. Bức thư đã góp phần khai hoá những cái đầu nào còn u tối trong Bộ Chính trị ĐCSVN, đã banh mắt họ ra.
(Xin được chen vào đây một đoạn kể phúc lộc trời cho đối với tôi qua bức thư trên đem tới: Tôi là người đầu tiên viết bài công khai tán dương thư Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị và tán phát rộng rãi. Bài báo có tiêu đề “Thế nào là định hướng đúng” (còn lưu ở thư viện mạng “www. nguyenthanhgiang.com” và trong cuốn sách “Suy tư và Ước vọng”).
Cuối năm 1995 trường đại học Hoa Kỳ UCLA mời tôi sang thuyết giảng về Cổ Từ học vào học kỳ Mùa Xuân 1996, thời gian 2 tuần. Công an dứt khoát ngăn trở. Học kỳ Mùa Xuân cứ thế trôi qua. Nhưng sau khi bài “Thế nào là định hướng đúng” loan truyền, bỗng dưng có người nói với tôi: “Nếu lại có giấy mời sang Mỹ công tác vào học kỳ Mùa Thu thì rất có thể sẽ đi được đấy”. Quả nhiên thủ tục xuất cảnh được làm rất nhanh. Trước ngày lên đường tôi còn được dự một bữa tiệc linh đình do công an khoản đãi, chủ xị là một vị đại tá. Ngày ấy bộ trưởng công an là Bùi Thiện Ngộ, thân tín của ông Võ văn Kiệt. Hình như sau đó ít lâu ông này bị thất sủng).
Sau thư Võ Văn Kiệt là thư Nguyễn Nam Khánh. Bây giờ thì tôi xin mạnh dạn “thú tội”: Chính Lê Hồng Hà đã dấu bức thư Nguyễn Nam Khánh trong nhà để sau đó bức thư này được tôi đưa lên mạng.
Bữa đó, không biết nhận được tin báo từ đâu, hàng chục công an đã ập vào nhà Lê Hồng Hà lục soát tanh bành suốt từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng. Nhưng rồi họ đã thua ông công an gạo cội này. Ba ngày sau tôi đến thăm ông. Không ngờ ông có bức thư ấy thật, và cực kỳ vui sướng là, nó vẫn còn trong nhà ông. Trống ngực tôi đánh đổ hồi nhưng tôi vẫn run run bỏ bức thư vào túi áo bành tô, cố giữ vẻ thản nhiên bước ra.
Dù đánh chữ bằng vi tính rất chậm nhưng không dám đưa ai, tôi đành tự mình cậm cạch gõ bàn phím qua đêm để tức tốc đưa lên mạng.
“Lời thú tội” này nếu có đem lại hiểm hoạ nào cho ông Lê Hồng Hà và cho tôi thì tôi vẫn cứ “thú tội” một cách thích thú. Bởi vì, nếu việc công khai hoá thư Võ Văn Kiệt được xem là đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam thì việc bạch hoá thư Nguyễn Nam Khánh cũng có tác dụng to lớn không kém.
Bạch hoá nó ra thì toàn Đảng mới thấy cái ung nhọt chết người đang nằm trong cơ thể Đảng. Mới thấy cái cơ chế phản dân chủ, tập trung dân chủ độc quyền, độc đoán đang tạo nên một “đảng” khống chế Đảng, ức hiếp Đảng, gông cùm Đảng ghê gớm đến mức nào !
Bạch hoá thư Võ Văn Kiệt và thư Nguyễn Nam Khánh như đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh, giác ngộ Đảng, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đúng hướng hơn, đặc biệt về đường lối đối ngoại. ( Ít ra là ở thời kỳ ngay sau đó. Còn bây giờ …?!)
Đọc thư Nguyễn Nam Khánh người ta bàng hoàng nhìn ra con quái vật “T4”. “T4” là bóng ma kinh hãi, là thanh gươm rùng rợn do “đảng” tạo ra nhứ trên cổ ngay cả những bậc hết sức quyền thế trong Đảng, buộc Đảng phải làm theo cái gậy chỉ huy của “đảng”. “T4” là sản phẩm của liên minh tình báo Hoa Nam và tình báo mafia Việt Nam.
Tôi kinh tởm, ghê sợ nó. Tôi ngày đêm khắc khoải lo lắng về nguy cơ đô hộ mới tồi tệ hơn những ách đô hộ cũ. Tôi đã quyết liệt và sẽ còn cố gồng mình lên mà góp phần tích cực ngăn chặn nó, dù đã tuổi già, bất chấp gian nguy.
Tìm thư Nguyễn Nam Khánh vào giữa đêm, lục soát tanh bành nhà một công thần của cách mạng đã là bỉ ổi. Giữa đêm 15 tháng 2 năm 2001 người ta lại điệu ông lên Sở công an Hà Nội. Mục đích duy nhất của cuộc khảo cung lần này chỉ là để tìm tang chứng một bức thư khác.
Đây là một bức thư kêu gọi lật đổ chính quyền? Là một tài liệu bí mật quốc gia?
Không, đây chỉ là một bức thư gửi Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương mà theo Lê Hồng Hà thuật lại:
“Đó chỉ vẻn vẹn có một trang đánh máy vi tính, cũng không có bản thảo viết tay nào kèm theo cả. Vì phải đọc nhanh trong phòng hỏi cung nên tôi chỉ nhớ được đại thể mấy ý của tài liệu đó như sau:
– Đòi hỏi ông Bộ trưởng Bộ Công an cho biết vì sao có vụ nổi loạn đầu tháng 2/2001 ở khu vực Tây Nguyên mà các cơ quan của Đảng, chính quyền, công an đều bị bất ngờ?
– Vì sao công an Hà Nội lại bắt giữ nhà trí thức Nguyễn Thanh Giang đầu năm 1999, rồi khi phải trả lại tự do không hề có lời xin lỗi?
– Vì sao công an Lâm Đồng lại khởi tố nhà trí thức Hà Sĩ Phu, rồi khi phải đình chỉ điều tra cũng không một lời xin lỗi?
– Vì sao Bộ Công an lại chỉ đạo báo An ninh Thế giới tiếp tục viết loạt bài nêu tội trạng của một loạt nhà trí thức yêu nước chưa hề bị một toà án nào kết tội? Vì sao một tờ báo quan trọng của Bộ như tờ An ninh Thế giới lại có thể vi phạm luật pháp Nhà nước?
– v. v. ”
Nhận được một bức thư như vậy, nếu đúng là của Lê Hồng Hà thì lẽ ra Lê Minh Hương nên lễ phép giãi bầy.
Bởi vì, hãy xem Lê Hồng Hà là ai?
Ông sinh năm 1926, tên thật là Lê Văn Quỳ, tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám. Tham gia đánh chiếm Trại Bảo An Binh trong cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945. Tháng 7 năm 1946 được kết nạp vào đảng Cộng sản Đông Dương do phó Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam Lê Giản giới thiệu. Trước khi được cử phụ trách Trường Công an Trung ương (1953 – 1957) rồi sau đó được đề bạt Chánh Văn phòng Bộ Công an (1958) ông đã từng được Trung ương cử đi học Khoá l lớp Lý luận Mác – Lê Nin ở Bắc Kinh (1949) và được giữ lại làm trợ giáo cho các khoá II và III tại đây (học viên của ông gồm nhiều người sau này trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị).
Qua đó xem ra Lê Hồng Hà là cỡ thầy của thầy Lê Minh Hương. Vậy mà sao Lê Minh Hương dám vô lễ và nỡ tàn nhẫn như vậy?!
NGƯỜI CÔNG AN CỘNG SẢN CHỐNG LẠI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN
Ở Việt Nam có những nghịch cảnh làm quằn quại suy tư, làm đau thắt lòng người. Triết gia Mác Lê Nin tầm cỡ quốc tế Trần Đức Thảo, Viện trưởng Viện Triết Mác Lê Nin Hoàng Minh Chính, nghiên cứu sinh Mác Lê Nin khoá I Lê Hồng Hà … đều bị đảng Mác Lê Nin của Việt Nam bỏ tù hoặc đầy ải cho đến chết vì lần lượt trở cờ phê phán Mác Lê Nin rất mạnh mẽ. Trong bài “Suy nghĩ về chủ nghĩa Mác” viết tháng 1 năm 1995, Lê Hồng Hà vạch ra 19 điều để chê chủ nghĩa Mác:
“ – Lấy sự phân tích một khúc phát triển (thời kỳ sơ kỳ) của chủ nghĩa tư bản để khái quát, coi như đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và dựa vào dự đoán xu thế diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản là sai về phương pháp luận.
– Sự phát hiện cái gọi là sứ mệnh của giai cấp công nhân là sai lầm.
– Lý luận coi đấu tranh giai cấp và sự tất yếu của chuyên chính vô sản là quy luật phổ biến là sai.
– Lý luận về đặc trưng phi hàng hoá của chủ nghĩa xã hội là sai
– Lý luận về “Mục tiêu xoá bỏ chế độ tư hữu”, tách khỏi sự tăng trưởng kinh tế là sai. v v và v v …”.
Độc đáo nhất là ông công an cộng sản gạo cội này lại lên án chuyên chính vô sản hơi nặng lời: “Người ta cứ tưởng rằng thiết lập chuyên chính vô sản cũng tức là xây dựng nên một chế độ triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản. Nhưng qua các cuộc thanh trừng tàn bạo mà Đảng cộng sản Liên Xô và báo chí Liên Xô đã bộc lộ thì đó chỉ là một chế độ toàn trị (totalitarisme), một nền chuyên chế tàn bạo nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga. Nền chuyên chính vô sản về cơ bản là đối nghịch với nền dân chủ thông thường, là triệt tiêu dân chủ, là chống lại những quyền cơ bản của con người”.
Ngay từ bản thuyết trình về: “Chủ nghĩa xã hội dân chủ” trong một buổi Hội thảo ngày 14 tháng 12 năm 1991, Lê Hồng Hà đã khẳng định rằng chính chủ nghĩa Mác Lênin đã làm Liên Xô sụp đổ nhanh chóng: “Theo tôi, ở Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra một quá trình tan vỡ, còn tác động của Mỹ, của CIA trước kia cũng như hiện nay chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nào đó chứ không phải là nhân tố quyết định. Con đường mà Liên Xô và các nước Đông Âu đi từ sau cách mạng Tháng Mười là con đường tự huỷ. Sự tự huỷ này có nguồn gốc liên quan đến những điểm sau:
Thứ nhất – Xét về mặt kinh tế, đã thực hiện một chính sách kinh tế kế hoạch hoá tập trung, phủ nhận nền kinh tế thị trường.
Thứ hai – Xét về chế độ tư hữu, tuyệt đối hoá công hữu, xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ các thành phần kinh tế phi XHCN.
Thứ ba – Nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đến mức độ đè nén, phủ nhận dân chủ trong xã hội.
Thứ tư – Biến ĐCS với tư cách lãnh đạo thành một đảng siêu nhà nước, tức là đứng lên trên nhà nước, quyết định mọi vấn đề. Còn bản thân nhà nước chỉ còn là một công cụ.
Thứ năm – Có sự đẳng cấp hoá và đặc quyền hoá trong nội bộ đảng”.
Ông tha thiết kêu gọi hãy rũ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê Nin ngoại lai để tìm con đường phát triển riêng cho Việt Nam bằng chính tư duy Việt Nam. Trong bài “Thử tìm phong cách tư duy cho Việt Nam” ông khẳng định: “Phong cách Việt Nam có những nét đặc thù khác với các dân tộc khác, khác với các học thuyết ngoại nhập. Dưới đây, thử nêu lên một số đặc trưng chủ yếu nhất của tư duy Việt Nam:
1 – Khác với nhiều học thuyết tách biệt máy móc xã hội với giới tự nhiên, tư duy Việt Nam thường xem xét xã hội, con người trong mối quan hệ với giới tự nhiên, coi Thiên – Địa – Nhân trong một thể thống nhất.
2 – Khác với nhiều triết học Phương Tây đặt vấn đề quan hệ “giữa tâm và vật” lên hàng đầu, tư duy Việt Nam lại đặt quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng lên hàng đầu trong hệ thống tư duy của mình. Và mối quan hệ đó được đặt ở ba cấp; gia đình, làng xã và quốc gia. Trong mối quan hệ đó, người Việt Nam vừa coi trọng cộng đồng, vừa quan tâm đến lợi ích từng thành viên.
3 – Khác với học thuyết Phương Tây quá cường điệu sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, tuyệt đối hoá quy luật phủ định của phủ định liên tục để nói sự tiến lên của xã hội, tư duy Việt Nam lại nhấn mạnh sự kết hợp hài hoà các mặt âm dương để lý giải sự tồn tại và tiến lên của xã hội.
4 – Khác với nhiều học thuyết Phương Tây nhấn mạnh sự hình thành chủ nghĩa cá nhân, coi lợi ích cá nhân, coi quy luật đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển của xã hội, tư duy Việt Nam lấy tư tưởng cộng đồng, hợp tác tương trợ giữa người với người trong cộng đồng làm động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.
5 – Khác với nhiều học thuyết Phương Tây nhấn mạnh đấu tranh không khoan nhượng về tín ngưỡng, về tư tưởng (thậm chí dẫn tới chiến tranh tàn sát tôn giáo) tư duy Việt Nam lại nhấn mạnh sự khoan dung, nhường nhịn, hoà hợp.
6 – Khác với nhiều học thuyết bên ngoài tự phong là hoàn chỉnh, khép kín mít, từ chối mọi yếu tố bên ngoài, tư duy Việt Nam vốn là rộng mở, chịu tiếp xúc với nền văn hoá bên ngoài, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng tiếp nhận mọi yếu tố có lợi biến thành của mình nhưng luôn giữ bản sắc của mình, chống sự đồng hoá của bên ngoài, chống sự ăn sống nuốt tươi
7 – Khác với nhiều học thuyết đã tách biệt đời sống vật chất với đời sống tâm linh, tư duy Việt Nam coi trọng cả hai trong đời sống hàng ngày”.
Ông đã nêu lên những yêu sách có tính chất cương lĩnh như sau :
“ 1 – Từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, giữ nguyên mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2 – Thay tên nước“ CHXHCN VN bằng nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” hoặc nước “Việt Nam Dân chủ Nhân Dân” hoặc nước “Việt Nam”.
3 – Từ bỏ lý thuyết “Thời kỳ hoá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” của Lê nin, để xây dựng một lý thuyết phát triển bền vững của Việt Nam.
– Từ kém phát triển lên phát triển.
– Từ chế độ bao cấp kế hoạch hoá tập trung lên nền kinh tế thị trường hiện đại.
– Từ chế độ công hữu hoá làm chủ sang chế độ tư hữư nhiều thành phần
– Từ một xã hội ít nhiều khép kín sang một trạng thái hội nhập, đầy đủ với thế giới.
– Từ một nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp lên một nền văn minh trí thức.
4 – Từ bỏ học thuyết Lê nin về thời kỳ quá độ có nghĩa là:
4.1 – Từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa vì là mục tiêu ảo tưởng.
4.2 – Từ bỏ lý luận “Đấu tranh giai cấp giữa hai con đường là TBCN và XHCN làm động lực thúc đẩy đến xã hội phát triển” chấp nhận đường lối Đại đoàn kết toàn dân.
4.3 – Từ bỏ lý luận về cách mạng quan hệ sản xuất xoá giai cấp tư sản, xoá bỏ nền kinh tế cá thể đi vào chế độ công hữu với hai hình thức quốc doanh và kinh tế tập thể …
4.4 – Từ bỏ chủ trương “Lấy quốc doanh làm chủ đạo”, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế dân doanh làm nền tảng.
5 – Từ bỏ “Nhà nước chuyên chính vô sản do giai cấp vô sản lãnh đạo”, từ bỏ cái gọi là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền XHCN, thừa nhận nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, thừa nhận xã hội công dân, nhà nước pháp quyền
6 – Từ bỏ chủ nghĩa vô thần của Mác, từ bỏ quan điểm “các tôn giáo là thuốc phiện”. Đối với nhân dân cần tôn trọng tập quán, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân, coi các tôn giáo là các trào lưu văn hoá kể cả các tôn giáo ngoại nhập).
7 – Từ bỏ lý luận chỉ có một đảng Cộng Sản, chấp nhận “nền dân chủ đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam”. Loại bỏ điều 4 Hiến Pháp lãnh đạo độc tôn đối với xã hội.
8 – Từ bỏ chủ trương lấy chủ nghĩa Mác Lê nin (mà cho tới nay vẫn chỉ là hệ thống các quan điểm lý luận của Staline ) làm hệ tư tưởng chỉ đạo mặt trận tư tưởng và lý luận, mà phải lấy tư tưởng văn hoá của Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh làm hệ tư tưởng chỉ đạo của quốc gia.
9 – Vừa chú trọng nâng cao mức sống của nhân dân, vừa coi trọng nền văn minh tinh thần, tôn trọng đời sống tâm linh của dân tộc
10 – Vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (lấy đó làm cơ sở), lại vừa giải quyết các vấn đề xã hội, chăm sóc phát triển con người. Vừa bảo đảm việc làm đầy đủ cho người lao động, vừa từng bước xây dựng chế độ bảo đảm xã hội cho toàn dân.
Về mặt đối ngoại, ông đề xuất:
1 – Từ bỏ nhận định cũ về thời đại, coi thời đại là “quá độ từ CNTB lên CNCS trên quy mô toàn thế giới bắt đầu từ CM tháng 10 Nga” mà chấp nhận nhận định “thời đại ngày nay là thời đại hoà bình và phát triển, là thời đại chuyển lên nền văn minh trí thức”.
2– Xác lập quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở Trung Quốc là “đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”, từ bỏ chủ trương coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, hoặc coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược. 16 chữ lâu nay vẫn nói về quan hệ Việt – Trung là vận dụng chung các nước láng giềng, không loại trừ nước nào, không phải chỉ để ứng xử riêng với Trung Quốc. Cần có sự phân tích cụ thể hơn các vùng lãnh thổ (biên giới trên bộ, vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị …
3 – Xác lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở Hoa Kỳ là “Đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”, từ bỏ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân ta. Từ bỏ chính sách hai mặt thân thiện bên ngoài, còn bên trong thì coi là kẻ thù, là đối tượng. Xử lý đúng mức với các vấn đề tranh chấp quyền lợi trong thương mại và trong những đợt nhận xét của chính phủ Hoa Kỳ về những cách xử sự đối với tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tranh thủ tối đa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, kể cả vấn đề giữ gìn hải đảo và biển Đông v.v…, khắc phục những hoạt động khiêu khích ngay từ trong nội bộ Tổng cục II – Bộ Quốc Phòng, gây thiệt hại lớn cho Tổ quốc Việt Nam trong tình hình thế giới hiện nay
4 – Suy nghĩ chuyển đổi Bộ Ngoại Giao thành Bộ Quan hệ Đối ngoại phụ trách tất cả mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá … tránh sự phân cắt, tốn kém như hiện nay”.
*
Lê Hồng Hà đã ở tuổi 84. Vóc dáng ông vốn chỉ thanh mảnh nhưng nhờ trời tinh thần ông vẫn còn minh mẫn, trí nhớ ông vẫn tuyệt vời. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hãy sám hối đối với ông về những nhận thức sai lầm, những đối xử tệ bạc và tàn nhẫn đối với một công thần của cách mạng, một trí thức đáng kính như ông. Hãy đền đáp những gì ông xứng đáng. Hãy trân trọng và lắng nghe ông, đặc biệt là trong những ngày đang chuẩn bị hoàn chỉnh Cương lĩnh mới và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI này.
Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH” Nguyễn Thanh Giang Mobi: 0984 724165
Tác giả gửi BVN