Môi trường, nhân quyền và nhà nước

Kính Hòa, phóng viên RFA

clip_image002

Từ trái qua: ông Đinh thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày cuối cùng Đại hội đảng lần thứ 12 hôm 27/1/2016 tại Hà Nội. AFP photo

Lại thêm những người bất đồng chính kiến bị bắt, trong khi đó những mối nguy về ô nhiễm môi trường sống không có dấu hiện dừng lại. Sau Formosa, người ta lại đang lo ngại nhà máy điện Vĩnh Tân muốn đổ chất thải của họ xuống vùng biển tuyệt đẹp tại tỉnh Bình Thuận.

Môi trường

Nhà hoạt động dân sự, blogger Nguyễn Anh Tuấn nhận định rằng những thảm họa môi trường đã xảy ra như Formosa-Vũng Áng, hay có nguy cơ xảy ra như Vĩnh Tân-Bình Thuận là những thất bại của đảng cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất điều hành đất nước.

Đảng Cộng sản suốt một thời gian dài đã tin là họ có tính chính danh cầm quyền vì đã đánh bại các cuộc xâm lược của ngoại bang.

Nhưng nay Đảng Cộng sản sẽ phải giải thích thế nào đối với thất bại thảm hại của họ trước những cuộc xâm lăng kiểu mới không tiếng súng, không bóng lính như Formosa và Vĩnh Tân – khi tiền của lợi nhuận làm ra thì chảy về Trung Quốc, Đài Loan; còn ô nhiễm, chất thải thì nằm lại phá hoại không gian sinh tồn của người Việt khiến họ phải bỏ biển, bỏ đất, bỏ nghề và thậm chí bỏ nước ra đi.

Trong thất bại này, Đảng Cộng sản còn phải chịu một trách nhiệm lớn hơn, khi chính họ chứ không ai khác đã rước những kẻ xâm lược kiểu mới này vào gây họa cho đất nước.

Không đề cập trực tiếp đến tên của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng trong một bài viết mới mang tên “Vì đâu mạng người Việt rẻ lắm?” blogger Đoan Trang liệt kê những cái chết dễ dàng của người Việt Nam, từ ngộ độc thực phẩm đến tai nạn giao thông, từ bị điện giật chết đến chết đuối vì hồ thủy điện xả nước, và tác giả cho rằng nguyên nhân của tất cả những tai ương đó là một nguyên nhân gián tiếp, rằng bởi vì người Việt đang sống trong một xã hội độc tài, nơi tính mạng con người rẻ như bèo, do người dân không hề được tôn trọng, không hề có nhân quyền.

Nhân quyền

Ai dấn thân đều làm tôi nể trọng, bởi họ hơn hẳn đám người trùm chăn, lâu lâu thò đầu ra la lên một tiếng, rồi ngó dáo dác và chui thụt lại vào chăn. Họ luôn chửi, chửi cả chính quyền lẫn người dấn thân.

– Luật sư Lê Công Định

Một blogger có tiếng là ông Hồ Hải bị bắt.

Luật sư Lê Công Định, người cũng từng bị tù đày vì những bài viết của mình, nhớ đến một blogger khác hiện cũng đang ở tù là ông Nguyễn Ngọc Già. Luật sư Định gọi họ là những người tù chính trị cô đơn.

Anh Nguyễn Ngọc Già là tù nhân chính trị cô đơn. Bây giờ đến lượt anh Hồ Hải.

Tôi gọi “cô đơn” vì họ không nhận được sự quan tâm và lên tiếng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là người Việt trong và ngoài nước. Không có nỗ lực nào đáng kể vận động cho họ cho đến nay.

Anh Nguyễn Ngọc Già cô đơn vì không xuất hiện công khai trước khi bị bắt. Còn anh Hồ Hải cô đơn vì từng gây thù chuốc oán nhiều trên chốn giang hồ đầy thị phi.

Tôi giao du với hai anh và thấy cả hai đều đầy cá tính. Anh Già thì thâm trầm, hợp tính tôi. Anh Hải thì ồn ào, làm tôi ái ngại. Song tôi đều quý cả hai vì tấm lòng của họ đối với đất nước và giới trẻ, bất kể đời tư họ ra sao.

Nhà báo Trương Duy Nhất, cũng một cựu tù chính trị, tiếp lời về Những người tù cô độc ấy:

Có thể, họ chọn cách thầm lặng. Có thể, con đường và phương cách họ chọn khác chúng ta. Cứ giả vậy đi. Nhưng vì mục tiêu và đích đến chung, không ai trong chúng ta được phép im lặng. Đặc biệt, khi họ đã rơi vào chốn ngục tù cô độc ấy.

Sự lên tiếng của chúng ta nhiều khi cũng chẳng thay chuyển được gì, không cứu được các anh. Nhưng nó cho các anh, cho thân nhân của họ, và cho cả những người đang tranh đấu đang dấn thân hiểu rằng: Họ không cô đơn. Đó là sức mạnh, cho họ, và cho chính chúng ta.

Nhà báo Trương Duy Nhất từng bị tù vì hoạt động báo chí tự do, và ngay sau khi ra khỏi tù ông lại tiếp tục hoạt động báo chí tự do.

Luật sư Lê Công Định gọi hoạt động của các blogger, các nhà báo đó là những người dấn thân, và ông không đồng tình với những người không hoạt động mà chỉ chỉ trích những người đang dấn thân:

Dấn thân là đức tính đáng quý giữa xã hội cam chịu đến phát chán này. Do vậy tôi không đòi hỏi ai nhiều hoặc tự cho phép mình phán xét ai từ lăng kính đạo đức rởm nào.

Ai dấn thân đều làm tôi nể trọng, bởi họ hơn hẳn đám người trùm chăn, lâu lâu thò đầu ra la lên một tiếng, rồi ngó dáo dác và chui thụt lại vào chăn. Họ luôn chửi, chửi cả chính quyền lẫn người dấn thân.

Loại người thập thò thích phán xét đối với tôi chẳng đáng giá. Tôi chỉ bật cười khi thỉnh thoảng vô tình nghe thấy tiếng la thất thanh hoặc chửi bới nhặng xị của họ.

… Và Nhà nước

Trong tuần cũng xảy ra câu chuyện hở hoạn lớn tại Hà nội, thiêu rụi một cơ sở hát karaoke, và làm thiệt mạng hơn 10 cán bộ nhà nước. Đã có xuất hiện những tiếng nói hả hê vì cái chết của các cán bộ ấy.

clip_image004

Nhà báo Đoan Trang, ảnh minh họa chụp trước đây. File photo

Theo nhà báo Đoan Trang, nếu như nhà nước Việt Nam là một nhà nước có nhân quyền thì sẽ không xảy ra chuyện hả hê trước cái chết của đồng loại như vậy, cũng sẽ không có thái độ dửng dung của các quan chức khi tuyên bố các đập thủy điện xả lũ đúng qui trình, dù việc đó có làm người ta thiệt mạng:

Những chính sách của bộ máy Đảng và Nhà nước hiện nay, nếu chúng vì nhân quyền một chút thôi – tức là vì người dân chứ đừng vì sự trường tồn của đảng – thì con người đã được quý trọng hơn bao nhiêu, xã hội đã phát triển biết bao nhiêu.

Những quan chức, cán bộ lãnh đạo hiện nay, nếu họ vì nhân quyền một chút thôi, thì các chính sách đã thông minh hơn biết bao nhiêu.

Khi ấy, ý thức của cả xã hội về nhân quyền sẽ khác. Chúng ta sẽ biết xót nhau hơn. Chính quyền, thay vì đàn áp hay để kệ “sống chết mặc bay”, sẽ bảo vệ, chăm lo cho dân, từ những hoạt động như hướng dẫn, tuyên truyền các kỹ năng thoát hiểm, đến huy động nguồn lực sơ tán, cứu trợ từng người dân trong thiên tai, và lăn xả bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài; từ việc xây dựng quy chuẩn luật pháp để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động, đến một việc rất đỗi bình thường là hãy để yên cho xã hội dân sự phát triển và làm những gì họ có thể làm, đừng kìm kẹp, hành hạ họ nữa.

Khi ấy, tất cả chúng ta đều sẽ thấy nhân quyền là tối quan trọng và con người là quý giá lắm – bất kể là người nào.

Sẽ không ai khoái trá vì sự kiện một nhóm cán bộ chết cháy trong phòng karaoke; không ai hả hê nghĩ đến cảnh sau này “treo cổ mấy thằng lãnh đạo”; không ai tỉnh bơ “xả lũ đúng quy trình” trong đêm, mặc kệ dân chới với trong nước lụt…

Không viết thẳng thắn như Đoan Trang trên một không gian truyền thông tự do, những cây bút trên các trang blog do nhà nước quản lý cũng tìm cách lên tiếng.

Tác giả Lê Minh Nhựt viết bài Xứ người hiền trên trang blog của báo Kinh tế Sài Gòn. Trong bài này tác giả tiếc nuối cho cách cư xử thẳng thắn của một vùng đất nước

Người ngoài cuộc như bạn, nghi ngờ rằng: có một tảng đá ngàn cân nào đó, đang treo lơ lửng trên đầu, nên dân ở đây bắt buộc phải hiền. Hiền để thủ thân, để an toàn. Nếu không thì tảng đá ấy sẽ bất thình lình đổ ụp xuống, cho đáng đời “tật nhiều chuyện”. Đáng lý ra, mỗi người góp một tay, chung sức khiêng tảng đá ấy quăng chỗ khác hoặc chôn nó đi. Hay nhất là xắn tay áo mà lớn tiếng với người đã treo tảng đá ấy.

Nhưng ai sẽ xung phong làm người đầu tiên? Bởi người đầu tiên sẽ luôn chịu nhiều rủi ro, thương tích. Thay cho việc trả lời câu hỏi của mình, bạn trầm ngâm và ngước mắt… nhìn lên trời xanh.

Chỉ có cạnh tranh chính trị, nơi dân chúng có thể trừng phạt nguyên một đảng bằng cách bầu cho đảng còn lại, mới ngăn chặn được các đồng đảng bao che sai phạm cho nhau.

– Nguyễn Anh Tuấn

Ý tưởng mỗi người góp một tay của Lê Minh Nhựt trong tình hình hiện nay qua cái nhìn của luật sư Lê Công Định là rất khó khăn vì nhà cầm quyền và những người bất đồng chính kiến nhìn nhau ngày càng thiếu thiện cảm. Luật sư Định cho rằng nếu cái gì cũng đổ cho nhà nước thì rất cực đoan, thậm chí trong thời kỳ đầu tiên, theo ông Định, những người cộng sản cũng hoạt động vì mục tiêu dân tộc và dân sinh.

Khởi phát phong trào cộng sản ở Việt Nam cũng từ mục tiêu dân tộc và dân sinh. Bác bỏ điều đó là cái nhìn phi lịch sử, dù phương pháp tranh đấu của các nhà cách mạng cộng sản luôn có khuynh hướng bạo lực và bạo động từ xưa đến giờ.

Nhưng vì sao hiện nay dân tình ta thán ngày càng nhiều và giới bất đồng chính kiến nhìn nhà cầm quyền ngày càng thiếu thiện cảm? Phải chăng đó là do sự thất bại trong mọi chính sách quốc kế dân sinh của nhà nước?

Sẽ là cực đoan nếu trút hết mọi điều tệ hại trên đời vào nhà nước, dù sự bất tài và tham nhũng của quan chức trong rất nhiều trường hợp là nguồn cơn của sự ta thán khắp nơi.

Nếu nhà nước cởi mở hơn, sẵn sàng đối thoại nghiêm túc và chân thành với các tổ chức xã hội dân sự, dù họ chưa được công nhận theo luật hiện hành, thì nhiều vấn đề nan giải của xã hội chắc sẽ được giải quyết từng bước với sự thấu hiểu hơn từ phía dân chúng.

Sự căng thẳng và mất niềm tin giữa nhà nước và người dân chỉ làm đôi bên ngày càng rời xa nhau, và gây thêm tổn hại cho quyền lợi của tất cả, trong khi đất nước thật sự cần sức mạnh nội tại để phát triển hơn nữa.

Chia rẽ chỉ làm chúng ta yếu đi mà thôi. Có quá nhiều vấn đề rất cần sự chung tay giải quyết của nhà nước và nhân dân. Nghi kỵ nhau như những thế lực thù địch hay bán nước chẳng phải là điều cần thiết lúc này. Mong đôi bên suy nghĩ lại!

Nhưng thiện chí giữa các bên khác nhau không đủ để thay đổi xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng không có con đường nào khác là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập. Luật sư Lê Luân thêm rằng luật pháp sẽ tạo ra được đạo đức và văn minh, còn blogger Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh đến khía cạnh phải có sự cạnh tranh về chính trị thì mới tạo ra một chính quyền lành mạnh được:

Chỉ có cạnh tranh chính trị, nơi dân chúng có thể trừng phạt nguyên một đảng bằng cách bầu cho đảng còn lại, mới ngăn chặn được các đồng đảng bao che sai phạm cho nhau.

Bài học này người dân chúng ta nếu không học thật kỹ và rồi sau đó hành động thật quyết liệt, thì thảm họa như Formosa sẽ còn đến dài dài khắp mọi miền đất nước, chỉ là dưới những tên gọi và hình thức khác mà thôi.

Cũng bàn về luật pháp, trong tuần qua báo chí Việt Nam lại đưa tin về trang phục mới của quan tòa Việt Nam. Luật sư Lê Công Định bình luận rằng Chiếc áo không làm nên thầy tu! Vấn đề quan trọng của nền tư pháp Việt Nam hiện tại chính là sự độc lập của các thẩm phán khỏi đảng cầm quyền và ngành hành pháp, chứ không phải trang phục.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/environment-rights-state-11112016081732.html

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.