Có phải Formosa Hà Tĩnh chỉ gây thiệt hại trong phạm vi 4 tỉnh miền Trung?

Thảo Vy – Trần Thành

(VNTB) – Việc ngư dân tỉnh Nghệ An yêu cầu khởi kiện Formosa Hà Tĩnh, cho thấy sự thiệt hại do Formosa gây ra không thể dừng lại trong phạm vi 4 tỉnh như đã nêu tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

clip_image002

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã không ghi nhận việc ngư dân Nghệ An khởi kiện đòi đền bù thiệt hai do Formosa gây ra.

 

Vì sao vẫn giới hạn phạm vi 4 tỉnh?

Trong thông báo mới nhất của Chính phủ về vấn đề đền bù thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh gây ra cho biển miền Trung, ở văn bản số 359/TB-VPCP, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Nguyễn Văn Tùng cho biết đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển vẫn là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Không rõ tại sao ở cuộc họp hôm 31 tháng 10 năm 2016, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã không ghi nhận việc ngư dân Nghệ An khởi kiện đòi đền bù thiệt hai do Formosa gây ra.

Cuộc họp này của Phó Thủ tướng có mục đích về tình hình thống kê và chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung gây ra. Tham dự cuộc họp có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công Thương, Y tế, Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Trong cuộc họp nói trên, yêu cầu đặt ra của ông Trương Hòa Bình là, “Bộ Thông tin và Truyền Thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và chỉ đạo các phương tiện thông tin, truyền thông tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đúng đắn để vận động người dân hiểu rõ và đồng thuận với chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc bồi thường và khắc phục sự cố môi trường các tỉnh miền Trung, đấu tranh với các hoạt động và luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của các phần tử xấu” (trích văn bản số 359/TB-VPCP).

Tưởng cũng nên nhắc lại. Trung tuần tháng 9-2016, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng cho ngư dân Đà Nẵng bị ảnh hưởng do sự cố cá biển chết ở các tỉnh phía Bắc miền Trung. Cụ thể, hỗ trợ 1 lần cho các chủ phương tiện tàu cá có công suất máy dưới 20cv và thuyền thúng gắn máy với mức 1 triệu đồng; tàu có công suất máy từ 20cv đến dưới 90cv mức 2 triệu đồng. Tổng bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các quận: Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê mục này là 1,683 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ chi phí vận chuyển, phân phối tiêu thụ hải sản cho Hợp tác xã nghề cá Hải Nhi số tiền 17,7 triệu đồng và miễn tiền thuê mặt bằng trong tháng 5/2016 đối với các hộ thuê mặt bằng ở các khu buôn bán hải sản, kinh doanh ăn uống, tạp hóa… ở khu vực chợ cá Thọ Quang với số tiền là 174,3 triệu đồng.

Như vậy, TP Đà Nẵng đã xác nhận địa phương chịu thiệt hại môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Nghệ An bị thiệt hại do Formosa xả thải

Cho rằng không chỉ 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng, mà bản thân ngư dân và nghề dịch vụ du lịch biển Nghệ An bị thiệt hại khá nặng nề nhưng chưa được hỗ trợ đền bù, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ cho nhân dân Nghệ An bị thiệt hại.

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về kinh tế – xã hội hôm 2/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, về ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa gây ra, ngư dân và nghề dịch vụ du lịch biển Nghệ An bị thiệt hại khá nặng nề, nhưng chưa được hỗ trợ đền bù. Do đó, đại biểu Cầu đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ cho nhân dân Nghệ An bị thiệt hại.

Trong một diễn biến khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản yêu cầu, “để bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, tập trung khuyến cáo ngư dân chưa tham gia khai thác tại 3 khu vực biển ở 3 tọa độ gồm: Hòn Sơn Dương (tỉnh Nghệ An) cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; cửa Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2; hòn Sơn Trà (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2”.

Không phải nhận tiền là hết được quyền khởi kiện

Việt Nam là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 500 triệu USD không phải con số do tòa phán quyết. Số tiền bồi thường 500 triệu USD để khắc phục thiệt hại do việc xả thải gây ô nhiễm là con số Formosa tự nguyện đưa ra để khắc phục, chứ không phải là con số do tòa án quyết định.

Ở đây số người dân bị thiệt hại từ việc ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh ven miền Trung không hề nhỏ, đó những người đánh cá, những người làm muối, làm du lịch biển, từ thiệt hại mất việc làm, mất thu nhập cho đến mất nghề nghiệp trong thời gian tới… Với số lượng người bị thiệt hại lớn như vậy trong một vụ gây ô nhiễm là chưa có trong tiền lệ.

Khi Formosa tự nguyện đưa ra khoản tiền khắc phục hậu quả thì Nhà nước tiếp nhận, sau đó thông qua sự điều phối của Chính phủ để đưa đến tay người dân bị thiệt hại. Ở đây số lượng người bị thiệt hại rất đông, phía Formosa không thể làm việc với từng hộ dân để xác định thiệt hại. Việc này chính quyền sẽ phải đứng ra thống kê, xác minh thiệt hại để xác định con số cụ thể của từng vùng để nhận tiền đền bù. Sau khi nhận khoản đền bù thiệt hại, nếu người dân nào thấy việc bồi thường chưa phù hợp thì có thể yêu cầu Formasa bồi thường thêm, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện dân sự.

500 triệu USD chia cho 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) thì mỗi tỉnh chỉ nhận được trên 100 triệu USD, không phải là lớn. Trong khi ai cũng đã thấy cá chết hàng loạt, trải dài trên vùng biển hàng trăm cây số như thế. Rồi sẽ phải tốn bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức để khắc phục cho được sự cố môi trường này…

Chính quyền cũng được quyền khởi kiện

Luật sư Nguyễn Vân Nam nói rằng, chính quyền địa phương nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm cũng có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại cho địa phương mình như: thất thu thuế (đánh bắt và tiêu thụ hải sản giảm, dân cư chuyển đến sinh sống ở địa phương khác); doanh thu của các ngành kinh doanh khác như du lịch giảm; do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên địa bàn; cũng như yêu cầu Formosa chịu chi phí chuyển đổi ngành nghề cho những ngư dân nào bị thiệt hại do Formosa gây nên đến mức không muốn tiếp tục đánh bắt hải sản nữa,…

Các hiệp hội nghề nghiệp cũng có quyền khởi kiện buộc Formosa bồi thường tổn thất do giảm tiền hội phí vì hội viên giảm thu nhập; tổn thất do bảo lãnh vay vốn cho hội viên là ngư dân, v.v.. Các cá nhân thì có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại vật chất, tính mạng và sức khỏe do Formosa gây ra cho bản thân. Hiện nay, do Formosa đã thừa nhận mình gây ra ô nhiễm, nên việc khởi kiện của các cá nhân rất thuận lợi.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, người bị thiệt hại cũng phải được đảm bảo có quyền trực tiếp khởi kiện người gây thiệt hại cho họ. Bảo đảm được quyền này cũng là một trong những nền tảng tạo dựng niềm tin của người dân vào pháp luật”. Luật sư Nguyễn Vân Nam, nhấn mạnh.

Lưu ý, khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại đối với kẻ phá hoại môi trường là một pháp nhân đa quốc gia, luôn luôn là một cuộc chiến rất phức tạp. Vì vậy, người dân không nên tự mình làm, mà phải được đại diện bởi các luật sư giỏi trong lĩnh vực này. Việc ngư dân Nghệ An đã cậy nhờ đến Linh mục Đặng Hữu Nam trong các vấn đề pháp lý là một cần thiết.

T.V. – T.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/11/vntb-co-phai-formosa-ha-tinh-chi-gay.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.