Điều nữ giáo viên đi hầu rượu: TRẦM TRỌNG ĐẤY, THƯA BỘ TRƯỞNG NHẠ

Võ Văn Tạo

PHẬN BÈO BỌT

FB Luân Lê

Bao nhiêu thế hệ rút kinh nghiệm nữa để có thể lớn lên thành người với những điều đúng đắn?

Bộ trưởng Bộ giáo dục mà còn “đổ lỗi cho nạn nhân”, nơi mà họ, những giáo viên, mà nhất là phận nữ trong xã hội nặng nề Nho giáo này, gần như không có quyền phản kháng, hoặc nếu có, chắc hẳn công việc của họ sẽ bị đe doạ.

Giáo dục mà còn là công cụ và phương tiện của chính trị, nó sẽ biến những con người truyền giảng và cả thụ hưởng nền giáo dục ấy trở thành những con rô bốt, hoặc được nhồi nhét mà cúi đầu chấp nhận những thứ sai trái như là một lẽ sống hiển nhiên.

Tôi đã từng viết Thư ngỏ và chương trình 4 điểm vào tháng 04.2016 gửi tới ông với tất cả mong mỏi cùng tâm huyết cho giáo dục khi hay tin ông mới đắc cử Bộ trưởng bộ quốc sách này, với việc thẳng thắn chỉ ra rằng, cần triệt để loại bỏ yếu tố chính trị ra khỏi giáo dục, đây là điều quan trọng nhất, vì nó là thứ xiềng gông trói buộc con người vào những tư tưởng và mệnh lệnh mang tính mục đích cai trị của quyền lực chứ không phải để đào tạo con người. Thứ hai, là loại bỏ ngay việc chạy chọt công chức, biên chế giáo viên, vì đó chính là hành vi mua bán, chà đạp lên tri thức và cả giá trị nhân cách của con người, nó biến con người trở thành công cụ của lợi ích và từ đó dẫn đến cam chịu và chấp nhận làm những điều sai trái, phi lý và cả vi phạm không chỉ đạo đức mà còn luật pháp nữa.

Nhưng có lẽ, chúng ta không thể hy vọng vào sự thay đổi lớn lao bằng việc chờ đợi thay thế một vài cái cúc áo của chiếc áo đã rách nát, mà phải may vá lại cho thân thể ấy một manh áo mới để làm lại từ dầu, mới mong có thể ngẩng đầu làm người.

Cái giá của sự chấp nhận bất công, là tiếp tục không chỉ để cho bất công ấy mà còn nhiều những bất công khác chà đạp lên bạn, rồi con cháu bạn, mà hơn thế, mọi lỗi lầm, bạn dù là một nạn nhân, còn phải hoàn toàn gánh nhận lấy cùng với hậu quả của chúng.

Hai sự sỉ nhục, hai lần phản bội và gấp đôi cái giá phải trả đối với sự thật, dành cho nạn nhân.

clip_image002

Hôm 10/11, tôi viết vài dòng nhờ bạn bè hỏi ông PX Nhạ, BT bộ GD&ĐT xem ông nghĩ gì về vụ “điều động giáo viên nữ làm “lễ tân” tiếp khách cấp trên. Hôm nay thì báo đã đăng câu trả lời của ông BT: “Cô giáo bị ép buộc trước hết phải xem xét chính mình”. Tờ VNN đăng bài trả lời với nhan đề trên đã phải đổi tít, sửa đổi một số câu chữ, trong đó câu nói trên bị đục bỏ, chứng tỏ bản thân ông BT cũng cảm thấy có điều gì không thể chấp nhận được từ miệng của một người BT “giáo dục” như vậy.

Vì ông Nhạ cũng nói tới yêu cầu phải tuân thủ Luật giáo dục, tôi xin trích hai điều liên quan trong Chương IV, về Nhà giáo.

1/ Điều 70, điểm 1, nói về nhiệm vụ của nhà giáo:

“Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.”

Thế thì khi cái ông “trường phòng GD” ở thị xã Hồng Lĩnh tuyên bố rằng việc điều động nói trên là để “phục vụ nhiệm vụ chính trị”, ông Nhạ với tư cách là người đứng đầu ngành, cấp trên cao nhất của ông ta, dĩ nhiên phải trừng phạt một hành động trái với Luật mà ông có nhiệm vụ bảo vệ. Tại sao ông không làm mà còn vòng vo lẩn tránh? Hay là ông còn phân vân, liệu các quán bar, quán karaoke mà các quan chức lui tới kể cả trong giờ làm việc có phải là những “cơ sở giáo dục khác.” hay không?

2/ Điều 73, điểm 4, quy định nhà giáo “Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự”. Thay vì làm điều ấy, ông lại đổ lỗi cho các nhà giáo không biết tự bảo vệ mình. Ông thừa biết số phận bé nhỏ của họ dưới nanh vuốt của các quan huyện mà. Hay ông cho rằng việc buộc phải đi “tiếp khách” không có gì xúc phạm danh dự và nhân phẩm của họ. Chắc ông sẵn sàng (hay vui vẻ) cho vợ, con gái (hay cháu gái) của ông đi làm các “nhiệm vụ” đó?

Ha-Duong Tuong

clip_image004

Báo Dân Trí 14-11-2016 đăng bài “Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói về việc nữ giáo viên của thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) bị “ép” đi tiếp rượu”, tường thuật ngày 13-11, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí phỏng vấn tại hành lang Quốc hội về việc UBND thị xã điều nữ giáo viên có nhan sắc đi làm lễ tân, tiếp bia rượu quan khách ăn nhậu, hát karaoke dịp lễ lạt do thị xã tổ chức. Trước đó, nhiều tờ báo phản ánh, nhiều quan khách lợi dụng hơi men, có hành vi ngả ngớn, sàm sỡ các cô. Đã xảy ra ghen tuông, cãi vã, dằn vặt giữa vợ chồng nhiều cô giáo. Nhiều nữ giáo viên vô cùng bức xúc.

Ghi nhận hiện tượng trên là “không phù hợp”, ông Nhạ nói: “Nếu thuộc thẩm quyền địa phương thì chúng tôi nhắc nhở, nếu thuộc thẩm quyền Bộ thì chúng tôi có ý kiến”; “Trách nhiệm tới đâu xử lý tới đấy, nói là xử lý thì hơi nặng nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”; “chưa tới mức độ trầm trọng”; “Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm. Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã”…

Thưa ông Nhạ, ông nên vào mạng để xem công luận nghĩ gì về vụ việc động trời trên. “Khốn nạn”, “đồi bại”, “tởm lợm”, “táng tận”… là những từ ngữ rất nhiều người dùng để bày tỏ mức độ, bất bình, phẫn nộ. Rõ ràng việc điều động nữ giáo viên đi làm chuyện ấy bộc lộ tư duy coi phụ nữ (lại là nữ giáo viên) chẳng khác món đồ chơi, làm nô tì mua vui quan khách, bất chấp hậu quả như một sự sỉ nhục, làm tổn thương lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm các cô, làm xã hội coi thường nhân cách nhà giáo – với chức năng dạy dỗ, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách thế hệ trẻ. Vậy mà ông lại nhận định “chưa tới mức độ trầm trọng”? Chắc theo ông, phải diễn ra trò lột truồng các cô, bắt diễu qua diễu lại cho quan khách công khai thưởng lãm, bình phẩm, sờ mó, tấn công tình dục, mới là trầm trọng?

Thật khó chấp nhận thái độ của ông, khi ông xác định: “phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Với một sai phạm tày đình như vậy, mà chỉ “rút kinh nghiệm”? Ông cũng nói: “Luật Giáo dục có hẳn một chương nói về giáo viên, tất cả mọi người đều phải chấp hành về phẩm chất nhà giáo. Trên cơ sở đó có hướng dẫn năm học, hướng dẫn chỉ thị các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất”. Ông cũng dư biết, Chủ tịch UBND thị xã không thể điều động thẳng từng nữ giáo viên, mà phải qua Trưởng Phòng GD-ĐT, xuống Hiệu trưởng các trường. Là người đứng đầu ngành GD-ĐT cả nước, ông có bổn phận bảo vệ nhân phẩm của từng giáo viên, quản lý từng viên chức ngành GD-ĐT. Lẽ ra, với cương vị và trách nhiệm của mình, ông phải có công văn hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị chấn chỉnh lập tức hiện tượng trên, xử lý nghiêm khắc Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, Hiệu trưởng các trường điều động giáo viên. Ông cũng dư biết, các cô giáo vốn “phận mỏng cánh chuồn”, thấp cổ bé họng, mấy tầng áp bức, áp lực lo bị trù úm, mất việc làm, gánh nặng nuôi gia đình… khó có thể cưỡng lệnh Hiệu trưởng thừa hành chủ trương của Chủ tịch thị xã. Sao ông lại xác định “trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô”?

Thưa ông Nhạ, “đội trên, đạp dưới” là phương châm sống của kẻ tiểu nhân. Chắc chắn chẳng gia đình nào muốn con em mình đến trường để trở thành kẻ tiểu nhân. Không gì dễ dàng hơn là trút trách nhiệm lên các cô giáo chân yếu tay mềm, thân phận nhỏ nhoi, trong khi đó tảng lờ trách nhiệm quan chức. Là Bộ trưởng GD-ĐT, lẽ ra trong vụ việc tai tiếng này, ông cần nêu gương “trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ, cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”, mới xứng đáng.

Hạ nhục các nữ giáo viên một cách có tổ chức là vụ việc mang dấu hiệu phạm tội hình sự, chẳng phải “chưa tới mức độ trầm trọng” đâu, thưa ông Nhạ. Nền giáo dục nước nhà đã nát lắm rồi, xin ông đừng làm nát thêm nữa.

V.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.