Nhân Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, BVN dành hai kỳ để xin đăng lại ý kiến của TS Phùng Liên Đoàn, một chuyên gia về điện hạt nhân, tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác, từng tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân và nguyên là cố vấn cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy – DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission – NRC) của Mỹ.
Bauxite Việt Nam
Tài liệu 4:
Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân
Phùng Liên Đoàn
Chuyên viên an toàn, môi trường và kinh tế Điện hạt nhân đã làm việc tại Mỹ 40 năm
Nước Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng trên thế giới là phải hết sức thận trọng trong việc xây nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) vì hai lý do chính: ĐHN có rủi ro gây tai nạn phóng xạ, và ĐHN rất đắt tiền. Việc đi ngược lại xu hướng này không phải vì Việt Nam có một nền kinh tế mạnh hoặc một đội ngũ chuyên viên ĐHN chuyên nghiệp như Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Pháp… mà vì lãnh đạo ta có một quyết tâm chính trị rất cao và có quyền không cần tham khảo ý dân. Quí vị lãnh đạo ta biết hết, lại tin vào lời báo cáo của cấp dưới là trong tương lai ta rất thiếu điện và ĐHN thế hệ lò thứ ba rất an toàn. Ngay sau biến cố Fukushima lãnh đạo ta vẫn khẳng định mạnh mẽ hơn thủ tướng Đức và thủ tướng Nhật là Việt Nam vẫn tiến tới việc xây nhà máy ĐHN.
Tôi mong mỏi quí vị lãnh đạo tìm hiểu kỹ càng thêm về kỹ thuật và kinh tế ĐHN cũng như quí vị đã để ý rất nhiều về thể diện quốc gia và vai trò chính trị của ĐHN.
Kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến cho biết việc xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận và một chuỗi 6 lò ĐHN khác như dự tính không những sẽ không thành công, mà còn làm nước ta phụ thuộc vào nước ngoài nhiều hơn, con cháu ta sẽ còn phải đi làm lao công triền miên cho thiên hạ, và người trong nước thì vẫn thiếu điện để làm ăn. Khi việc này xảy ra vào những năm 2021 – 2030 thì quí vị lãnh đạo ngày nay không còn sống nữa hoặc không còn quyền hành gì nữa. Trách nhiệm về lỗi lầm ai sẽ gánh chịu? Mới 40-70 năm trước, lãnh đạo ta đã hi sinh nhiều triệu con dân Lạc Hồng để thực hiện một niềm tin tuyệt đối là Việt Nam đi đầu đem chủ nghĩa Marx-Lenin tạo hạnh phúc cho nhân loại. Hậu quả của niềm tin đó khiến nước ta tụt hậu, dân ta nghèo hèn, và còn đang gánh chịu đau thương nhiều thế kỷ. Nay ta đã biết gì về ĐHN? Và ta còn thì giờ không để sửa sai một quyết định chính trị rất phi kinh tế phi dân chủ này?
Tôi xin liệt kê dưới đây 8 lý do lãnh đạo Việt Nam nên hoãn xây ĐHN Ninh Thuận để có thì giờ nhìn vào tình hình ĐHN trên thế giới và lắng nghe lời can gián của người dân Việt không những trong nước mà còn rải rác khắp năm châu:
(1) ĐHN rất cần thiết cho tương lai thế giới nhưng chưa cần thiết cho Việt Nam;
(2) Ta đã làm quyết định quan trọng xây nhà máy ĐHN dựa trên phỏng tính thô sơ về nhu cầu điện;
(3) Phỏng đoán giá nhà máy ĐHN quá thấp, ta sẽ phải chi tiền nhiều hơn nếu không bị kiện cáo hoặc bỏ rơi;
(4) Ta tự chuốc lấy thất bại khi ta quyết định mua/xin nhà máy ĐHN của nhiều nước và huấn luyện nhân viên bởi nhiều nước;
(5) Việc ta dùng hơn 150 triệu USD để đào tạo nhân sự ĐHN một mặt thì không đủ, một mặt thì rất phí phạm;
(6) Làm ĐHN là đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh do Thủ Tướng tuyên bố;
(7) Ta nên dò xét ngay một nguồn năng lượng mới dưới lòng đất của ta;
(8) Bỏ Ninh Thuân, cộng tác với Nga xây ĐHN nổi, tạo được công ăn việc làm cho người dân, và hội nhập ĐHN đặc thù.
Tôi có tư cách gì bàn chuyện quốc gia đại sự này?
Tôi có cơ may tham gia vào các hoạt động hạt nhân của Mỹ trên 40 năm, từ những năm 1960s tới nay, kể cả việc tháo gỡ vũ khí nguyên tử, tẩy uế phóng xạ hậu quả của 50 năm chạy đua vũ khí hạt nhân, và thiết kế nhiều nhà máy ĐHN. Trong thời gian này tôi đã có mặt tại hầu hết các trung tâm nguyên tử của Mỹ, tham dự thiết kế xây dựng 6 nhà máy ĐHN và khảo sát hơn 50 nhà máy khác. Tôi đã tiếp xúc với các kỹ sư Nhật năm 1967 khi họ bắt đầu xây Fukushima Daiichi. Tôi đã học tập cùng với các kỹ sư Hàn Quốc, Đài Loan, Pakistan, Iran… khi những nước này chưa có một nhà máy ĐHN nào. Tôi đã làm việc tại United Engineers & Constructors năm 1967 khi công ty này xây dựng nhà máy Three Mile Island (TMI) tại Pennsylvania, rồi đến năm 1980 thì tôi lại khảo sát tai nạn nóng chảy TMI-2. Tôi đã từng khảo cứu hiện tượng China Syndrome (huyền thoại lò ĐHN nóng chảy tại Mỹ, chìm xuống đất và chui sang tận Tàu). Luận án tiến sĩ của tôi khảo cứu hiện tượng bình thép nặng 600 tấn của lò PWR 1000 MW bị bể, gây tai nạn nóng chảy “ghê gớm nhất”. Tôi là đồng tác giả khảo cứu WASH-1400 năm 1972-1975 là khảo cứu quan trọng nhất của Mỹ về các sự cố ghê gớm của ĐHN, dùng phương pháp rủi ro (probabilistic risk assessment) để làm luật Price Anderson bảo hiểm nhiễm xạ cho người dân. Ông Harold Denton, người được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm cứu nguy lò Three Mile Island trong cơn nguy biến tháng 3 năm 1979 là bạn của tôi tại cơ quan Định Chế ĐHN (U.S. Nuclear Regulatory Commission-USNRC) và đến năm 1995 lại là tư vấn trong công ty của tôi tại Oak Ridge, Tennessee. Tôi đã đánh cược 1 USD với ông Robert Bernero, người chuyên khảo cứu sự cố lò BWR (loại Fukushima) tại USNRC, là nhờ bài học TMI-2 Mỹ không thể có một tai nạn nóng chảy nữa tại một nhà máy nước nhẹ trước năm 2000. Tôi đã thắng cuộc; nhưng nếu tính cả tai nạn Chernobyl năm 1986 (không phải loại lò nước nhẹ) và tai nạn Fukushima (sau năm 2000) thì tuy không thua cuộc nhưng tôi cũng coi là thua, bởi vì tôi đã chủ quan quá lố. Tôi đã đặt giải thưởng lấy tên là Weinberg để phát 2 năm một lần tại American Nuclear Society cho một khoa học gia có tâm dùng năng lượng hạt nhân phụng sự xã hội.
Trong suốt 30 năm làm tư vấn nguyên tử tại Mỹ để sinh sống, tôi lại chuyên khá nhiều về kinh tế ĐHN so với các nguồn năng lượng khác. Bài viết của tôi về ĐHN trình bày tại Việt Nam năm 1999 được USNRC lặp lại và kỹ sư Việt Nam tưởng là lý luận của Mỹ nên đã dùng để cổ võ cho việc xây ĐHN tại Việt Nam!
Với các kinh nghiệm thực tế trên, tôi có đôi chút hiểu biết về ĐHN và phải là người rất hăng hái trong việc xây dựng nhà máy ĐHN tại quê hương Việt Nam của tôi giống như một đồng nghiệp, ông Đinh Đức Hữu (nay đã qua đời), để ta có thể “ngang hàng” với các nước Á Châu tiên tiến như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc,Trung Quốc.
(Xin xem phụ bản 1 phác họa quá trình làm việc của TS Phùng Liên Đoàn)
Nhưng không, với tất cả tâm tư ở tuổi 72 không vụ lợi, không tự ái, và đã nguyện đem hết tài sản của mình giúp trẻ em và người nghèo Việt Nam, tôi xin trình bày 8 lý do tại sao lãnh đạo Việt Nam nên nghĩ tới tương lai của con cháu mà hoãn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho tới khi quí vị tổ chức cho người dân Việt Nam bàn bạc công khai về các lợi hại của chương trình ĐHN. Nếu người dân không có quyền được tham khảo, thì tôi nghĩ họ có quyền để di chúc cho con cháu không trả nợ cho các nước bán ĐHN cho Việt Nam khi mà các lãnh đạo ngày nay không còn sống mà nhận trách nhiệm đó.
Tám lý do đó như sau.
Lý do 1: ĐHN rất cần thiết cho tương lai thế giới nhưng chưa cần thiết cho Việt Nam
Nhiều người Việt cho rằng tai nạn Fukushima năm 2011 thật là khủng khiếp, cùng với tai nạn Chernobyl năm 1986 và TMI-2 năm 1979 chứng tỏ rằng ĐHN là một quái thai khoa học kỹ thuật có hại cho loài người, cần phải dẹp bỏ. Tôi không đồng ý với lý luận dựa trên cảm tính sợ hãi nhưng không thực tế này. Tuy ĐHN thoát thai từ vũ khí hạt nhân, Fukushima và Chernobyl đã làm cả ngàn người nhiễm xạ và gây thiệt hại đất đai trên cả trăm cây số, năng lượng hạt nhân cũng đã đem lại phúc lợi cho nhiều trăm triệu người qua y học, nông nghiệp, ngư nghiệp, cùng là đóng góp 14% điện trên thế giới (1660 tỉ kWh/ năm, đáng giá 100 tỉ USD mỗi năm, và đã như vậy trên 30 năm rồi). Nó cũng giảm thiểu hơn 6 tỉ tấn khí CO2 và cả triệu tấn chất độc hại như thủy ngân, arsenic, nhôm, lưu huỳnh… mỗi năm các nhà máy đốt than đốt dầu thải ra khí quyển, một sự kiện gây đau ốm cho nhiều triệu người, khí quyển hâm nóng, bão tố to hơn, nước biển dâng cao và do đó gây đói kém cho cả tỉ người. Ta không thể đem hiểu biết và kỹ thuật nguyên tử đóng vào chai để cất đi, cũng như ta không thể dẹp bỏ kỹ thuật xe hơi hằng năm giết hơn 300.000 người và làm bị thương nhiều triệu người.
Nhưng ĐHN khó làm, khó điều hành, chỉ khả thi tại các nước giàu dùng rất nhiều năng lượng, có hạ tầng cơ sở tốt, có nhân công với văn hóa kỹ thuật và an toàn ở trình độ cao, kinh tế mạnh. Nước Việt Nam ta hoàn toàn khác. Ta có chiến tranh liên miên từ nhiều thế kỷ, mới hòa bình tương đối vài chục năm, hạ tầng cơ sở còn rất yếu kém, kinh nghiệm an dân tế thế còn rất mỏng manh. Dân ta nghèo, sức thu nhập thua dân các nước tiên tiến cả chục lần (3300 USD/ capita [tính trên đầu người] so với 32.000 -37.000 USD/capita tại Hàn Quốc và Đài Loan). “Rừng vàng biển bạc” của ta chưa được khai thác khoa học đúng mức. Ta còn phải xuất khẩu lao động (thực sự là nô lệ) kiếm ngoại tệ cho ta nhập khẩu các thiết bị cần thiết. Ta nên dùng ngân sách nhỏ bé của ta nâng cao dân trí và cơm no áo ấm cho người dân trước khi phiêu lưu vào ĐHN khó làm và rất đắt mà chỉ các nước có kinh tế mạnh và người dân đã no ấm mới có thể làm nổi. Các lý luận cường điệu “tại sao không?” phần lớn dựa trên những quyết đoán nông cạn và duy ý chí.
Lý do 2: Ta đã làm quyết định quan trọng xây nhà máy ĐHN dựa trên phỏng tính thô sơ về nhu cầu điện
Ngày 27 tháng 7/2011, Thủ tướng Việt Nam ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét tới 2030. Theo quy hoạch này, Điện lực Việt Nam (EVN) phỏng tính rằng tới năm 1920 thì Việt Nam cần 330 tỉ kWh và 1930 thì cần 693 tỉ KWh. Như vậy là chỉ 8 năm nữa, năm 2020, ta dùng một số điện ngang với Anh Quốc ngày nay (345 tỉ kWh); và năm 2030, ta dùng một số điện ngang với Đài Loan và Hàn Quốc cộng lại (229 tỉ kWh + 460 tỉ kWh = 689 tỉ kWh). Trong khi đó, GDP ngày nay của Việt Nam là 299 tỉ USD – chỉ bằng 13% GDP của Anh hoặc Hàn Quốc cộng Đài Loan (xem bảng A).
Bảng A: Vài con số GDP và điện (tài liệu CIA WorldFactbook, circa 2011)
Việt Nam | Thái Lan | Mã Lai | Đài Loan | Hàn Quốc | Anh Quốc | Đức | Nhật | |
GDP (tỉ USD) | 299 | 601 | 447 | 885 | 1549 | 2.250 | 3.085 | 4.389 |
USD/capita | 3,300 | 9,700 | 15,600 | 37,900 | 31,700 | 35,900 | 37,900 | 34,300 |
E (tỉ kWh) | 109.3 | 139.2 | 117.9 | 229.0 | 460.0 | 344.7 | 545.0 | 860.0 |
E/GDP (kWh/USD) | 0.366 | 0.232 | 0.264 | 0.259 | 0.297 | 0.153 | 0.177 | 0.196 |
Tỉ số dùng điện | 1 | 0.63 | 0.72 | 0.71 | 0.81 | 0.42 | 0.48 | 0.54 |
Mặc dầu các con số trên có nhiều thành tố, ta vẫn có thể kết luận ta dùng điện rất phí phạm, tốn nhiều hơn 20-50% để sản xuất một đơn vị GDP khi so với các nước láng giềng và các nước tiên tiến. Số điện cần thiết cho năm 2020 và 2030 sẽ ít hơn khi ta học hỏi được cách dùng điện nhạy bén hơn. Rõ ràng đây là nhiệm vụ của giáo dục, của việc nâng cao dân trí, của trình độ kỹ thuật. Có người cường điệu cho rằng nhờ ĐHN ta sẽ có trình độ kỹ thuật cao hơn. Họ nên nhìn vào việc ta dùng xe Lexus, điện thoại di động, máy ảnh số… tràn lan trên khắp nẻo đường Việt Nam trong khi ông đại sứ Nhật than phiền không công ty nào trong nước làm được chai thủy tinh theo chuẩn của rượu sake của Nhật sản xuất tại Huế! Kinh tế của Việt Nam sẽ không học hỏi được gì, hoặc chỉ học hỏi tí teo, nơi kỹ thuật ĐHN.
Chính phủ nên hoãn xây nhà máy ĐHN cho tới khi EVN và các nhà kinh tế xác định lại một cách công khai tại sao ta cần nhiều điện như trong quyết định Thủ tướng ký năm 2011.
Lý do 3: Phỏng đoán giá nhà máy ĐHN quá thấp, ta sẽ phải chi tiền nhiều hơn nếu không bị kiện cáo hoặc bỏ rơi
Kinh nghiệm của thế giới là không có nhà máy ĐHN nào xây cất theo đúng giá dự kiến, thường sẽ đắt hơn 50% – 300%. Tôi đã theo dõi giá thành của hơn 30 nhà máy ĐHN tại Mỹ và thấy nhà máy nào cũng đắt hơn dự kiến ban đầu. Có nhiều lý do: (a) mỗi nhà máy là một sản phẩm đặc thù, phụ thuộc vào người xây, thời biểu xây, và các hãng cung cấp thiết bị và nhân sự; (b) luật lệ an toàn ngày một tăng và rắc rối, khiến cho việc xây cất phải sửa đổi, chờ đợi, tăng thêm thiết bị; (c) các hãng bán thiết bị ít khi cam đoan giá cả để còn phòng cơ hội tăng giá; (d) kiện tụng thường xảy ra trong bất cứ chương trình ĐHN nào; và (e) người cổ võ ĐHN thường dấu các cơ nguy tăng giá.
Tại Việt Nam, rủi ro giá thành tăng gấp 200%-300% hơn dự kiến là chắc chắn xảy ra, vì ta mắc phải hầu hết 5 nguyên nhân trên, mà còn mắc thêm hai nguyên nhân nữa; đó là (f) hạ tầng cơ sở của ta rất yếu (đường xá, cầu cống, cảng, vật liệu xây cất), và (g) nhân sự của ta chưa thấm nhuần văn hóa của công nghệ cao.Ta có nhiều ví dụ nhãn tiền các công trình lớn của ta đều đắt hơn dự tính mà lại không bền: nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường dây 500 KV, đường Trường Sơn, thủy điện Lai Châu – Sơn La, xa lộ 1000 năm Thăng Long, đường hầm Thủ Thiêm…
Tiền nào của đó. Nếu rẻ thì ít tốt, ít an toàn hơn. Dù Nga có bán rẻ hơn Pháp, dù Nhật có viện trợ cho nhiều, thì nhà máy ĐHN Ninh Thuận cũng sẽ đắt hơn và xây lâu hơn dự tính, vì “đó là Việt Nam”! Ngân sách quốc gia sẽ bị vỡ nợ, không còn đủ tiền lo các vấn đề cấp bách hơn như giáo dục, y tế, quốc phòng, và cứu trợ trong trường hợp thiên tai. Chính phủ cần nhờ những nguồn độc lập đáng tin cậy tính lại cho thật kỹ và công khai giá thành và nguồn vốn xây ĐHN. Các kết quả có tính cách khoa học và thực tế sẽ giúp lãnh đạo quyết định sáng suốt hơn, thay vì “tới đâu hay nấy” theo cách hành xử thông thường tại Việt Nam.
Hầu hết các khảo sát trên thế giới đều kết luận giá thành nhà máy ĐHN là đắt hơn nhà máy đốt than, đốt khí thiên nhiên, và đập thủy điện. Nếu tính tổng thể cả nhiên liệu và điều hành thì điện từ nhà máy ĐHN chỉ kinh tế so với các dạng điện kia tại các nước tiên tiến như Nhật, Hàn, Mỹ, Pháp… Nhưng tại Việt Nam, tôi đã tính là ĐHN sẽ đắt gấp ba giá điện năm 2009, và vào năm 2020, sẽ vẫn đắt hơn điện từ đập nước, từ nhà máy đốt than và nhà máy đốt khí thiên nhiên.
Điện nào chẳng là điện. Lãnh đạo cần tìm đường dễ làm và rẻ tiền thay vì ĐHN để phục vụ người dân Việt Nam vốn đã rất nghèo và bị cúp điện kinh niên. Ta đã tuyên bố không làm bom nguyên tử, vậy thì ta càng nên tránh ĐHN rắc rối, đắt tiền, và có cơ nguy xảy ra tai nạn phóng xạ.
Lý do 4: Ta tự chuốc lấy thất bại khi ta quyết định mua/xin nhà máy ĐHN của nhiều nước và huấn luyện nhân viên bởi nhiều nước
Tại Mỹ, hãng máy bay Southwest Airline lớn mạnh và nổi tiếng làm ăn giỏi và an toàn là nhờ họ chỉ dùng một loại máy bay – Boeing 737; do đó huấn luyện phi công và nhân viên bảo trì một cách đồng nhất và có thể xoay sở dễ dàng khi có nhu cầu thay đổi chuyến bay. Các công ty lớn hơn như American Airlines, Delta Airline, United Airline… đều bị phá sản, vì nhiều lý do trong đó việc dùng nhiều loại máy bay cũng là một yếu tố quan trọng.
Vào những năm 1970-1980, các hãng điện lớn tại Mỹ như Commonwealth Edison, Duke, Tennessee Valley Authority… gặp rất nhiều khó khăn khi dùng nhiều loại nhà máy khác nhau như BWR của General Electric, PWR của Westinghouse, PWR của Babcock and Wilcox, và PWR của Combustion Engineering. Việc dùng nhiều loại lò và nhiều kiểu lớn nhỏ khác nhau khiến nhân viên phải được đào tạo đặc thù, giấy tờ kỹ thuật khác nhau giữa các nhà máy, và hệ thống an toàn khác nhau. Việc này phân tán và làm rối bời lực lượng nhân sự, khiến các nhà máy ĐHN chỉ sản xuất được 50 – 60% điện dự tính, và công ty bị thua lỗ. Ngoài ra, rủi ro có sự cố cũng rất cao. Việt Nam ta đang mắc cái bệnh này, tự cho ta là “khôn” dùng nhiều kỹ thuật “hạng nhất” nhưng ta không biết là đã tự gieo cái mầm có nhiều sự cố trong tương lai. Với vài ngàn nhân viên ĐHN của ta dùng một ngoại ngữ cũng chưa thông, làm sao ta có thể đương đầu với tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hàn và các tập huấn và luật lệ của họ cùng một lúc? Nếu họ đưa tài liệu và tập huấn ta bằng tiếng Anh thì các huấn luyện viên người Nhật, người Nga, người Hàn có thực thông mấy ngàn dữ kiện bằng tiếng Anh không? Làm sao ta có thể luân chuyển nhân viên từ nhà máy này sang nhà máy khác khi cần thiết? Khi các thiết bị từ con ốc, từ cái máy đo lường đều phải nhập khẩu, thì nhà máy ĐHN không sản xuất điện khi chờ đợi thiết bị được bay tới. Ta đã có kinh nghiệm với Dung Quất rồi, với các xe Lexus, Peugeot, Mercedes rồi, với các máy fax và điện thoại di động rồi. Ta không nên lệ thuộc nước ngoài quá nhiều về các vấn đề sinh tử như điện.
Trong chiến tranh ta có thể sử dụng tinh nhuệ mọi thứ khí giới, nhưng trong hòa bình ta không thể sử dụng tinh nhuệ nhiều loại nhà máy ĐHN. Ta không thể cường điệu “tại sao không?” cho tới khi ta học hỏi thêm về các nhu cầu 100% an toàn và 100% đáng tin cậy của nhà máy ĐHN.
Hoãn xây nhà máy ĐHN trong lúc này khi ta mới tốn vài chục triệu USD là giúp ta không tốn kém nhiều trăm triệu USD vào năm 2013-2015 và nhiều tỷ USD vào những năm 2015-2020.
Lý do 5: Việc ta dùng hơn 150 triệu USD để đào tạo nhân sự ĐHN một mặt thì không đủ, một mặt thì rất phí phạm
Theo chương trình, Việt Nam dự định đào tạo 2400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ từ 2010 tới 2020 để phục vụ nhà máy ĐHN. Đồng thời cũng đào tạo 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ để phục vụ các ngành liên hệ. Khoảng 10% kỹ sư và 40% thạc sĩ/tiến sĩ là được đào tạo tại ngoại quốc. Ngân sách đào tạo đã được chuẩn y năm 2010 là khoảng 150 triệu USD.
Điện nào chẳng là điện, tại sao ta lại đặc biệt ưu ái đào tạo chuyên viên ĐHN? Tại sao họ lại được học bổng và được đi nước ngoài? Tại sao lương họ lại cao hơn lương kỹ sư tại nhà máy than, nhà máy đập nước? Trong lịch sử của ta gửi người đi du học tại các nước tự do, bao nhiêu người đã trở về làm việc tại Việt Nam? Trong số người trở về Việt Nam, bao nhiêu người còn giữ nghề nghiệp được đào tạo và bao nhiêu người đổi sang nghề khác hoặc lại đi ra nước ngoài làm việc? Nếu kinh tế Việt Nam không phát triển mạnh thì làm sao ta giữ được người tài? Nếu ngành nghề không được tự do thì đến khi nào chính phủ không còn thất bại vì đầu tư nhân sự mà không đạt được mục đích?
Kinh nghiệm tại các nước Âu châu và Mỹ là bằng cấp thạc sĩ tiến sĩ hoàn toàn không cần thiết cho việc điều hành ĐHN và các luật lệ dịch vụ phóng xạ. Thật ra, người ta rất e ngại các người ỷ mình có bằng cấp to mà không tuân thủ luật lệ hoặc làm sái đi vì cho rằng mình biết. Vì thế, ngân sách sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn nếu có chính sách rõ ràng là đào tạo thực tập và tinh thần tuân thủ luật lệ chứ không đào tạo thạc sĩ tiến sĩ khảo cứu.
Nhưng với một ngân sách đào tạo như vậy trong một quốc gia mà rất nhiều trường mẫu giáo và tiểu học chưa có những phương tiện học hỏi tối thiểu, chưa có nước sạch và phương tiện vệ sinh tốt, thì ta tự hỏi có nên không? Tại sao ta không đào tạo như vậy đối với các nhân tài điều hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện để họ nâng năng suất và tạo thêm điện ở các dạng rẻ tiền và dễ dàng hơn ĐHN? Nếu ta cũng ưu ái các nhân viên tại các nhà máy sản xuất điện khác thì việc sản xuất thêm số điện 4-10% là rất khả thi thay cho chương trình ĐHN của EVN.
Lý do 6: Làm ĐHN là đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh do Thủ tướng tuyên bố
Quyết định của Thủ tướng năm 2011 nói rõ chính phủ chỉ giữ độc quyền đường dây chuyển tải điện. Vậy mà chính phủ làm ngược lại chính sách này bằng cách chấp thuận cho EVN, một công ty quốc doanh, dùng quyền thế nhà nước đi vay một số tiền rất lớn để làm ĐHN chưa chắc thành công nhưng chắc chắn toàn thể con cháu ta phải trả nợ. Nếu EVN là công ty tư thì họ có dám phiêu lưu như vậy không? Nếu chính phủ dùng số tiền đào tạo nhân viên ĐHN mà giúp cho tư nhân sản xuất điện tự do thì họ có thể dùng phương pháp dễ hơn để sản xuất 4000 MW điện vào năm 2020-2022 thay cho bốn lò ĐHN không?
Ai cũng biết không tư nhân nào, kể cả các ông tỉ phú ngoại quốc, sẽ bỏ tiền ra xây lò ĐHN cho Việt Nam vì rủi ro rất lớn về đầu tư, kỹ thuật, an toàn, và luật lệ. Ngay các hăng điện lớn của Mỹ còn phải xin chính phủ bảo đảm giùm khi họ đi vay tiền để xây ĐHN. Nếu chính phủ bỏ ra một phần số tiền dành cho ĐHN để khuyến khích tư nhân sản xuất, thì chắc chắn họ sẽ làm điện nhanh hơn và rẻ hơn ĐHN Ninh Thuận. Tôi xin đề nghị một vài phương pháp làm điện rẻ tiền hơn ĐHN:
· Bán rẻ các bóng đèn huỳnh quang (fluorescent) để thay cho các bóng đèn nóng đỏ (incandescent). Các nước tại Úc, Mỹ, Âu đã áp dụng chương trình này từ nhiều năm. Ta chỉ tốn khoảng 500 triệu USD để thay 500 triệu bóng đèn và giúp giảm số điện dùng thắp sáng 60%, không phải xây thêm 6000 MW hay 6 lò ĐHN. Tính ra thì tiền đầu tư “không cần xây thêm” chỉ khoảng 100 USD/kW thay vì 5000 USD/kW ĐHN. Mà việc này có thể làm ngay, kết thúc trong 5 năm, chứ không phải chờ đợi 10-12 năm như xây nhà máy ĐHN.
· Đào tạo nhiều thợ điện chuyên nghiệp để thay các dây điện nhỏ bằng các dây lớn hơn, giảm bớt phí phạm truyền tải trong thành phố từ khoảng 5-7% xuống khoảng 2-4%. Tiền đầu tư này tương đương với khoảng 2000 USD/kW thay vì 5000 USD/kW ĐHN, và còn tạo được cả ngàn công nhân điện có tay nghề và tránh trước rất nhiều nạn cháy nhà cháy chợ.
· Tăng giá điện khi dùng quá một mức tối thiểu. Ví dụ, một gia đình chỉ cần khoảng 100 kWh mỗi tháng để thắp đèn và chạy máy móc, nhưng nếu họ đun bếp bằng điện hoặc có máy làm không khí mát, thì họ có thể phải dùng tới 400-600 kWh mỗi tháng. Nếu giá điện trên 100 kWh mỗi tháng tăng gấp đôi, trên 500 kWh mỗi tháng tăng gấp ba, thì người tiêu thụ sẽ dùng điện ít đi, và người bán điện vẫn có thu nhập khá. Chính sách này có thể tương đương với xây nhà máy điện giá 1000-2000 USD/kW. Ta lại đào tạo được một đội ngũ công nhân làm máy lạnh hiệu quả hơn, bịt kín các phòng có máy lạnh một cách khoa học để không mất khí lạnh, và lắp ráp cửa kính cách nhiệt tốt hơn (hai lớp kính thay vì một).
· Tăng giá thu mua thủy điện lên gần giá sản xuất của nhiệt điện (ví dụ, từ 200 VND/kwh lên 1000 VND/kWh) sẽ giúp bảo trì các đập thủy điện và môi trường rừng tốt hơn, cùng là xúc tác cho người dân làm thủy điện ngay tại các sông ngòi (gọi là thủy điện với thế nước thấp). Việc này có thể tương đương với giá 500-1000 USD/kW thay vì 5000 USD của ĐHN. Ta bảo vệ môi trường, nâng cao an toàn thủy điện, và tạo được việc làm trong nước thay vì cùng tiền đó nhập khẩu điện và nhiên liệu từ nước ngoài.
· Khuyến khích tương tự với điện gió, nhưng không trợ giá cao hơn, vì ta không nên theo xu hướng chính trị của các nước giàu “khuyến khích” dùng năng lượng tái tạo khi giá điện gió không có sức cạnh tranh. Ngay ông Obama của Mỹ đã thực tế hơn, không cổ võ cho “năng lượng tái tạo” mạnh miệng như một sinh viên nữa, mà thực tế hơn về việc dùng khí đốt thiên nhiên có được nhờ kỹ thuật mới tôi sẽ bàn dưới đây.
· Trong mọi cơ hội trên, và các cơ hội tương tự, chính phủ nên chỉ đạo và áp dụng luật một cách nghiêm khắc nhưng công bằng, chứ không nên bắt tay làm, ngay cả qua các công ty quốc doanh là nơi dùng tiền không biết tiếc. Nhất là chính phủ nên áp dụng triệt để các luật an toàn đồng nhất cho người dân và cho môi trường, để ta không còn tệ nạn “nói bẻm mép” về việc “bảo vệ” nhưng khi thực hành thì rất luộm thuộm. Các cơ hội trên có kinh tế không thì thị trường sẽ tự giải quyết một cách tối ưu. Chính phủ sẽ tùy cơ hiệu đính chính sách một cách khôn khéo với sự đóng góp công khai của người dân.
Hoãn xây nhà máy ĐHN và thực hiện các công tác dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn như trên sẽ có lợi cho việc xử dụng ngân sách một cách hữu hiệu, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, tránh không nhập khẩu những gì không cần thiết, do đó kinh tế có hiệu quả hơn và người dân hạnh phúc hơn. Làm ĐHN là phiêu lưu kinh tế và chính trị. Nó làm kinh tế ta kiệt quệ, người dân không có việc làm, xã hội không ổn định và ta luôn luôn lệ thuộc nước ngoài.
Lý do 7: Ta nên dò xét ngay một nguồn năng lượng mới dưới lòng đất của ta
Trong 5-10 năm qua một hiện tượng khoa học kỹ thuật mới tại Mỹ đã làm đảo lộn chính sách năng lượng của Mỹ. Người ta dùng phương pháp khoan ngang (horizontal drilling) và phương pháp ép vỡ (fracking) đá thủy tra tại dưới sâu 500-3000 m, để khai thác dầu hỏa và hơi khí. Nước Mỹ nay sản xuất thêm được 500.000 tấn dầu mỗi ngày quanh những giếng dầu trước kia tưởng đã cạn. Quan trọng hơn, nước Mỹ dùng cách này tìm được dự trữ khí thiên nhiên có thể dùng suốt 100 năm tới. Việc này khiến cho giá khí thiên nhiên, vốn là một nhiên liệu quí hơn dầu vì dùng dễ hơn và ít ô nhiễm hơn, lại rẻ bằng 20% giá dầu tính theo đơn vị USD/kC hay USD/kWh(nhiệt). Mỹ đang có phong trào dùng khí thiên nhiên chạy 20 triệu xe vận tải lớn, và tạo điện thay cho than và dầu. Xây mới ĐHN tại Mỹ gặp rất nhiều khó khăn vì người ta có thể làm điện bằng khí đốt nhanh hơn và rẻ bằng nửa ĐHN.
Xu hướng khoan ngang và ép vỡ đá cũng đang được xử dụng tại Âu Châu và Trung Quốc. Việt Nam cần thăm dò kỹ thuật này cấp tốc, vì nó có quyết định sống còn với chính sách năng lượng của ta trong vòng 10 năm. Tốn kém chỉ ngang với việc sửa soạn xây nhà máy ĐHN (khoảng 50-100 triệu USD) và cơ may là rất lớn tìm được nhiều khí đốt; ví dụ, tại “vựa than sông Hồng” và các vùng có đá thủy tra. Việc này lại tận dụng được trí tuệ Việt Nam vốn từ xưa tới nay không được trọng bằng trí tuệ nhập khẩu.
Có người cường điệu cho rằng ĐHN dùng rất ít nhiên liệu, ta có thể khai thác mỏ uranium và tự chế các thanh uranium, hoặc ta có thể mua dự trữ các thanh uranium cho các nhà máy ĐHN của ta. Những người này chưa thấu hiểu quá trình tốn kém và khó khăn sản xuất uranium có U-235 giàu hơn thiên nhiên (3-4% thay vì 0,7%). Sau khi có uranium giàu U-235 rồi, việc chế tạo các thanh nhiên liệu cho nhà máy ĐHN lại còn cần một công trình kỹ nghệ tinh vi chỉ vài nước trên thế giới có thể làm (nếu thanh nhiên liệu làm ẩu thì phóng xạ tuôn ra sẽ rất cao, ta không điều hành được nhà máy). Giá nhiên liệu ĐHN khoảng 0,02 USD/kWh, nghĩa là khoảng 140 triệu USD mỗi năm cho một nhà máy 1000 MW. Làm sao ta có tiền mua các nhiên liệu đó dự trữ 5-10 năm?
Nếu Việt Nam có tiền bây giờ để “cam đoan” mua khí thiên nhiên của Mỹ trong 30 năm tới, thì giá khí thiên nhiên ngày nay rất rẻ và xây nhà máy đốt khí thiên nhiên chỉ mất 3 năm. Ta có thể sản xuất điện rẻ bằng 50% điện từ nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Tôi đề nghị ta theo chiều hướng này, nhưng tìm khí thiên nhiên ngay trong nước ta thay vì “cam đoan” mua của Mỹ.
(Xin xem phụ bản 2 phác họa kỹ thuật khoan ngang và ép bể đá thủy tra)
Lý do 8: Bỏ Ninh Thuận, cộng tác với Nga xây ĐHN nổi, tạo được công ăn việc làm cho người dân, và hội nhập ĐHN đặc thù
Sau khi lắng nghe các ý kiến công khai về ĐHN, nếu Việt Nam vẫn còn muốn có kỹ nghệ ĐHN cho 30-100 năm tới, thì ta nên tìm phương pháp đặc thù có lợi cho kinh tế Việt Nam.
Một trong các phương pháp đặc thù là xây các nhà máy ĐHN nhỏ trên bè, có thể làm tại một cảng như Cam Ranh rồi kéo tới nơi có nhu cầu điện. Kỹ thuật làm ĐHN trên mặt nước hoặc dưới nước đã chín muồi vì đã thực hiện an toàn tại các tàu ngầm nguyên tử, hàng không mẫu hạm nguyên tử, tàu chở hàng Savannah, và tàu xẻ băng Lenin, và 5-6 nhà máy ĐHN nổi loại Lomonosov đang xây tại Nga. Xây lò ĐHN trên bè thì không sợ động đất. Sóng thần cũng không làm hại được lò vì sóng thần chưa hề phá vỡ các công trình to lớn có tường xi măng cốt sắt bảo vệ. Các lò nhỏ từ 100 tới 300 MW lại rất cần thiết cho các xứ đang mở mang có nhiều bờ biển, như Nhật, Phi Luật Tân, Nam Dương, các nước Phi Châu, các nước Nam Mỹ. Việt Nam có thể điều đình với Nga xây 10 nhà máy ĐHN nổi 200 MW thay vì 2 nhà máy Ninh Thuận. Ta làm dịch vụ đóng bè, tạo công ăn việc làm cho cả chục ngàn người. Nga làm các lò từng loạt trong công xưởng, như vậy giá sẽ rẻ tính theo USD/kW. Các lò này lại có thể thiết kế chỉ thay nhiên liệu 4-5 năm một lần, thay vì 1-2 năm như các lò lớn. Khi ta neo hai nhà máy này gần các nơi cần điện như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… thì độ tin cậy luôn luôn có điện (reliability) cao hơn, sự mất điện do truyền tải đi xa cũng ít hơn.
Cơ hội này giúp Việt Nam hội nhập thế giới ĐHN một cách đặc thù, và lại có một kỹ nghệ xuất khẩu ra thế giới thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào nhập khẩu. Nhiều chục ngàn người sẽ có công ăn việc làm từ việc xây bè và các phụ sản của lò ĐHN. Nếu lãnh đạo Việt Nam thấy cơ hội này là có lý hơn ĐHN Ninh Thuận, tôi xin xung phong làm việc không lương (dùng lương tương xứng làm học bổng cho sinh viên Việt Nam), trong 3 năm để khởi đầu kỹ nghệ tương lai này cho Việt Nam trước khi chuyển giao cho một đội ngũ lành nghề tiếp tục. Nếu Việt Nam và Nhật bỏ 30 triệu USD để khảo sát địa điểm xây nhà máy Ninh Thuận 2, thì với một số tiền tương tự tôi có thể làm việc với Nhật, với Nga gây dựng kỹ nghệ ĐHN nổi rất an toàn và có triển vọng bán ra khắp thế giới. Tôi có thể hướng dẫn giới trẻ tuổi Việt Nam học hỏi các kinh nghiệm và luật lệ hạt nhân để trở thành tay nghề hàng đầu về ĐHN nổi. Như vậy thì Việt Nam mới có thể tự hào là tiên tiến và có khả năng cạnh tranh kinh tế với kỹ thuật đặc thù.
(Xin xem phụ bản 3, hình TS Phùng Liên Đoàn bàn luận với các khoa học gia Mỹ và Nga năm 2010 về ĐHN nổi.)
Kết luận
Trong thời buổi khó khăn về chính trị, quân sự, kinh tế và ngân sách hiện tại của đất nước, lãnh đạo có cơ hội chuyển đổi tình hình và lòng ưu ái của người dân bằng một quyết định ngoạn mục là hoãn xây nhà máy ĐHN, trưng cầu dân ý theo những ý kiến tôi đề nghị (và nhiều ý kiến khác của trí thức Việt Nam và quốc tế), để hoạch định tương lai ĐHN tại Việt Nam nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung, và xa hơn là tương lai 100 năm của nước Việt Nam. Sự đóng góp của quí vị là ngay bây giờ. Quí vị anh minh thì con cháu ta sau này sẽ nở mày nở mặt. Còn như tiếp tục thiển cận, chậm chạp và độc tài thì quí vị sẽ làm người dân Việt Nam luôn luôn thua kém người dân các nước khác. Quí vị đâu có muốn như thế.
P.L.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
___________________
Phụ bản 1:
VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC VỀ NGÀNH PHÓNG XẠ
VÀ NGUYÊN TỬ CỦA PHÙNG LIÊN ĐOÀN
Ông Phùng Liên Đoàn học tại Mỹ về ngành vật lý và kỹ thuật hạt nhân từ năm 1958. Ông đậu hai bằng cử nhân (B.A.) về toán và vật lý tại Florida State University năm 1961, hai bằng thạc sĩ thạc sĩ (M.S.) về vật lý và hạt nhân tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) năm 1963, và bằng tiến sĩ về kỹ thuật hạt nhân cũng tại MIT năm 1972.
Từ 1964 tới 1966 ông Đoàn làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt. Từ 1967 tới 1969 và 1972 tới 1983, ông Đoàn làm việc xây các nhà máy điện hạt nhân và khảo cứu kỹ thuật và kinh tế của các dạng năng lượng khác nhau cho các công ty Mỹ và viện khảo cứu Institute for Energy Analysis. Từ 1983 cho tới nay, ông Đoàn là chủ tịch và Tổng Giám Đốc công ty tư vấn nguyên tử và môi trường PAI Corporation. Trong quá trình đó, ông Đoàn đã làm việc tại hầu hết các trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ và trên 10 nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ và Pháp.
Các bài viết của ông Đoàn được liệt vào ba loại:
A. Các bài viết kỹ thuật đi tranh thầu các dịch vụ nguyên tử và môi trường, gồm trên 200 tài liêu về các ngành sau:
• Phóng xạ và định chuẩn phóng xạ.
• Luật lệ phóng xạ và sự tuân thủ tại các trung tâm nguyên tử.
• Luật lệ an toàn kỹ nghệ và sự tuân thủ tại các trung tâm nguyên tử.
• Ảnh hưởng tới môi trường của các công trình nguyên tử và sự tuân thủ luật môi trường.
• Phá rỡ các thiết bị và công trình xây dựng thời Chiến Tranh Lạnh, và việc tuân thủ luật lệ phóng xạ, an toàn công nghệ và môi trường.
• Sử lý chất thải có nhiễm xạ và độc tố hóa học cho an toàn nhiều ngàn năm.
• Hệ thống hóa các công trình chắt lọc plutonium và uranium, cùng là việc sử dụng các chất này từ việc tháo gỡ bom nguyên tử để phụng sự hòa bình.
• Chống khủng bố và đánhcắp vật liệu và tài liệu: an toàn phòng vệ, an toàn hệ thống, an toàn nhân sự, an toàn công tác, an toàn điện toán (physical security, vulnerability security, personnel security, operations security, cyber security.)
B. Các bài viết chuyên môn về khoa học và kỹ thuật an toàn hạt nhân, gồm hơn 100 bài viết trước năm 1983, về các đề tài như sau:
• Khảo cứu tai nạn hạt nhân ghê gớm nhất có thể xẩy ra (với xác suất vô cùng nhỏ), ví như lò hạt nhân bị nổ và số lượng phóng xạ gấp ngàn lần phóng xạ của bom nguyên tử bị thất thóat ra khí quyển (ví như Chernobyl).
• Khảo cứu tai nạn Three Mile Island và các yếu tố an toàn đã được chỉnh đốn sau tai nạn đó cho mọi nhà máy điện hạt nhân.
• Khảo cứu bằng phương pháp thống kê và xác suất nhiều trăm ngàn rủi ro nhà máy điện hạt nhân có thể gây tai nạn cho công nhân và người dân và môi trường.
• Khảo cứu lò phản ứng hạt nhân hết sức an toàn.
• So sánh giá thành kinh tế của điện hạt nhân với các nguồn điện khác, và khảo sát các điều kiện thực tế như vị trí trên trái đất, cơ chế hạ tầng, việc sử lý chất thải, nạn hâm nóng khí quyển, và chính sách quốc gia.
• Cách tối ưu đặt vị trí của nhà máy điện hạt nhân và ảnh hưởng tới kinh tế và đời sống của người dân.
C. Cộng tác viết sách, gồm năm quyển sách mà hai quyển đáng kể nhất với sự kiện hiện tại là:
• “Economic and Environmental Consquences of a Nuclear Power Plant Moratorium, 1978, Oak Ridge Associated Universities.” (ành hưởng kinh tế và môi trường khi có chính sách hoãn xây nhà máy điện hạt nhân), và
• “The Second Nuclear Era, 1985, Praeger Publishers, New York.” (Thời đại thứ hai của nhà máy điện hạt nhân.)
Một vài bài viết của ông Đoàn có liên quan tới điện hạt nhân tại Việt Nam như sau:
1. Giảm thiểu 15 rủi ro của nhà máy điện hạt nhân (tại Việt Nam). Bauxitevn, 10/2009; Danchu va Phat Trien, 10/2009.
2. Đừng sợ nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm, hãy lo con cháu ta mắc nợ dài dài. Bauxitevn, 11/2009; KhoaHoc@ĐoiSong, 11/2009
3. Điện hat nhân: Bài học từ 127 nhà máy phải bỏ dở và 10 phương pháp tạo dựng việc làm cho người dân Việt Nam. Bauxitevn, 11/2009; KhoaHoc@ĐoiSong, 12/2009.
4. Điện hạt nhân sẽ đắt gấp ba, Bauxitevn, 11/2009; KhoaHoc@ĐoiSong, 11/2009, Ngày Nay, 11/2009.
5. Phung L. Doan, D.D. Lanning, and R.C. Rasmussen, 1973. “Pressurized Water Reactor Loss-of-Coolant Accidents by Hypothetical Vessel Rupture” Nuclear Safety, Vol. 14, No.4.
6. Doan L. Phung and Wm B. Cottrell, 1983. “Pressure Vessel Thermal Shock: Experience at U.S. Pressurized Water Reactors, 1963-1981”, Nuclear Safety, Vol.24, No.4.
7. J.H. Crowley, P. L. Doan and D.R. McCreath, 1974. “Underground Nuclear Plant Siting: A Technical and Safety Assessment”, Nuclear Safety, Vol 15, No. 5.
8. Doan L. Phung and William B. Cottrell, 1983. “Analyzing Precursors to Severe Thermal Shock”, Nuclear Engineering International, Vol. 28.
9. U.S. Nuclear Regulatory Commission. 1975. WASH-1400 (NUREG-75/014): Reactor Safety Study: An Assessment of Accident Risk in U.S. Commercial Nuclear Power Plants. Washington D.C. (P.L. Doan is a co-author).
10. Doan L. Phung. 1985. “Light Water Reactor Safety Before and After the Three Mile Island Accident,” Nuclear Science and Engineering, Volume 90, No.4,
11. Weinberg, Spiewak, Barkenbus, Livingston and Phung, 1985. The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power. Praeger Publishers, New York.
12. Doan L. Phung. 1984. Technical Note: “Light Water Reactor Safety After the Three Mile Island Accident,” Nuclear Safety, Vol. 25, No. 3.
13. Doan L. Phung. 1983. ORAU/IEA-83-1 (M). “Economics of Nuclear Power: Past Record, Present Trends, and Future Prospects”. Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee, USA.
______________________________________________________________________________
Phụ bản 2: Minh họa kỹ thuật khoan ngang và ép đá dưới sâu cho nứt để lấy dầu, lấy khí thiên nhiên
______________________________________________________________
Phụ bản 3: Hình TS Phùng Liên Đoàn bàn luận với các khoa học gia Mỹ và Nga năm 2010 về ĐHN nổi
Chú thích ảnh: Chụp ngày 10/11/ 2010 tại cuộc họp quốc tế của Hội American Nuclear Society
Ngồi, từ trái qua:
· TS Charles Newstead, viên chức cao cấp về nguyên tử của Bộ Ngoại giao Mỹ.
· TS Phùng Liên Đoàn, Chủ tịch công ty nguyên tử và môi trường Professional Analysis, Inc.
Đứng, từ trái qua:
· TS Alvin Trivelpiece, nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ về khoa học kỹ thuật, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Nguyên tử 5000 người Oak Ridge National Laboratory, Tennessee.
· Viện sĩ Evgeniy Velikhov, TGĐ Viện Nghiên Cứu Kurchatov, Moskva. Ông Velikhov chúc Việt Nam và Nga có thể xây 1000 nhà máy ĐHN trên bè (công suất khoảng 300 MWe mỗi bè) tại bờ bể các nước đang mở mang, với sự bảo đảm an toàn và nhiên liệu bởi các cường quốc.
· TS Andrew Kadak, nguyên Hội Trưởng Hội Nguyên Tử Mỹ (20.000 hội viên), bạn học của PLĐ.
Tài liệu 5:
Điện Hạt Nhân: Quốc Hội Nên Hoãn Chấp Thuận
Vì Ta Có Thể Mắc Nợ 35 tỉ USD
Phùng Liên Đoàn [1]
Tôi được đọc trên Bauxitevn.net bài viết rất quan trọng của TS Trần Văn Luyến, Trưởng Văn Phòng Đại Diện Ban Chuẩn Bị Đầu Tư Điện Hạt Nhân (ĐHN) Ninh Thuận. Được biết ông Luyến từng công tác tại Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam và nay có nhiều đóng góp trong Báo Cáo Đầu Tư (BCĐT) ĐHN, tôi rất say mê đọc và tìm hiểu những dữ kiện và lý luận của tác giả. Bài viết cũa ông Luyến có thể được coi là phản biện của chính phủ về bài viết “Điện Hạt Nhân Sẽ Đắt Gấp Ba” của tôi (http://www.bauxitevn.net/c/17478.html) vì thế sẽ có sức nặng đặc biệt trong quyết định biểu quyết của đại biểu Quốc Hội.
Ông Luyến trình bày rành rọt lộ trình của chính phủ là thỏa mãn ba mốc quan trọng do Cơ Quan Nguyên Tử quốc tế (International Atomic Energy Agency– IAEA) đưa ra, theo tài liệu IAEA NG-G-3.1 (2007). Mốc số 1 là “Sẵn sàng cam kết am hiểu đối với chương trình ĐHN.” Mốc 2 là “Sẵn sàng mời thầu cho ĐHN” và Mốc 3 là “Sẵn sàng chạy hiếu chỉnh và vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên.” Theo tác giả, khi Quốc Hội “nhấn nút biểu quyết thông qua, thì quốc gia mới đạt được mốc 1.” Vậy sự bấm nút vào tuần này của Đại Biểu Quốc Hội là quyết định cho phép chính phủ sử dụng nhiều chục triệu USD để tiến tới mốc thứ 2.
Dưới đây tôi xin trình bầy ý kiến là Quốc Hội chưa nên chấp thuận bất cứ một hay hai nhà máy ĐHN nào vì cần tìm hiểu kỹ càng hơn rủi ro phung phí ngân sách trong lộ trình tiến tới mốc 2 và 3, và ĐHN có thể làm quốc gia mắc nợ 35 tỉ USD vào năm 2025. Ngân sách quốc gia vốn đã eo hẹp, Quốc Hội và chính phủ có nhiều việc cấp bách hơn phải tiêu tiền thay vì dùng cho dự án ĐHN. Hơn nữa, ta chỉ cần tiêu một nửa số tiền BCĐT đề nghị mà vẫn tạo được 4000 MW như 4 lò ĐHN vào năm 2025, đồng thời kích thích khoa học công nghệ thực dụng hơn, dùng trí tuệ Việt Nam tốt hơn, và lại tạo được công ăn việc làm cho nhiều triệu người dân.
A. Quốc Hội Nên Biểu Quyết Không Chấp Thuận Báo Cáo Đầu Tư (BCĐT)
Theo ông Luyến, lộ trình của chính phủ là tiến tới có nhà máy ĐHN 4 x 1000 MW tại Ninh Thuận, tổn phí 16 tỉ USD, vào năm 2022-2025. BCĐT loan báo là chính phủ đã sẵn sàng cam kết, chỉ cần Quốc Hội phê chuẩn là xong mốc 1. Nhưng theo tôi, Quốc Hội nên sát hạch thêm cho rõ ngọn nguồn chương trình ĐHN có thực chỉ tốn 16 tỉ USD, có giúp Việt Nam ít bị phụ thuộc năng lượng vào nước ngoài, và có tạo công ăn việc làm cho người dân không. Tuy ở xa, tôi cũng được biết Quốc Hội còn lo nhiều việc quan trọng cần ngân sách, ví dụ tăng cường và tối tân hóa quốc phòng; tăng cường kiểm soát biển đảo; bảo vệ ngư dân trên Biển Đông; cải tổ giáo dục đột phá từ mẫu giáo tới đại học; giúp người dân xây lại nhà cửa bị tàn phá bởi bão lụt; và làm thêm giường bệnh tại các nhà thương.
Tuy chưa được tham khảo BCĐT, nhưng nhờ được đọc bài viết của ông Luyến phản ảnh các kết luận chính của báo cáo đó, tôi có các ý kiến sau, và mong mỏi trí thức trong nước cũng như ngoài nước, kể cả các công dân làm việc cho chính phủ, phản biện thật sát sao vì chúng ta đều có mục đích làm tốt cho đất nước và cho người dân.
-
BCĐT chưa am hiểu rõ về tổn phí của ĐHN. Nếu quyết định chấp thuận bây giờ là đưa đất nước vào nợ nần trên 35 tỉ USD sau năm 2025 và giá điện sẽ tăng gấp ba.
-
Cần phải có hội thảo lấy ý kiến của nhân dân toàn quốc, nhất là giới trí thức, chứ không phải chỉ 4,000 người ở Ninh Thuận, vì ĐHN sẽ gây nợ nần và phí tổn ảnh hưởng tới toàn thể 87 triệu người.
-
Nếu Quốc Hội và chính phủ chỉ dùng một nửa phí tổn của 4000 MW ĐHN để chỉnh trang quản lý điện lực trong nước và đào tạo nhân lực mọi ngành giống như BCĐT hứa hẹn riêng cho ĐHN, thì không những kích thích được trí tuệ Việt Nam trên mọi lãnh vực khoa học công nghệ thực tế, làm được 4000 MW điện dùng tài nguyên quốc nội, mà còn tạo được nhiều triệu công ăn việc làm cho người dân.
-
Quốc hội nên biểu quyết dừng dự án ĐHN cho tới khi trí thức Việt Nam đóng góp phản biện các ý kiến trên.
Sau đây tôi trình bầy thêm chi tiết.
A1. Ý kiến quan trọng nhất mà ông Luyến gọi là “Cơ Sở Khoa Học” thì sai. Ông Luyến dùng hai tài liệu để chứng minh ĐHN rẻ nhất cho Việt Nam. Hai tài liệu này là:
(i) Dẫn chứng khoa học số 1
http://www.nrc.gov/reading-rm/doc-collections/commission/speeches/2001/04-26/fig6.htm)
Đây là diễn văn của ông Nils Diaz, ủy viên điều hành của Cơ Quan Giám Định ĐHN của Nuclear Regulatory Commission (NRC) năm 2001. Nhưng may thay, tài liệu đó là của tôi, đã trình bầy tại Hà Nội năm 1999 khi tôi cùng đi với bà Shirley Jackson, Chủ Tịch NRC, dự hội nghị có tên là International Meeting on Nuclear Energy in Medicine and Other Applications do Việt Nam tổ chức tại khách sạn Daewoo. Bài đóng góp của tôi có nhan đề “Nuclear Power Plants for Electricity Production: Safety, Economics, and Planning Considerations.” Bài này có đồ thị mà ông Nils Diaz đã dùng y chang, chỉ đổi đồng USD năm 1996 ra năm 1999, khoảng 6% cho các con số. Vì thế, tôi rất am hiểu đồ thị này, và cùng có ý kiến như ông Luyến là “ĐHN ở Mỹ chỉ đắt suýt soát với điện do nhà máy than.” Nhưng đó là Mỹ. Ta là trí thức Việt Nam thì phải dùng thêm các điều kiện của Việt Nam!
(ii) Dẫn chứng khoa học số 2 của ông Luyến là:
[http://newenergyandfuel.com/wp-content/uploads/2009/07/US-Electricity-Production-Costs-1995-2008.png]
Cùng với bài viết này là bài “The Economics of Nuclear Power,” cũng truy được tại www.world-nuclear.org/info/inf02.html. Tác giả bài này duyệt xét nhiều khảo sát giá ĐHN so với các hình thức tạo điện khác ở nhiều quốc gia từ1992 tới 2008. Đặc biệt, có đồ thị trình bầy giá ĐHN ở Phần Lan so với giá điện khi dùng than, than bùn, khí và gió. Ông Luyến đã in lại đồ thị này trong phần gọi là “cơ sở khoa học”. Ông Luyến cũng hiểu rất đúng đồ thị nói là ĐHN tại Phần Lan rẻ hơn điện do các nguồn khác. Tuy nhiên, ông Luyến đã chưa tiến thêm suy xét hai vấn đề:
1. Báo cáo viết rõ trên đầu tựa là “ĐHN có thể cạnh tranh với các nguồn tạo điện khác trừ những nơi có nhiên liệu than, hơi khí và dầu (và thủy điện—ý kiến thêm của tôi.)
2. Ta cần khảo sát các điều kiện Việt Nam khi đọc các báo cáo về tình hình tại các nước khác.
A.2 Để chứng minh tại sao tôi hiểu rất rõ nội dung của các báo cáo trên, tôi xin rất khiêm tốn trình bầy là hầu hết những người tại Mỹ và IAEA so sánh ĐHN với các nguồn khác vào những năm 1980-1990 đều biết và đã dùng các đóng góp của tôi về kinh tế và tài chính của ĐHN, qua các bài viết sau:
Ø Doan L. Phung, 1980. Cost Analysis Methodologies: A Unified View. Cost Engineering, Vol.22, No.3.
Ø Doan L. Phung, 1978. The Discounted Cash Flow (DCF) and Revenue Requirement (RR) Methodologies in Energy Cost Analysis. ORAU/IEA-18(R). Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee.
Ø Doan L. Phung, 1979. Selection of Discount Rates in Energy Cost Analysis Using Discounted Cash Flow (DCF) and Revenue Requirement (RR) Methodologies. Energy Systems and Policy, Vol. 3, No. 2.
Ø Doan L. Phung, 1978. Three Modes of Cost Analysis—Then Current Dollars, Base-Year Dollars, and Perpetual-Constant Dollars, ORAU/IEA-78-10(M), Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee.
Ø Doan L. Phung, 1978. A Method for Estimating Escalation and Interest During Construction (EDC and IDC). ORAU/IEA-78-7(M), Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee.
Ø Doan L. Phung, 1977. IEA Life Cycle Costing Methodology. Proceedings of Engineering Economic Analysis Workshop: Economic Analysis of Advanced Energy Technologies, Technical Report 7611, MITRE Corporation, McLean, VA.
Ø Doan L. Phung. 1985. L’Economia Delo Nucleare: Risultati, Tendenze E Prospettive, ENERGIA, Anno VI, No. 1
Ø Doan L. Phung. 1985. Economics of Nuclear Power: Past Record, Present Trends and Future Prospects, Energy, Vol. 10, No.8
Ø D.L. Phung et W.Van Gool, 1980. Politiques Industrielles d’Economies d’Energie: Une Approche Unifiée avec des Applications aux Problèmes Energétiques des Etats-Unis. Energétique Industrielle, Volume 2—Analyse Economique et Optimization des Procédés. Centre de Perfectionnement des Industries Chimiques-Nancy, France.
A.3 Với các dẫn chứng trên, tôi thấy bài viết của tài liệu ông Luyến chọn lựa hơi lủng củng, do một tác giả không biết đồng nhất hóa các dữ kiện để độc giả có một khái niệm rõ ràng về thời gian, địa điểm, chính sách quốc gia, và phân lãi của sự vay tiền xây nhà máy sản xuất điện, một điều mà tôi đã làm trong các tài liệu tôi đã viết. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy một ví dụ như ông Luyến đưa ra, đó là đồ hình so sánh giá điện sản xuất tại Phần Lan giữa ĐHN, than, than bùn, khí, củi và gió, thì ông Luyến đã đưa đúng những nhận xét của bài viết, như sau:
Ø Ở Phần Lan ĐHN rẻ nhất, so với khí, than, than bùn, củi và gió.
Ø Giá ĐHN là 2.37 c(E)/kWh năm 2003; khi đổi ra USD là 3.48 c(USD)/kWh, gồm 2.03 c/kWh tiền đầu tư, 1.05 c/kWh tiền điều hành, và 0.4 c/kWh tiền nhiên liệu.
Ø Vì vật giá leo thang giữa 2003 và 2009, các giá trên đổi ra tiền USD năm 2009 là 4.07 c/kWh (2.37 c/kWh tiền đầu tư, 1.23 c/kWh tiền điều hành, và 0.47 c/kWh tiền nhiên liệu.) Tôi đã dùng tài liệu trong http://www.measuringworth.com/uscompare
Ø Nhờ khảo sát trên, Phần Lan đã quyết định mua nhà máy ĐHN EPR thế hệ 3 của Pháp, dự định xây mất 5 năm với giá 4.4 tỉ USD, nhưng nay thì biết rằng sẽ mất hơn 7 năm và giá thành đã tăng lên thành 6.6 tỉ USD, gây ra việc hãng điện TVO của Phần Lan kiện Areva và Siemens 3.5 tỉ USD và bị kiện lại 1.5 tỉ USD. Như tôi đã nói trong bài viết về 15 rủi ro của ĐHN (http://www.bauxitevn.net/c/15546.html), kiện tụng chắc chắn sẽ xẩy ra giữa Việt Nam và các hãng ngoại quốc. Ta không thể chỉ bắt họ theo quyết định của chính phủ Việt Nam. Họ có thể ngưng hoạt động và công trình của ta nằm chết trong khi đó ta vẫn phải trả tiền lãi ngân hàng (quốc tế). Họ sẽ kiện ra tòa án quốc tế và ta sẽ tốn kém nhiều thì giờ và tiền bạc, không thực hiện ĐHN đúng như BCĐT mong muốn. Ta cũng phải thuê luật sư ngoại quốc với giá 500 USD/giờ hoặc cao hơn.
Ø Khi truyền điện tới người dân, giá sẽ phải tăng lên 20% vì sự mất mát trong việc truyền điện và vì công ty điện phải có chi phí và lấy lời. Người dân Phần Lan dùng rất nhiều điện (14,667 kWh/capita) vì nhu cầu kỹ nghệ và cũng vì ở nước đó rất lạnh. Do đó trung bình người dân sẽ phải trả (4.07 c/kWh) x (1.2) x (14,667 kWh/người/năm) = 716 USD/người/năm. Với thu nhập cao, khoảng 51,810 USD/capita, tiền điện như vậy tại Phần Lan cũng chỉ bằng 1.4% tiền thu nhập của người dân. (Các con số trên tôi lấy từ http://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/us.html).
Ø Nhưng tại Việt Nam, người dân thu nhập trung bình chính thức là 1,034 USD/capita (sự thực thì có rất nhiều người nghèo mà cả nhà 4 người chỉ kiếm dưới 700 USD/năm, nghĩa là 175 USD/capita.) Người dân dùng trung bình 770 kWh/capita/năm. Giá điện là 1000 VND/kWh và theo ông Luyến thì mới tăng 32% lên 1320 đông/kWh. Như vậy, tiền điện người dân phải trả là 5.6% của tiền thu nhập. Nếu tiền điện năm 2025 đắt gấp ba, thử hỏi tiền thu nhập của người dân bình thường có thể tăng gấp ba trong vòng 15 năm nữa? Sự kiện này cho ta biết ta không thể làm điện quá đắt vì người dân trả không nổi.
B. Tai sao Việt Nam Phải Vay Nợ 35 tỉ USD Thay Vì 16 tỉ USD?
Như tôi đã trình bầy trong bài viết ĐHN sẽ đắt gấp ba giá điện ngày nay (http://www.bauxitevn.net/c/17478.html) số tiền 16 tỉ USD là giá “mì ăn liền” EVN được các công ty cung cấp, có thể là năm 2007 hay 2008. Giá này sẽ tăng khi ta đi tới mốc 2 của IAEA vì lúc đó họ sẽ bị chi phối bởi hai trào lưu trái ngược nhau: (a) phải tăng nhiều vì phải ký giao kèo nhận trách nhiệm và (b) không dám tăng nhiều vì bị cạnh tranh.
Ø Giá nhà máy ĐHN do tài liệu của Massachusetts Institute of Technology là đáng tin cậy [John Deutch et al., MIT Energy Initiative, 2009. Update of the MIT 2003 Report “Future of Nuclear Power”, http://web.mit.edu/nuclear power/ ]. Tài liệu này được toàn thể các hãng điện của Mỹ và thế giới tham khảo và cũng được liệt kê trong dẫn chứng (ii) của ông Luyến.Tác giả là sáu nhà khoa học và kỹ sư đáng tin cậy nhất của Mỹ, trong đó hai người từng là thứ trưởng bộ năng lượng (Department of Energy-DOE) và một người từng là giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (Central Information Agency—CIA) của Mỹ. Báo cáo này cho biết giữa năm 2003 và 2009, giá “mì ăn liền” của nhà máy ĐHN tăng 15% mỗi năm, và hiện nay (2009) là 4000 USD/kW. Giá này bao gồm khoảng 20% tiền do các hãng điện như EVN phải làm lấy chứ không liên quan gì tới các công ty bán ĐHN. Đó là sửa soạn địa điểm nhà máy ĐHN sẽ tọa lạc, lập đường sá, lập bến cảng, xây nhà chứa tua bin và máy làm điện, xây bãi biến điện, xây tháp tải nhiệt, làm đường dây truyền điện, thực hiện các khảo sát về địa chất và môi trường… Theo tôi, vì hạ tầng cơ sở của Việt Nam rất yếu, ta phải dùng 30% cho nhà máy đầu tiên và 20% cho nhà máy kế tiếp.
Ø Ông Luyến đã không tính đến ba sự kiện quan trọng trong tiến trình xây dựng một công trình lớn trước khi tuyên bố “sau 15 năm dự án có thể hoàn vốn và bắt đầu thu lãi ròng!” Ba sự kiện này là:
1. Vật giá tiếp tục leo thang từ nay cho tới khi bắt đầu xây (2015) và càng leo thang mạnh hơn trong thời gian xây. Tôi gọi I là sự gia tăng trong thời gian trước khi xây và L là sự leo thang trong tiến trình xây. I trong năm năm vừa qua tại Mỹ và tại các nước tiên tiến chỉ khoảng 3%/năm nhưng sẽ gia tăng vì các nước này đang in tiền để chống nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tôi dùng 5% từ nay cho tới 2015. L là 15%/năm giữa 2003 và 2009, theo như báo cáo của MIT, nhưng tôi chỉ dùng 8%/năm vì nghĩ rằng 4000 USD/kW đã là rất thực tế. Sự cạnh tranh giữa nhiều công ty. [Areva (Pháp), Westinghouse (Mỹ), General Electric (Mỹ), Mitsubishi (Nhật), Hitachi (Nhật), AECL (Canada), CNNC (Trung Quốc), KEPCo (Hàn), AtomstroyExport (Nga) sẽ giữ cho giá không tăng nhanh như vậy nữa. Trung Quốc đang nhập khẩu mọi kỹ thuật của các hãng trên với ý định học hỏi rồi làm lấy, sau đó bán cho các nước đang mở mang với giá rẻ để gây ảnh hưởng chính trị.] Và tiền chi trả vật giá và dịch vụ gia tăng trong thời gian xây cất cũng phải đi vay mà trả. Tôi gọi số tiền này là EDC (escalation during construction) trong các bài khảo cứu liệt kê ở trên.
2. Khi đi vay tiền thì ta phải trả lãi. Ông Luyến muốn trả mỗi năm vài tỉ USD để xây bốn lò ĐHN đáng giá 16 tỉ USD (năm 2007-2008) thì số tiền đó đào đâu mà ra? Trong kinh tế thị trường, ta phải đi vay. Nếu ai tin ta mà cho vay thì ta phải trả lãi hàng năm. Nếu không có tiền trả lãi thì phải cộng thêm vào tiền mắc nợ để sau này tổng kết thành “giá đầu tư” rồi trả dần khi bán điện. Tiền này tôi gọi là IDC (interest during construction) trong các khảo cứu liệt kê ở trên.
3. Khi nhà máy đã hoàn thành 100%, có thể là khoảng một năm sau khi không còn xây cất nữa, thì sự điều hành sản xuất điện bắt đầu. Số tiền đầu tư cộng cả EDC và IDC thì phải xin trả nợ từ từ hàng năm cả vốn lẫn lãi trong 30, 40 năm, chứ nếu trả liền trong 15 năm như ông Luyến tính đại cương thì quá nặng, EVN không trả tiền mặt nổi như Trung Quốc hoặc các nước có nhiều dầu hỏa. Khi số tiền trả hàng năm này chia cho số kWh sản xuất thì ta có được “giá đầu tư” tính theo đơn vị kWh của nhà máy. Đây chính là giá 2.37 c/kWh như trong báo cáo của Phần Lan nói ở trên.
Ø Với các dữ kiện và nhận xét trên, tôi tính được các kết quả sau:
-
Giá thành của lò ĐHN đầu tiên là 8.6 tỉ USD vào năm 2022
-
Giá thành của lò ĐHN thứ hai là 8.215 tỉ USD/kW vào năm 2023. Nó rẻ hơn lò thứ nhất bởi vì chỉ tốn 20% phần EVN phải làm (thay vì 30% cho lò số 1) và chỉ tốn 6 năm xây cất (thay vì 7 năm).
-
Giá thành của lò thứ ba là 9.346 tỉ USD vào năm 2024. Nó đắt hơn lò 1 và 2 bởi vì xây sau 3 năm và cũng phải chịu 30% tiền EVN phải thực hiện tại một vị trí mới.
-
Giá thành của lò thứ tư là 9.059 tỉ USD vào năm 2025. Nó rẻ hơn lò thứ ba vì yếu tố 20% thay vì 30% nhưng đắt hơn đôi chút vì xây sau một năm.
-
Tổng cộng giá đầu tư cho bốn lò— nhà máy với tổng công suất 4000 MW-là 35.2 tỉ USD hay 8,805 USD/kW. Giá này là gấp 2.2 lần số tiền 4000 USD/kW mà BCĐT trình bầy. Tôi đã dùng những giả thiết hết sức khiêm tốn. Giá có thể cao hơn nếu biến động giá cả trong 10 năm tới sôi động hơn.
-
Mỗi lò phải trả 360 triệu USD khi nạp nhiên liệu, và cứ 18 tháng thì phải thay nhiên liệu tốn 120 triệu USD.
Ø Giá điện trên mỗi kWh có thể tính đại cương như sau:
1. Trả tiền đầu tư cả vốn lẫn lời (capital recovery) trong 30 năm, thì CRF (capital recovery factor) là 0.089, và mỗi năm phải trả 782 USD/kW. Nếu mỗi năm làm được 8000 kWh/kW (một việc Mỹ cũng chưa thực hiện được khi tính toàn thể 104 nhà máy đang hoạt dộng), thì giá đầu tư (capital cost) là 9.78 c/kWh.
2. Trả tiền nhiên liệu hạt nhân 0.47 c/kWh giống Phần Lan trong năm 2009-2010. Nếu tăng giá 8% mỗi năm, thì đến năm 2025 giá nhiên liệu hạt nhân là 1.49 c/kWh.
3. Trả tiền điều hành giống như Phần Lan là 1.29c/kWh cho năm 2009-2010. Nếu tăng giá 6%/năm thì tới năm 2025, giá điều hành là 3.09 c/kWh.
4. Như vậy, giá ĐHN khi “ra lò” tại nhà máy là 14.36 c/kWh.
5. Khi truyền điện tới người dân thì có thất thoát khoảng 10-11%. EVN vì thế phải đòi người dân trả 15.80 c/kWh hay 2,765 đồng/kWh. Giá điện như vậy là gấp 2-3 lần giá điện người dân phải trả ngày nay. Nếu dùng các biến động giá cả cao hơn, tiền vay ngân hàng nặng lãi hơn, và nhiên liệu hạt nhân đắt tiền hơn, cùng là tiền phải để dành tháo đõ nhà máy ĐHN trong 40-60 năm tới, thì giá điện sẽ cao hơn con số trên.
Ø Trong tất cả các kết quả trên, tôi đã dùng các giả thiết sau:
1. Giá “mì ăn liền” của nhà máy ĐHN là 3330 USD/kW năm 2010.
2. Tiền EVN phải thực hiện các công trình cho nhà máy là 30% giá trên cho lò số 1, 20% cho lò số 2, 30% cho lò số 3, và 20% cho lò số 4.
3. Lò số 1 bắt đầu xây năm 2015 và xây xong năm 2022. Lò số 2 bắt đầu xây năm 2017 và xong năm 2023. Lò số 3 bắt đầu xây năm 2018 và xong năm 2024. Lò số 4 bắt đầu xây năm 2019 và xong năm 2025. Các giả thiết này là lý tưởng chứ rất khó thực hiện, bởi vì trên thế giới chỉ có vài hãng có thể làm được bồn thép (pressure vessel) cao trên 10 m, to trên 4m, nặng trên 1500 tấn dưới các chuẩn thật khắt khe. Mỹ hiện nay đã mất khả năng này và chưa lập lại được vì chưa có nhu cầu.
4. Vật giá ĐHN leo thang 5%/năm trước khi xây và 8%/năm trong tiến trình xây.
5. Phân lãi tiền vay nợ là 8%/năm (các hãng điện tư ở Mỹ phải trả 10-12%)
6. Giá nhiên liệu hạt nhân giống như trong khảo cứu của Phần Lan và tăng giá 8%/năm.
7. Giá điều hành như giá của Phần Lan và tăng 6%/năm.
8. Nhân viên EVN sẽ điều hành các lò hạt nhân và các công tác trong nhà máy giỏi như Mỹ, Nhật và Hàn. Cứ 18 tháng thì phải tắt lò hạt nhân một lần để thay 1/3 nhiên liệu. Làm việc này chỉ mất 30 ngày thay vì 3 tháng như rất nhiều nhà máy phải thực hiện vào những năm 1980-1990.
D. Các Kết Luận Khác của ông Luyến
Ông Luyến cũng diễn tả là BCĐT đã thực hiện tốt việc lấy ý nguyện nhân dân bằng cách tổ chúc 35 cuộc hội thảo lớn nhỏ, trả lời 160 câu hỏi của 4000 người dân đủ mọi thành phần. Tôi có cảm tưởng phần lớn các hội thảo này đều thực hiện tại Ninh Thuận, nơi mà, theo bài viết của ông Luyến, người dân “từ chỗ chưa có hiểu biết gì về dự án hạt nhân đến việc hoàn toàn đồng ý với chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại tỉnh nhà,” và “hội đồng nhân dân tỉnh họp bất thường ngày 23 tháng 10 năm 2009 cho thấy sự đồng thuận là 100%!” Tôi có các câu hỏi sau:
Ø Với một dự án to lớn như ĐHN, tại sao việc lấy ý nguyện của người dân lại chỉ làm tại Ninh Thuận? Với số tiền 16-35 tỉ của ngân sách quốc gia hoặc đi vay nợ thì 87 triệu người dân đều có trách nhiệm sử dụng và quyền lợi được hưởng điện. Họ có quyền và có nhiệm vụ đóng góp ý nguyện cho dự án. Việc này đã thực hiện chưa?
Ø Theo ông Luyến, “chính phủ có 23 đề án bao trùm tất cả các hoạt động liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực quốc gia cho viêc ứng dụng năng lượng ĐHN.” Vậy BCĐT có đề cập kết quả của các đề án này không? Các kết quả này có phản ánh gì tới sự “cam kết am hiểu ĐHN” theo mốc 1 của IAEA không? Theo ý kiến của ông Trần Sơn Lâm (http://www.bauxitevn.net) thì hình như EVN chưa có đầy đủ các kết quả của các đề án. Như vậy làm sao chính phủ và Quốc Hội có thể am hiểu hoàn toàn ĐHN ảnh hưởng tới kinh tế và tiềm lực của quốc gia như thế nào?
Ø Đứng trên phương diện an toàn về động đất, đoàn khảo sát đã có những thăm dò khoa học gi? Tại sao toàn vùng an toàn tại Ninh Thuận mà không có một địa điểm nào thuận lợi ư mà lại nhằm chiếm đất của các làng Vĩnh Trường và Thái An?
Ø Về Quy Trình Lựa Chọn Nhân Sự, ông Luyến đã diễn tả rất hay dự định của BCĐT. Theo ông, EVN sẽ “lựa chọn những em có tư cách và phẩm chất đạo đức tốt và nhân thân rõ ràng vì ĐHN liên quan đến an ninh quốc gia.” Thật là tuyệt vời! Nhưng ĐHN liên quan đến an ninh quốc gia có khác gì các đập nước Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu; hoặc nhà máy nhiệt điện Vũng Tầu, Uông Bí? Tại sao người làm việc tại nhà máy ĐHN lại có nhiều ưu đãi trong khi họ cũng chỉ làm điện như các công nhân khác? Tại sao không huấn luyện và ưu đãi toàn thể các công nhân làm việc tốt trong nghĩa vu sản xuất điện nhiều hơn, đỡ mất mát hơn, bị ít sự cố hơn để EVN không phải cúp điện luôn luôn? Các nhà máy than và hơi khí của ta có thể hoạt động 8000 giờ mỗi năm như EVN tin tưởng sẽ làm được với ĐHN không?
Ø Ông Luyến cũng viết: “Tuyệt đối không nhân nhượng và nể nang đối với bất kỳ trường hợp nào. Viêc nhắn gửi và bảo lãnh nằm ngoài các tiêu chí trên được coi như phạm luật.” Ý kiến này rất đặc sắc trên giấy tờ và qua lời phát biểu, nhưng liệu có thể thực hiện được không? Tại sao nó không thể thực hiện ngay cho mọi hoạt động của EVN ngay bây giờ thay vì chỉ đặc biệt cho dự án ĐHN?
E. Bàn thêm về Cơ Sở Khoa Học
Ø Trong mục cơ sở khoa học, ông Luyến chứng minh cần có nhà máy ĐHN bởi vì ta cần điện, và sự cần thiết đó là đặt trên giả thiết duy ý chí là vào năm 2020 nhu cầu điện của ta là 2400-3100 kWh/người/năm bởi vì Thái Lan nay đã có 2033 kWh/người/năm. Lấy giả thiết này là một tiền đề ta phải có thêm 4000-8000 MW ĐHN có là khoa học không?
Ø So với hiện tại EVN sản xuất 67 tỉ kWh thì giả thiết trên đưa tới con số tăng trưởng từ 13.6%/năm tới 16.6%/năm. Kinh tế của ta dự kiến có tăng trưởng như vậy không? Người dân của ta dự kiến có thể tăng thu nhập mỗi năm như vậy không?
Ø Theo ông Luyến, hiện tại ta mua của Trung Quốc 550 MW, và ông đặt câu hỏi quan trọng: “Điều gì sẽ xẩy ra cho nền kinh tế của chúng ta nếu bên bán điện cúp cầu dao cung cấp điện vì bất cứ một do gì?” Đây là một câu hỏi chính đáng của người lãnh đạo. Tuy nhiên, ta cũng có thể hỏi: “Điều gì sẽ xẩy ra cho nền kinh tế của chúng ta nếu nhà máy ĐHN 1000 MW ngưng chạy vì bất cứ một lý do gì?” Bài viết về 15 rủi ro của nhà máy ĐHN (http://www.bauxitevn.net/c/15546.html) diễn tả có nhiều sự cố khiến nhà máy ĐHN không hoạt động 8000 giờ/năm, thậm chí có thể nằm chết nhiều năm. Vì thế, tại các nước phụ thuộc vào nhập khẩu các vật liệu tối cần thiết cho kinh tế như Việt Nam thì lãnh đạo phải có một chương trình tổng thể đối phó với sự cố, không cứ gì chỉ riêng cho ĐHN.
F. Dùng Trí Thức Việt Nam Tiết Kiệm Điện, Tạo Điện Mới, và Tạo Được Nhiều Triệu Công Ăn Việc Làm Cho Người Dân
Là người đã có 40 năm làm việc trong ngành nguyên tử và điện hạt nhân, đáng lẽ tôi phải tuyên dương nhiệt liệt lợi ích của ĐHN. Tuy nhiên trước sự nghèo khó của người dân Việt Nam so với các nước trên thế giới, nhất là trước hiện tượng vô cảm của nhiều người trong thời buổi “mèo trắng mèo đen cũng như nhau miễn là kiếm được nhiều tiền,” tôi cảm thấy có trách nhiệm cảnh báo xu hướng bắt chước nước ngoài mà không chú trọng đến các vấn đề quan trọng thực tế trong xã hội ta. Xây nhà máy ĐHN giống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, và Trung Quốc trong vòng 20 năm tới là chưa cần thiết cho hoàn cảnh kinh tế và quốc phòng của đất nước ta. Bởi vì việc này dùng tiền rất nhiều, phải phụ thuộc hầu như 100% vào nước ngoài kể cả nhiên liệu, và có triển vọng lớn làm ta lo lắng những luẩn quẩn của nợ nần và kiện tụng. Tôi chưa nghe nói hai nước láng giềng giầu hơn ta là Mã Lai và Tân Gia Ba cần tới ĐHN. Tôi thiển nghĩ, ta cần dùng chút ít tiền ta có và trí tuệ Việt Nam để giải quyết những vấn đề bức thiết hơn, như bảo vệ biên giới và lãnh hải; tối tân hóa quốc phòng; cải tổ đột phá giáo dục từ mẫu giáo tới đại học; giúp người nghèo và nạn nhân bão lụt có nhà cửa và công ăn việc làm; xây thêm nhà thương cùng giường bệnh; và thúc đẩy kinh tế thị trường mà không có sự cạnh tranh của nhà nước. Trong một bài viết khác (http://www.bauxitevn.net/18186/10-phuong-phap-khong-can-dien-hat-nhan-ma-van-giup-viet-nam -tang-them-noi-luc/) tôi đã đưa ra 10 ý kiến để đóng góp với các ý kiến của trí thức trong nước cũng như ngoài nước thực hiện việc sản xuất điện cho tương lai dùng nhiều trí tuệ Việt Nam hơn, kích thích khoa học và công nghệ thực tế hơn, có kết quả nhanh chóng hơn và rẻ tiền hơn là ĐHN. Tôi tin rằng với sự cải tiến quyết liệt về quản trị, trí tuệ Việt Nam có thể sản xuất 4000 MW với nửa số tiền dự trù cho nhà máy ĐHN, dùng được tài nguyên quốc nội, và tạo được nhiều triệu công ăn việc làm cho người dân Việt Nam.
[1] Chú thích:
Ông Phùng Liên Đoàn, 70 tuổi, là Tổng Giám Đốc công ty tư vấn Professional Analysis, Inc. (PAI) tại Mỹ, chuyên môn về các dịch vụ nguyên tử và môi trường. Ông Đoàn đã từng là cố vấn cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy-DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission- NRC) của Mỹ. Ông đã tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác. Ông cũng đã tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ, cùng là khảo cứu hiện tượng hâm nóng khí quyển do việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Ông là đồng tác giả tài liệu WASH-1400 về sự an toàn của 100 nhà máy ĐHN của Mỹ mà cả thế giới đã noi gương; và sách The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power, Praeger Publishers, New York, tiên đoán sẽ có sự phục sinh của ĐHN. Ông Đoàn tốt nghiệp cử nhân toán và vật lý tại đại học Florida State University, thạc sĩ vật lý và nguyên tử tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) và tiến sĩ nguyên tử tại MIT. Ông Đoàn đã từng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt, 1964-1967. Ông Đoàn và gia đình đã bỏ hầu hết tiền để dành và tiền hưu để làm việc từ thiện ở Việt Nam.
Tài liệu 6:
HOÃN XÂY ĐIỆN HẠT NHÂN VIỆT NAM: HUYỀN THOẠI VỀ AN TOÀN
VÀ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN QUÊN LÃNG
Phùng Liên Đoàn*
(Để không cần biên tập mất thì giờ, tác giả đã dùng qui tắc chấm phẩy các con số theo kiểu Anh Mỹ: phẩy là hàng ngàn, chấm là hàng đơn vị.)
Trong buổi lễ tổng kết cho năm 2013 của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) ngày 15 tháng 1 năm 2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố:
“Theo IAEA, VN làm điện nguyên tử cần phải chặt chẽ, hiệu quả… Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất thì có thể thời gian khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ lùi lại 2020. Lúc đó luật lệ đầy đủ… Vì chúng ta làm phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt cái đó chúng ta không làm.” (Tuổi Trẻ Online, 16/1/2014)
Trước đó, ngày 9-10 tháng 1, Tổng Giám Đốc IAEA tại Vienna (Áo) là Yukyia Amano (người Nhật) đã viếng thăm Việt Nam, làm việc với chính phủ và các cơ quan nguyên tử và Điện Lực Việt Nam, cùng là thăm viếng địa điểm dự tính xây ĐHN Ninh Thuận I. Ông Amano thấy rõ Việt Nam còn lúng túng không có luật hạt nhân, chưa khảo sát kỹ địa điểm cần thiết cho công trình quan trọng cả trăm năm, chưa có hạ tầng cơ sở như đường xá, cảng, nước, điện cần thiết cho một công trình lớn, và đặc biệt là chưa có đội ngũ chuyên môn thấu hiểu những đòi hỏi của ĐHN. Ông Amano đã nhẹ nhàng khuyến cáo là “cần có bước chuẩn bị thật tốt cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh và bền vững chứ không thể vội vàng.” Ông Amano còn nói: “chính quyền cần minh bạch mọi thông tin, sự cố… liên quan đến nhà máy điện hạt nhân để công chúng biết.”
Ý kiến của ông Amano thì cũng giống như ý kiến của trí thức Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng trên BauxiteVN và các blogs khác, vì Việt Nam chưa có hạ tầng cơ sở cho ĐHN kể cả phần mềm (nhân lực) tới phần cứng (đường xá, bến cảng, vật liệu…) Và sau khi Thủ Tướng tuyên bố, lần đầu tiên ta nghe một quan chức cao cấp của EVN, ông Nguyễn Cường Lâm, phó tổng giám đốc EVN và giám đốc ban quản lý ĐHN, tiết lộ: “ĐHN là một quyết định chính trị nhà nước giao cho EVN, còn thực tế Ninh Thuận 1 có đủ điều kiện khởi công năm 2014 không thì chưa thẩm định, chưa phê duyệt, chưa chọn được công nghệ…” Rồi Rosatom, đối tác Nga xây Ninh Thuận 1, cũng tuyên bố đã biết từ tháng 2/2013 là phía Việt Nam yêu cầu hoãn xây dựng cho tới 2017.
Vậy ý kiến của thủ tướng là “không an toàn nhất và không hiệu quả nhất thì không làm…” không hẳn là do ảnh hưởng của khuyến cáo của ông Amano, mà theo tôi, là thực tế ta là một cái thùng rỗng, chưa có gì sẵn sàng, và có thể là ta không có tiền và không vay được tiền vì thế giới không tin ta. Hiện nay, người ta đang xây nhiều nhà máy ĐHN tại Trung Quốc, Nga, Phần Lan, United Arab Emirates… với hiệu quả cao nhất và an toàn nhất mà con người có thể làm trong niên đại này. Vậy vấn đề “không an toàn” thủ tướng nói phải được hiểu là thủ tướng phản ánh ý kiến của ông Amano và nhiều nhà tư vấn là đặt vào tay người Việt với hạ tầng, trí tuệ, kinh nghiệm và tài chính ngày nay, các “nhất” đó cũng còn khó đạt được vào năm 2017 vì lý do “Việt Nam nó cứ như thế đấy!” Kết quả của các công trình Dung Quất, đường dây 500 kV Trường Sơn, 1000 năm Thăng Long, xa lộ Đông Tây… cho biết ta cần một thời gian hội nhập với quốc tế dài hơn và cầu tiến hơn để học hỏi và thực hành tư duy “nhất” về xây cất có chất lượng, hiểu biết giá cả không rỏm, và tinh thần thượng tôn luật lệ.
Như vậy là mong ước của các “phó công dân” chúng ta đã thành sự thực, là Việt Nam chưa nên xây nhà máy ĐHN, một việc chúng ta đã tiên đoán từ năm 2009 không những vì các lý do hạ tầng mà còn vì chính phủ không có tiền và không xin được viện trợ hoặc vay với phân lãi rất thấp. Hơn nữa, ta phải hoãn ĐHN cũng vì phỏng đoán cần điện vào những năm 2020 và 2030 nhất định là sai.
Nhưng đây không phải là một “thành công phản biện”, vì sau tai nạn Fukushima chính phủ “nhất định làm” rồi nay “hoãn” không phải là nghe tiếng nói độc lập của trí thức Việt Nam! Đó chỉ là “gặp thời thế thế thời phải thế” mà thôi. Chúng ta chỉ gập may là chúng ta đúng. Chín phủ gập nhiều công việc khác nhức nhối hơn là ĐHN cho năm 2020! Theo tôi, trong tình huống này là người trí thức độc lập ta phải đi một bước xa hơn, tự đặt trách nhiệm cho ta là phải nhìn sự kiện dài hạn và tổng quát hơn các vấn đề chính phủ phải đối phó hằng ngày, để tìm và tranh luận một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và các thế hệ sau này. Tôi đề nghị là chính phủ nên hướng chương trình ĐHN hiện còn đang tiêu rất nhiều tiền của ngân sách vào chiều hướng có lợi cho đất nước bằng cách tìm cách dùng điện có hiệu quả hơn (như Thái Lan, Mã Lai, Đài Loan, Hàn Quốc…) và tìm cách sản xuất điện một cách nhậy bén bằng nhân lực và tài nguyên trong nước chứ không nên nhập khẩu khi mà ta còn phải xuất khẩu lao động để kiếm thêm ngoại tệ.
Năm 2012 tôi có đóng góp trên bauxiteVN một bài viết và sau đó được nhiều blogs đăng lại, với đề tài: “Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân.” Tám lý do này là:
(1) ĐHN rất cần thiết cho tương lai thế giới nhưng chưa cần thiết cho Việt Nam;
(2) Ta đã làm quyết định quan trọng xây nhà máy ĐHN dựa trên phỏng tính thô sơ về nhu cầu điện;
(3) Phỏng đoán giá nhà máy ĐHN quá thấp, ta sẽ phải chi tiền nhiều hơn nếu không bị kiện cáo hoặc bỏ rơi;
(4) Ta tự chuốc lấy thất bại khi ta quyết định mua/xin nhà máy ĐHN của nhiều nước và huấn luyện nhân viên bởi nhiều nước;
(5) Việc ta dùng hơn 150 triệu USD để đào tạo nhân sự ĐHN một mặt thì không đủ, một mặt thì rất phí phạm;
(6) Làm ĐHN là đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh do Thủ Tướng tuyên bố;
(7) Ta nên dò xét ngay một nguồn năng lượng mới dưới lòng đất của ta;
(8) Nếu còn muốn hội nhập ĐHN thì nên bỏ Ninh Thuân, cộng tác với Nga xây ĐHN nhỏ trên bè, có triển vọng xuất khẩu kiếm được ngoại tệ và tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Đâu là huyền thoại và đâu là “gần sự thực hơn” nếu không bao giờ có hoàn toàn sự thực?
Dưới đây tôi xin trình bầy huyền thoại về sự “nguy hiểm” hoặc “an toàn” của ĐHN qua tầm mắt của người ủng hộ và phản đối ĐHN tại Việt Nam, cùng là những việc cần phải làm để vẫn có điện rẻ tiền đồng thời không mất đi những cơ hội tạo nhiều chục ngàn công ăn việc làm cho người dân.
Sự an toàn của ĐHN
“ĐHN rất nguy hiểm, khi có tai nạn như Fukushima thì sẽ tuôn ra nhiều phóng xạ tối độc và làm đất đai bị nhiễm xạ cả trăm năm rất nguy hiểm cho nhiều thế hệ. Ta phải quyết tâm từ bỏ dạng năng lượng này.”
Phát biểu trên là niềm tin của hầu hết người dân và của cả nhiều chuyên gia Việt Nam có quá trình làm việc trong ngành nguyên tử ở Việt Nam hoặc Nga, Pháp và Mỹ. Nhưng đó chỉ là một trào lưu chống đối trong xã hội công dân ai cũng có quyền phát biểu. Sự thực thì nhà máy ĐHN là một nhà máy sản xuất điện vô cùng tối tân, an toàn và có ích lợi cho nhân loại hơn là nhà máy đốt than hiện đang đốt 8 tỉ tấn than mỗi năm (Trung Quốc đốt 50%), tuôn ra khí quyển trên 20 tỉ tấn khí CO2 chắc chắn gây hiện tượng nhà kính với nhiều hậu quả vô cùng ghê gớm như bão táp, hạn hán, và nạn đại hồng thủy. Với kinh nghiệm của trên 400 nhà máy đang sản xuất 3000 tỉ kWh điện mỗi năm (bằng 14% toàn thể điện trên thế giới và gấp 30 lần điện tại Việt Nam), khi chạy bình thường thì có xác suất tới 99.9% là rất an toàn, không gây thiệt hại gì cho người dân và người điều hành. Đồng thời, ĐHN làm giảm bớt 3 tỉ tấn chất khí CO2 mỗi năm, một số lượng rất đáng kể, và sẽ tăng lên nhiều hơn nếu có nhiều ĐHN thay cho than hơn. Nhưng cũng như máy bay có xác suất 0.0001/năm là bị rơi, nhà máy ĐHN có xác suất (nhỏ hơn) là bị tai nạn nóng chẩy gây ra bởi thiên nhiên như Fukushima hoặc bởi con người như Windscale, Three Mile Island và Chernobyl. Khi có tai nạn như vậy, thì phóng xạ tuôn ra rất nhiều, làm nhân viên bị thương hoặc tử vong (như phi công), người dân bị ảnh hưởng lâu dài vì đất đai, nước, thức ăn và không khí bị nhiễm xạ.
Nhiễm xạ và phóng xạ là gì mà lại làm mọi người kể cả khoa học gia dùng làm lý do chống đối ĐHN, và ông Thủ Tướng cũng lấy lý do đó để hoãn xây Ninh Thuận 1?
Mọi người sống với phóng xạ hằng ngày
Sống trên trái đất là sống với phóng xạ. Nôm na ta có thể nói phóng xạ là bất cứ vật gì chuyển động nhanh có thể gây ảnh hưởng xấu khi đụng vào con người, như hòn đá, viên đạn, xe hơi… Khoa học khám phá là các hòn đá, viên đạn, xe hơi đó đều là vật chất, và vật chất nhỏ nhất là nguyên tử, là hạt nhân, là các tia năng lượng chuyển động nhanh tới 300,000 km/giây. Các hạt và sóng vật chất này tràn lan trong vũ trụ (cũng như ngày nay các sóng radio và điện thoại di động tràn lan khắp nơi trên trái đất). Đất đá có uranium, thorium, potassium, carbon… là những hạt nhân tự chúng phát ra các tia alpha (hạt nhân của helium bay nhanh), beta (electron bay nhanh) và gamma (giống ánh sáng mặt trời nhưng mạnh hơn cả triệu lần). Vì thế, sống trên trái đất là sống với phóng xạ. Hơn nữa, ta còn hứng chịu các tia phóng xạ từ ngoài vũ trụ cả triệu lần mỗi ngày, và vì thế đời sống của con người đã “quen” với một liều lượng phóng xạ thiên nhiên là khoảng 310 mrem mỗi năm (xem bảng A và B). mrem là đơn vị đo độ làm hại tế bào khi phóng xạ xuyên vào người).
Nhiễm xạ là bị dính vào chất có mang phóng xạ. Khi nhà máy ĐHN Fukushima và Chernobyl bị nóng chẩy, tuôn ra tỉ tỉ nguyên tử đủ loại mang phóng xạ (như xenon, krypton, iod, cesium, cobalt…) Các phóng xạ này cao hơn mức thiên nhiên cả triệu lần, có thể gây chết người tức khắc. Nếu bị 100,000 – 500,000 mrem thì bị phỏng nặng và có thể tử vong trong vòng vài tuần. Nếu bị dưới 100,000 mrem thì có thể sống nhưng mang hậu quả như ung thư hoặc biến đổi gen. Ngoài ra, các chất mang phóng xạ còn làm cả một vùng đất, nước và không khí bị nhiễm, gây ảnh hưởng lâu dài cho người dân ở gần và đôi lúc cho nhiều người ở xa. Chính viễn tượng nguy hiểm không nhìn thấy, không sờ thấy này đã làm người bình thường sợ phóng xạ như sợ ma. Ma chưa làm chết ai trừ phi ta sợ đứng tim. Phóng xạ bình thường cũng không làm chết ai nhưng vẫn có ảnh hưởng tới đời sống của mọi người như không khí, nước, thức ăn. Một ví dụ hiển nhiên là người phơi nắng nhiều có thể bị ung thư da. Còn bị ung thư vì hút thuốc lá, ăn các chất có độc tố, sống trong khói bụi trong thành phố… thì nhiều lắm.
Nhưng phóng xạ với một liều lượng có kiểm soát thì mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ ta dùng tia X để xem phổi có bị nám, xương có bị gẫy; ta dùng tia beta trong kỹ nghệ để đo lường độ dầy của giấy; ta dùng tia gamma để giữ thực phẩm được lâu; ta dùng chất phóng xạ technetium chích vào máu để chụp được các mạch máu vành tim và biết nơi nào trong vành tim có máu bị tắc.…
Bảng A liệt kê trung bình mỗi người nhận 310 mrem mỗi năm vì phóng xạ có khắp nơi trong thiên nhiên từ đất đá, thức ăn, và tia vũ trụ; có thể cao đến 1000 mrem tùy chỗ ở. Mỗi người lại nhận thêm 80-90 mrem nữa mỗi năm vì chiếu điện trị bệnh, dùng lò vi ba, dùng điện thoại di động, ăn chuối (có nhiều chất potassium có phóng xạ), đi máy bay, ngủ chung một giường (phóng xạ từ xương)…
Sống gần nhà máy đốt than thì cũng nhận khoảng 1 mrem/năm phóng xạ cùng là nhiều chất độc hại gây chết người như arsenic, thủy ngân, nhôm, lưu huỳnh… trong khí thải và bụi tro. Trong khi đó, sống gần nhà máy ĐHN thì bị khoảng 3 mrem/năm, xa hơn 30 km thì bị nhiễm xạ chỉ li ti. Trong trường hợp tai nạn thì lượng phóng xạ một số nhỏ người dân sống gần nhà máy bị nhiễm trước khi di tản có thể là khoảng 20-100 mrem, nghĩa là 10%-30% số lượng phóng xạ của thiên nhiên.
Trên 19,000 người chết năm 2011 vì động đất và sóng thần dọc bờ biển nơi có nhà máy ĐHN Fukushima, nhưng không có người dân nào chết vì phóng xạ do tai nạn nóng chẩy kinh hoàng của 4 trong 6 lò điện hạt nhân! Chernobyl là một tai nạn ĐHN gần giống như một quả bom nguyên tử tịt ngòi, đã giết 81 người trong 3 tuần đầu, thêm 33 người nữa suốt 20 năm sau vì các triệu chứng mà người ta cho là do phóng xạ. Nhưng bảng B cho biết có rất nhiều nguyên nhân giết người nhiều hơn ĐHN cả trăm, cả ngàn lần. Ví dụ, năm 1984 nhà máy Bhopal sản xuất thuốc trừ sâu tại Ấn Độ bị vỡ ống và tuôn chất độc methyl isocyanate đã giết trên 6000 người trong vòng vài ngày, và thêm 4,000-5,000 người nữa trong những tuần kế tiếp, cùng là gây thương tích lâu dài cho cả nửa triệu người dân. Năm 1931, đập nước làm điện trên sông Hoàng Hà tại Trung Quốc vỡ, làm hơn 200,000 bị chết vì lũ lụt. Hằng năm, có hơn 1.2 triệu người chết vì máy nổ ráp trên xe hơi và xe máy… Vậy thì mọi công nghệ tân tiến có sứ mạng làm tốt cho đời sống con người đều có có khả năng gây tai nạn, và tai nạn nóng chẩy nhà máy ĐHN không phải là ghê gớm nhất. Sự thực thì nó giết người ít hơn nhà máy than và các đập nước hiện đang cung cấp 57% điện trên thế giới (ĐHN 14%). Nhưng khi có tai nạn như vậy thì 100% tài sản nhà máy bị mất, và có thể tốn thêm 100-200% nữa tẩy uế phóng xạ. Rủi ro lớn là ở chỗ đó, người đầu tư rất do dự khi phải bỏ tiền vào một công trình còn lâu mới lấy được lời và còn có thể mất trắng tiền vốn.
Mặc dầu người ta đã theo dõi và quyết đoán được các hiện tượng ung thư máu, ung thư giáp trạng, ung thư xương, ung thư phổi của các nạn nhân bị nhiễm xạ nặng tại Chernobyl, số người chết vì các bệnh ung thư đó chưa tới vài trăm sau 20 năm và ngay các con số đó cũng còn bị tranh cãi là có thực do Chernobyl hay không. Trong khi đó, hằng năm có tới 7.6 triệu người chết vì ung thư (sẽ tăng lên thành 13 triệu vào năm 2030– theo tôi, các con số này quá nhỏ, cần phải khảo cứu thêm!) mặc dầu họ không hề bị phóng xạ (nhưng rất nhiều người hút thuốc lá). Các khảo cứu thống kê sức khỏe của cả chục ngàn người làm việc tại các nhà máy ĐHN và trung tâm thử bom Nevada (Nevada Test Site, Mỹ) cho biết không có sự khác biệt nào là đáng kể về tỉ lệ ung thư so với người dân bình thường trong xã hội. Khảo cứu tại Estonia khi theo dõi hơn 4000 người đã được huy động tới tẩy uế phóng xạ cho Chernobyl cũng không thấy có sai biệt gì về ung thư giữa họ và các người khác trong xã hội.
Với các dữ kiện đó, chính người dân bình thường chứ không nói chi tới các nhà khoa học, cũng phải công nhận là ĐHN tương đối an toàn hơn các dạng làm điện khác, trong lúc sản xuất điện cũng như trong khi có tai nạn. Nhà máy ĐHN tại Việt Nam, nếu xây, sẽ không làm người dân chết hoặc làm đất nước chia cắt vì phóng xạ. Nhưng làm nhà máy ĐHN trong lúc ta còn rất nghèo sẽ làm kiệt quệ ngân sách quốc gia, dẫn đường sai cho một lớp sinh viên ưu tú đi học để sau này chỉ có cách đi nước ngoài làm việc. Những sự kiện này ảnh hưởng rất lớn tới giáo dục và sức khỏe cho cả chục triệu con em và người bệnh vì ta thiếu ngân sách xây trường, xây nhà thương, xây đường xá, làm luật lệ cho các việc rất thông thường trong đời sống thay vì dịch lại luật ĐHN ra tiếng Việt càng gây thêm rắc rối cho người điều hành.
Rủi ro sống trên trái đất
Tôi đã lập nên bảng B liệt kê các sự cố làm con người bị tử vong trước thời hạn “già” của thiên nhiên. Người ta ai cũng phải chết; có thể nói 99.99% trong số 90 triệu người Việt Nam, kể cả lãnh đạo và người thánh thiện, đều chết trước 100 tuổi. Các thống kê tại Âu Mỹ còn cho biết hơn 30% lý do người trên 60 tuổi chết vì bị ung thư. Nhưng bảng A đã cho ta biết ung thư có nhiều nguyên do khác, chứ không phải chỉ vì phóng xạ, và lại càng không phải vì phóng xạ do tai nạn nóng chẩy của nhà máy ĐHN.
Ta có thể chết bởi các hiện tượng “trời đánh,” như động đất, lũ lụt, sấm sét, sóng thần, núi lửa, hạn hán…Ta có thể chết vì chiến tranh. Ta cũng có thể chết bởi các sinh hoạt như trèo cao bị ngã, đi tầu bị đắm, đi xe bị đâm, ăn phải chất độc, thủ tiêu bởi xã hội đen!
Là công dân trong một xã hội tự do, người ta thường phản đối các chương trình của chính phủ hoặc của “đại gia” khiến người ta bị “chết lây”! Công tâm mà nhìn vào bảng B, tuy các con số không hoàn toàn chính xác nhưng không là ngụy tạo, thì ta thấy rằng mọi rủi ro đều có tính cách tương đối. Lãnh đạo anh minh là người tìm cách giảm thiểu các rủi ro cho người dân một cách lâu dài bền vững; nhưng họ phải lựa chọn làm gì cho đỡ tốn kém nhất, nhiều người được hưởng lợi nhất, và không đem lại những hậu quả xấu hơn trong tương lai.
Trong khi con người đã quen biết với ánh nắng, sức gió, và sức nước cả chục ngàn năm, ta mới khám phá năng lượng hạt nhân khoảng 80 năm và làm ĐHN khoảng 60 năm. Vậy mà dạng năng lượng này ngày nay cung cấp 3000 tỉ KWh mỗi năm cho nhân loại, đáng giá 200 tỉ USD (gấp rưỡi GDP của nước Việt Nam), bằng 13% toàn thể số điện trên thế giới và nhiều hơn toàn thể số điện con người đã dùng trước năm 1940. Với hơn 400 nhà máy ĐHN đã sản xuất điện từ 20 tới 40 năm, người ta đã có tài liệu rõ ràng là nhà máy ĐHN gây ra ít chết chóc hơn là thủy điện, nhà máy đốt than, thực phẩm độc hại, máy bay, xe hơi… Khi ta phản đối ĐHN vì vấn đề an toàn và nằng nặc đòi không nên dùng nó, thì ta có nên ngưng tất cả các sinh hoạt khác có rủi ro giết người cao hơn ĐHN cả ngàn lần không? Ta có nên bỏ hết các xe cộ hằng năm giết 1.2 triệu người và gây thương tích cho hơn 10 triệu người không? (Tai nạn xe cộ tại Viêt Nam gây tử vong và thương tích gấp hơn 10 lần ở Mỹ, tính theo phần trăm của dân số.)
Dĩ nhiên là không! Vì nhu cầu của đời sống càng ngày càng tiện lợi văn minh nhờ các sáng chế không ngừng, con người cần lựa chọn những gì tương đối đem lại nhiều lợi ích và ít rủi ro; nhưng con người không thể có lợi ích tuyệt đối mà không có rủi ro gì. Chưa có một nhà máy ĐHN nào giết một người dân trong khi sản xuất điện, và nếu có tai nạn vào độ 7 INES như Fukushima và Chernobyl, thì cũng giết ít người hơn một tai nạn ghê gớm tương tự như nhà máy Bhopal bị vỡ (năm 1984), đập nước Hoàng Hà bị bể (năm 1931), máy bay Air France bị rớt (năm 2009), tầu thường chở dân tại Philippines bị đắm (năm 2008), bệnh cúm Á Châu lan truyền (năm 1957) và nhất là chiến tranh giữa người và người.
Tôi không nói bừa là nhà máy ĐHN không nguy hiểm. Tôi chỉ nói rằng sự an toàn của ĐHN không phải là lý do tôi khuyến cáo chưa nên xây nhà máy ĐHN tại Việt Nam. Là một chuyên viên nguyên tử với hơn 40 năm làm việc trong ngành này tại Mỹ, lý do tôi khuyến cáo chưa nên làm ĐHN tại Việt Nam trong vòng 20 năm tới (nghĩa là hết đời tôi!) là vì chúng xây rất lâu, giá rất đắt, phụ thuộc vào nước ngoài hầu như 100%, và với tính khí của người Việt Nam, có khả năng rất cao là điều hành cẩu thả để nhà máy ĐHN nằm chết không tạo điện. Nước ta có thể mất trắng tiền đầu tư là như vậy, và con cháu ta sẽ thiếu học, thiếu thuốc thang, và phải nai lưng làm lao nô cho thế giới để trả nợ cái tội thiếu suy nghĩ đắn đo của ông cha.
Hoãn rồi thì ta nên làm gì?
Mặc dầu tôi biết chắc chính phủ hoãn xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận không phải là nghe theo 8 lý do tôi nêu ở trên, nhưng những lý do đó tồn tại đằng sau quyết định, và ta không nên cho là “ý kiến hoãn xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã thành công!” Chính phủ và chúng ta còn nhiều việc phải làm trong nghĩa vụ tạo điện cần thiết cho kinh tế và đời sống của người dân. Sau đây là một vài ý kiến làm điện và dùng điện thông minh trong tầm tay của ta, dựa theo tám lý do đó.
(1) Vài hành động có thể làm ngay để không cần ĐHN
ĐHN rất cần thiết cho tương lai thế giới nhưng chưa cần thiết cho Việt Nam. Điều này là hiển nhiên vì theo chương trình cũ thì năm 2021-2022 sẽ có ĐHN, trong khi đó thì Việt Nam vẫn phải dùng các dạng năng lượng hiện tại, chủ yếu là đập nước, hơi khí và than. Ta đã làm quyết định quan trọng xây nhà máy ĐHN dựa trên phỏng tính thô sơ về nhu cầu điện. Nhưng nạn thiếu điện và cúp điện vẫn hoành hành trên mọi miền đất nước mặc dầu kinh tế của ta không đạt được mức dự tính và số nhà máy làm điện của ta thừa sức cung cấp điện. Đây là vấn đề quản lý yếu kém. Tôi đề nghị những biện pháp dễ làm sau:
· Tuyển chọn các lãnh đạo chóp bu của EVN là những người có tâm và có tài, quyết chí không làm gì khác ngoài việc làm điện tại Việt Nam cho rẻ tiền, với độ tin cậy cao là luôn luôn có điện.
· Huấn luyện và ưu đãi nhân viên và công nhân các nhà máy sản xuất điện giống như nhà máy ĐHN vì điện nào cũng là điện. Nếu họ được huấn luyện có bài bản và có lương bổng tốt để yên tâm phục vụ thì họ có thể điều hành các nhà máy than sản xuất 90% công suất trong năm thay vì chỉ 62% như dự tính, hoặc làm việc nơi các đập nước để luôn luôn an toàn, không làm lũ lụt ảnh hưởng tới người dân. Tôi đã tính là số điện sản xuất với hiệu năng cao sẽ thừa sức thay thế cho các nhà máy ĐHN như dự tính. Sự an toàn của các nhà máy này cũng sẽ cao hơn nhiều nhờ nhân viên chuyên nghiệp và thiết bị được chăm sóc cẩn thận (như nhà máy ĐHN!)
· Dùng vài phần trăm ngân sách của ĐHN để thực hiện ngay việc bán rẻ các bóng đèn huỳnh quang dùng điện ít hơn các bóng đèn tungsten 60% mà vẫn có thể phát ánh sáng tương tự. Việc này có thể thực hiện trong vòng 5 năm bằng phương pháp thị trường, không tham nhũng; trước hết là nhập khẩu bóng đèn này, sau là khuyến khích xây nhà máy làm đèn huỳnh quang liên doanh với một hãng nước ngoài như General Electric, Phillips …và giao cho doanh gia tư nhân thực hiện với một luật lệ và giá cả minh bạch. Như vậy là tạo việc làm cho người dân trong khi tìm kế không cần ĐHN.
· Thực hiện ngay một quy trình giá điện dựa trên số điện cần dùng và thời giờ ban ngày hay ban đêm. Việc này EVN đang làm nhưng chưa được phổ quát. Nên dùng 1-2% tiền dự tính cho ĐHN để mua các điện kế thông minh, có thể giúp thực hiện quy trình này một cách minh bạch.
· Nên khuyến khích người dân dùng công nghệ bịt kín các phòng có máy điều hòa không khí để các máy này dùng ít điện hơn. Như vậy là tạo thêm một ngành nghề nuôi sống nhiều công nhân.
· Dùng vài phần trăm tiền đầu tư cho ĐHN để mua thiết bị canh tân hệ thống phân phối điện tại thành thị, dùng các dây điện lớn và hệ thống thông minh để sự mất mát giảm bớt từ 5 – 7% xuống 2 – 3%. Như vậy cũng tạo thêm việc làm.
· Khuyến khích tư nhân làm thủy điện nhỏ bằng cách mua lại điện do họ sản xuất bằng với giá ta trả cho Trung Quốc. Chinh phủ chỉ cần làm luật lệ thật rõ ràng minh bạch về an toàn cũng như về môi trường. Mọi việc khác thị trường tự do sẽ làm trôi chẩy, nhanh chóng.
Tất cả các ý kiến trên và nhiều ý kiến khác của người trong cuộc đều có thể thực hiện trong khả năng của ta và ít tốn tiền hơn ngân sách dành cho ĐHN. Chúng lại tạo ra nhiều công nghệ sản xuất và phục vụ, tạo được nhiều công việc cho người dân.
(2) Nguồn năng lượng mới
Là một nước đi sau, ta cũng bắt chước thế giới khuyến khích “năng lượng xanh” và “năng lượng tái tạo.” Nhưng ta không thể bắt chước tất cả những gì các nước giầu gấp 10-30 lần nước ta vì ta phải dành tiền làm các việc tối thiểu cho người dân trước, như thực phẩm, y tế, giáo dục, cứu nguy. Ta đang dùng năng lượng xanh hằng ngày trồng lúa gạo nuôi 90 triệu người và còn xuất khẩu. Và sở dĩ giá điện của ta rẻ hơn 0.1 USD/kWh là vì ta dùng năng lượng tái tạo với rất nhiều đập nước. Nhưng năng lượng tái tạo như tuabin gió, ánh nắng… hãy còn rất đắt so với điện từ đập nước và nhà máy đốt than, đốt hơi khí. Ta có 90 triệu người dân, bằng 1.3% số dân trên thế giới, nhưng số than ta đốt chỉ bằng 0.5% người ta đốt than trên thế giới. Vì thế, ta có đốt than làm điện cả năm thì cũng chỉ bằng Trung Quốc đốt than bốn ngày. Ta không nên xuất khẩu than nữa, và nên xây nhà máy than tân tiến chỉ mất 3-4 năm và giá lại rẻ hơn nhà máy ĐHN tới 30 – 40%.
Một trong những lý do chính phủ hoãn xây nhà máy ĐHN cũng vì Dầu Khí Việt Nam (PVN) đã cộng tác với các hãng nước ngoài tìm thêm được dự trữ hơi khí tăng gấp nhiều lần khi trước. Lý do thứ 7 tôi đưa ra ở đầu bài là ta nên hợp doanh với các hãng dầu của Mỹ để tìm xem ta có khí đốt trong các đá phiến (thuỷ tra) như ở Mỹ và nhiều nơi khắp thế giới không. Nếu tìm được thì ta thừa sức có an toàn năng lượng cả trăm năm. Việc dùng kỹ thuật mới gọi là khoan ngang (horizontal drilling) và khoan bạch tuộc (octopus drilling) cộng với kỹ thuật ép vỡ đá dưới sâu 300 – 3000 mét (gọi là fracking) đã giúp nước Mỹ tìm được dự trữ khí đốt có thể dùng hơn 100 năm, và lại bơm thêm được dầu để vượt qua cả Nga trong năm nay. Ta nên dùng vài phần trăm tiền dành cho ĐHN để kỹ sư Việt Nam cộng tác với kỹ sư thế giới tìm nguồn khí đốt trong đá phiến và tìm cách xử dụng hơi khí từ mỏ than đồng bằng sông Hồng. Việc này là tận dụng khoa học gia và kỹ sư Việt Nam đã có sẵn, thay vì phải gửi người đi học ĐHN từ abc.
(3) SMR: Điện hạt nhân đặc thù
Lý do thứ 8 tôi đưa ra ở đầu bài là nếu ta còn quyết tâm so vai thích cánh với quốc tế về ĐHN thì tôi đề nghị ta phải làm sao để việc này có lợi cho kỹ sư và lao động Việt Nam, cho người dân Việt Nam, và cho con cháu của ta trong tương lai. Lặp lại bước đường ĐHN (dù là đời thứ ba như ở Phần Lan) đầy chông gai của các hãng sản xuất điện tại Mỹ, Nga, Nhật, Hàn …, không phải là một chính sách minh mẫn, khi mà ngày nay ta có nhiều tai mắt tại nước ngoài chứ không bịt mắt bịt tai như thời Tự Đức của thế kỷ 19. Vậy thì ta làm được gì trong khi các nước khác giầu gấp 10 – 30 lần nước ta và đã đi trước ta 30-40 năm về địa hạt ĐHN? Thật là ảo tưởng nếu không nói là mê muội khi có người cường điệu là chương trình ĐHN sẽ giúp ta có kỹ thuật cao, có đầy đủ điện, có thể làm các dịch vụ nguyên tử, và mai kia có thể “làm tất, tại sao không?” từ việc khai mỏ uranium cho tới việc xử lý chất thải. Họ đâu có biết là công tác này có nhiều chặng đường mà mỗi chặng đều cần một đội ngũ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm thực tế và một ngân sách tính theo tỉ USD. Tuyên bố như vậy không có lợi gì cho người dân, cho đất nước, mà còn có hại là đằng khác.
Nhưng ta có một cơ hội làm Việt Nam có thể hội nhập ĐHN và đồng thời tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đó là cộng tác với Nga và Mỹ xây một số nhà máy ĐHN nhỏ (8 nhà máy 250 MWe tương đương với 2 nhà máy 1000 MWe Ninh Thuận.) Các nhà máy này sẽ sản xuất trong công xưởng tại Mỹ hay Nga, đặt trên bè nổi đóng tại Việt Nam, rồi kéo đi neo gần các thành phố cần điện như Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Mỹ Tho, Cần Thơ, Hà Tiên. Mỹ và Nga đang chạy đua xây các nhà máy nhỏ này nhưng chưa có thị trường vì các nước có kinh tế lớn cần các nhà máy lớn.
Nhà máy ĐHN nhỏ viết tắt là SMR (small modular reactor) là loại lò có công suất bằng 1/3, 1/4 nhà máy Ninh Thuận. Vì nó nhỏ hơn nên người ta có thể chế tạo ngay trong công xưởng như máy bay chứ không phải ráp tại địa phương như hầu hết các nhà máy ĐHN ngày nay. Hai thực tế kinh tế khử nhau: nhỏ thì đắt hơn tính theo USD/kW, nhưng làm một loạt (modular) trong nhà máy thì rẻ hơn, cũng tính theo USD/kW. Đặt lò trên bè thì người ta đã có nhiều kinh nghiệm, như đặt lò trong tầu ngầm nguyên tử hoặc hàng không mẫu hạm nguyên tử, hoặc tầu xẻ băng nguyên tử. Một nhà máy ĐHN trên bè thì ít lo về nạn động đất (có nước đệm như lò so) và sóng thần (sóng thần chưa bao giờ phá hủy một công trình xi măng cốt sắt to lớn.)
Phong trào xây SMR đang tiến triển khả quan tại Nga và Mỹ. Với ý kiến làm FSMR (floating SMR nghĩa là SMR nổi) ta có thể liệt kê các lợi điểm sau:
· FSMR sẽ rất an toàn vì đã học được các bài học của các lò ĐHN trên tầu ngầm và hàng không mẫu hạm cùng là các bài học an toàn của các nhà máy lớn;
· FSMR sẽ chỉ thay nhiên liệu 3-4 năm một lần chứ không 1-2 năm như Ninh Thuận, và việc xử lý nhiên liệu sẽ được bảo quản bởi những nước lớn;
· FSMR không sợ động đất, sóng thần, mưa gió, bão táp;
· FSMR có thể neo gần nơi cần điện, làm tăng độ tin cậy và giảm mất mát vì truyền điện từ xa;
· FSMR sẽ đáp ứng nhu cầu điện của các nước có nhiều đảo như Phi, Indonesia, Nhật; các nước có bờ biển và kinh tế nhỏ tại Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu; các nước có nguy tai động đất như Nhật, Phi, Indonesia, Iran, Turkey, Haiti và ngay cả California của Mỹ…
Vấn đề căn bản là “giá bao nhiêu?” Nếu chúng chỉ đắt như các nhà máy lớn, nghĩa là khoảng 5000 USD/kWe, thì “bài toán đã giải xong!” Thường thì chúng đắt hơn khi các nhà sản xuất còn phải xây thiết bị công xưởng. Nhưng họ sẵn sàng xây vì thị trường tương lai rất lớn (theo cơ quan năng lượng quốc tế–International Energy Agency–ở Paris, thì 90% các nhà máy điện mới sẽ được xây tại các nước đang mở mang), đáng giá nhiều ngàn tỉ USD (1,000,000 MWe x 1,000 kWe/MWe x 5,000 USD/kWe = 5,000 tỉ USD). Thế giới càng ngày càng cần nhiều điện, bởi vì 6 tỉ trong số 7 tỉ con người đều mong muốn có một đời sống đầy đủ như số 1 tỉ người may mắn kia. Và nạn hâm nóng khí quyển sẽ không cho phép các nước lớn có lương tâm ngoảnh mặt để thế giới tiếp tục đốt than ào ạt như Trung Quốc đang làm. Các nước lớn sẽ khuyến khích và giúp đỡ các nước nhỏ dùng FSMR thay vì đốt than, đốt dầu.
Cơ hội của Việt Nam ở đâu? Đó là ở nơi chưa có hãng điện nào đặt mua SMR cả. Ta có thể xung phong với các nước lớn như Nga và Mỹ, để làm SMR nổi ở nước ta trước, sau đó làm bán cho các nước có bờ bể như Philippines, Indonesia, Thailand, Myanmar, Phi Châu, Nam Mỹ, và ngay cả các nơi khác như Nhật nếu như giá điện rẻ hơn các cách làm điện khác. Xung phong như vậy, với phương pháp BOT (build-operate-transfer — người thầu tại Nga, Mỹ phải xây, điều hành trong nhiều năm, sau đó nhượng lại cho ta điều hành) thì ít rủi ro kinh tế tài chính, ta sẽ có điện, có cơ hội học hỏi tiên phong chứ không phải theo đuôi các nước khác, và nhất là có cơ hội gây dựng lại Vinashin và Vinalines là hai tập đoàn hàng đầu của ta đã ấu trĩ và tham nhũng làm hư hại nặng cho kinh tế và tương lai quốc gia.
Nếu có quyết tâm đổi mới chương trình ĐHN thì Việt Nam bắt đầu như thế nào? Bắt đầu phải do cấp cao nhất của nhà nước nói chuyện với cấp cao nhất của Nga hoặc Mỹ. Họ cạnh tranh với nhau, nước nào cho ta giữ nhiệm vụ đóng bè thì ta làm. Dịch vụ này khiến ta có một kỹ nghệ lâu bền, giúp nhiều chục ngàn công nhân có việc, từ từ học hỏi để càng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Ta sẽ quen với chuẩn mức rất cao của quốc tế. Kỹ sư của ta sẽ có dịp tiếp xúc và làm song song với các kỹ sư quốc tế đang cạnh tranh nhau làm một SMR tốt nhất, an toàn nhất, rẻ nhất để có một thị trường lớn nhất.
Cơ hôi này sẽ tan biến trong một hai năm. Ta có nên thử để khỏi nhỡ tầu thêm một lần nữa không?
____________________________________________
* Ông Phùng Liên Đoàn chuyên về ngành nguyên tử và môi trường, đã làm việc trong các ngành này tại Mỹ hơn 40 năm. Ông đã tham gia vào việc kiến tạo 4 nhà máy ĐHN và khảo cứu sự an toàn của nhiều nhà máy loại PWR, BWR và HTGR. Ông cũng đã đấu thầu thành công trong chương trình tẩy uế phóng xạ và chương trình an ninh hạt nhân tại hầu hết các trung tâm nguyên tử của Mỹ. Ông là một tư vấn cho chính phủ Mỹ trong nghiên cứu WASH-1400 năm 1972, một nghiên cứu quan trọng đầu tiên trên thế giới về sự an toàn của nhà máy ĐHN. Ông có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về kỹ thuật nguyên tử tại Massachusetts Institute of Technology. Nay về hưu, ông đã nguyện đem hết tài sản của mình cộng tác với hơn 50 hội từ thiện giúp trẻ em, người già, người bệnh, người có nhu cầu bức thiết tại Việt Nam.
Phụ bản: Hình TS Phùng Liên Đoàn bàn luận với các khoa học gia Mỹ và Nga năm 2010 về ĐHN nổi
Chú thích ảnh: Chụp ngày 10/11/ 2010 tại cuộc họp quốc tế của Hội American Nuclear Society
Ngồi, từ trái qua:
TS Charles Newstead, viên chức cao cấp về nguyên tử của Bộ Ngoại giao Mỹ.
TS Phùng Liên Đoàn, Chủ tịch công ty nguyên tử và môi trường Professional Analysis, Inc.
Đứng, từ trái qua:
TS Alvin Trivelpiece, nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ về khoa học kỹ thuật, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Nguyên tử 5000 người Oak Ridge National Laboratory, Tennessee.
Viện sĩ Evgeniy Velikhov, TGĐ Viện Nghiên Cứu Kurchatov, Moskva. Ông Velikhov chúc Việt Nam và Nga có thể xây 1000 nhà máy ĐHN trên bè (công suất khoảng 300 MWe mỗi bè) tại bờ bể các nước đang mở mang, với sự bảo đảm an toàn và nhiên liệu bởi các cường quốc.
TS Andrew Kadak, nguyên Hội Trưởng Hội Nguyên Tử Mỹ (20.000 hội viên), bạn học của PLĐ.
Bảng A: Sự tương đối của phóng xạ và ung thư trong đời sống con người
(Các con số dưới đây là trung bình, dựa trên nhiều đo lường tại nhiều nơi. Người đọc có thể tự tra cứu trên Wikipedia và sẽ thấy lượng nhiễm xạ và trường hợp ung thư có thể gấp 10 lần các con số dưới đây tùy địa phương, nhà cửa, và cách sinh sống của từng người trên trái đất)
NGUỒN PHÓNG XẠ
|
Lượng nhiễm xạ
|
So với thiên nhiên |
|
Đơn vị mrem/năm
|
Đơn vị micro-Sv /năm |
||
THIÊN NHIÊN · Radon-222 trong không khí · Potassium-40 trong cơ thể · Uranium, thorium trong đất đá · Tia vũ trụ, xuyên tới mặt đất · C-14 và các sản phẩm của tia vũ trụ |
229 31 19 27 4
|
2,290 310 190 270 40
|
74% 10% 6% 9% 1% |
CỘNG
|
310 |
3,100 |
100% |
NHÂN TẠO · Chiếu tia X (phổi, xương, răng) · Chích phóng xạ tìm bệnh tim, não · Thực phẩm, đồ tiêu dùng (TV, vi-ba, ĐT) · Đi máy bay · Bụi phóng xa do việc thử gần 2000 quả bom nguyên tử · Sống gần nhà máy đốt than · Sống gần nhà máy ĐHN |
50 14 10 3-10 3 1 3
|
500 140 100 30-100 30
10 30 |
16% 5% 3% 1-3% 1%
0.3% 1%
|
|
|
||
CỘNG |
84-91 |
840-910
|
27-29% |
Tai nạn lò ĐHN nóng chẩy
|
Công nhân cấp cứu tại nhà máy chết vì phóng xạ
|
Số người dân chết trong vòng 30 năm |
|
Số người chết trong vòng 1 tháng
|
Số người chết trong vòng 20 năm
|
||
· Anh: Windscale, 1957 · Mỹ: Three Mile Island, 1978 · Nga (Soviet Ukraine): Chernobyl, 1986 · Nhật: Fukushima Daiichi, Nhật, 2011 |
0 0 81 0 |
0 0 114 chưa biết |
0 0 chưa biết chưa biết |
UNG THƯ |
Người chết /năm
|
% |
Chú thích |
Toàn thế giới |
7,600,000 (sẽ tăng tới 13.1 triệu vào năm 2030) |
100 |
World Health Organization và Wikipedia |
· Vì thức ăn |
2,300,000 |
~30 |
|
· Vì thuốc lá và bụi than |
1,700,000 |
~22 |
|
· Vì HIV, HBV, HCV, HPV |
1,500,000 |
~20 |
|
· Vì các lý do khác (kể cả phóng xạ thiên nhiên) |
2,100,000 |
~28 |
|
· Vì phóng xạ nhân tạo |
0-50 (tùy năm) |
<0.01 |
|
Bảng B. Rủi ro sống trên trái đất
(Con người trên trái đất có 99.9% rủi ro là chết trước 100 tuổi! Nhưng có thể chết sớm hơn vì nhiều lý do, như vài ví dụ dưới đây. Người viết đã ghi chép các dữ liệu từ nhiều văn kiện trên Wikipedia. Các con số có thay đổi chút it khác nhau, nhưng người viết đã dung hòa những dữ liệu khách quan và đáng tin nhất. Người đọc nên kiểm chứng.)
Nguyên nhân |
Số người chết
|
Ghi chú |
|
CHẾT VÌ THIÊN TAI (rất nhiều, dưới đây là một vài thí dụ lớn)
|
Các con số trong bảng này đã được tham khảo trên Wikipedia, và chỉ có thể tin một cách tương đối
|
||
1. Động đất · 1556 Shaaxi, Trung Quốc (TQ) · 1976 Tangshan, Trung Quốc (TQ) · 2008 Sichuan, (TQ) 2. Sóng thần · 2004 từ Sumatra tỏa khắp Ấn Độ Dương · 2011 Tohoku (Fukushima), Nhật
3. Lũ · 1887 Hoàng Hà + Dương Tử, TQ · 1931 Hoàng Hà, TQ
4. Giông tố, lốc · 1970 Bhola, Bangladesh · 2005 Katrina, Mỹ
· Gió lốc · Hayan–Philippines, 2013
5. Hạn hán, chết đói · 1900 Ấn độ · 1921-22 Liên Xô · 1932 Liên Xô-Ukraine
· 1936 Sichuan, TQ · 1941 Sichuan, TQ 6. Bệnh dịch · 1918 Cúm khắp thế giới · 1957 Cúm Á Châu · Sốt rét ngã nước mỗi năm 7. Núi lửa · 1985 Armero, Colombia
|
~830,000 ~243,000 61,150
229,000
19,000
900,000–2,000,000 800,000–4,000,000
~500,000 Vài trăm người chết, thiệt hại 200 tỉ USD
nhiều ngàn mỗi năm >6,000
250,000–3,250,000 5,000,000–10,000,000 3,500,000—7,000,000
~5,000,000 ~2,500,000
~50,000,000 ~1,000,000 ~1,600,000
23,000
|
Phỏng đoán “ Nhiều trường học xây thời cộng sản bị sụp
Bốn lò ĐHN trong số 6 lò tại Fukushima bị nóng chẩy nhưng chỉ có hai công nhân chết vì tai nạn kỹ nghệ trong nhà máy.
Phỏng đoán “
Tại Âu Mỹ người ta phòng bị kỹ lương hơn, cứu sống nhân mạng nhậy bén hơn, nhưng thiệt hại về của cải đắt tiền thì nhiều hơn. Người chết nhiều nhất vì giông tố và lụt lội là tại vùng nghèo và đông.
Hạn hán và thanh trừng bỏ đói do chính sách Holodomor của Stalin
Phỏng đoán trong thời Nhật hoành hành “ Lịch sử gọi là cúm Tây Ban Nha
Số này càng ngày càng ít nhờ diệt trừ muỗi Chính phủ không báo động cho dân |
|
CHẾT DO TÔN GIÁO, CHÍNH TRỊ Các con số người bị chết vì các lý do tôn giáo và chính sách so với dân số trong lịch sử, là rất lớn. Nguy hiểm của ĐHN là rất nhỏ cho sự đời sống của con người. |
Năm 1000 BC 00 AD 500 1000 1500 1650 1750 1800 1900 1930 2000 2013
|
Phỏng tính dân số trên thế giới 50 M 200 M 300 M 400 M 500 M 600 M 900 M 750 M 1600 M 2000 M 6000 M 7000 M
|
|
1. Cả ngàn chiến tranh trong 2000 năm lịch sử con người. Ví dụ
· Loạn An LuShan, 755-763 · Mông Cổ chinh phục thế giới, 1206-1368 · Minh –Nguyên, 1340-1368 · Timur, 1369-1405 · Thanh–Minh, 1616-1662 · Thái Bình Thiên Quốc, 1851-1864 · Chiến tranh Bắc Nam Hoa Kỳ, 1861-1865
· Đế Quốc Nhật, 1894-1945 · Thế chiến I, 1914-1918 · Thế chiến II, 1939-1945
· Chiến tranh Triều Tiên, 1950-1953 · Chiến tranh Việt Nam, 1955-1975
2. Chết đói do chính sách · Soviet, 1921-1922 · Soviet, 1932-1939
· Ấn Độ, 1943 · Việt Nam, 1945
3. Ngục tù, do chính sách · Soviet, 1917-1953 · Trung Quốc, 1949-1976 |
13—36 triệu
30—70 triệu ~30 triệu 15-20 triệu ~25triệu ~100 triệu 400,000—800,000
5-30 triệu 15-65 triệu 40-72 triệu
400,000—4,500,000 800,000—3,000,000
5-10 triệu 3.5-7 triệu
1.5-4 triệu ~ 2 triệu
8-61 triệu 49-78 triệu |
Các con số này theo % là to kinh hoàng so với dân số vào hồi đó “ “ “ “
Bất đồng vì chinh sách nô lệ da đen. Miền Bắc hòa giải hòa hợp một cách quân tử sau khi miền Nam thua trận và đầu hàng Chính sách đế quốc Nhật Chính sách đế quốc Đức Phổ Chính sách phát xít Hitler và Nhật
Chính sách bành trướng cộng sản Chiến tranh ủy nhiệm tư bản–CS
Nga có hạn hán 5-7 năm một lần. Chính sách Để Cho Chết Đói (Holodomor) của Stalin làm hơn 3.5 triệu người Ukraine chết đói Thiên tai, chính sách của Nhật, Anh Chính sách của Nhật, Pháp
Lenin, Stalin Mao Trạch Đông |
|
CHẾT HẰNG NĂM DO SỰ TỰ CHỌN 4. Xe hơi, xe máy
5. Khai mỏ than, mỏ dầu, khoáng sản 6. Hút thuốc lá 7. Tai nạn ăn uống thức độc hại
8. Tai nạn kỹ nghệ
9. Tai nạn chết đuối
10. Tai nạn rơi phi cơ
|
~1,250,000/năm
6,000-7,000/năm ~2,700,000/năm Nhiều chục triệu/năm
>2,200,000/năm
388,000/năm
1000—4000/năm |
Ngày càng tăng vì càng đông người đi xe
80% tại TQ Nhiều trăm triệu bị ngộ độc, ~10 % chết Á châu và Phi Châu bị bệnh gấp 10 lần Âu Mỹ Ngày càng giảm nhờ chính sách Các nước đang phát triển có người chết gấp 10 lần Âu Mỹ Rất lớn tại các nước Đông Nam Á
Phi cơ nhỏ tai nạn nhiều hơn nhưng it người chết hơn |
|
CHẾT DO TAI NẠN KHÔNG TỰ CHỌN
11. Tai nạn nhà máy Bhopal, 1984 12. Tai nạn vỡ đập nước · Banqiao và Shimatan, TQ, 1975 · Machchu-2, Gujarat, India 1979
13. Tai nạn ĐHN Windscale, 1957 14. Tai nạn ĐHN Three Mile Island
15. Tai nạn Chernobyl
16. Tai nạn ĐHN Fukushima
|
8,000-20,000
171,000 1850—25,000
0 0
81 (3 tuần)+ 33 (tới 2008)
2 (vì tai nạn kỹ nghệ trong khi đối phó với sự cố)
|
>560,000 bị thương
Không ai tản cư 140,000 tản cư, về lại trong vòng 3 tuần
350,000 tản cư
37 bị thương, 2 bị nhiễm xạ nặng, 57,000 còn tản cư (2013) |
|
RỦI RO BỊ CHẾT DO CÁCH LÀM ĐIỆN, 1969-2000 (World Nuclear Association, 2013)
1. Đốt than 2. Đốt dầu và hơi khí 3. Thủy điện
4. ĐHN
|
Các nước OECD* (người chết /1000 tỉ KWh) 127 85 3
<0.01 (người viết đã gồm Fukushima mặc dầu tai nạn này là sau năm 2000) |
Các nước ngoài OECD* (người chết /1000 tỉ KWh)
597 111 10,285 (vì tai nạn lớn ở TQ và nhiều đập nước tại các nước đang phát triển xây cẩu thả)
48 (gồm Chernobyl ) |
|
* OECD = Organization for Economic Cooperation and Development, gồm 34 nước “phát triển” trong đó có Nhật và Hàn nhưng không có Nga và Trung Quốc
Tài liệu 7: