Lá phiếu quật cường của người da trắng

Trần Ngọc Cư

Các phong trào dân túy đang diễn ra khăp các nước phương Tây có một đặc tính chung là chống lại sự nhập cư ồ ạt của người nước ngoài. Không riêng gì ở Mỹ, nơi mà tôi thấy trên TV tại nhiều địa điểm bỏ phiếu người da trắng đã sắp hàng dài gần như vô tận, có khi phải đợi cả 4, 5 giờ mới đến lượt mình bỏ lá phiếu. Hình ảnh này cho thấy nền dân chủ Mỹ vẫn còn vận hành rất tốt đẹp.

Qua bao năm chứng kiến các khối dân thiểu số hợp pháp lẫn bất hợp pháp lợi dụng nhà nước phúc lợi Mỹ (the American welfare state) trong lúc họ phải nai lưng đóng thuế hoặc mất công ăn việc làm, giới công nhân da trắng chọn thời điểm này để vùng dậy một lần, vừa để chống trả một hệ thống mà họ cho là bất công, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Đấy là chưa nói đến làn sóng di dân từ các nước Hồi giáo không những mang theo Allah để chọi với God mà còn có khả năng mang theo khủng bố nữa. Theo Fareed Zakaria, chủ nhân trương trình GPS trên CNN, xung đột văn hóa giữa phe Cộng hòa bảo thủ và phe Dân chủ tự do – bình đẳng còn xoay quanh vấn đề 3G (God, Guns và Gays [LGBT]), vì vậy sự xung khắc của hai phe không thuần kinh tế. Sự nghiệp của Donald Trump nếu không sáng chói trong lãnh vực kinh tế đi nữa, cũng sẽ để lại cho hậu thế dấu ấn của một nỗ lực phục hồi các giá trị truyền thống Anglo-Saxon như văn minh Thiên Chúa Giáo và tính ưu việt của người da trắng (white supremacy), chí ít cũng là niềm an ủi cuối đời của các tầng lớp da trắng già nua.

Tôi bỏ phiếu cho Hillary Clinton vì một lý do duy nhất là hi vọng bà sẽ theo đuổi đến nơi đến chốn chiến lược “Xoay trục qua châu Á” và Hiệp định TPP, như là một nỗ lực chống sự bành trướng của Trung Quốc, một sự bành trướng trước hết xâm phạm biển đảo của Tổ quốc tôi. Nhưng mặc khác, tôi cũng biết được rất nhiều người thiểu số vừa đi làm lấy tiền mặt (để khai không có lợi tức) vừa đục khoét nhà nước phúc lợi Mỹ (hưởng đủ thứ trợ cấp) trong khi rất ít người da trắng lạm dụng như vậy. Công bằng mà nói, lá phiếu da trắng là một hành vi quật cường đã đưa Donald Trump lên làm vua. Một người ngã mạn, tự cao tự đắc như Trump, được làm vua là ưu tiên số một. Vì vậy ta có thể hi vọng việc triều chính của y sẽ do các chính khách thông thái (statesmen) đảm trách.

Dẫu sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi cho thấy thể chế dân chủ chưa đến nỗi liệt kháng. Tôi tin vào thể chế này, vì bốn năm sau nếu Trump không đáp ứng nguyện vọng của đa số, ông ta sẽ bị cho thôi việc. Hiến pháp và các định chế dân chủ Mỹ luôn luôn cho nước này một cơ hội để “gượng dậy từ các lỗi lầm của mình.” Nếu có một viễn kiến lịch sử, chúng ta không nên buồn vì những bất bình diễn ra trong cận cảnh.

T. N. C.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.