Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được TKV – tập đoàn Than khoáng sản trực thuộc Chính phủ Việt Nam – chính thức khởi công vào tháng 5 năm 2009 mà không thông qua Quốc hội do “sáng kiến” ranh ma của các vị lãnh đạo TKV – nghe nói được sự mách nước của một nhân vật rất cao trong tứ trụ – chia nhỏ thành nhiều hạng mục để số lượng tài chính đổ vào từng hạng mục không vượt ngưỡng phải trình cho Quốc hội, đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ mà kiến nghị phản biện của ba người: Nguyễn Huệ Chi – Phạm Toàn – Nguyễn Thế Hùng chỉ trong mấy ngày đã thu được hàng ngàn chữ ký của trí thức và nhân dân trong ngoài nước làm chấn động dư luận, dẫn đến việc trang Bauxite Việt Nam ra đời, trở thành diễn đàn phản biện đối với nhiều chính sách sai lầm, khiếm khuyết của Nhà nước Việt Nam cũng như những hoạt động vụ lợi làm mất lòng dân của các nhóm lợi ích sân sau của các quan chức cỡ lớn trong các bộ ngành của Chính phủ.
Tiếp sau dự án khai thác bauxite, khi dư luận bất bình đang ở mức cao trào chưa kịp hạ nhiệt, thì dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận lại được EVN – Tập đoàn Điện lực trực thuộc Chính phủ Việt Nam – trình ra, như muốn ganh đua với TKV trong việc tiêu tiền nhà nước, trút gánh nặng lên đầu dân mà không tính toán thấu đáo lợi hại về sau như thế nào. Diễn đàn Bauxite Việt Nam đương nhiên lại phải đảm đương trọng trách phản biện một cách kịp thời để những cái đầu “say dự án” – hay là say tiêu tiền – vô tội vạ kịp tỉnh ngộ ra, cũng như giúp Chính phủ tham khảo những kiến giải thấu đáo của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành, nhằm nhìn lại một cách đầy đủ và sáng suốt trước khi có quyết định cuối cùng có thể mang lại hạnh phúc hoặc gây thảm họa tày trời cho đất nước. Trong số các chuyên gia viết bài theo lời mời của chúng tôi, có GS Phạm Duy Hiển (trong nước) và Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn (ở Hoa Kỳ) và một số người khác, là những cộng tác viên gần gũi, cố vấn tin cậy của BVN trên vấn đề này.
Bảy năm qua đi. Trong khi dự án khai thác bauxite Tây Nguyên được TKV nhanh chóng triển khai ở Tân Rai và Nhân Cơ và cũng nhanh chóng gây ra nhiều hệ lụy đáng sợ, hứa hẹn một sự thua lỗ và thoái hóa môi trường không thể lấy gì bù đắp, thì dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng được EVN âm thầm chuẩn bị từng bước, làm cho dân chúng cả nước, nhất là nhân dân Ninh Thuận, sống trong một không khí nơm nớp không yên. Bỗng nhiên vài ngày nay, bất ngờ có tin Chính phủ vừa trình lên Quốc hội xin dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lại, chưa tiến hành trong giai đoạn này. Sau rất nhiều sự cố dồn dập về biển chết, về lụt lội… từ tháng Tư 2016 đến nay, làm cả nước xiêu liêu vì hậu quả thất nghiệp của nghề đánh bắt, nuôi hải sản, nghề làm muối, sự tan hoang đồng điền, nhà cửa cũng như vô số cái chết thương tâm của nhân dân miền Trung nghèo khó mà nguyên nhân cũng chính là những dự án dính dáng đến bàn tay lợi ích của quan chức chế độ – từ Formosa Vũng Áng đến các thủy điện như Hố Hô Hà Tĩnh, Sông Cầu Phú Yên… – thì đây là một tin quả hết sức đáng mừng. Dù vì bất cứ lý do gì, cạn tiền, không vay được tiền theo chế độ ưu đãi, hay đã nhìn thấu sự nguy hại của một dự án vẽ ra theo mơ hơn là dựa trên yêu cầu tính toán kỹ thuật nghiêm túc, thì dừng lại việc xây điện hạt nhân trong lúc này là một phúc lớn cho nhân dân Việt Nam.
Nhân tin “dừng điện hạt nhân Ninh Thuận” đang được các báo chí nhà nước loan tải gây náo nức cho dư luận, BVN có mời Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn – người có hơn 50 năm xây dựng điện hạt nhân cho Chính phủ Hoa Kỳ – đánh giá tổng quát lại những gì ông đã kiên trì góp ý với Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm qua về việc nên hay không nên tiến hành xây dựng điện hạt nhân trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện tại của nước ta; không nên vì lẽ gì và nếu buộc phải tiến hành thì cần tiến hành theo phương thức cẩn trọng từng bước như thế nào để đạt được hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường cho Việt Nam. Cũng nhân đây, để khôi phục lại những bài viết của TS Phùng Liên Đoàn từng đăng trên BVN mà giờ đây không thể tìm lại do các trang BVN cũ đã bị ai đó cố tình đánh sập, chúng tôi có xin lại các bài ông đã viết và xin đăng lên cùng lúc thành một chùm, làm một trang chuyên mục dành riêng cho vấn đề Điện Hạt Nhân trong số báo ra trong một vài ngày tới, nhằm giúp bạn đọc xa gần nhìn lại tường tận một quá trình bảy năm phấn đấu vì mục tiêu dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhằm giảm bớt một nguy cơ gây thêm gánh nặng nợ nần vốn đã ngập tới cổ, và quan trọng hơn là nguy cơ gây thêm những tai họa khủng khiếp về môi trường khó lòng cứu vãn không chỉ riêng cho vùng đất Ninh Thuận.
Bauxite Việt Nam
Hoa Kỳ, 16-11-11
Thưa hai anh Phạm Xuân Yêm và Nguyễn Huệ Chi,
Các anh đề nghị tôi cho ý kiến về việc Chính phủ Việt Nam, thông qua Điện lực Việt Nam (EVN), sẽ trình Quốc hội hủy bỏ chương trình điện hạt nhân cho tới năm 2030. Quả thật đây là một tin mới, nhưng mới với tôi là Chính phủ đã bừng tỉnh sau 7 năm nhắm mắt bịt tai không nghe tiếng nói của nhiều người có kinh nghiệm về ĐHN từ năm 2009. Thực vậy, nhiều trí thức trong nước như Giáo sư Phạm Duy Hiển và Hoàng Xuân Phú, cùng nhiều người có kinh nghiệm thực tế làm việc xây nhà máy ĐHN tại nước ngoài như Tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn, đã nhiều lần cảnh báo Chính phủ là chương trình ĐHN của Việt Nam không thực tế và rất tốn kém cho đất nước. Tôi đề nghị các anh hỏi thêm ý kiến của quí vị đó.
Từ lâu tôi đã không màng tới chuyện ĐHN tại Việt Nam nữa, vì những gì biết thì đã viết đã nói rồi, đã hân hạnh được đăng trên trang Bauxite Việt Nam từ những ngày đầu khi dự án không tưởng này mới được đề xuất, và cũng như ý kiến của các bạn trí thức Việt Nam, những ý kiến đóng góp không lương của chúng tôi đều rơi vào lỗ đen, đâu có bao giờ được trả lời. Tuy nhiên, nể lòng các anh – do chỗ các trang BVN từ cuối năm 2009 đầu năm 2010, sau khi ông TBT Nguyễn Huệ Chi bị thẩm vấn ngót một tháng ròng rã, bị CA thu hồi, lần lượt ra tiếp trang nào cũng được đội quân kỹ thuật của ai đấy “chiếu cố” đánh sập trang ấy nên không còn tìm lại được các bài đã đăng trên đó –, tôi xin liệt kê dưới đây vài bài tôi đã viết về ĐHN tại Việt Nam (có bài đã đăng trên BVN và có bài chưa kịp đăng):
1. Hoãn xây ĐHN tại Việt Nam: Huyền thoại về an toàn và những điều không nên quên lãng, 2014
2. Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu Chính phủ hoãn xây nhà máy ĐHN, 2012
3. Động đất, sóng thần, và tai nạn lò ĐHN Fukushima Daiichi tại Nhật, 2011
4. ĐHN: Bài học từ 127 nhà máy phải bỏ dở và 10 phương pháp tạo dựng việc làm cho người dân Việt Nam, 2010
5. Giảm thiểu 15 rủi ro của nhà máy ĐHN, 2010
6. Đừng sợ nhà máy ĐHN nguy hiểm, hãy lo con cháu ta mắc nợ dài dài, 2009
7. ĐHN sẽ đắt gấp ba, 2009
Trong các bài viết sớm nhất, năm 2009 -2010, tôi đã có cùng nhận xét với Giáo sư Phạm Duy Hiển, Hoàng Xuân Phú và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn, là dự án ĐHN của Chính phủ có rất nhiều lỗ hổng khi trình Quốc Hội xin xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận và một chuỗi 10 lò ĐHN nữa cho tới năm 2030 ven bờ biển miền Trung. Đây là một quyết tâm chính trị duy ý chí với các con số phỏng đoán để đưa 10%-20% ngân sách quốc gia và còn vay nợ rất nhiều để xây các lò ĐHN rất phức tạp nhưng lại chỉ phục vụ được 6.5% nhu cầu điện của năm 2030. Nếu ta không có ý đồ “ăn cơm sỏi đá” để làm bom nguyên tử, thì quyết tâm chính trị này sẽ gây thêm nợ nần nghèo hèn cho tương lai của con cháu ta.
Dùng kinh nghiệm làm việc chuyên môn và khảo cứu giá cả của ĐHN tại Mỹ từ năm 1967 tới năm 2010, tôi tính ra là giá điện từ nhà máy Ninh Thuận, nếu thực hiện được vào năm 2020-2022 như dự tính (nhưng tôi đã cam đoan không thực hiện được), thì cũng đắt gấp 3 giá điện mà chương trình dự tính. Đó là vì chương trình chưa tính đến vật giá leo thang và tiền lãi phải trả khi mua vật liệu và thiết bị trong thời gian xây cất. Điện sản xuất bằng lò đốt than đốt hơi khí và bằng các đập nước thì rẻ hơn nhiều (Bài số 7 liệt trên).
Trong bài số 5 tôi liệt kê 15 rủi ro chính trong cả ngàn rủi ro nhà máy ĐHN phải đối diện trong quá trình hoạt động. 7 trong các rủi ro trên là do phóng xạ và kỹ nghệ nhà máy, như rủi ro nóng chảy loại Fukushima, phóng xạ rò rỉ ra trong khi điều hành, địa điểm có thể động đất, lao động hàng ngày bị thương tích, tai nạn xe cộ vì quá nhiều chuyên chở, và nhất là rủi ro nhân sự. 6 trong 15 rủi ro có tính cách kinh tế, như nhà máy không tạo điện; tính sai, mua sai trong quá trình xây dựng và điều hành; luật ĐHN rắc rối bằng chữ Việt Nam cũng như chữ nước ngoài; thiếu thầy thiếu thợ chuyên nghiệp; phụ thuộc 100% vào nước ngoài; và bị kiện cáo rất tốn kém. Hai trong số 15 rủi ro là về an ninh và quốc phòng, như bị phá hoại vì bất mãn (ta đã có nhiều kinh nghiệm là phá hoại thì rất dễ), và chiến tranh rất dễ cho nước ngoài làm ta mất một nguồn điện lớn.
Trong bài số 4, tôi dẫn chứng giàu có văn minh như nước Mỹ mà cũng vì quá lạc quan xây nhà máy ĐHN ào ào khi nhân sự chưa có kinh nghiệm và khi kinh tế ĐHN còn nhiều uẩn khuất, đã khiến 127 nhà máy ĐHN đang xây phải bỏ dở, tốn kém nhiều chục tỉ USD cho các công ti điện. EVN là công ty quốc doanh của Việt Nam, nếu họ lời thì một số cán bộ hưởng trước, dân chưa chắc đã được hưởng lợi một phần nào từ đó; nhưng nếu họ lỗ thì người dân sẽ phải è cổ ra trả.
Trong bài số 6 tôi khẳng định nếu nhà máy ĐHN được xây cất tốt và điều hành tốt như Nhật như Hàn đã làm, thì rất an toàn, chứ tôi không lo sợ tai nạn nguyên tử như nhiều trí thức và hầu hết người Việt Nam. Tuy nhiên tôi biết chắc là có được một chuỗi 10 nhà máy như các nhà chính trị muốn phô trương là “ta nhất Đông Nam Á”, thì cũng chỉ như chiến tranh 1955-1975 thôi, con cháu ta sẽ nghèo khó và mắc nợ dài dài.
Trong bài số 3 tôi dẫn chứng là tai nạn Fukushima là một tai nạn “trời đánh”. Các nhà máy này đã hoạt động tốt gần 40 năm, sản xuất biết bao nhiêu điện cho người dân và kỹ nghệ, nhưng có ai ngờ là mặc dầu các nhà máy đã tắt đi an toàn khi có động đất, sóng thần ập tới đã khiến mọi nguồn điện làm nguội nhiên liệu uranium không hoạt động được. Người ta có thể đổ lỗi cho thiết kế, nhưng khi thiết kế thì các chuyên viên chỉ tính toán cho một số sự kiện chứ không thể tính hết. Ví như máy bay đã được thiết kế rất an toàn nhưng không thể nào ngừa hết các tai nạn có khi làm chết tới 200-300 người. Kinh nghiệm của Fukushima sẽ giúp các nhà máy ĐHN sẽ không khi nào bị sóng thần làm hại một lần nữa. Cũng như kinh nghiệm của Chernobyl giúp con người sẽ không xây thêm nhà máy ĐHN loại Chernobyl nữa.
Bài số 2 và số 1 liệt trên có tác dụng trực tiếp tới quyết định mới nhất là Chính phủ Việt Nam không xây nhà máy ĐHN nữa cho tới sau năm 2030 – nghĩa là cho tới khi không ai làm lãnh đạo ngày nay còn sống hoặc còn quyền.
Lý do chính ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn (HĐTV) của Điện lực Việt Nam đưa ra là ĐHN không cạnh tranh đươc với các nguồn năng lượng khác về kinh tế, và nhu cầu dùng điện của Việt Nam không to như báo cáo năm 2009 dự tính. Đó cũng là ý kiến của tôi và quí vị Phạm Duy Hiển, Nguyễn Khắc Nhẫn, Hoàng Xuân Phú từ những năm 2009-2010.
Tuy nhiên, đằng sau các lý do trên, tôi nghĩ còn hai lý do khác. Thứ nhất là việc ta phô trương rất to nhưng ta không có tiền và “bạn” ta không thể cung ứng cho ta như trong thời chiến tranh. Thứ hai là đội ngũ nhân sự của ta, dù có bao nhiêu Thạc sĩ Tiến sĩ chăng nữa, phần lớn chưa có kinh nghiệm hiểu luật, qui hoạch, thiết kế, xây dựng, và điều hành ĐHN. Đó có thể là điều ông Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử Quốc Tế (IAEA), nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2013, khiến ông Thủ tướng tuyên bố dời ngày khởi sự Ninh Thuận tới năm 2017, vì “không an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”!
Nay thì sự thật đã lòi ra và Chính phủ đã miễn cưỡng thú nhận – bằng hành động – những khuyến cáo của trí thức Việt Nam từ năm 2009 là đúng. Chỉ tiếc rằng nếu có sự đối thoại thành thật với chúng tôi là những người yêu nước không ăn lương, thì Chính phủ đã để dành được nhiều trăm triệu USD đã tiêu phí về chương trình ĐHN. Số tiền này nếu dùng vào việc cải tạo học đường, xây thêm nhà thương, bảo vệ môi trường…thì người dân cảm ơn Chính phủ biết mấy.
Nhưng còn nước còn tát. Chính phủ còn cơ hội và nhiệm vụ lo các việc cấp bách của người dân mà chúng tôi đứng bên ngoài biết là khó khăn nhưng không thể làm gì. Chúng tôi chỉ nhắc nhở là khi ngưng chương trình ĐHN thì ta không nên quên các việc sau:
· Ta nên xử lý làm sao với hàng ngàn sinh viên, chuyên viên đã háo hức với chương trình của Chính phủ? Theo tôi, họ là những người có tài, Chính phủ nên đề nghị họ tiếp tục học và khảo cứu cách làm điện từ những nhà máy ta đang có để chúng có năng suất tạo điện 90-95% như thiết kế và như các nước tiền tiến, thay vì chỉ khoảng 60-65% như quá khứ. Số điện làm được thêm từ các nhà máy sẵn có và đang xây thì thừa sức cung cấp cho nhu cầu của người dân và công kỹ nghệ trong 10 năm tới.
· Ưu đãi mọi công nhân viên nhà máy điện đốt than, đốt khí, chạy đập nước như ưu đãi nhân viên dự trù cho nhà mày ĐHN, vì “điện nào cũng là điện”. Được ưu đãi, họ sẽ làm việc chăm chỉ tạo nhiều điện, để ý tới an toàn cho nhân viên và cho người dân, thay vì phải lo cơm áo gạo tiền mà lơ đãng sự nghiệp chuyên môn của họ.
· Khuyến khích kỹ nghệ làm đèn huỳnh quang và LED trong nước, và bán rẻ các sản phẩm đó, để người dân có đủ ánh sáng nhưng chỉ dùng 1/3, 1/5 số điện họ đang dùng bằng bóng đèn tungsten. Tiết kiệm được điện mà không ảnh hưởng tới hiệu năng làm việc là một chỉ số văn minh. Nhà nước cũng không phải bỏ nhiều tiền xây nhà máy làm điện mới.
· Bành trướng việc bán giá điện theo số lượng dùng (càng nhiều thì càng đắt) và khi nào dùng (vào ban ngày hoặc mùa nóng thì đắt hơn các giờ các mùa khác).
· Tiếp tục tìm các nguồn khí đốt có rất nhiều tại Biển Đông, tại đồng bằng sông Hồng, và nói chung dưới đất của nước ta.
· Không nên đua đòi làm điện gió, điện mặt trời cho tới khi chúng rất rẻ. Tốt nhất là để các công ty tư làm vì họ xót tiền hơn công nhân viên chính phủ.
· Không nên làm như trước, mua điện của Trung Quốc với giá gấp rưỡi gấp hai giá điện của tư nhân trong nước.
· Và cuối cùng, thực hiện mọi chính sách với mục đích tạo an toàn và hạnh phúc cho người dân, theo như khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc trong chương trình Phát triển Bền Vững với chỉ số Hạnh Phúc mà nhiều nước trên thế giới đang theo đuổi.
Tôi mong lắm thay!
Phùng Liên Đoàn