Bầu cử tại Mỹ: Quan điểm của Donald Trump về Chiến lược Xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã xoá bỏ các lo lắng của Trung Quốc về chế độ Tổng thống của Trump

Kor Kian Beng, Trưởng Văn phòng tại Trung Quốc, The Straits Times ngày 9/11/2016

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image002

Một người đầu tư nhìn kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 tại một công ty

giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh ngày 9 tháng 11 – Ảnh của AFP

Đối với Trung Quốc, câu hỏi hoặc yếu tố quan trọng nhất trong việc đối phó với một Tổng thống Cộng hòa Donald Trump trong Nhà Trắng là, ông ta sẽ làm gì với chiến lược tái quân bình lực lượng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của vị Tổng thống Dân chủ Barack Obama sắp rời nhiệm sở?

Tại Trung Quốc, có một sự tin tưởng mãnh liệt rằng ông Trump sẽ cắt giảm hoặc thậm chí chấm dứt cái chiến lược được rất nhiều người coi là để chặn đứng sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhận định này căn cứ trên những tuyên bố cho thấy Trump muốn cắt giảm vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ và hủy bỏ hệ thống liên minh với các nước như Nhật Bản.

Một động thái như vậy của ứng cử viên Cộng hòa này cũng có thể là hồi chuông báo tử cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa ước tự do mậu dịch của 12 nước, không có sự tham dự của Trung Quốc và đã khiến Trung Quốc lo sợ nó sẽ gây thương tổn cho các quan hệ mậu dịch của Trung Quốc ở trong khu vực.

Chính phủ Trung Quốc, vì muốn theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, đã tránh bình luận về hai ứng viên Tổng thống hay bày tỏ sự ưa thích ai trong cuộc vận động đầy thương tích của họ trong cuộc tranh cử tại Mỹ.

Nhưng trong những tuần gần đây, người ta nhận thấy bắt đầu có một sự chấp thuận nào đó dành cho bà Clinton – thông qua việc truyền thông Trung Quốc cắt giảm những bản tin ca ngợi Trump – vì Trung Quốc ngày càng lo ngại về những tác động của chế độ Tổng thống Trump lên Trung Quốc.

Những chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump, vốn có thể gây tổn thất cho mậu dịch toàn cầu, và tiềm năng quản lý kinh tế Mỹ tồi tệ của ông sẽ gây rối loạn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang trải qua thời kỳ khó khăn trong việc quân bình giữa tăng trưởng và cải tổ.

Kinh tế tuột dốc thêm nữa có thể giảm bớt công ăn việc làm và ảnh hưởng xấu lên thẩm quyền chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và hạn chế bàn tay quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình khi chuẩn bị cuộc bầu chọn lãnh đạo kế nhiệm tổ chức 5 năm một lần tại Đại hội Đảng 19 vào sang năm.

Chính sách cô lập của ông Trump cũng có thể khiến Mỹ cắt giảm các nghĩa vụ quốc tế và gia tăng sức ép buộc Trung Quốc phải điền vào chỗ trống do Mỹ để lại, ở một thời điểm mà Trung Quốc chưa được chuẩn bị và sẵn sàng làm việc đó.

Trung Quốc cũng lo ngại rằng ông Trump có thể thực hiện lời hứa cho phép các đồng minh châu Á của Mỹ là Nam Hàn và Nhật Bản xây dựng các kho vũ khí hạt nhân để đương đầu với Bắc Hàn, như một phần nỗ lực của ông nhằm cắt giảm vai trò cảnh sát toàn cầu của Mỹ. Một kịch bản như thế có thể nhanh chóng đưa đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và gia tăng các căng thẳng làm phương hại tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các cổ phần chứng khoán châu Á đã nhanh chóng tuột giá vào sáng thứ Tư (09 tháng 11) khi nhận được tin ông Trump đánh bại đối thủ Dân chủ Hillary Clinton, khiến Chỉ số Chứng khoán Thượng Hải giảm 0,6 phần trăm từ điểm đỉnh trong 10 tháng.

Đường lối Washington sẽ quản lý các quan hệ với Moscow – căn cứ trên việc ông Trump tỏ ra khâm phục Tổng thống Nga Vladimir Putin – cũng có thể gây tác động tiêu cực gián tiếp lên các quan hệ của Trung Quốc với Nga, những quan hệ đã được tăng cường dưới quyền lãnh đạo của ông Tập từ cuối năm 2012.

Đối diện với hiệu ứng gây bất ổn của một chế độ Tổng thống Trump khó tiên liệu và tác động tiêu cực của các chính sách tiềm năng của Trump, người ta tin tưởng rằng các nhà làm chính sách Trung Quốc thích bà Clinton hơn vì coi bà là một khuôn mặt quen thuộc và là một số lượng đã biết (a known quantity), mà họ từng giao dịch trên nhiều lãnh vực khi bà đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhưng ai là kẻ mà hầu hết quần chúng Trung Quốc ưa chuộng cũng được bày tỏ rõ ràng. Một cuộc thăm dò trực tuyến vào thứ Tư (9 tháng 11) từ 3 giờ chiều do Hoàn cầu Thời báo thực hiện cho thấy 84 phần trăm người trả lời phỏng vấn bầu chọn ông Trump trên bà Clinton (9 phần trăm) như là người sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho quan hệ Mỹ-Trung trong 4 năm tới. Tờ báo không đưa ra chi tiết về tổng số người trả lời cuộc thăm dò.

Cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ là đề tài nóng nhất giữa các cư dân mạng trên cổng blog vi mô Sina Weibo (tương tự Twitter), với 1,9 tỉ người xem các post với nhãn “bầu cử tại Mỹ” và khoảng 615.000 người để lại comment kể từ 3 giờ chiều.

Nhiều người chào mừng chiến thắng của Trump và đổ lỗi cho bà Clinton về chiến lược xoay trục qua châu Á – Thái Bình Dương khi những kết quả đầu tiên cho thấy ông đắc cử thậm chí trong khi phần còn lại của thế giới đang rên rỉ.

“Clinton đưa ra chiến lược tái quân bình lực lượng và theo đuổi một đường lối cứng rắn chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu bà ta thắng, thì đó sẽ là điều thiệt hại cho Trung Quốc,” một cư dân mạng viết.

Những người khác lại ca ngợi chiến thắng của Trump, mặc dù ông này bị chê là thiếu tư cách lãnh đạo một siêu cường của thế giới, phản ánh những khuyết tật của nền dân chủ phương Tây so với hệ thống chính trị Trung Quốc do ĐCSTQ lãnh đạo.

“Cả hai ứng viên đều không có phẩm cách xứng đáng,” cư dân mạng dongsirdhd viết.

Người ta cũng cho rằng công chúng Trung Quốc ưa thích ông Trump vì họ tin chắc ông ta sẽ ít bình luận về hồ sơ nhân quyền và ý thức hệ chính trị của Trung Quốc, nhờ vậy ít bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc trên chính trường quốc tế, so với bà Clinton, một người lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc.

Nhưng một số cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra bi quan quan hơn về một Tổng thống Trump. “Một người điên sắp thay đổi thế giới,” một người sử dụng Weibo tên hk5066 viết.

K. K. B.

Dịch giả gửi BVN.

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.