Mách nước cho Thủ tướng

Nguyễn Đình Cống

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một khái niệm mới, nghe có vẻ hay: “Chính phủ kiến tạo” (CPKT). Theo phương pháp khoa học, khi đưa ra một khái niệm mới cần kèm theo giải thích nội dung (nội hàm, ngoại diên), nêu định nghĩa. Ban đầu có thể chưa thật chính xác, chưa hoàn chỉnh, sẽ bổ sung và sửa chữa dần dần. Đã nhiều tháng trôi qua, tôi chưa tìm thấy một giải thích hoặc định nghĩa của khái niệm CPKT. Thôi thì mỗi người hiểu theo cách của mình. Gần đây trong kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu nói đến CPKT, không biết các vị ấy đã có được định nghĩa chưa?

Ông Phúc nói xây dựng CPKT, nhưng chưa ai vạch ra hình thù nó như thế nào và quan trọng hơn là để làm được thì cần có điều kiện gì, cần dựa vào đâu. Tôi xin suy nghĩ hộ ông và mách cho ông vài nước cờ như lên xe, gánh sĩ, xuống pháo, dục tốt, xuất tướng.

Để có được CPKT, điều kiện cần đầu tiên là có những con người kiến tạo (để đảm nhận các chức vụ). Những người đó phải có được ít nhất 2 phẩm chất rất cần thiết là năng lực (trí tuệ, sức khỏe) và đạo đức liêm chính. Đầu tiên ông phải có được đánh giá một cách khách quan và trung thực 2 phẩm chất đó trong các quan chức chính phủ của ông. Tôi theo dõi hoạt động các thành viên Chính phủ và nhận thấy một số ít có được một phần nào đó các phẩm chất ấy, còn số đông hơn hầu như là bị thiếu.

Để khắc phục tình trạng quan chức thiếu phẩm chất cần thiết, đối với các nước dân chủ, người ta làm tương đối dễ dàng, chỉ cần chọn người khác thay thế. Đối với Việt Nam việc thay này quá khó, hầu như không làm được. Thôi thì đành chấp nhận và tìm cách cải tạo.

Về năng lực sức khỏe, khỏi lo, thấy ông bà nào cũng béo tốt. Chỉ đáng lo về trí tuệ. Nhưng về mặt nâng cao trí tuệ cho số quan chức này hầu như cũng chịu bó tay. Có thể lừa bịp nhiều người bằng cách cấp cho người này, kẻ nọ bằng tiến sĩ, học vị giáo sư, cho dự lớp học lý luận này kia, cấp chứng chỉ, nhưng để nâng cao trí tuệ thì không thể. Vì sao vậy? Đó là vì tiêu chuẩn số 1 tuyển chọn cán bộ dựa vào lòng trung thành với Đảng, với Mác Lê nin, rồi cách “Đảng cử dân bầu” với sự hiệp thương của Mặt trận để loại bỏ người tự ứng cử, rồi mưu mô trong cơ cấu và đào tạo đội ngũ kế cận, rồi việc mua quan bán chức v.v… Những việc làm đó đã loại bỏ nhiều thành phần tinh hoa của dân tộc trong cơ cấu quyền lực. Rồi việc đàn áp tự do tư tưởng mà thành phần tinh hoa lại bị hủy diệt thêm, người theo dòng chảy máu chất xám ra nước ngoài, người theo nhau vào tù, người trùm chăn bưng tai bịt mắt. Đối với những người mà từ lúc trẻ đã quen với sự tuyên truyền và nhồi sọ một chiều, chọn con đường tiến thân bằng đeo bám và luồn cúi thì rất khó để nâng cao trí tuệ. Thôi thì về mặt trí tuệ đành tạm thời chấp nhận cảnh: “Không có trâu khỏe đành bắt bò yếu kéo cày”. hoặc “Không chó bắt mèo…giữ nhà” vậy, sẽ bàn sau.

Còn về vấn đề liêm chính thì sao? Năm 1949, lúc 12 tuổi tôi được học bài “Cần Kiệm Liêm Chính”, còn nhớ như sau: “Cần – Cần nghĩa là chuyên cần chăm chỉ / … / Kiệm – Kiệm là biết giữ gìn, dành dụm / … / Liêm – Liêm là không tham lam thèm khát / Không thu vơ thu vét cho mình / Của công giữ một lòng thành / Không vì tư lợi mắc vành tham ô / Lòng ngay quyết thắng mưu mô / Của công xoay xở để mờ lương tâm / Giặc thù lắm kẻ hiểm thâm / Không vì tiền bạc lỡ lầm thông minh / Việc làm trọng, bạc tiền khinh / Ta nên ghi nhớ làm kinh hàng ngày / Chính- Chính nghĩa là thẳng ngay thành thực / Với mọi người chính trực công minh / không vì tư vị thân tình / Bỏ người tài đức mà bênh người hèn / Trong nghề buôn bán đua chen / Xa câu gian lận, bạn quen thật thà / Hay gì những thói gian tà / Không nghe những kẻ gièm pha hại người / Công bằng gương chói sáng ngời / Ở ăn đúng mực để đời tiếng thơm”.

Đem tiêu chuẩn Liêm Chính đối chiếu thấy rất ít quan chức đạt được. Thế thì làm sao có được những con người kiến tạo. Thì phải làm cho họ trở thành liêm chính. Bằng cách nào? Theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Hội đồng Lý luận thì bằng Nghị quyết TƯ 4 với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm 29 công việc cụ thể. Tuy thế nhiều người cho là Nghị quyết đó chỉ viết ra cho có chứ không khả thi. Tôi xin mách 5 nước cờ giải thế bí cho Thủ tướng.

Tôi hình dung xây dựng CPKT cũng gần gần như xây dựng một khu đô thị. Nếu xây dựng trên một vùng đất hoang thì không lo gì nhiều về địa điểm. Nhưng nếu vùng đất đã có chủ thì phải lo việc đền bù để giải phóng mặt bằng. Vậy ông Thủ tướng xây dựng CPKT trên nền nào. Thưa rằng trên nền đã có sẵn nhiều thứ, phải đền bù để giải phóng mặt bằng. Nếu đền bù không thỏa đáng, với dân thì sinh ra dân oan, khiếu kiện kéo dài, với quan thì sẽ sinh ra… (tôi không ở trong chăn nên chưa khẳng định được, chỉ dự đoán). Tôi chỉ thử làm theo phương pháp sáng tạo, dùng thủ thuật đóng vai. Tôi thử làm một ông Phó thủ tướng hoặc Bộ trưởng xem sao. Để có được chức vụ tôi phải chạy hết một số tỷ. Bây giờ, một trong những việc quan trọng là tìm cách thu hồi vốn. Các vị bắt tôi phải liêm chính thì thử hỏi tôi làm sao thu hồi được vốn đã bỏ ra. Tôi sẵn sàng làm người liêm chính nếu Nhà nước đền bù cho tôi như chủ đầu tư đền bù cho dân để giải phóng mặt bằng. Nếu Nhà nước không đền bù thì hãy để cho tôi thu hồi vốn xong rồi tôi sẽ xin làm người liêm chính.

Để tiến hành đền bù nên theo các bước sau:

1- Trước hết Thủ tướng cần trình Quốc hội thông qua luật CPKT. Trong luật có điều khoản phạt thật nặng (tù chung thân đến tử hình đương sự và tịch thu toàn bộ tài sản, kể cả của những người có liên quan thân thiết) nếu thành viên CPKT phạm tội không liêm chính.

2- Cho phép những thành viên tự xét, nếu thấy không thể giữ được liêm chính thì được xin từ chức, họ phải đóng một khoản nộp phạt bằng 2 đến 3 năm tiền lương chức vụ.

3- Cho mỗi người tự khai đã chi hết bao nhiêu nhằm chạy chức quyền để nhận lại phần đền bù. Nếu khai rõ người nhận thì sẽ được đền 100%, nếu không khai rõ người nhận sẽ được xem xét để được nhận từ 40 đến 60%.

4- Rõ ràng trong hoàn cảnh nợ nần ngập đầu như bây giờ thì Nhà nước chẳng lấy đâu ra tiền để đền bù một lúc. Sẽ đền bù làm vài đợt. Xin cứ làm đi, đến lúc Nhà nước hết tiền tôi sẽ xin hiến kế cho Thủ tướng thoát thân, nếu tôi không nghĩ ra kế hay xin cứ chặt đầu hoặc treo cổ hình nộm của tôi để làm gương cho những kẻ khoác lác.

5- Khi các thành viên đã nhận được một phần tiền đền bù thì bắt phải thề (điều khoản này có trong luật), nhưng không phải một mình đứng thề trước Quốc kỳ và Quốc hội như ông Quang, bà Ngân và Thủ tướng mà phải cả 2 vợ chồng quỳ gối thề trước tượng Đại Thánh ở Đền Trấn Vũ hoặc ở Đền Đồng Cổ. Lời thề là: “Trong khi còn làm việc Nhà nước xin thề giữ liêm chính, nếu không giữ được liêm chính thì sẽ bị thần thánh trừng phạt 3 đời”.

Sau khi có được những người liêm chính, cần dạy cho họ để nâng cao trí tuệ được chừng nào hay chừng ấy. Việc này phải trông cậy vào những trí thức chân chính, không thể dựa vào những tiến sĩ và giáo sư dổm của Hội đồng lý luận TƯ. Lúc này nếu được Thủ tướng hỏi đến tôi lại xin mách nước tiếp.

Để ngăn ngừa hành động xấu chỉ cần 1 trong 3 điều: Làm cho người ta không muốn, không thể hoặc không dám thực hiện là được (nếu làm được 2 hoặc cả 3 thì càng tốt). Ngược lại, để người ta làm được việc tốt (con người kiến tạo chẳng hạn) phải có được đồng thời cả điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần là năng lực và liêm chính như đã trình bày. Điều kiện đủ là sự lựa chọn một trong hai trạng thái sau: Hoặc là tự nguyện tự giác làm một cách say mê, thích thú. Hoặc là bị bắt buộc phải làm như là một nghĩa vụ không thể trốn tránh, phải làm tròn trách nhiệm.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.