Nguyễn Đức
(PL)- Người dân cũng đề nghị thu hồi đất của Long Sơn được cấp chồng lên đất họ.
Ngày 2-11, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông), dẫn đầu đoàn công tác của huyện đã vào tiểu khu 1535 – nơi xảy vụ nổ súng làm chết ba người và bị thương 16 người để họp dân. Mục đích của đoàn là lấy ý kiến của người dân về việc thành lập ban tự quản tại năm điểm dân cư mới trên các điểm nóng xen kẽ đất khai phá của dân và đất được giao của các công ty tại xã Đắk Ngo và Quảng Trực.
Lập điểm dân cư, cấp hộ khẩu
Buổi làm việc này xuất phát từ Thông báo 205 của Văn phòng Chính phủ (tháng 9-2016) về việc xử lý đất canh tác ở xã Đắk Ngo và Quảng Trực. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo ổn canh, ổn cư cho nhân dân ở địa bàn, điều chỉnh và công nhận việc sử dụng đất cho các hộ theo quy định của pháp luật đất đai. Phó Thủ tướng chỉ đạo trước mắt thành lập các bom, buôn thuộc xã Quảng Trực, Đắk Ngo để đảm bảo an ninh, ổn định vùng biên giới, đảm bảo đời sống cho các hộ dân, tiến tới thành lập các đơn vị hành chính cấp xã…
“Việc thành lập các điểm dân cư, thôn, bom mới sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân về việc ổn định nơi cư trú, quyền lợi về hộ khẩu, bảo hiểm y tế và học hành cho trẻ em, đặc biệt là các cháu nhỏ. Đồng thời địa phương sẽ kiến nghị tỉnh xem xét việc cấp đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho dân để bà con yên ổn sinh sống và làm ăn” – ông Nguyễn Hữu Huân thông tin tại buổi họp với 56 hộ dân.
Tại đây, người dân đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất cấp cho Công ty Long Sơn chồng lên đất của họ đang làm rẫy rồi giao lại cho dân canh tác. “Chúng tôi sống ở đây hàng chục năm rồi nên tôi kiến nghị giải quyết vấn đề đất đai cho dân yên tâm sản xuất” – ông Nguyễn Văn Phu nói.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Sen còn tố Công ty Long Sơn đưa người vào đánh bà, phá diện tích điều, cao su từ năm 2014 song đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa điều tra xong. Ông Ninh Viết Thắng bổ sung: “Người dân đề nghị làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Long Sơn vì đã san ủi gây thiệt hại cà phê, điều của hàng trăm hộ dân”.
UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) gặp dân hôm 2-11 để lấy ý kiến lập ban tự quản. Ảnh: N.ĐỨC
Từng chuyển vụ Công ty Long Sơn qua công an
Liên quan đến việc Công ty Long Sơn cho người đánh dân, trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 30-10, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Giám đốc Công ty Long Sơn, nói: “Dân vu khống. Nhân viên công ty chúng tôi chỉ tự vệ chứ không đánh dân. Sáng 23-10 xảy ra vụ việc nhân viên công ty đi làm bình thường và việc chuẩn bị khiên, cuốc, gậy là để tự vệ”.
Tuy nhiên, trước đó tại các buổi tiếp dân vào năm 2014, 2015 và gần đây là ngày 5-10, hàng chục hộ dân đã tố cáo Công ty Long Sơn phá rẫy, đánh người… và lãnh đạo UBND huyện có lập biên bản ghi nhận sự việc. Dù vậy, tại các buổi làm việc này, ông Sửu vẫn chối: “Công ty không có thuê giang hồ, xã hội đen vào khống chế đàn áp bà con. Ngoài ra, công ty chỉ hỗ trợ bà con di dời 3-5 triệu đồng/ha và tạo điều kiện cho các hộ dân vào công ty làm công nhân để cùng làm…” (trích biên bản làm việc của UBND huyện với người dân và Công ty Long Sơn ngày 15-7-2014).
Cũng liên quan đến việc người dân tố cáo Công ty Long Sơn nhiều lần đánh người, phá rẫy, ngày 26-8-2015, UBND huyện từng có công văn giao công an huyện điều tra, xử lý hành vi của Công ty Long Sơn.
Về việc Công ty Long Sơn tự ý san ủi hôm 23-10, ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cho biết UBND huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát thiệt hại của người dân và giám định tuổi các cây điều, cao su để làm căn cứ xử lý.
Tối 2-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc cơ quan tố tụng tỉnh có xem xét xử lý hành vi san ủi, đánh người của Công ty Long Sơn hay không, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đã chuyển hết hồ sơ vụ án để Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền và VKSND Tối cao sẽ kiểm sát điều tra vụ án này. Về phía tỉnh thì VKS tỉnh chưa nhận được đơn tố cáo và chưa thụ lý trường hợp nào người dân tố Công ty Long Sơn hủy hoại tài sản, đánh người.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp người dân
Trả lời sau buổi gặp dân, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, nói: “Những ý kiến, nguyện vọng của dân đoàn công tác của huyện đã ghi nhận đầy đủ và sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết quyền lợi chính đáng của bà con. Vấn đề nào thẩm quyền của huyện thì huyện sẽ làm việc với dân để tiếp tục giải quyết. Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nên huyện sẽ tiếp tục báo cáo tỉnh để có giải pháp hợp lý, hợp tình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân”. |
N.Đ.
Nguồn: http://plo.vn/thoi-su/dan-yeu-cau-xu-ly-cong-ty-long-son-662801.html