Tâm Don
(VNTB) – “Nền báo chí cách mạng” đang bị quản lý chặt chẽ và toàn diện bởi một hệ thống vô hồn vô trí.
Thòng lọng mới
Dòng báo chí điện tử Việt Nam vừa mới sinh thành đã phải chịu quá nhiều sức ép. Vào ngày 01-9-2013, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định 72 về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng gây nhiều bức xúc và phẫn nộ cho cộng đồng mạng. Mới đây nhất, vào ngày 24/10/2016, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ TT&TT đã có công văn gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp.
Trong công văn này, Cục PTTH&TTĐT cho biết, trong thời gian qua, các trang thông tin điện tử tổng hợp đã hoạt động tích cực, góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin trên báo chí về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước tới cộng đồng người sử dụng Internet.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số trang thông tin điện tử tổng hợp có các hành vi vi phạm pháp luật như: hoạt động chưa đúng quy định tại giấy phép đã được cấp, chưa phù hợp với quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp, cá biệt có một số trang đã tổng hợp, cung cấp thông tin vi phạm điều cấm gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Để tiếp tục phát huy những mặt tích cực và bảo đảm hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Cục PTTH&TTĐT đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn tin bảo đảm chỉ lựa chọn thông tin từ các nguồn tin có nội dung phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường giám sát đối với thông tin tổng hợp từ các nguồn tin hay để xảy ra sai phạm.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy trình quản lý thông tin công cộng trong đó tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ và bố trí đội ngũ nhân sự quản lý thông tin có trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô hoạt động, phạm vi thông tin cung cấp, bảo đảm có khả năng lựa chọn, kiểm tra nội dung tin bài trước khi đăng tải, tự động phát hiện và loại bỏ ngay thông tin không còn tồn tại ở nguồn tin, những thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 72 ngày 1/9/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định 72).
Cục PTTH&TTĐT cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp thực hiện nghiêm việc tổng hợp thông tin theo đúng quy định về nguồn tin tại khoản 18 Điều 3, khoản 2 Điều 20 Nghị định 72. Trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí chỉ cung cấp thông tin theo đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí và theo đúng quy định của giấy phép đã được cấp, không được tự ý sản xuất tin bài như các báo điện tử, tạp chí điện tử.
Đối với các Sở TT&TT tỉnh, thành phố, Cục PTTH&TTĐT đề nghị các Sở chủ động thiết lập thêm các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên mạng như điện thoại, thư điện tử, tiếp nhận thông qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; tích cực trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp với Bộ TT&TT để kịp thời xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, các Sở TT&TT cũng được đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có trụ sở hoạt động tại địa phương; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi hoạt động không đúng nội dung trong giấy phép đã được cấp, hành vi lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân khác để trục lợi, hành vi cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước.
Bi thảm
Nghề báo ở Việt Nam – hay nói cách khác, các tổ chức báo chí nhà nước của Việt Nam đang bị chính quyền quản lý chặt chẽ hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng trong tháng 10-2016 đã xảy ra hai sự kiện bi thảm đối với báo chí nhà nước.
Chiều 19-10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký liền hai quyết định đình chỉ chức vụ đối với ông Võ Đăng Thiên, tổng biên tập, và ông Phạm Thanh, phó tổng biên tập báo điện tử Infonet. Theo hai quyết định này, hai ông Võ Đăng Thiên và Phạm Thanh sẽ bị đình chỉ chức vụ 15 ngày để làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những sai phạm của báo Infonet trong thời gian vừa qua. Quyết định của ông Tuấn không nói rõ sai phạm của báo Infonet là những gì, nhưng những gì mà làng báo chí quốc doanh nhỏ to tâm sự cho biết, ông Võ Đăng Thiên đã công khai nói rằng: làm báo ở Việt Nam trong giai đoạn này quá khó; nếu làm đúng tinh thần của cơ quan chủ quản thì không thu hút được bạn đọc, còn khi thu hút được bạn đọc thì lại rời xa tôn chỉ mục đích của tờ báo.
Chiều ngày 03 tháng 10, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn ký liên tiếp 2 quyết định xử lý kỷ luật liên quan đến báo điện tử Petrotimes. Cụ thể, thu hồi thẻ nhà báo mang số hiệu IBT02523 thời hạn 2016-2020 của ông Nguyễn Như Phong vì đã bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Tổng biên tập tờ báo này. Báo Petrotimes có trách nhiệm thu hồi thẻ nhà báo của ông Phong nộp về Bộ TT&TT trước ngày 12/10. Đồng thời, Bộ ra quyết định đình bản tạm thời báo điện tử Petrotimes trong thời gian 3 tháng vì báo đã để xảy ra sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm đình chỉ hoạt động.
Trước đó nữa, hàng loạt fanpage của nhiều tờ báo điện tử xuất bản trên mạng internet đã buộc phải đóng cửa dưới áp lực của Bộ TT-TT, do các trang fanpage này để cho khán giả bình luận tự do, đa chiều đa diện về các vấn đề và sự kiện. Các bình luận tự do này từ lâu đã làm ngứa mắt các nhà lãnh đạo chính quyền từ cấp trung ương đến địa phương.
Không có bất cứ tờ báo nào, tổng biên tập nào có thể thoát ra khỏi tấm lưới rộng mênh mông và sắt đá mà chính quyền đã dày công thêu dệt từ hàng chục năm qua. Thật đau đớn cho một nền báo chí đang bị nhà nước qui hoạch thành một làng nghề mà tất cả các sản phẩm của nó chỉ được nhà nước bao tiêu, còn bạn đọc chỉ được đón nhận thông tin đâm-chém-cướp-giết-hiếp-tình-tiền-tù-tội. Trong cơn cay đắng và phẫn nộ, một nhà báo có lương tri trong làng báo chí nhà nước đã phải thốt lên: Báo chí thế giới dù có khó khăn vẫn cố gắng thực hiện tốt chức phận của mình, còn báo chí Việt Nam đang trên đường tụt dốc không phanh!
Tại sao lại thế? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là nền báo chí ấy bị quản lý chặt chẽ và toàn diện bởi một hệ thống vô hồn vô trí.
T.D.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/10/vntb-siet-chat-them-thong-long.html