Từ chuyện vé số

Trịnh Khả Nguyên

Mấy ngày qua nhiều người trầm trồ về cái giải thưởng đặc biệt trị giá 92 tỉ đồng của Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam, gọi tắt là VIETLOTT. Người ta còn bảo, đó là chơi theo “kiểu Mỹ”, báo Pháp Luật cũng dùng chữ này. Chỉ nói chuyện xổ số thì, theo “kiểu Mỹ” là kiểu gì? Lời người trúng thưởng “…là theo hướng hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm”. Còn đại diện Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ (Bộ Công An) “Qua theo dõi thấy qui trình trả thưởng của Vietlott hoàn toàn công khai, minh bạch đảm bảo sự giám sát của các bên liên quan”. Hai người đều dùng từ “minh bạch”. A, thì ra theo “kiểu Mỹ” là kiểu minh bạch, công khai. Minh bạch, công khai là hai yếu tố quan trọng trong cuộc chơi, ai cũng thích vì nó “thật”, không xếp đặt, không gian lận.

Không cứ xổ số, không cứ Mỹ, trong những chuyện khác, trừ những việc liên quan tới an ninh quốc gia, ở đâu người ta cũng cần minh bạch, đúng sự thật. Những tài liệu mật về lịch sử, quốc phòng, ngoại giao… sau một thời gian cũng được “bạch hóa”, công bố cho mọi người biết sự thật.

Chuyện “xổ số”, không lạ gì, có từ xa lắc xa lơ. Trước 1975 tại miền Nam đã có “xổ số kiến thiết quốc gia”. Toàn quốc (miền Nam) chỉ có một loại vé, giá 10đ tiền VNCH/tờ, xổ (mở) tuần/1lần vào chiều thứ ba, được trực tiếp truyền thanh, giải “độc đắc” (bây giờ là “đặc biệt”) trúng một triệu đồng. Nhiều người không “chơi” vé số, nhưng thích nghe bản nhạc cổ động cho “vé số kiến thiết” với giọng hát đặc biệt của tác giả, ông Trần Văn Trạch tính tang tính tàng… kiến thiết quốc gia/giúp đồng bào ta/xây cửa xây nhà/giàu sang mấy hồi… tính tang tính tàng… xổ số đến nơi/chỉ mười đông thôi/mua lấy cho rồi/giàu sang mấy hồi… tính tang tính tàng… Và “số đề” cũng có từ đó, nhiều người đã tan gia bại sản vì “đề”.

Sau 75, khi đề cập đến tình hình văn hóa, xã hội miền Nam, các “báo cáo viên” thường phê phán “cả miền Nam cứ đến chiều thứ ba là đánh bạc, kẻ dò xổ số, người dò số đề”. Kể từ sau 1975, một số người (thành thật) nghĩ rằng chuyện số má, đề đóm không còn đất sống nữa. Rồi đây xã hội sẽ lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn và tin “lao động là vinh quang – lang thang là chết đói”.

Nào ngờ đâu, chẳng bao lâu lại thấy lưu hành một loại vé số khác có tên là “xây dựng quê hương”. Dân giả nói “kiến thiết quốc gia” với “xây dựng quê hương” có khác gì nhau đâu, mắc mớ chi phải thay tên đổi họ, vô ích. Nhưng mấy người (ưa) lý luận thì cho rằng “xây dựng quê hương” # “kiến thiêt quốc gia”, miền Nam gọi thế này thì miền Bắc gọi thế kia. Miền Nam gọi “dân biểu/nghị sĩ”, miền Bắc gọi “đại biểu quốc hội”, miền Nam “tam quyền phân lập”, miền Bắc “Đảng lãnh đạo toàn diện”, v.v. và v.v. Khác thì cũng được, nhưng phải tốt hơn.

Song, chẳng bao lâu cũng bỏ luôn (chữ) “xây dựng quê hương”, xài lại “vé số kiến thiết” (không quốc gia) của tỉnh A, B, C nào đó. Vé số “tự chọn/lô tô” cũng mất và “số đề” xuất hiện lại. Vé số hoàn vé số, số đề hoàn số đề. Chỉ khác nhau, trước đây xổ số “có nhạc”, bây giờ xổ số “im lặng”, trước đây xổ một tuần/lần và tất nhiên mua bán số đề cũng một tuần/lần, bây giờ xổ cả tuần và như vậy số đề cũng diễn ra hằng ngày. Mua bán “đề” bây giờ thịnh hành và hiện đại hơn nhờ qua “meo”.

Trước 75 trúng giải “độc đắc” một triệu đồng. Sau lần đổi tiền thứ nhất theo tỉ giá 1/500, tức 500 đồng miền Nam ăn 1 đồng “tiền mới” (tiền “Giải phóng”), nên 1.000.000 đồng miền Nam chia 500 = 2.000đ “tiền mới”. Nếu tính theo tỉ giá lần đổi tiền thứ hai (thống nhất cả nước), thì 1.000.000 đ miền Nam tương đương 1.700VN đồng (tiền hiện nay). Và sau ngày đổi tiền, chắc ở miền Nam không còn “triệu phú” nữa. Mất đi những triệu phú không tiếc bằng những tài sản, công trình bạc triệu (của địch) không được sử dụng, bảo trì đúng cách, phần bị phá, phần bị ăn cắp. Ai quyết cái tỉ giá 1/500? Trong các lĩnh vực chuyên môn như giáo dục, y tế, kinh tế, luật pháp, môi trường, kỹ thuật… thì phải có chuyên môn, phải theo những nguyên tắc chuyên môn. Nếu ưa gì làm nấy, thích gì nói nấy thì tạo ra những “giai thoại” và tạo ra những “dư chấn” tai hại.

Những người giàu lúc bấy giờ được gọi là triệu phú, rất ít nghe tiếng tỷ phú. Bây giờ tỷ phú nhan nhản. Khi nói tới tiền bạc, tài sản công hay tư đều nghe hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, chục nghìn… và triệu tỉ. Các biệt thự (của những ai) hàng chục tỉ, những công trình hàng nghìn tỷ đang hoang phế, các “Trung tâm hành chánh” hàng nghìn tỷ, cựu chủ tịch một tổng công ty làm thiệt hại công quĩ 3.300 tỷ, cựu chủ tịch HĐQT một ngân hàng gây thiệt hại 9.000 tỉ, Vinashin nợ 63.000 tỷ (VietnamNet 25.10) nợ xấu 550 nghìn tỷ (VTV 19 giờ 27.10.2016). Thậm chí các đám hiếu hỉ của xếp cũng tốn (thu về) bạc tỷ… Những con số tiền này đôi khi phải đổi ra đô la Mỹ cho tiện (đọc, viết cất giữ) hoặc phải viết nửa số nửa chữ, cho dễ đọc. Nếu viết 63 nghìn tỷ, dù đã làm tròn, bằng chữ số thì trước khi đọc cần phải nhẩm, và nếu đọc cho ai viết thì chắc nhiều người viết sai.

Có hai hạng người kiếm ra tiền tỷ. Những người làm ra tiền tỷ bằng công sức hay may mắn trúng số thì lương thiện, ít nhất cũng không hại cho xã hội. Nhưng những anh kiếm tiền tỷ không lương thiện hoặc phá tiền tỷ của quốc gia là mối nguy. Tiền Phong ngày 01.11.2016 chạy tít “Tiền vào ngân sách hay vào túi cá nhân?”. Tờ báo dẫn lời ông Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên thảo luận luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) ngày 31. 10. 2016: “Tài sản Nhà nước rất lớn, nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng để kinh doanh mà không kiểm soát được… Tiền thu được vào đâu, vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân?”.

Xổ số thì sao?

Nhiều người cho rằng kiểu xổ số hiện nay hơi bị cũ và không minh bạch như vụ Công ty xổ số tỉnh Hà Giang (“Nguyên Giám đốc Công ty xổ số Hà Giang bị bắt” – ZingVN ngày 25.10.2016). Muốn tồn tại thì phải làm như “kiểu Mỹ” tức VIETLOTT. Báo Pháp Luật ngày 27.10.2016 viết “Vé số kiểu Mỹ lấn sân vé số truyền thống… vé số truyền thống đang… nghiên cứu. Tuy nhiên các Công ty chưa đưa ra được các giải pháp thực sự khả thi để vé số truyền thống có thể trụ vững”…

Trước tình thế này nhiều anh (bén nhạy) muốn “đổi mới” cách chơi. Lâu nay người ta đã nói và dân chúng đã nghe nhiều “đổi mới”, thỉnh thoảng nghe thêm “thật sự”, “đã đến lúc” tức thật sự đổi mới, đã đến lúc đổi mới hoặc là đổi mới cơ bản, toàn diện, tiếng “đổi mới” trở thành cũ.

Tiền bán vé số góp vào ngân sách, dĩ nhiên cũng có lợi cho một số người mua và cả những người tổ chức nữa. Tiền này thu từ dân, người mua, hầu hết là người nghèo nên phải sòng phẳng với họ. Muốn thu nhiều thì phải bán ra nhiều, cho nên lãnh đạo xổ số phải làm sao cho tốt hơn, minh bạch hơn để thu hút nhiều người mua hơn. Nếu cứ duy trì cách “truyền thống” thì bán không được nhiều, không thể trụ vững, nói chi đến viêc “xây dựng quê hương”.

Báo Pháp Luật, ngày 29.10.2016 viết (câu hỏi) “Bán dạo vé số kiểu Mỹ sẽ bị phạt nặng?” – “Không biết phạt kiểu gì nhưng nghe cũng sợ. Mua từ đại lý đã 10.000 đồng rồi, mà không cho bán cao hơn chút đỉnh thì bán làm chi. Nếu cấm thì kỳ cục quá vì tui mua về mà tui không xài thì tui được quyền bán chớ sao lại cấm!” (lời ông Thanh, người bán vé số). Cấm vì sợ vé số “kiểu Mỹ” chiếm thị phần của vé số “truyền thống” hay lý do gì khác?

Ở Mỹ (chắc) từ khi có vé số đến nay đâu phải giữ nguyên một kiểu, chắc phải “tự chuyển hóa” nhiều lần và còn tiếp tục “tự chuyển hóa” cho tốt hơn nữa.

Trong các lĩnh vực khác cũng thế, nếu “truyền thống” không còn hợp thì nên thay đổi cho tốt hơn. Vì lý do nào đó duy trì nguyên trạng là lạc hậu, điều này đã rõ. Khoa học (tự nhiên, xã hội) được như hôm nay là nhờ sự góp công, sức hoàn thiện của rất nhiều người tài giỏi, chứ đâu phải tìm ra một lần là muôn năm trường trị.

“Hoàn thiện” là cách chung, đâu phải của riêng ai, nước nào. Nên, đừng nói “kiểu Mỹ”, kiểu gì. Kiểu nào minh bạch, tiến bộ lợi cho dân, người mua và “xây dựng quê hương” là OK.

T. K. N.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.