Các Thủ tướng Nhật xin lỗi dân không có gì lạ, có lẽ đó là văn hóa hay đạo đức chính trị của nước Nhật. Chuyện ở nước Nhật rất đáng để chúng ta suy ngẫm, mặc dù Thủ tướng của chúng ta có thể ít thời gian suy ngẫm về những chuyện “nhỏ nhặt” thế này. Tất nhiên suy nghĩ của tôi là chủ quan, cảm tính và thậm chí có thể bị Thủ tướng ghét.
Nhưng nếu tôi nghĩ sai thì sao nhỉ? Nếu tôi sai thì cũng chả sao cả mà ngược lại sẽ là vạn lần vui sướng và phúc đức cho nước Việt khi có được ông Thủ tướng biết xin lỗi dân, từ đó sẽ có hàng trăm ông Bộ trưởng, Tỉnh trưởng, Bí thư, Đại biểu Quốc hội… sẽ noi theo tấm gương “người tốt việc tốt” này, tức là biết xin lỗi dân khi mình làm điều gì sai trái hay thất hứa với dân. Và dân chúng sẽ dần cảm thấy tin hơn một chút vào những câu khẩu hiệu như kiểu “sự lựa chọn sáng suốt của nhân dân” hay “của dân do dân vì dân”…
Chuyện mới nhất là ông Thủ tướng Yukio Hatoyama khi tranh cử đã từng hứa với dân rằng sẽ di chuyển một căn cứ quân sự Mỹ ra khỏi Okinawa nhưng nay ông lại nhận thấy rằng căn cứ này là cần thiết bởi “môi trường an ninh ở Đông Á vẫn còn mong manh”.
Bản tin của BBC nói rằng:
“Tôi xin lỗi người dân ở Okinawa vì tôi đã không thể giữ lời hứa của tôi”, Thủ tướng nói.
Phản hồi lại lời xin lỗi này, Tỉnh trưởng Nakaima đáp rằng “Tôi phải nói với ông rằng quyết định của ông là vô cùng đáng tiếc và rất khó chấp nhận được”.
Bên ngoài, người biểu tình hô vang: “Hatoyama, hãy về nhà đi”.
Ta thấy rằng người dân Nhật không hề muốn tha thứ trước lời xin lỗi và lý do của Thủ tướng đưa ra.
Nhưng nếu như chuyện này xảy ra ở Việt Nam thì có thể tạo nên một cú sốc tâm lý cực mạnh có tính lan truyền, thậm chí là hàng chục triệu người phải rơi nước mắt… Và chắc chắn rằng không có chuyện hàng ngàn người dân Việt nam phải biểu tình hô vang “Nguyễn Tấn Dũng, hãy về nhà đi” như người dân Nhật Bản đã làm.
Đã là dân tất nhiên người ta có thể kể ra hàng ngàn chuyện buộc phải “bỏ qua” nhưng giá như có một lời xin lỗi, chỉ một lời thôi mà họ “vẫn mong, vẫn chờ mãi, trên từng ngày quạnh hiu”… sao mà khó quá để được một câu xin lỗi từ những ông đầy tớ của mình.
Ví dụ như ngư dân đánh cá đã không được bảo vệ trên “biển của mình” và tuyệt vọng khốn cùng vì bị quân giặc bắt giữ đòi tiền chuộc. Ví dụ như 70 người dân Phú Yên bất ngờ thiệt mạng trong một đêm vì mưa lớn kèm thủy điện đồng loạt xả lũ. Ví dụ như hàng triệu người dân đang sống trong những khu quy hoạch treo vài chục năm. Ví dụ như hàng vạn lá đơn khiếu nại chưa được giải quyết thỏa đáng. Ví dụ như những con đường ngốn vài trăm tỷ tiền dân “vừa chạy thử đã hỏng”. Ví dụ như hàng trăm lô cốt khiến dân tình hàng ngày kẹt xe dài cổ hít khói bụi… Hay gần đây nhất là chuyện của một người thầy giáo “đương thời” trở thành “hết thời” chỉ vì mong muốn làm một ông thầy thực sự lương thiện. Có thấy ai xin lỗi ai gì đâu?
Người dân Việt vẫn xin lỗi nhau hàng ngày khi cần thiết, thầy xin lỗi trò, bè bạn vẫn xin lỗi nhau, cha xin lỗi con, chồng xin lỗi vợ… và tất nhiên các ông tai to mặt lớn vẫn có cư xử ấy với bè bạn hay gia đình họ. Nhưng không mấy khi nghe thấy câu xin lỗi thật lòng từ những con người là “lựa chọn sáng suốt của nhân dân” với người dân của họ. Phải chăng họ đang quá bận bịu vì phải nghe những tiếng vỗ tay và những lời chúc tụng về sự tài tình sáng suốt…?
Tôi vẩn vơ nghĩ giá như câu điệp khúc “xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em” sẽ được hát thành “xin lỗi dân, ngàn lần xin lỗi dân”… nghe mới êm ái dịu dàng làm sao… Và tình cờ đem suy nghĩ của mình nói với bạn, ông ấy phang luôn một tràng. Ý rằng như Tướng Giáp bao lần gửi thư đến lãnh đạo cấp cao không được ai hồi đáp, rồi Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh cũng thế, hay vụ các ông “Think tank” ở viện IDS kia đem óc não ra tư vấn không công cho nhà nước mà phải tự giải tán… có ai thèm xin lỗi đến nửa câu… thì dân đen làm gì đến lượt, đừng có mà mơ. Thế là tôi tỉnh lại.