Nhiều nhà hoạt động dân sự Việt Nam phản đối chiến hạm Trung Quốc đến Cam Ranh (ảnh: Facebook Trần Bang)
Ngoài việc không hoan nghênh các nguyên thủ, các đại diện cấp cao của Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc sang Việt Nam mà trong mấy ngày qua, các nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam còn phản đối chính quyền Việt Nam nói chung đã cho tàu quân sự của Trung Quốc vào Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày, từ ngày 22 đến ngày 26/10/2016 vì lo lắng cho vận mệnh đất nước cũng như những tội ác mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã gây cho người dân Việt Nam từ trước đến nay…
Phản đối vì lo lắng thảm họa diệt vong của đất nước…
Đúng như thông báo của Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, ba chiến hạm hiện đại nhất nằm trong biên chế hải quân Trung Quốc đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh vào hôm 22/10 gồm hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Tương Đàm 531, Châu Sơn 529 cùng tàu tiếp vận Sào Hồ 890, bắt đầu chuyến thăm với mục đích thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong 4 ngày ở Khánh Hòa, với tổng số sĩ quan và thủy thủ đoàn là 750 người do Tham mưu trưởng hạm đội Đông Hải (Trung Quốc) là ông Vương Hồng Lý làm trưởng đoàn, tàu Trung Quốc sẽ có những hoạt động chào xã giao lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, giao lưu với Hải quân vùng 4, Hải quân Việt Nam và tham quan danh lam thắng cảnh ở Nha Trang…
Trước đây, các chiến hạm của các nước như Nga, Nhật, Pháp và Hoa Kỳ cũng đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh và cũng có những hoạt động tương tự như phía Trung Quốc lần này. Tuy nhiên, có sự khác biệt là ngay khi các chiến hạm Trung Quốc còn chưa cập Cảng quốc tế Cam Ranh đã có rất nhiều nhà hoạt động dân sự Việt Nam đồng lên tiếng phản đối, không hoan nghênh các chiến hạm Trung Quốc đến. Những khẩu hiệu mà các nhà hoạt động dân sự Việt Nam đưa ra là “Không tiếp tàu chiến Trung Quốc đến Cam Ranh”, “Phản đối tiếp tàu chiến Trung cộng vào Cam Ranh” hoặc “Phản đối tàu chiến Trung Quốc đến Cam Ranh”.
Tại sao có sự khác biệt như thế này? Bà Bùi Diễm Hằng, một nhà hoạt động dân sự hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, có tham gia hoạt động phản đối các chiến hạm Trung Quốc cập Cảng quốc tế Cam Ranh lần này cho biết, bà lo lắng cho thảm họa diệt vong của đất nước Việt Nam, bởi từ ngàn xưa đến giờ Trung Quốc chưa bao giờ thôi mộng bành trướng xâm chiếm Việt Nam, không loại trừ Trung Quốc đưa các chiến hạm cập Cảng quốc tế Cam Ranh là một âm mưu. Bà Hằng bày tỏ:
“Vì tôi thấy thảm họa diệt vong trước mắt khi Cộng sản Việt Nam rước giặc vào nhà nên tui quá bức xúc tôi phải lên tiếng”.
Một điều đáng chú ý, ba chiến hạm mà Trung Quốc cho cập cảng Cam Ranh lần này thuộc Hạm đội Đông Hải, hạm đội này trong lịch sử từng tham gia vào cuộc cưỡng chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 14/3/1988, đây là một tộc ác của Hải quân Trung Quốc, là nỗi đau người dân Việt Nam mãi mãi không quên. Chưa kể những tội ác khác mà phía Hải quân Trung Quốc gây cho Việt Nam trên Biển Đông. Rõ ràng đây là sự khác biệt so với những chiến hạm của các nước khác. Như lời một nhà hoạt động dân sự Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ:
“Những tàu trước là của những nước không đe dọa chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Còn Trung Quốc thì đã chiếm đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà còn tiếp tục lấn chiếm, tranh chấp, bắt bớ, ngăn cấm và đánh đập ngư dân Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam thì việc người dân Việt Nam phản ứng khi chính quyền Việt Nam đón tiếp tàu chiến Trung Quốc vào cảng chiến lược quân sự Cam Ranh là tất yếu”.
Mặc dù vậy, kể từ thời điểm hai nước Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ trở lại, không chỉ ở lĩnh vực quân sự mà trong nhiều năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có những sự hợp tác rất chặt chẽ, sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực như; kinh tế- xã hội, y tế, giáo dục… Đây cũng là biểu hiện tính thân thiết giữa Đảng Cộng sản hai nước. Bằng chứng là có nhiều chuyến thăm cấp cao Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian qua, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi còn cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có hai lần sang thăm Trung Quốc vào các năm 2008 và 2010, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang bắt tay cùng người đứng đầu nhà nước Trung Quốc là ông Tập Cận Bình năm 2011, hay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc vào năm 2013, và mới đây nhất là ông Tập Cận Bình với cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2015 đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân Việt Nam đặc biệt là người dân ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội.
Việt Nam Thời Báo có đặt câu hỏi đối với hai nhà hoạt động dân sự là bà Hằng và bà Hạnh, rằng hai bà có lo sợ việc hai bà tham gia hoạt động phản đối các chiến hạm Trung Quốc vào Cam Ranh sẽ đi ngược lại tiếng nói của Đảng và Nhà nước Việt Nam hay không? Cả bà Hằng lẫn bà Hạnh đều trả lời quyết đoán.
Lời của bà Hằng: “Cho dù tôi có bị cộng sản Việt Nam gán ghép bất cứ tội gì họ muốn, tôi cũng phản đối đến cùng có chết cũng không hề sợ”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam đang ngày càng quỵ lụy và thỏa hiệp với Trung Cộng, việc đó đe dọa chủ quyền của Tổ quốc. Nước mất thì nhà tan. Tôi hiểu chống Trung Quốc nghĩa là chống lại chủ trương của Đảng. Nhưng tôi thà bị chính quyền trả thù còn hơn phải làm nô lệ cho Trung cộng” – lời của bà Hạnh.
Một sự ngẫu nhiên là các nhân vật trong bài viết mà Việt Nam Thời Báo trao đổi, chia sẻ vấn đề quân sự như đã nêu trên lại là những phụ nữ. Việt Nam là nước Á châu, lại sát bên Trung Quốc cũng như về mặt lịch sử thì người dân Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi văn hóa phong kiến Nho giáo, người phụ nữ Việt Nam với bao lo toan việc gia đình nhưng lại biết vượt lên thành kiến xã hội, quan tâm việc nước. Vì lẽ này mà trong những hoạt động như xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, bắn giết ngư dân Việt Nam hoặc phản đối các chiến hạm Trung Quốc cập Cảng quốc tế Cam Ranh lần này chẳng hạn, số lượng phụ nữ tham gia khá đông và rất sôi nổi, không kém cạnh đàn ông. Họ coi đây là nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước.
“Bất đồng chính kiến trong chế độ độc tài này thì đàn ông hay đàn bà đều sẽ bị ảnh hưởng đến gia đình, đến cuộc sống. Nhưng là một công dân, tôi không thể né tránh nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc và Nhân dân”- bà Hạnh kết lời.
H.G.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/10/vntb-nhieu-nha-hoat-ong-dan-su-vn-phan.html