VOA Tiếng Việt
Tư liệu- Một nhóm cứu trợ thiện nguyện.
Mới đây, báo chí Việt Nam dẫn lời người dân địa phương tường thuật rằng ở xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình chính quyền xã đã “thu lại tiền cứu trợ” mà các nạn nhân lũ lụt nhận được từ các nhà hảo tầm, sau đó chính quyền “chia đều cho các hộ”.
Việc này đã được một đại biểu quốc hội của tỉnh xác nhận với các phóng viên hôm 26/10. Có tin sau sự việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã có văn bản “yêu cầu tất cả các đơn vị trong tỉnh phải nghiêm túc trong tiếp nhận hàng cứu trợ; cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của bất cứ đơn vị nào nếu có”. Tin cho hay, về các trường hợp đã bị thu tiền cứu trợ, “tỉnh chỉ đạo trả lại tiền theo danh sách được nhận”.
Vụ việc này đã dẫn đến sự bất bình của công chúng. Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng cách làm của xã Quảng Hải là “bất nhân”, “không minh bạch” và “lừa dối những người hảo tâm”.
Trong khi sự việc chưa lắng xuống, đã xuất hiện thông tin trên mạng xã hội về vụ việc tương tự ở một số thôn ở các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Một người trong cuộc cho VOA biết thêm là một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội đã tặng hàng ngàn suất quà trợ giúp trị giá mỗi suất hơn 2 triệu đồng tại 2 tỉnh kể trên trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nguồn tin là một nhân viên nữ đề nghị không nêu tên cá nhân cũng như của doanh nghiệp, cho hay một số người dân đã gọi điện thoại cho đại diện doanh nghiệp vào ngày 25/10 nói trưởng thôn của họ đã thu lại các phần quà.
Đã có một số người bày tỏ trên mạng rằng việc chính quyền thôn thu lại tiền cứu trợ để chia đều có thể vì mục đích tốt nhằm mang lại sự “san sẻ”, “đồng đều” giữa người được nhận cứu trợ và người không được nhận.
Mặc dù vậy, nữ nhân viên vừa tham gia chuyến tặng quà nói với VOA rằng cách làm như vậy là không phù hợp:
“Sau khi phát quà cho đồng bào hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thì bên đơn vị tôi được dân ở đó phản ánh lại là họ bị thu lại phần quà đấy. Cảm xúc ban đầu của tôi là rất ức chế và cảm thấy giận dữ. Tôi có nhận một số thông tin là cái việc làm của họ cũng tốt thôi. Nhưng mà tôi thấy cách làm này không phù hợp. Tôi nghĩ là nó không hợp pháp. Cách làm này nó sẽ gây phản cảm đến những người đã thực hiện các công việc tốt đẹp muốn giúp đỡ đồng bào của mình”.
Chị nói dù vì mục đích gì, việc thu lại quà “gây tổn thương” đến các nhà hảo tâm. Chị nêu ra đề xuất về cách làm khác nếu chính quyền địa phương muốn mang lại sự đồng đều cho những người thiệt thòi:
“Làm sao để toàn bộ bà con trong vùng đều được hỗ trợ thì cán bộ xã hay cán bộ thôn nên làm việc với các đơn vị xuống tài trợ về việc thôn tôi có bao nhiêu người như thế, và nếu các anh chị có thể chia nhỏ các phần quà để tất cả những người trong thôn đều nhận được món quà như vậy, thì tôi nghĩ nó sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều, không gây hiểu nhầm, không gây phản cảm như là họ đã làm trước đó”.
Trên Facebook, một luật sư nhìn các vụ việc này với con mắt rất nghiêm khắc và cho rằng chúng có dấu hiệu về việc cưỡng đoạt tài sản. Theo vị luật sư, cần phải khởi tố vụ án vì nếu không sẽ dung túng cho hành vi của một số người nhân danh sự nhân đạo để cướp đoạt tài sản của những người cùng khổ vào lúc niềm tin trong xã hội Việt Nam đã xuống mức rất thấp.