Thấy gì qua công văn của UBND Tỉnh Nghệ An gửi đến Tòa Giám mục GP Vinh

JB Nguyễn Hữu Vinh

Thảm họa của mọi nhà, mọi người

Thảm họa môi trường Miền Trung do Formosa gây ra đã rõ.

Hậu quả và tác hại của nó không chỉ là ở một vùng, một miền mà lan tỏa rộng khắp đất nước và ra tận các quốc gia khác.

Thảm họa đó theo sóng biển đi vào những ngõ ngách của bờ biển hàng ngàn km, theo những dòng sông thủy triều lên xuống hàng ngày, vào tận các khu rừng ngập mặn, khu nuôi hải sản, đồng muối… Bởi đơn giản chẳng ai cấm được nước biển đầy chất độc Formosa không được luân chuyển đến nơi này hoặc nơi kia.

 

Không những thế, thảm họa này còn đi theo những đoàn xe bí mật chở hải sản nhiễm độc phân tán từ vùng ô nhiễm nặng nhất ra khắp đất nước, theo những chai nước mắm được ướp tẩm từ cá nhiễm độc kia, theo những xe muối đi khắp đó đây của đất nước để mang theo kim loại nặng vào tận từng tế bào người dân Việt chờ gây hậu quả cho nhiều thế hệ.

Thảm họa đó còn theo những toán học sinh hàng nghìn đứa bỏ học, lêu lổng vì gia đình không đủ tiền cho các cháu đến trường, theo hàng ngàn sinh viên phải ra đời làm thuê kiếm sống vì gia đình không đủ khả năng chu cấp tiền bạc sau khi thất nghiệp do biển chết. Thảm họa đó cũng đi theo những dòng người tấp nập chen chúc nhau đi thi tiếng Hàn để mong được một chân làm thuê, tình nguyện “bị bóc lột nặng nề” tại các nước mà đảng CSVN đã có thời gọi là “Chó săn đế quốc”.

Có lẽ, duy nhất, những nơi không ảnh hưởng, đó là hệ thống công quyền Việt Nam. Ở đó, đội ngũ cán bộ đảng viên vẫn cứ đều đều ăn lương, đều đều hưởng lộc và bình chân như vại. Họ sống bằng những đồng tiền thuế ngày càng tăng cao trên lưng và xương máu của người dân Việt Nam. Chỉ riêng đầu tháng 10/2016, mỗi lít xăng đã phải chịu 8.825 đồng tiền thuế trên giá CIF tính thuế nhập khẩu là 7.875 đồng/lít. Cũng từ tháng 6/2016, mỗi quả trứng gà người dân sản xuất ra đã phải chịu 14 loại thuế, phí khác nhau.

Thậm chí, họ còn cố tình bao che, lấp liếm cho kẻ thủ ác là Formosa bằng nhiều cách: Trấn áp những người biểu tình đòi môi trường trong sạch, phản đối kẻ hủy diệt môi trường. Lần khân việc điều tra và công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra thảm họa môi trường. Đặc biệt, việc nhanh nhẩu nhận 500 triệu đola của Formosa mà không chịu khởi tố vụ án theo đúng quy định của Luật môi trường…

Quái ác hơn, quan chức nhà nước một mặt không tiến hành các biện pháp khẩn cấp bảo vệ người dân mình, không làm những công việc hết sức khẩn cấp cần thiết đem lại đầy đủ thông tin ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân như vùng biển nào độc, loại hải, thủy sản nào ăn được, loại nào nguy hiểm… thì ngược lại, họ xúi dân ăn cá độc và tắm biển nhiễm kim loại nặng!

Tất cả những điều đó, hẳn đã đủ để cho thấy rằng nhà cầm quyền hiện nay đang đứng về phía người dân hay đứng về phía những kẻ hủy diệt nhân dân?

Một chính quyền ăn lương của dân, bóp nặn dân từng đồng thuế, sống bằng xương máu của người dân và bán tài nguyên khoáng sản của  dất nước, vay nợ nước ngoài thả phanh mặc cho người dân nợ như chúa Chổm. Nhưng lại đứng về phía thủ ác, chống lại nhân dân, thì thử hỏi có chính quyền nào phản động hơn?

Những hành động của quan chức chính quyền và cả hệ thống tự nhận là “đầy tớ của dân” đã ngang nhiên phản bội và chà đạp ông chủ của mình.

Những “chủ chăn” làm công việc của đầy tớ

Trước thảm họa từ Công ty Formosa gây ra cho người dân khắp các tỉnh Miền Trung và cả nước, điều cấp bách đòi hỏi sự trách nhiệm từ mỗi công dân, từ mỗi con người Việt Nam nhằm ngăn chặn thảm họa lan rộng và gây tổn hại lâu dài đối với tính mạng và nòi giống Việt Nam.

Trước sự lần khân, bao che cho thủ phạm và sự vô trách nhiệm của nhà cầm quyền, là những người trực tiếp nơi thảm họa, các Linh mục và Đức Giám mục Giáo phận Vinh đã kịp thời có những hành động hết sức khẩn trương vì quyền sống, quyền được tồn tại và bảo tồn giống nòi của người dân Việt Nam. Hàng loạt các chuyến hàng cứu trợ người dân nhiều nơi, trong Công giáo cũng như ngoài Công giáo được tiến hành. Hàng Linh mục Hạt Kỳ Anh đã kịp thời nêu các yêu cầu cấp bách cho cuộc sống của người dân trước thảm họa đối với các cấp chính quyền từ cơ sở đến Quốc hội, Trung ương.

Hàng loạt văn thư yêu cầu, kiến nghị, việc thống kê kiểm đếm thiệt hại cũng như tinh thần tương thân, tương ái được kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân đã thể hiện một cách đầy đủ nhất lương tâm và trách nhiệm của hàng giáo phẩm, giáo dân Giáo phận Vinh cũng như người dân cả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, việc hướng dẫn người dân trong trật tự yêu cầu nhà nước Việt Nam vốn luôn tự xưng là “nhà nước pháp quyền” thực hiện các trách nhiệm của mình trước công dân theo đúng luật pháp quy định là việc làm hết sức chính nghĩa.

Điều này được đông đảo người trong và ngoài Công giáo, trong và ngoài nước ghi nhận và ủng hộ.

Lẽ ra, một nhà nước, một chính quyền sống bằng xương máu người dân, sẽ là người phải chịu trách nhiệm chính giải quyết các vấn đề đó. Và những hành động của người dân, của các Linh mục, hàng Giáo phẩm GP Vinh giúp đỡ con dân mình, phải được nhìn nhận với sự biết ơn từ phía “nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Tiếc rằng, tất cả những cố gắng đó, những việc làm mà người ta gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của hàng Giáo phẩm Giáo phận Vinh, thể hiện trách nhiệm của mình trước người dân, trước đất nước… đã  bị nhìn nhận với một thái độ thù địch và trái chiều từ phía chính quyền.

Những bản công văn lạ

Ngày 7/10/2016, nhà cầm quyền Nghệ An gửi đến Tòa Giám mục GP Vinh một văn bản “lạ”.

Đọc văn bản, người ta thấy đập vào mắt đầu tiên, là một trò lưu manh vốn dĩ đã tồn tại từ lâu nay vẫn được đưa ra sử dụng. Đó là việc đánh tráo khái niệm – một căn bệnh mãn tính của những người cộng sản xưa nay.

Văn bản viết: “một số chức sắc hoạt động lấn lướt chính quyền cơ sở”. Quái lạ!

Từ xưa đến nay, các chức sắc tôn giáo vốn chỉ hoạt động rao giảng cho Giáo dân và giúp đỡ họ về tâm linh, tinh thần. Mà hoạt động tôn giáo, rao giảng thì làm sao lấn lướt chính quyền cơ sở? Có phải các chức sắc đã lập ra chính quyền mới nên lấn lướt chính quyền cơ sở của nhà nước?

Hay là các chức sắc tôn giáo ở Nghệ An đã thay chính quyền để khai sinh cho con em họ? Hay các Linh mục đã thay nhà nước để cấp sổ đỏ, sổ hồng đất đai? Hay có thể là các Linh mục đã thay nhau lập dự án xây dựng tượng đài ngàn tỷ từ ngân sách nhà nước là tiền của dân? Hay họ đã tổ chức đưa quân đội, công an đi cưỡng chế đất đai của dân để bán cho tư nhân? Một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” thực sự thì ai có thể lấn lướt được chính quyền đó?

Việc văn bản viết rằng: “tuyên truyền xuyên tạc sự thật, nói xấu đảng và chính quyền các cấp” thì rõ ràng ở đây đã có sự lập lờ đổi trắng thay đen về ngôn ngữ.

Bởi với hàng vạn người dân sống bằng niềm tin, thì việc xuyên tạc sự thật đâu có dễ dàng như loa nhà nước? Còn việc nói xấu ư? Xin thưa, chẳng ai có thể nói xấu, nếu bản thân mình không xấu. Tuy nhiên, ở đây cần định nghĩa lại một điều: Nói thật, thì không có ý nghĩa là nói xấu. Bởi chỉ những kẻ xấu xa khi bị nói lên sự thật, thì tự lu loa rằng người ta nói xấu mình mà thôi.

Điều này kể cũng hài hước, tôi còn nhớ ở Nghệ An xưa nay vẫn luôn ca bài ca “Dân tin đảng, đảng thương dân, tình đảng tình dân như tình mẫu tử” cơ mà? Khi đảng đã tự nhận mình với dân như cha mẹ với con cái, nếu thượng không “bất chính”, thì làm sao có chuyện hạ “tắc loạn”?

Một sự đánh tráo khác nữa, bẩn thỉu hơn, độc ác hơn ở đây khi văn bản viết: “ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ lương – giáo”. Rõ ràng, ở đây không thể là mối quan hệ “lương – giáo”, tức là mối quan hệ giữa những người Công giáo và người ngoài Công giáo hoặc tôn giáo bạn. Mà nếu có, thì đây chỉ là mối quan hệ giữa người dân và nhà nước, chính quyền.

Việc vơ vào, nhận xằng chính quyền là “lương”, để lôi kéo những người ngoài Công giáo đối nghịch với Công giáo, nhằm mục đích khơi gợi hận thù tôn giáo – Đó là một tội ác đối với đất nước và dân tộc. Bởi xung đột tôn giáo luôn là nỗi bất hạnh của bất cứ quốc gia, dân tộc nào.

Con bài này, người ta đã thấy nhiều trong các vụ việc như Mỹ Yên, Mỹ Lộc, Tam Tòa… và tỏ ra rất hiệu quả cho nhà cầm quyền khi dùng những ngón đòn bẩn thỉu nay được đưa ra xài lại.

Nhưng, họ đã nhầm. Vụ việc Formosa xả độc gây thảm họa Miền Trung, nạn nhân không chỉ là người Công giáo, và nhà cầm quyền hành động ra sao, người dân đã rõ mười mươi.

Chẳng nói đâu xa xôi, hiện nay, sau khi Chính phủ nhận 500 triệu đola nhằm chạy tội cho Formosa, thì Thủ tướng đã có văn bản đền bù cho người dân chỉ 4 tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào. Trong khi người dân Nghệ An bám biển và các dịch vụ đang liêu xiêu vì thảm họa đã không hề được nhắc đến.

Lẽ ra, chính nhà cầm quyền Nghệ An, mới là người chính thức phải đứng lên đòi quyền lợi cho dân mình – những người dân Nghệ An đã phải bóp hầu bóp cổ để nuôi họ. Nhưng, họ đã lặng thinh. Điều này đồng nghĩa với việc toa rập với những kẻ giết dân mình.

Trong khi đó, các Linh mục, chức sắc Công giáo như Linh mục Đặng Hữu Nam đã phải đứng lên đòi quyền lợi cho dân của họ, lẽ ra họ phải cảm ơn tận đáy lòng, thì ngược lại, họ đã đang tâm làm ngược lại.

Hài hước hơn, một văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh [Nghệ An] ký và đóng dấu đỏ choét, lại “lên án” việc Linh mục đứng lên, hướng dẫn người dân đòi quyền lợi của mình một cách hợp pháp nhất, đúng tình tự pháp luật nhất, do chính nhà nước này công bố?

Cũng văn bản này, UBND Tỉnh Nghệ An “xét thấy” Linh mục Đặng Hữu Nam vi phạm pháp luật? Lại còn cả vi phạm Giáo luật?

Thế mới hài. Thế có nghĩa là chẳng cần Tòa án xét xử, chẳng cần Tòa Giám mục cứu xét, UBND Tỉnh Nghệ An đã một mình làm thay tất cả mọi việc và “phán như thật”.

Họ đã không hiểu trách nhiệm, bổn phận cũng như quyền hạn của mình là gì, dù đó là một Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Cũng văn bản này, UBND Tỉnh Nghệ An có một “đề nghị” không hiểu nên xếp vào dạng nào, khi “đề nghị không bố trí Linh mục Nam tiếp tục hoạt động mục vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”?

Là Linh mục, nơi quê hương mình, không bố trí hoạt động mục vụ trên địa bàn Nghệ An, vậy ngài sẽ hoạt động mục vụ tại đâu?

Có lẽ nếu đúng đắn nhất, thì nên chuyển ngài vào thay Chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An, có lẽ khi đó, cái gọi là Ủy ban Nhân dân mới mong có chút gì đó gọi là biết lo cho dân nước, lo cho ông chủ của mình trong đại thảm họa? Bởi những việc làm của ngài vừa qua, thực chất là đã làm thay cho UBND Tỉnh Nghệ An.

Có lẽ UBND Tỉnh Nghệ An muốn chuyển Linh mục Đặng Hữu Nam vào luôn Kỳ Anh, Hà Tĩnh để việc đưa người dân đến khiếu kiện hoặc biểu tình phản đối Formosa được thuận tiện hơn?

Đọc văn bản của UBND Tỉnh Nghệ An, người ta ngộ ra và thấm thía một điều rằng cha ông ta đã dặn rất chí lý: “Làm đầy tớ thằng khôn, hơn làm thầy thằng dại”.

Ở đây, vấn đề không phải là “dại” mà chỉ là sự bất lương.

Hà Nội, 18/10/2016. Ngày giáo dân Nghệ An đi khiếu kiện Formosa tại Hà Tĩnh.

N.H.V.

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/3505

1000 ngư dân Nghệ An tiếp tục kiện Formosa

clip_image001

Linh mục Đặng Hữu Nam nói chuyện với ngư dân chờ đợi bên ngoài trụ sở Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, 26/9/2016.

Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam sẽ cùng nhiều người dân tỉnh Nghệ An đi nộp lại đơn kiện một nhà máy của hãng Formosa, Đài Loan, đặt ở Hà Tĩnh, do nhà máy đã gây ra một thảm họa môi trường biển hồi tháng 4 năm nay, gây thiệt hại cho nhiều người dân.

Vị quản xứ Giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, ra thông cáo báo chí hôm 16/10 cho hay ông và 1000 người dân huyện Quỳnh Lưu của tỉnh sẽ đi đến Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh ở tỉnh Hà Tĩnh lân cận vào ngày 18/10 để nộp đơn kiện.

Trước đó, trong 2 ngày cuối tháng 9, Linh mục Nam và hơn 600 người dân đã nộp đơn tại chính tòa án này, song vào tuần đầu tháng 10, tòa đã trả lại đơn với lý do những người khiếu kiện Formosa đã “không có đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại”.

Bác bỏ lập luận nêu trên của tòa án, Linh mục Nam nói với VOA như sau:

“Nếu nói rằng chúng tôi không chứng minh được sự thiệt hại của chúng tôi thì chính nhà nước đã có một căn cứ để định mức kê khai. Thứ hai, trong đơn đó chúng tôi cũng có thông số là trước thảm họa thì người dân đã có doanh thu bao nhiêu. Và khi thảm họa xảy ra thì doanh thu đã chứng minh được như thế. Còn nếu nói chúng tôi thiếu hồ sơ thì tòa án phải có văn thư yêu cầu chúng tôi bổ sung điều nọ điều kia, và khi chúng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu của tòa án và theo như luật định thì chúng tôi mới bị trả đơn”.

Linh mục Nam cho biết thêm phía tòa án đã viện dẫn Quyết định 1880 để trả lại đơn. Quyết định này do Thủ tướng Việt Nam ban hành hồi cuối tháng 9/2016 nêu ra định mức bồi thường cho những người bị thiệt hại vì thảm họa do nhà máy của Formosa gây ra.

Tuy nhiên Linh mục Nam chỉ ra sự bất hợp lý của việc viện dẫn này:

“Quyết định này lại càng không liên can đến chúng tôi. Bởi vì trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ nói là sẽ bồi thường cho những ngư dân trong 7 nhóm đối tượng ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Chúng tôi là những người ở Nghệ An. Chúng tôi không phải là đối tượng được khống chế trong quyết định của thủ tướng. Hơn nữa, Thủ tướng không có quyền để ra quyết định về định mức đền bù. Cái thứ hai, việc đền bù một hợp đồng, về thiệt hại về kinh tế, đây là thiệt hại có thể tính được bằng tiền, chứ không phải tính theo định mức”.

Vị quản xứ Giáo xứ Phú Yên khẳng định việc tòa trả lại đơn như vừa qua là một việc làm sai luật. Ông cho biết thêm cũng như lần đi nộp đơn hồi cuối tháng trước, hiện nay nhà chức trách địa phương đang gây khó dễ với các nhà xe được người dân thuê để chở họ đi đến Hà Tĩnh vào ngày 18/10. VOA không liên lạc được với chính quyền địa phương để làm rõ lời cáo buộc này.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/ngu-dan-nghe-an-tiep-tuc-kien-formosa/3554797.html

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.