GS. Phạm Quang Tuấn: Phải có tam quyền phân lập, phải có đa đảng

Kiều Phong

(VNTB) – “Phải có tam quyền phân lập, phải có đa đảng, phải triệt bỏ hệ thống một đảng lãnh đạo trong mọi tầng lớp, cơ quan. Nếu tất cả các tòa án, luật sư, quan tòa, báo chí, ủy ban điều tra, cơ quan nghiên cứu… đều không độc lập mà bị chỉ huy, lãnh đạo bởi một đảng thì làm sao có sự đối lập, độc lập và minh bạch được”.

clip_image002

   GS. Phạm Quang Tuấn

Giáo sư Phạm Quang Tuấn là một chuyên gia về công nghệ hóa nổi tiếng, từng giảng dạy tại đại học New South Wales ở thủ đô Sydney, Úc. Là một nhà khoa học người Úc gốc Việt yêu nước, ông cũng là một cây viết được cộng đồng người Việt hải ngoại tín nhiệm. Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn với giáo sư Phạm Quang Tuấn, về sự khác biệt giữa luật pháp hai nước Úc và Việt, xung quanh vụ Formosa.

 

Kiều Phong: Xin Giáo sư Phạm Quang Tuấn cho biết, những nhà khoa học và những nhà hoạt động môi trường ở Úc có biết về thảm họa môi trường Formosa không ?

Gs. Phạm Quang Tuấn: Báo chí Úc và các nước khác có đăng, nhưng tôi không biết nhà khoa học hay nhà hoạt động môi trường ở Úc nào bàn về chuyện này.

Kiều Phong: Được biết rằng ở một nền dân chủ như Úc, vấn đề môi trường luôn được đặt ra hàng đầu. Thế nhưng ở Việt Nam, hội đồng những nhà khoa học lại không được phép tiết lộ thông tin về những chất độc hại trong nước biển miền Trung lúc xảy ra thảm họa Formosa, mặc dù họ đã có kết quả phân tích. Trong tư cách một nhà khoa học, giáo sư Phạm Quang Tuấn bình luận như thế nào về sự cấm cản này?

Gs. Phạm Quang Tuấn: Úc cũng như tất cả các nước dân chủ khác có đạo luật Tự Do Xem Thông Tin (Freedom of Information Act). Theo đạo luật này thì tất cả công dân có quyền đòi hỏi được xem các thông tin, tài liệu của chính phủ, còn gọi là “quyền được biết” (right to know). Luật này dựa vào nguyên tắc rằng dân chúng phải có đầy đủ thông tin để bảo đảm có một chính quyền minh bạch, công khai và có trách nhiệm (government transparency, openness and accountability). Có một quy trình rõ ràng để mỗi công dân (hoặc hội đoàn, tổ chức…) đòi hỏi xem tài liệu của chính phủ.

Quy trình này như sau:

1. Các cơ quan chính phủ phải công bố danh sách các tài liệu họ đã dùng để đi đến một kết luận hay quyết định. Việc này là đương nhiên, không ai yêu cầu cũng phải làm.

2. Dựa theo danh sách đó, người dân yêu cầu gửi tài liệu cho họ. Nếu sợ danh sách không đầy đủ thì ghi rõ là xin cung cấp tất cả các tài liệu về vấn đề.

3. Nếu cơ quan không chịu gửi, thì nộp đơn xin và dẫn viện Luật Tự Do Xem Thông Tin. KHÔNG CẦN VIỆN DẪN LÝ DO NÀO HẾT, vì đây là quyền đương nhiên của công dân.

4. Cơ quan phải trả lời trong một thời hạn nhất định (chẳng hạn ở bang Victoria là 45 ngày).

5. Cơ quan chỉ có thể từ chối cung cấp tài liệu nếu có một trong những lý do đã xác định trước trong luật (những biên bản bàn luận nội bộ, bí mật thương mại, phương hại kinh tế hay an ninh quốc gia…).

6. Nếu cơ quan không chịu cung cấp tài liệu thì có thể kiện với Ủy Viên Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Commissioner), một chức vụ có quyền hạn rất lớn và độc lập với các cơ quan chính phủ khác.

Ngoài ra, nếu có biến cố lớn gây ảnh hưởng và quan tâm đáng kể trong dân chúng, tương tự như vụ Formosa chẳng hạn, thì thường là dân chúng sẽ làm áp lực và chính phủ Úc sẽ mở một cuộc điều tra độc lập dưới dạng “Royal Commission” (Ủy ban Hoàng gia). Chữ “hoàng gia” đây có thể hiểu là có quyền hạn rất lớn, ngang hay trên chính phủ. Người đứng đầu ủy ban điều tra này được chọn từ những người có thành tích và uy tín lớn trong xã hội nhưng không nằm trong chính phủ, và thường là một quan tòa có uy tín (nên nhớ tư pháp ở Úc và các nước dân chủ hoàn toàn độc lập với chính phủ, vì hiến pháp của họ theo cơ cấu Tam Quyền Phân Lập). Ủy ban này có quyền xem tất cả các tài liệu liên quan đến vấn đề, phỏng vấn, tra hỏi bất cứ ai từ thủ tướng trở xuống, thuê chuyên viên nghiên cứu thêm, v.v., và mọi tài liệu, kết luận đều thuộc về công chúng.

Một cơ chế nữa để bảo đảm minh bạch là chế độ đa đảng ở Úc và các nước dân chủ. Nếu đảng cầm quyền cố ý giấu diếm thông tin, ngang nhiên hay lén lút xâm phạm luật tự do thông tin (hay bất cứ luật nào khác) thì đảng đối lập sẽ lập tức lên tiếng, báo chí sẽ đăng tải rộng rãi, và nếu họ (đảng đối lập) có lý thì áp lực của công luận sẽ bắt buộc chính phủ phải giải quyết bằng cách công khai hóa thông tin hoặc lập Ủy ban Điều tra hay Ủy ban Hoàng gia.

Tự do báo chí cũng là một yếu tố bảo đảm chính phủ phải minh bạch. Có luật minh bạch thông tin nhưng không có tự do báo chí thì dù có đối lập cũng không lên tiếng được, có lên tiếng cũng chẳng ai nghe, và nếu có nghe cũng chẳng làm được gì.

Xem đó thì VN còn rất nhiều cái cần sửa đổi trước khi có thể có sự minh bạch trong chính quyền. Không phải chỉ ra một vài đạo luật là đủ. Phải có tam quyền phân lập, phải có đa đảng, phải triệt bỏ hệ thống một đảng lãnh đạo trong mọi tầng lớp, cơ quan. Nếu tất cả các tòa án, luật sư, quan tòa, báo chí, ủy ban điều tra, cơ quan nghiên cứu… đều không độc lập mà bị chỉ huy, lãnh đạo bởi một đảng thì làm sao có sự đối lập, độc lập và minh bạch được.

Kiều Phong: Theo giáo sư, thảm họa môi trường Formosa có liên quan với ý đồ của thế lực bành trướng tại biển Đông hay không?

Gs. Phạm Quang Tuấn: Nếu hiểu là Formosa cố ý đầu độc biển miền Trung để giúp cho tham vọng bành trướng của Tàu thì tôi nghĩ là đó là một lý do hơi xa xôi (tuy không thể loại bỏ hẳn). Phải nhìn đến lý do hiển nhiên nhất: sự tham lam, hấp tấp, thiển cận, thiếu khả năng và không tôn trọng lập pháp của chính những người cầm đầu đất nước đã để cho công ty nước ngoài lợi dụng. Nếu có cơ cấu và chính phủ đàng hoàng, biết lo và có khả năng lo cho dân cho nước, thì “ý đồ của thế lực bành trướng” chẳng làm được gì mà sợ.

Kiều PhongCâu hỏi cuối cùng thưa giáo sư: Ở Úc đã từng xảy ra những vụ án môi trường như vậy chưa? Nếu có thì sự việc  đã được giải quyết như thế nào?

Gs. Phạm Quang Tuấn: Chưa bao giờ, theo tôi biết. Các cơ cấu hiến pháp và luật pháp đã kể ở trên, cũng như sự hoạt động tích cực của các hội đoàn dân sự bảo vệ môi trường và ý thức chung của dân chúng và chính quyền về môi trường khiến cho một đại họa kiểu Formosa khó hay không thể xảy ra trên đất nước này. Nếu có sự cố môi trường thì thường là do tai nạn (chẳng hạn đắm tàu chở dầu năm 2009) hơn là cố ý gian dối.

Xin được cám ơn giáo sư.

K.P. – P.Q.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/10/vntb-gs-pham-quang-tuan-phai-co-tam.html

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.