Hoàng Dung, thông tín viên RFA
Trẻ em địa phương ven biển miền Trung Phú Yên bán đồ lưu niệm san hô khô cho khách du lịch hôm 1/8/2016. AFP photo
Vào ngày 29 tháng 09 năm 2016, thủ tướng chính phủ đã ký quyết định đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên. Trong khi đó một số ngư dân Nghệ An cũng nói chịu thiệt hại nhưng không thuộc đối tượng được bồi thường.
Ngư dân ở Nghệ An chịu nhiều thiệt hại
Sự việc thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi đầu tháng 04 năm 2016, đã gây ra biết bao khó khăn cho ngư dân ở khu vực miền Trung, cá bị chết hàng loạt, người dân không ai dám ăn cá.
Vào ngày 30 tháng 06 năm 2016, chính phủ đã nhận 500 triệu Mỹ kim của Formosa đền bù cho sự việc mà họ gây ra, sau khi quyết định nhận số tiền đền bù đó của Formosa thì nhiều ngư dân lại chờ vào số tiền đền bù của Formosa, trong thời gian đó thì chính phủ đã có một số hỗ trợ gạo cho ngư dân ở Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, trong khi ngư dân ở Nghệ An lại không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.
Vào các ngày 26 và 27 tháng 09 năm 2016, hơn 600 bà con ngư dân ở Nghệ An đã vào tòa án thị xã Kỳ Anh để khởi kiện và yêu cầu Formosa bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân, số tiền bà con yêu cầu Formosa bồi thường là 56 tỉ đồng với 506 lá đơn, tuy nhiên sau đó vào ngày 08 tháng 10 năm 2016, tòa án đã trả lại đơn cho bà con ngư dân với những lý do không hợp lý.
Sau đó vào ngày 03 tháng 10 linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, Quản xứ giáo xứ Song Ngọc cũng đã đại diện cho hơn 600 bà con ngư dân, gửi đến Quốc hội và Chính phủ đơn kiện của bà con ngư dân yêu cầu Formosa bồi thường cho ngư dân.
Đời sống của người ngư dân thì vô cùng tệ hại bởi vì biển là nguồn sống của người dân, người ngư dân sống với biển và chết vì biển…
– LM Đặng Hữu Nam
Vào ngày 29 tháng 09 thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 1880 đền bù cho ngư dân cho 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, mà không có đền bù cho ngư dân ở Nghệ An.
Trước sự việc đó linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, giáo dân của cha đa số là đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối, nên sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra từ hồi đầu tháng 04 thì bà con ngư dân trong giáo xứ của cha gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Cha Nam chia sẻ:
“Đời sống của người ngư dân thì vô cùng tệ hại bởi vì chúng ta biết là vốn đời sống ngư dân vốn đã nghèo rồi thì gặp thảm họa này thì đời sống của họ càng thêm thê thảm hơn bởi vì biển là nguồn sống của người dân, người ngư dân sống với biển và chết vì biển, vì thế mà khi biển chết cá chết thì người dân cũng lâm vào hoàn cảnh chết đó là bởi vì người ngư dân không thể đi làm được, không thể có nghề nghiệp và mất việc thuyền bè nằm bờ. Điều đó sáu tháng trời mà không có thu nhập hàng ngày để người ta chi dùng hậu quả của nó tàn khốc đến mức độ nào. Bên cạnh đó không chỉ là việc người ta không thu nhập hàng ngày mà các gia đình lâm vào cảnh phá sản hoàn toàn bởi vì các phương tiện đánh bắt của họ đều phải vay ngân hàng để chi trả vào phương tiện đánh bắt, người ta sống được qua 6 tháng qua, là nhờ vào các tổ chức từ thiện hoặc các tổ chức tôn giáo giúp đỡ cứu trợ mà thôi”
Anh Thanh một ngư dân ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An cũng cho biết những khó khăn mà gia đình anh cũng như những ngư dân đánh bắt cá, hay kinh doanh ở bãi biển Cửa Lò gặp phải:
“Thiệt hại thì rõ ngay trước mặt nói chung thì ở Miền Trung thì 4 tỉnh trong kia nhưng mà có cả Nghệ An nữa. Thứ nhất là cả vấn đề là hải sản cũng bị nhiễm rồi. Thứ hai nữa là nếu có đánh về được thì người ta cũng không mua nữa, người ta cũng không tiêu thụ nữa giá cả nó quá bèo nên đời sống ở đây giờ khó khăn, chật vật lắm”
Ông Hanh một ngư dân ở Hà Tĩnh cho rằng, thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, chịu ảnh hưởng nhất là Hà Tĩnh rồi theo dòng hải lưu thì vào đến tận Thừa Thiên Huế, nhưng ngư dân ở Nghệ An cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng, vì có cùng ngư trường đánh cá, hơn nữa ông cho biết, dù đánh cá ở biển Hà Tĩnh hay biển Nghệ An thì sau sự kiện cá chết thì người dân ở Nghệ An không ai ăn cá, thì như vậy ngư dân họ cũng chịu ảnh hưởng rồi.
“Khi mà đánh bắt trên biển thì thường thường trước đây biển chưa chết thì tôi gặp rất nhiều thuyền bè ở Tỉnh Nghệ An mà vùng biển Nghệ An khi mà theo luồng cá, khi con cá, con mực mà nó đi theo dòng nước thì ở tỉnh Hà Tĩnh thì lên cùng tỉnh Nghệ An nên đánh bắt ở cùng vùng tỉnh Nghệ An, khi thảm họa môi trường thiệt hại ở bốn tỉnh miền Trung thì các tỉnh lân cận cụ thể như là tỉnh Nghệ An thì sát với tỉnh Hà Tĩnh thì cũng chẳng xa là bao mà một khó khăn nhất, một thiệt hại nhất đó là khi đánh bắt thu nhập về chẳng ai mua mặc dù cá đó là của biển Nghệ An”.
Sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra, thì nhiều ngư dân từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế còn nhận được số ít ỏi hỗ trợ từ chính quyền, tuy nhiên ngư dân Nghệ An không nhận được bất cứ thứ gì.
Cha Nam cho biết:
“Nghệ An thì không có ở nơi nào có mà kể cả nơi Giáo Xứ Phú Yên của tôi đây thì thậm chí không được đả động đến trong tất cả các báo cáo của nhà cầm quyền về vấn đề thảm họa là nạn nhân”.
Tại sao ngư dân Nghệ An không nhận được đền bù
Theo quyết định số 1880 của chính phủ về việc đền bù cho ngư dân chịu ảnh hưởng thảm do Formosa gây ra thì ngư dân Nghệ An không được đền bù, để tìm hiểu lý do ngư dân Nghệ An không nhận được đền bù dù cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chúng tôi có liên lạc với Phòng Tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An. Người đại diện cho biết, ngư dân Nghệ An chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp, không bị thiệt hại nhiều.
Người đại diện này cho biết:
“Nghệ An có ảnh hưởng trực tiếp đâu, cái hỗ trợ này có cơ sở cả”.
Ông Thanh ngư dân ở Nghệ An cho rằng, cán bộ họ không về trực tiếp dân để xem tình hình, nên không biết ngư dân sống khổ như thế nào, khi nói về lý do ngư dân Nghệ An không nhận được tiền đền bù thì ông nói cái này do mấy ông trên lo, nhưng ngư dân ở Nghệ An sẽ quyết đòi cho được tiền đền bù.
Chính phủ đền bù cho bốn tỉnh là từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế chứ ở Nghệ An mình không được nhưng mà mình phải kiên quyết là đòi bằng được chứ Nghệ An mình cũng nằm trong Miền Trung mà.
– Ông Thanh, Nghệ An
“Chính phủ đền bù cho bốn tỉnh là từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế chứ ở Nghệ An mình không được nhưng mà mình phải kiên quyết là đòi bằng được chứ Nghệ An mình cũng nằm trong Miền Trung mà”.
Anh Phi một ngư dân ở Quỳnh Lưu ở Nghệ An cũng không biết tại sao ngư dân Nghệ An không được đền bù, nhưng vùng đánh bắt là vùng đánh bắt chung nên càng thiệt hại:
“Vùng đánh bắt thì đánh bắt chung, Hà Tĩnh với Nghệ An lại càng gần lại càng thiệt hại hơn nữa”.
Khi nói về quyết định số 1880 của chính phủ về việc đền bù cho ngư dân thì cha Nam cho rằng:
“Với quyết định của 1880 của thủ tướng thôi chúng ta cũng có nhiều điều để chúng ta nhận ra bộ mặt của chính quyền. Bởi vì sao Việt Nam ngày hôm nay như thế nào, bởi vì tôi đánh giá được khả năng trình độ và nhận thức của họ, những cái tâm cái tầm của nhà lãnh đạo ngày hôm nay.”
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Vũ Hải cho biết cách ngư dân tiếp cận để dần dần đòi được bồi thường mà Formosa gây nên.
“Trước mắt, họ lên chỗ Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn trao đổi về tình hình liên quan đến vấn đề bồi thường cho ngư dân, nếu chính phủ nói không được thì xem xét tiếp.”
Qua đây, ông Thanh ngư dân ở Nghệ An cũng nhắn gửi đến cán bộ Việt Nam rằng, các ông chỉ ngồi 1 chỗ rồi ra quyết định, còn để biết ngư dân Nghệ An chúng tôi có chịu ảnh hưởng hay không thì các ông nên về tìm hiểu cho biết vì từ khi thảm họa Formosa gây ra tới nay, chưa thấy 1 cán bộ nào về Nghệ An để tìm hiểu cũng như động viên ngư dân cả.