Thực chất Hội nghị Trung ương 4

Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo về tình trạng “tự diễn biến” và ‘suy thoái’ gây hậu quả “khôn lường”, theo truyền thông Việt Nam.

clip_image001

Tổng Bí thư Việt Nam cảnh báo về ‘hậu quả khôn lường’ trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4. NA SON NGUYEN/ AFP/GETTY IMAGES

 

Bàn về thực chất và hiệu quả của Hội nghị này, nhà quan sát xã hội dân sự, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 13/10/2016:

“Tôi thấy rằng toàn bộ những động tĩnh để dẫn đến Hội nghị Trung ương này, rồi bài phát biểu những vấn đề mà ông Tổng Bí thư xới lên, tôi không biết những người khác đọc ra những cái gì, nhưng tôi đọc ra toàn thấy vị là ‘đấu tranh nội bộ’ ở đây mà thôi.

“Tất cả những chuyện về suy thoái, chuyện về diễn biến rồi tự diễn biến, rồi tự chuyển hóa hay điều gì đó, thì ‘nhằm triệt phe phái’, nó không hợp. Bởi vì như tôi nói, bản thân hệ thống này sinh ra tất cả những căn bệnh đấy mà đúng như một bạn đọc nào đấy đã bảo rằng nó ‘ung thư mọi nơi’, ‘chạy khắp tứ tung’ rồi.

Tôi thấy rằng toàn bộ những động tĩnh để dẫn đến Hội nghị Trung ương này, rồi bài phát biểu những vấn đề mà ông Tổng Bí thư xới lên, tôi không biết những người khác đọc ra những cái gì, nhưng tôi đọc ra toàn thấy vị là ‘đấu tranh nội bộ’ ở đây mà thôi

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A

clip_image002

“Cho nên tất cả những ‘bài ấy’ là những bài để họ tự làm với một vẻ là trị cái này, trị cái kia để làm an dân; bức xúc của người dân bây giờ lên một mức cùng cực rồi thì dùng những thủ pháp này, thủ pháp kia để cho nó xì cái bức xúc đó đi một chút, nhưng mà ở bên trong, lõi của nó là ‘tranh nhau ghế’, tranh nhau quyền và làm so để mà hạ được những đối thủ.

“Tôi thì tôi đọc ra như thế, có thể cách đọc của tôi nó hơi cực đoan, nhưng tôi nghĩ như vậy,”từ Bắc Ninh, Tiến sỹ Quang A nêu quan điểm với Bàn tròn của BBC.

Tìm cơ chế khác

Từ Sài Gòn, blogger Nguyễn An Dân, người mới đây có bài viết về Hội nghị TƯ 4 trên mục Diễn đàn của BBC Việt ngữ, bình luận thêm về thực chất của sự kiện này, ông nói:

“Thực chất của Hội nghị Trung ương 4, thứ nhất, là nó tiến hành các hội nghị thường kỳ, 6 tháng một lần, trong một nhiệm kỳ, một khóa của Đảng; thứ hai là Hội nghị Trung ương 4 tìm lối đi trong bối cảnh mà các khái niệm, các định nghĩa về quản trị xã hội hiện nay đã lỗi thời, cản trở Việt Nam hội nhập.

“Thứ ba là tìm cơ chế khác, tôi nghĩ là như vậy, để giải quyết bức xúc xã hội. Thí dụ như bây giờ vấn đề Formosa giải quyết như thế nào? Đóng cửa Formosa thì chắc là không, nhưng phải có một biện pháp phù hợp.

“Thì biện pháp này có khi lại làm cho Đảng phải ra những quyết định mà từ trước đến giờ Đảng chưa muốn thực hiện. Thí dụ như có những tin đồn hiện nay như sẽ cho ngưng chức (một cựu quan chức tỉnh ủy Hà Tĩnh) là gọi là một tác nhân đầu tiên góp phần chính yếu vấn đề đưa Formosa đi vào hoạt động… Đó là tôi cũng nghe một tin đồn thế thôi.

“Đó là xử đến cấp Ủy viên Trung ương (nếu có) thì đó cũng là một tiền lệ mới, từ trước đến giờ, vì vấn đề sai phạm pháp luật, hay là tham nhũng, thì cũng ít có khi nào mà xử các Ủy viên Trung ương lắm. Còn xử những Ủy viên Bộ Chính trị trước đây, chẳng hạn như ông Hoàng Văn Hoan, ông Trần Xuân Bách, thì nó chỉ là vấn đề chính trị, vấn đề đường lối, vấn đề quan điểm.

Hội nghị Trung ương 4 tìm lối đi trong bối cảnh mà các khái niệm, các định nghĩa về quản trị xã hội hiện nay đã lỗi thời, cản trở Việt Nam hội nhập.

Blogger Nguyễn An Dân

“Đây (nếu có) sẽ tạo ra một tiền lệ mới trong đảng về vấn đề xử lý, chứ không xử thì không yên với dân được về vấn đề Formosa đâu,” blogger Nguyễn An Dân, một người làm việc trong lĩnh vưc tư vấn chính trị, chính sách ở Việt Nam nói với BBC.

Xa cách lý thuyết – thực tế

Cũng từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), nêu quan điểm về thực chất của Hội nghị, ông nói:

“Đến Hội nghị Trung ương 4 kỳ này, tôi có cảm giác là ông Nguyễn Phú Trọng đang bế tắc, nó khác hẳn với tâm thế được coi là thắng lợi gần như trọn vẹn của ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 12, và dường như ông lặp lại một phương pháp luận từ thời ông ở Tạp chí Cộng sản, chứ không phải đi vào tình hình nước sôi, lửa bỏng như là bà con hay nhắc tới, điều mà dân có thể ‘chết ngay lập tức’, ‘chết đứ đừ’ lập tức.

clip_image003

Diễn văn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN tại Hội nghị TƯ4 ‘không có’ hoặc ít có từ nào nhắc tới sự cố và vụ việc môi trường Formosa, theo TS Phạm Chí Dũng.

“Sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế vẫn là một căn bệnh kinh khủng, căn bệnh mấu chốt và từ đời này sang đời khác của những người cộng sản, đặc biệt là những người ‘cộng sản kinh viện’ như ông Nguyễn Phú Trọng. Và đó là tử huyệt của Chủ nghĩa Cộng sản, nếu có chủ nghĩa cộng sản đó. Đó là vấn đề thứ nhất mà tôi muốn nêu.

“Vấn đề thứ hai, không có gì ngạc nhiên nếu trong diễn văn ‘chào mừng’ Hội nghị Trung ương 4, tôi dùng từ ‘chào mừng’ của ông Nguyễn Phú Trọng, lại không có từ Formosa nào ở trong đó, hoặc là nếu có, cũng chỉ ít mà thôi, tại vì nếu chúng ta so sánh thì sau vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014, thì thậm chí sau đó là Hội nghị Trung ương và sau đó Quốc hội cũng không có một báo cáo công khai nào và một Nghị quyết nào về vấn đề Biển Đông.

Biển Đông lớn như thế mà còn không đặt ra thì huống chi là vấn đề Formosa, tôi cho rằng đây cũng là một sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế và người ta đang muốn ba không: ‘không nghe, không thấy, không biết’ và cuối cùng sẽ là không còn cái gì hết

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng

“Biển Đông lớn như thế mà còn không đặt ra thì huống chi là vấn đề Formosa, tôi cho rằng đây cũng là một sự xa cách giữa lý thuyết và thực tế và người ta đang muốn ba không: ‘không nghe, không thấy, không biết’ và cuối cùng sẽ là không còn cái gì hết,” Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) nói với BBC.

‘Cũng chưa hiểu lắm’

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), nhà phân tích về chính trị và chính sách, chiến lược, chia sẻ với Bàn tròn thứ Năm về một khía cạnh trong thực chất của kỳ Hội nghị, ông nói:

clip_image004

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng bản thân trong nội bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ‘họ cũng chưa hiểu lắm’ về chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

“Những chuyện khác như chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa, đến ngay trong bài mở đầu ấy, ông cũng nói rằng phải xem thêm vì bản thân trong nội bộ họ (BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), họ cũng chưa hiểu lắm.

“Đưa ra chuyện ấy để mọi người ở trong Hội nghị Trung ương ấy bàn để xong rồi người ta công bố cái bàn (luận) ấy ra, rồi mình xem xem là họ hiểu như thế nào?”, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC.

Yêu cầu cho Hội nghị

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị hôm 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:

Đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng

“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.

“Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: ‘Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này…”

Và nhà lãnh đạo của ĐCSVN đặt ra một số câu hỏi, yêu cầu cho Hội nghị:

“Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37642928

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.