Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Đến nay TSN bị quá tải cản trở khai thác thì thế lực nào đó đã gửi tài liệu giả mạo đến từ điển Wikipedia tiếng Việt và được VTV tung tin TSN chỉ có diện tích 850 ha. Phải chăng đây là thủ đoạn tinh vi củng cố ý chí cản trở mở rộng TSN cho phát triển HKDD đáp ứng nhu cầu giao thông HK cho TPHCM khi sân bay Long Thành chưa thể hoàn thành sau cả hàng chục năm nữa?
Diện tích “nguyên thủy” 1.150 ha của sân bay Tân Sơn Nhất
Tôi xin khẳng định: Không có cảng hàng không (HK) quốc tế một quốc gia nào trên thế giới lại diễn ra tình cảnh thảm hại như sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài nạn nhũng nhiễu của nhiều nhân viên công an, hải quan sân bay còn liên tục bị trục trặc, tê liệt khai thác.
Chỉ riêng thời gian gần đây: Ngày 16/6/2013 do mưa phải cắt điện làm sân bay tê liệt 120 phút; ngày 20/11/2014 hệ thống kiểm soát không lưu tê liệt 18 phút do mất điện; ngày 21/9/2016 TSN tê liệt hệ thông check in; ngày 26/9/2016 mưa lớn TSN như biển nước mênh mông làm tê liệt khai thác hàng giờ… Đó là chưa nói tới do thiếu chỗ đậu máy bay hàng ngày nhiều chuyến bay phải bay chờ trên không có khi cả tiếng đồng hồ mới được hạ cánh gây uy hiếp an toàn, tốn kém kinh tế, hủy hoại môi trường, gây phiền hà, thiệt hại cho hãng HK, hành khách không thể tính nổi. Với lưu lượng mỗi giờ có từ 380-400 chuyến bay cất, hạ cánh, thử hỏi thiệt hại về uy tín, thương hiệu, kinh tế của TSN – tức VN, TPHCM – là bao nhiêu?
Vậy những nguyên nhân nào đã đem đến bi kịch cho một sân bay cửa ngõ chính của VN như vậy?
Diện tích sân bay TSN là bao nhiêu?
Thời gian qua những người hiểu đôi chút về ngành hàng không rất ngạc nhiên khi VTV (chương trình thời sự, chuyển động 24h) đưa ra những thông tin rất ngớ ngẩn như: “Máy bay bay qua nhà dân tốc mái…” vào những thời điểm “nhạy cảm” như Quốc hội, Hội đồng nhân dân TPHCM họp bàn về dự án sân bay Long Thành thay TSN (nhưng tất cả bị bác bỏ)…
Đặc biệt, những ngày vừa qua khi TSN bị ngập làm gián đoạn hoạt động khai thác thì VTV đưa tin TSN rộng 850 ha (?). Mở trang từ điển Wikipedia tiếng Việt cũng được ai đó công bố số liệu diện tích TSN là 850 ha… Dư luận gần đây nghi ngờ cán bộ VTV đã móc ngoặc với DN, ngân hàng “bán chui” thời lượng phát sóng mang tính quảng cáo, định hướng dư luận có lợi cho DN mỗi 30 giây tới hơn 200 triệu VNĐ, cán bộ đút túi cả hơn 20 tỷ đồng… Nếu điều này xảy ra thì với nhiều phút xuyên tạc về TSN kia thì số tiền các đại gia tung ra cho những người làm chương trình này là bao nhiêu? Thế lực nào đã kỳ công cắt xén diện tích, thay đổi quy hoạch đã được chính phủ phê duyệt diện tích sân bay này từ năm 2004 là 1.150 thành 850 ha tương ứng số diện tích đại gia quân đội đã sử dụng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư?
Ngu xuẩn và tham nhũng
Sân bay TSN được người Pháp chọn địa điểm xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 ở vị trí tối ưu về địa lý, thủy văn, dân cư… với quỹ đất cho tương lai 3.600 ha cách nội thành Sài gòn gần 10 km. Tuy nhiên, từ khi chính quyền CSVN quản lý thì sân bay liên tục bị lấn chiếm bằng cách: Các đơn vị quân đội thuộc hàng không quân sự, dân dụng tự cắt đất dự trữ của sân bay cho cán bộ nhân viên làm nhà ở, bán chác. Những năm 1985-1986 ở khu vực HK dân dụng quản lý thuộc quận Tân Bình vẫn còn những biệt thự công vụ cho cán bộ nhân viên Air Vietnam (thời VNCH) mỗi biệt thự rộng vài nghìn m2 với nhiều cây xanh cổ thụ, các nhà xưởng, lớp bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ… thuộc đất dự trữ của sân bay, nhưng từ năm 1986 đã bị bộ quốc phòng phân chia cho các tướng tá biến thành đất ở, bán chác nay thuộc các khu vực đường Hồng Hà, Cửu Long, Bạch Đằng, Yên Thế… quận Tân Bình. Hàng trăm ha đất lưu không, không gian sinh thái khác cũng bị chia chác vô tội vạ cho cán bộ nhân viên.
Bên phía quân sự quản lý cũng diễn ra hiện tượng tương tự, hàng trăm ha đất dự trữ sân bay được chia cho các cán bộ, sĩ quan, quân nhân làm nhà ở. Ngoài lấn chiếm của các đơn vị quân đội, dân các nơi đến phá các hàng rào dây thép gai lấn chiếm các khu đất dự trữ xung quanh sân bay xây nhà ở và được chính quyền thành phố lờ đi, cấp sổ đỏ. Nghe nói để được cấp giấy chứng nhận, chủ các căn nhà lấn chiếm này phải chi đút lót cho nhân viên, quan chức chính quyền với tiền “mua rẻ”.
Nhóm lợi ích quân đội chiếm cứ đất sân bay để xây sân golf
Năm 2.000 chúng tôi đi thị sát quanh sân bay thì diện tích bị thu hẹp vào phía trong theo chu vi trung bình hàng trăm mét, có nơi 150-180 m. Nhiều công trình như đài K3 năm 1976 còn bên hàng rào sân bay nay cách hàng rào phía ngoài rất xa. Do liên tục bị phá hàng rào lấn chiếm nên nhiều lần sân bay TSN phải xây hàng rào mới nhưng vẫn liên tục bị phá. Nhiều nhà dân lấy luôn tường rào sân bay làm tường nhà trổ cửa sổ ra khu bay “để coi máy bay”.
Bị liên tục lấn chiếm, đến năm 2000 diện tích TSN còn 1.500 ha. Thế nhưng trước khi các đại gia quân đội làm sân golf, nhà hàng, khách sạn (2004) cục Hàng không VN đo đạc lại chính xác đưa vào quy hoạch trình thủ tướng phê duyệt thì chỉ còn 1.150 ha.
Đến nay TSN bị quá tải cản trở khai thác thì thế lực nào đó đã gửi tài liệu giả mạo đến từ điển Wikipedia tiếng Việt và được VTV tung tin TSN chỉ có diện tích 850 ha. Phải chăng đây là thủ đoạn tinh vi củng cố ý chí cản trở mở rộng TSN cho phát triển HKDD đáp ứng nhu cầu giao thông HK cho TPHCM khi sân bay Long Thành chưa thể hoàn thành sau cả hàng chục năm nữa?
Một sân bay không bao giờ người ta xây dựng công suất vượt quá thực tế thị trường hơn hai lần để tiết kiệm đầu tư, nhưng phải có quỹ đất dự trữ sẵn sàng đáp ứng sự phát triển cho tương lai. Ban đầu nhà ga chỉ 1 đơn nguyên rồi hai, ba, bốn…, đường băng từ 1 đến 2, 3… đáp ứng sự tăng trưởng của thị trường. Thế nhưng ngành HKVN, nhất là chính quyền TPHCM, hết sức thiển cận. Ngay sau khi nắm chính quyền, họ tự thu hẹp diện tích sân bay chỉ theo công suất hiện tại, cho thành phố phát triển bao quanh sân bay. Rồi đây nếu sân bay Long Thành hoàn tất (rất khó do VN đang nợ ngập đầu) mà vẫn quản lý quy hoạch theo cách đó thì chẳng bao lâu sân bay “lớn nhất thế giới” Long Thành cũng phải “quá tải” diện tích.
Theo những nhân viên của Air Vietnam dưới thời VNCH thì sau ngày 30/4/1975 sân bay TSN vẫn còn đủ khả năng tiếp tục khai thác điều hành (nhân viên, trang thiết bị…), nhưng những người tiếp quản hân hoan với thắng lợi nên bỏ bê điều hành vùng thông báo bay (FIR) Sài Gòn để cho tổ chức HKDD quốc tế (ICAO) phải giao cho HK Thái và Hongkong quản lý, điều hành không lưu. Điều này không chỉ ảnh hưởng an ninh-quốc phòng, chủ quyền VN mà còn làm cho VN thiệt hại mỗi năm nhiều triệu USD, để đến mãi năm 1994 mới đòi lại được quyền quản lý với cái giá rất đắt, một phần FIR phía Hongkong thành của TQ.
Có thể nói, bi kịch TSN hiện nay là xuất phát từ sự ngu xuẩn của những cơ quan quản lý sân bay, chính quyền TPHCM vô trách nhiệm, tham nhũng, để dân lấn chiếm đất dự trữ sân bay rồi hợp lý hóa cho họ, nhóm lợi ích quân đội lấy đất sân bay kinh doanh…
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/10/vntb-bi-kich-san-bay-tan-son-nhat-tham.html