Tạ Duy Anh
Đây là một đoạn trích trong bản tin của báo Tuổi trẻ điện tử, ngày 11-10-2016 về việc công an Khánh Hòa bắt Blogger Mẹ Nấm:
“Cơ quan công an (Khánh Hòa) cho rằng các bài viết trên của bà Quỳnh thường “đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân”.
Đặc biệt, công an Khánh Hòa còn cho biết tập tài liệu SKC của bà Quỳnh đã tổng hợp 31 trường hợp người dân bị chết sau khi đến cơ quan công an trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử trong nước.
Đây là việc làm có chủ đích, mang quan điểm, lập trường rất thù địch đối với lực lượng công an nhân dân. Tập tài liệu này khiến người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, xúc phạm và làm hạ uy tín của lực lượng công an nhân dân, gây xâm hại đến mối quan hệ giữa nhân dân và lực lượng công an” – cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Khánh Hòa khẳng định”. (Hết trích)
Trên phương diện thông tin đến bạn đọc, Công an Khánh Hòa đã rất trung thực, nhờ thế mà lần đầu tiên tôi được biết ít nhất ba chuyện động trời:
1- Có tới 31 công dân (hoàn toàn có thể vô tội, hoặc chưa bị tòa kết tội) đã chết sau khi đến cơ quan công an! Đó là con số một phần vạn so với số dân của không dưới mười quốc gia trên thế giới?
2- Hóa ra bi quan cũng là một tội hình sự. Muốn không phạm tội thì phải lạc quan, kể cả khi biết rõ rằng nửa thế kỷ nữa biển miền Trung vẫn chưa hết độc, nòi giống có thể biến dị thành giống khỉ vì các chất kịch độc.
3- Thống kê số công dân bị chết sau khi ra khỏi đồn công an (dù là dựa theo số liệu công khai của báo Nhà nước) cũng mắc tội có thể phải đi tù.
Cảm ơn Công an Khánh Hòa. Các vị không nói ra, làm sao chúng tôi biết để tránh.
T.D.A.
Tác giả gửi BVN