Lê Xuân Khoa
Theo dõi cuộc thảo luận trên Vietnam Issues Forum và một số diễn đàn trong nước về cuộc biểu tình thành công của khoảng mười ngàn giáo dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày 2 tháng 10 vừa qua để phản đối tội ác của nhà máy thép Formosa và thái độ vô trách nhiệm của các cấp chính quyền, tôi xin được góp thêm một số ý kiến như sau với tư cách một cá nhân độc lập, không thuộc một tổ chức chính trị hay tôn giáo nào ở trong hay ngoài nước:
1. Một cuộc biểu tình của nhân dân, muốn có số lượng đáng kể và thành công, phải có tổ chức, lãnh đạo uy tín và tinh thần kỷ luật của người tham dự. Một cuộc biểu tình như vậy không thể nào thực hiện được dưới chế độ cộng sản, ngoài tổ chức tôn giáo, ít nhất là trong buổi ban đầu.
2. Cần nhìn nhận rằng trong các tôn giáo chính ở Việt Nam đang bị chính phủ kềm kẹp và phân hóa, chỉ có Giáo hội Công giáo là tương đối còn có đủ ba điều kiện nói trên. Vì vậy, khi nhà máy thép Formosa xả chất độc xuống biển trực tiếp đe dọa đời sống kinh tế, y tế và giáo dục của hàng triệu người dân sinh sống ở các tỉnh miền Trung, không có một tổ chức dân sự nào, ngoài Công giáo, có khả năng triệu tập hàng ngàn người biểu tình ôn hòa nhưng kiên quyết yêu cầu chính phủ đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
3. Cũng cần chú ý rằng cuộc biểu tình này, dù do công giáo tổ chức, không phải vì lợi ích riêng của người công giáo mà vì lợi ích chung của toàn dân, do đó phải được hiểu là một hành đông đoàn kết dân tộc như lời phát biểu của các linh mục hướng dẫn cuộc biểu tình, hay như nhận định của BS Đinh Đức Long, một cựu đảng viên cộng sản, là “đạo Công giáo đã đồng hành với dân tộc.” Đặc biệt vì tính chất ôn hòa và trật tự của người biểu tình, lực lượng công an đã không có lý do đàn áp và đã phải thoái lui trước khi cuộc biểu tình chấm dứt.
4. Cũng trên cơ sở đoàn kết và tiến bộ của dân tộc, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, lãnh đạo Giáo phận Vinh, đã nhấn mạnh đến sự kiện các giáo dân và Hội đồng Giám mục vẫn tích cực đóng góp vào lợi ích chung của đất nước. Như ông đã phát biểu: “Để làm sao dân tộc được mở rộng hơn, đa diện, đa nguyên hơn, chắc chắn những nhà lãnh đạo, vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của giới trẻ và của những người Việt Nam thuộc những thành phần khác nhau, phải biết lắng nghe và đa diện hóa quan điểm của mình ngõ hầu đất nước chúng ta đi vào vận hội mới của nhân loại.” Ngày 4 tháng Mười, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đã đích thân tham dự Đại hội thứ 13 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tuyên bố “đánh giá cao những đóng góp của đồng bào công giáo Việt nam qua các thời kỳ, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
5. Sự kiện trên đây (số 4) cho thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phải mềm dịu hơn trước sự thức tỉnh và khả năng vùng dậy mau chóng của sức mạnh dân tộc, và đã tỏ ra sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Tuy nhiên, trí thức và nhân dân Việt Nam đã thừa hiểu các thủ đoạn gian dối của chính quyền cộng sản cho nên, thay vì bị mắc lừa, sẽ nắm lấy cơ hội để đoàn kết thành một khối có sức mạnh vô địch nhằm áp lực chính quyền thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của nhân dân, thách thức chính quyền thể hiện lời nói thành việc làm cụ thể. Những luận điệu của các dư luận viên nhà nước nhằm chia rẽ dân tộc và xuyên tạc vai trò “lãnh đạo” của công giáo sẽ trở thành lạc lõng, vô duyên, và bị vô hiệu hóa dễ dàng.
6. Lá cờ Vatican được sử dụng trong cuộc biểu tình 2 tháng 10 cần được hiểu là một biểu tượng quốc tế để quy tụ giáo dân và cũng là một lá chắn vững chắc để giáo dân có thể dựa vào mà cùng đứng dậy. Đây là một hành động khôn ngoan và cần thiết của một thành phần dân tộc có sẵn một tổ chức hợp pháp muốn phục vụ lợi ích chung, và các thành phần đông đảo khác của dân tộc sẽ sử dụng phương tiện thuận lợi này để xây dựng sức mạnh toàn dân. Khi cuộc biểu tình ôn hòa thành công như ở Kỳ Anh được nhân rộng trên bình diện toàn quốc thì lá cờ Vatican sẽ không còn cần thiết và sẽ được thay thế bằng những rừng biểu ngữ của toàn dân. Khi đó, chính quyền khôn ngoan sẽ phải thật sự hòa giải với nhân dân, nhưng nếu chẳng may ngu muội đàn áp nhân dân thì số phận thê thảm của chế độ sẽ không thể nào tránh khỏi.
7. Bởi những lẽ trên, đây là thời cơ duy nhất cho các vị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự phối trí và hợp tác với nhau trên cơ sở mẫu số chung, tập hợp được mọi thành phần dân tộc trước sứ mệnh bảo vệ tổ quốc và nòi giống, đồng thời xây dựng một chế độ dân chủ thật sự của dân, do dân và vì dân. Một Hội đồng Đại diện các thành phần tôn giáo và xã hội dân sự cần được thành lập ngay theo lề lối dân chủ để cùng hoạch định chiến lược và đặt vấn đề đối thoại với chính quyền; trong khi đó các cuộc biểu tình ôn hòa như ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh vừa qua cần được nhân rộng để làm hậu thuẫn cho tiếng nói và vai trò của hội đồng đại diện.
8. Nhân cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ lãnh đạo đang diễn ra quyết liệt ở Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự và hội đồng đại diện nên chiếu cố đến hai đối tượng công an và quân đội để thuyết phục họ đồng hành với nhân dân trong nhiệm vụ cứu nước và tự cứu mình, như vậy sẽ bảo đảm được môt cuộc chuyển hóa thể chế trong hòa bình, tránh được những cuộc đổ máu vô ích và trả thù sau cách mạng.
9. Cùng với những nỗ lực của nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng cần tìm cách phối trí và hợp tác trong nhiệm vụ hỗ trợ cho người trong nước một cách thích hợp và cụ thể bằng những cuộc vận động quốc tế và sự giúp đỡ trực tiếp giữa người dân với người dân (people-to-people aid). Cần tránh những phần tử cơ hội chuyên bày ra những chương trình có bề ngoài quan trọng để quyên góp tiền bạc nhưng kết quả phô trương thật ra không khác gì những thành tích đã đạt được và ít tốn kém hơn của những tổ chức NGO vẫn đang lặng lẽ giúp đỡ đồng bào từ nhiều năm qua. Những phần tử cơ hội này rất mờ ám trong việc sử dụng tiền quyên góp nhưng lại để lộ rõ những thủ đoạn mưu đồ thực hiện tham vọng chính trị và lợi ích cá nhân.
Tôi xin tạm chấm dứt ở đây và mong được biết thêm ý kiến của các thân hữu trên diễn đàn.
L. X. K.
Tác giả gửi BVN.