Thiện Tùng
Giáo dân một giáo phận Thiên chúa giáo, xét cho cùng, nó cũng như một tổ chức xã hội dân sự. Không như những tổ chức Công, Nông, Thanh, Phụ,… của Đảng, trước bức bách về cuộc sống của giáo dân, thấy trách nhiệm của mình, linh mục Đặng Hữu Nam đứng ra tổ chức, hướng dẫn cho từng hộ giáo dân Quỳnh Lưu và Diễn Châu làm đơn kiện nhà máy cán thép Hưng Nghiệp – Formosa về tội gây ô nhiễm môi trường. Nội dung kiện: buộc Formosa bồi thường thiệt hại và yêu cầu nhà cầm quyền đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Nhiều báo mạng xã hội đã đưa tin, hình ảnh về vụ kiện khá chi tiết, rõ ràng, nhưng chưa thấy có bài phân tích sâu đặc tính của vụ kiện. Trong bài viết này, ngoài tổng hơp những thông tin đã loan, người viết dựa vào những gì đã diễn ra, phân tích bình luận về những chuyện khác thường trong vụ kiện.
A.- Tổng hợp những hình ảnh, thông tin đã loan
600 giáo dân, với 540 bộ hồ sơ vào nhà thờ làm Thánh lễ.
Trước khi đi: Sau bước chuẩn bị như hướng dẫn viết đơn, xác định lượng người tham gia và thuê 20 xe khách để chở người đi kiện, rạng sáng 26/9/2016, 600 giáo/ngư dân Quỳnh Lưu và Diễn Châu mang theo hơn 540 bộ hồ sơ (đơn kiện) tập hợp tại nhà thờ nghe linh mục Đặng Hữu Nam sinh hoạt và làm thánh lễ trước tượng đài Đức Mẹ Maria.
*
Đoàn xe chở người đi khởi kiện Formosa.
Đi: Bất chấp đe dọa, cản trở của công an, vào lúc 7 giờ 45 phút sáng ngày 26/9/2016, đoàn xe chở bà con giáo/ngư dân lên đường, đích đến là Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh – nơi công ty thép Hưng Nghiệp – Formosa đặt nhà máy gây thảm họa môi sinh.
**
Dân Quỳnh Lưu đón Đoàn.
Đón: Trên cả chặng đường dài, ngư/giáo dân nhiều nơi tập trung ra những ngã ba, ngã tư nơi giao lộ chào đón, cỗ vũ đoàn đi khiếu kiện. Sau khi đón chào, nhân dân Quỳnh Lưu cử tốp xe gắn máy (mô-tô) theo đẫn đường hướng về thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
***
Chuẩn bị đãi ăn trưa cho Đoàn.
Đãi: Theo giao hẹn, 12 giờ ngày 26/9, Đoàn sẽ phải ghé vào nhà thờ Cẩm Xuyên dùng cơm trưa. Anh chị em giáo dân nơi đây đã chuẩn bị cơm nước chu đáo chờ Đoàn.
****
(Hình 5) – 700 giáo/ngư dân hiệp thông đang đón Đoàn.
Hiệp thông: Vào lúc 14 giờ 50, hơn 700 bà con giáo dân Quý Hòa (thuộc giáo hạt Kỳ Anh, giáo phận Vinh) đón Đoàn với tinh thần Hiệp thông rồi diễu hành (biểu tình) theo sau đoàn xe hướng về thị xã Kỳ Anh.
*****
Cảnh trước cổng Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đến: Khi Đoàn đến, Tòa án thị xã Kỳ Anh đóng cửa. Trước áp lực của 600 người khởi kiện và hàng ngàn người biểu tình hiệp thông hậu thuẫn phía sau, 15g40, Tòa án Kỳ Anh “thất thủ”, phải mở cửa tiếp đoàn người kiện Formosa. Họ tràn vào trong, chiếm và ngồi trên thùng xe bán tải của nhà cầm quyền dùng để quản lý trật tự và tuyên truyền.
Trước cổng vào công ty Formosa, công an, an ninh, cảnh sát giao thông được huy động rất đông đến để “bảo vệ”.
*****
Thăm hỏi và phát sữa.
Đợi: Trong khi chờ đợi phản hồi của Tòa, lúc 17g20, cha Anton Đặng Hữu Nam và một số bà con giáo dân chia nhau đi phát sữa cho các trẻ nhỏ và người lớn tuổi đang có mặt tại đây. Cha căn dặn bà con giáo dân hãy bỏ phế thải vào thùng rác xung quanh. Ngài Hữu Nam còn đến từng tốp người có mặt thăm hỏi và khích lệ.
Ngoài 600 giáo dân Nghệ An nộp đơn khởi kiện, còn có hàng ngàn ngư/giáo dân tỉnh Hà Tĩnh hiệp thông làm chỗ dựa vững chắc cho Đoàn.
Vào lúc 19 giờ 05 phút, có khoảng 5.000 giáo/ngư dân quy tụ tại nhà thờ giáo xứ Đông Yên mới để cầu nguyện cho giáo/ngư dân thắng kiện – được bồi thường thỏa đáng và đuổi đuợc Formosa ra khỏi Việt Nam để tránh thảm họa lâu dài về môi trường.
Được biết có những bà con giáo/ngư dân đến từ các giáo xứ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An gồm: Phú Yên, Mành Sơn, Vĩnh Yên,… và những giáo xứ đến từ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh như: Đông Yên, Dũ Lộc, Quý Hoà, Kỳ Anh,… tham dự!
Đêm 26 rạng 27/9/2016, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam cùng đoàn người kiện Formosa sẽ nghỉ, ngủ tại Giáo xứ Đông Yên mới.
B.- Những chuyện khác thường trong vụ kiện
Đi chung, kiện riêng
Có ý kiến thắc mắc: Cùng thiệt hại do môi trường bị nhiễm độc, cớ sao dân trong vùng không cử một vài đại diện đi kiện cho gọn, đỡ tốn mà lại đi chung, kiện riêng chi cho thêm nặng nề, tốn kém? Có lẽ, giải thích thuyết phục nhứt cho vấn đề này: “Kẻ gây thảm họa môi trường đã công khai nhận tội trước công chúng và nhà cầm quyền, họ đang yếu thế (kèo dưới); phía bị hại đang chiếm thế thượng phong (kèo trên). Nếu cử đại diện đi kiện, vô hình trung là chấp nhận kèo dưới, coi như đến đó để kêu nài, xin xỏ, dễ bị hành hung và yểm đơn như đã thường xảy ra. Đi chung, kiện riêng là giải pháp tối ưu: lấy số đông làm áp lực để thực hiện mục đích riêng. Nếu nhà cầm quyền hỏi để bắt chẹt gây khó: Sao phải đi chung? Trả lời: cùng cảnh, sự trùng hợp ngẫu nhiên / Sao phải kiện riêng? Trả lời: Vì mức độ thiệt hại từng hộ khác nhau / Ai bày ra việc đón, đưa, đãi, hiệp thông? Trả lời: Tự phát, người cùng khổ tương hỗ nhau. [Hiện nay pháp luật Việt Nam không chấp nhận hình thức khiếu kiện tập thể, vì thế mỗi người muốn kiện đều phải đến tòa án để đệ đơn – BVN]
Tổ chức chu đáo trước, trong và sau khi đi kiện
Cuộc khiếu kiện của giáo/ngư dân Huỳnh Lưu, Diễn Châu hôm 26/9 vừa qua được tổ chu đáo ngoài sức tưởng tượng, như tổ chức một trận chiến, chuẩn bị tốt về quân, hỏa, hậu cần.
Trước khi đi, hướng dẫn làm đơn, xác định lượng người tham gia vụ khởi kiện, chuẩn bị phương tiện vận chuyển, thông báo ngày giờ tập trung và xuất phát. Trước khi khởi hành, người chỉ huy linh mục Đặng Hữu Nam động viên khích lệ rồi làm lễ thánh cầu nguyện cho vụ kiện an toàn, thành công.
Để khích lệ và đảm bảo cho Đoàn đi đến đích an toàn, tận dụng lợi thế thông tin điện tử, áp dụng hình thức hiệp thông trên cả chặng đường, trên tất cả các khâu: chuẩn bị trước khi đi, đi, đưa, đón, đãi, đến, đợi đưa đơn đều ăn khớp, nhịp nhàng. Hôm ấy trên cả chặng đường dài Đoàn phải đi qua, cư dân lương giáo trong khu vực tụ tập đông người tại các giao lộ (nơi thường có cảnh sát canh gác) để vừa kềm chân cảnh sát vừa cỗ vũ cho Đoàn. 12 giờ trưa 26/9, nhà thờ Cẩm Xuyên chuẩn bị cơm nước đãi Đoàn. Khi vào địa phận thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), 700 giáo dân Quý Hòa (thuộc giáo hạt Kỳ Anh, giáo phận Vinh) đón Đoàn và diễu hành (biểu tình) theo sau đoàn xe hướng về Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh. Khi vào thị xã Kỳ Anh, ngoài 600 người mang đơn khởi kiện, đàng sau còn có hàng ngàn lương giáo đạo đời làm hậu thuẫn, trong tư/khí thế “tiền hô hậu ủng”. Cảnh sát có muốn cũng không dám đàn áp, Tòa án thị xã Kỳ Anh dầu đã đóng cửa cũng phải mở tiếp nhận đơn kiện.
Cuộc khởi kiện với quy mô lớn chưa từng có, mang tính chất lịch sử, không bị đàn áp khủng bố, giành thắng lợi bước đầu là do: yêu sách chính đáng, bất bạo động, tôn trong luật lệ, dùng số đông làm áp lực bằng cách hiệp thông đồng đạo, đồng cảnh, đồng bào, tạo ra sức mạnh hợp quần, sẽ khiến cho Chính quyền và Công an, dầu có hung bạo đến đâu, cũng phải “bó tay.com”.
4/10/2016
T. T.
Tác giả gửi BVN.