Hồ sơ “dân oan” của quê hương Đồng Khởi

Ngô Thị Hồng Lâm

clip_image002

Những người “dân oan” các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận.

Trở lại Bến Tre sau nhiều thập kỉ, nơi từ khi còn tại chức tôi vẫn thường đến làm việc, nghe tin tôi về bà con chạy đến mừng tôi với những nỗi oan ức “bãi bể nương dâu” của chính họ, những người từng có mặt trong cuộc “Đồng Khởi” ở thập kỉ 60 khi Đảng dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”.

 

Bây giờ cũng những người dân đã từng làm nên lịch sử ấy đang bị chính những vị cán bộ mà họ đã từng cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng một thời trong lửa đạn, nay trở thành những “quan tham” làng xã lộng hành, tước đoạt đi những “bờ xôi ruộng mật” tài sản của họ, biến họ thành những “dân oan” mất ruộng, mất đất, mất nhà.

Tôi biết làm gì hơn là ghi lại những câu chuyện của những người “dân oan” dưới đây để chuyển đến những người đang cầm quyền yêu cầu phải trả lại ruộng đất bờ xôi ruộng mật bao đời và trả lại sự công bằng cho dân.

Chúng ta hãy tìm hiểu tính ưu việt của “chính sách cải cách điền địa” Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành, được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kế thừa và áp dụng như những sách lược, đường lối phát triển đất nước, nhằm giúp cho người dân cơm no áo ấm trong suốt thời gian họ nắm chính quyền, cùng với những tiện nghi công ích mà người dân xứng đáng được hưởng, trong đó có những khoản quy định như sau:

– Bất cứ điền chủ nào có trên 100 mẫu đất phải bán phần thặng dư cho Chính phủ để phân phối lại cho các tá điền không có ruộng đất cày cấy.

– Các điền chủ có ruộng đất bị truất hữu sẽ được Chính phủ trả 20% giá trị đất đai bằng tiền mặt. Phần còn lại sẽ được trả bằng trái phiếu trong 12 năm.

– Các nông dân mua đất theo chương trình “Người cày có ruộng” của Chính phủ sẽ được trả góp trong 6 năm không lãi suất.

“Các điền chủ chuyển giao số đất thặng dư của mình đã được Chính phủ phân chia lại cho 119.000 nông dân. Họ thực sự là chủ nhân ông mới của số ruộng này”. Với tính ưu việt của chính sách này thì từ “1955 đến 1962, mức sản xuất lúa gạo đã tăng từ 2.800.000 đến 5.000.000 tấn” đã tạo cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi công dân. (theo: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/09/140924_south_vn_land_reforms

Nhưng với chính sách ruộng đất của Đảng CSVN, “đất đai thuộc quyền quản lý của Nhà nước”, đã trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng, bảo kê cho những quan tham tước đoạt đi quyền sử dụng ruộng đất chính đáng của người dân, đưa đất nước ta trở thành một “cường quốc dân oan”. Chúng ta hãy lắng nghe:

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ nhất:

Ông Lê Thảo, cư ngụ ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ông Thảo có 6 mẫu đất đang trồng tràm, được lấy cho dự án (có quyết định thu hồi) nhưng ông Lê Thảo đã không được bồi thường. Ông Thảo trở thành “dân oan” đi khiếu kiện.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ hai:

Phan Thị Thà, sinh năm 1942, cư ngụ tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Chấp hành chủ trương thành lập “Tập đoàn sản xuất nông nghiệp” gia đình bà đã góp 30 công đất vào Tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Sản xuất Tập đoàn không hiệu quả và giải tán, trả lại cho gia đình bà 10 công đất. Còn lại 20 công thì được các quan xã chia cho bản thân và dòng họ. Bà Phan Thị Thà đã nhiều lần đứng đơn đòi lại số tài sản này nhưng được Chủ tịch Hoàng Bồi xã Mỹ Nhân trả lời “vì gia đình có chồng là lính ngụy, nên không trả. Chờ khi nào Mỹ quay lại thì trả!”.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ ba:

Ông Nguyễn Văn Cật, xã Tân Sơn, Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Chấp hành chính sách sản xuất Tập đoàn của Nhà nước. Gia đình ông góp vào “Tập đoàn sản xuất nông nghiệp” là 41 công đất. Nhưng do sản xuất Tập đoàn không hiệu quả, nên đã giải thể. Sau khi Tập đoàn giải thể chỉ trả lại gia đình ông có 13 công đất, còn lại 28 công không trả lại cho gia đình ông. Ông đi khiếu kiện đã nhiều năm nay nhưng không có hồi âm.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ tư:

Phạm Thị An, cư ngụ tại Ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đất của gia đình bố mẹ chồng bà có từ năm 1952, chia cho con trai là ông Lê Văn Sự (chồng của bà An) là 70 công. Năm 1980 Nhà nước lấy đất để mở khu du lịch sinh thái “Gáo Rồng”. Năm 1982, ông Lê Văn Sự và bà Phạm Thị An phải sang nhượng lại 35 công ngoài quy hoạch từ chính đất của mình để sinh sống.

Nay nguyện vọng của ông bà Lê Văn SựPhạm Thị An yêu cầu Nhà nước trả lại sòng phẳng số đất còn lại là 35 công để gia đình có đất sản xuất, đảm bảo đời sống.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ năm:

Nguyễn Thị Hồng Điệp, cư ngụ tại ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Năm 1984 Nhà nước thu hồi của gia đình bà 19,5 công đất để lập khu du lịch “Gáo Rồng” và hỗ trợ cho gia đình bà 14.430.000 đồng.

So với giá cả thị trường thì 19,5 công đất của gia đình bà có giá trị là từ 1 tỉ đến 1,5 tỉ đồng.

Trong chính sách đền bù đất đai của Nhà nước đã quy định việc đền bù cho người bị lấy đất là “chỗ ở sau phải tốt hơn chỗ ở trước”. Trên tinh thần này bà Điệp đề nghị Nhà nước trả tiền 19,5 công đất theo giá thị trường “để gia đình tôi có điều kiện tạo dựng ‘chỗ ở sau phải tốt hơn chỗ ở trước’ theo quy định về đền bù giải tỏa đất đai”. Hoàn cảnh của gia đình bà Điệp tổng số 25 nhân khẩu; bản thân bà là người có công với cách mạng (có giấy xác nhận). Từ khi bị Nhà nước thu hồi đất gia đình, bà Điệp không có đất canh tác sản xuất nuôi sống gia đình, đời sống khó khăn, con cái thất học, thế hệ cháu của bà có nguy cơ mù chữ.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ sáu:

Trần Thị Dùng, 65 tuổi, ấp Xóm Mới, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Chấp hành chính sách sản xuất nông nghiệp tập đoàn. Gia đình bà Dùng góp 30 công vào Tập đoàn. Tập đoàn sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, tuyên bố giải tán. Bà Trần Thị Dùng chỉ được trả lại 10 công đất trong tổng số 30 công mà bà đã đem vào Tập đoàn. Còn lại 20 công đất của gia đình bà thì đã được Tập đoàn cấp cho bà con dòng họ của các quan làng xã.

Hoàn cảnh kinh tế của gia đình bà Dùng hết sức khó khăn. Bản thân bà là người tàn tật (mất 1 chân), mất khả năng lao động kiếm sống. Gia đình không có cơ sở vật chất nào khác. Nay bà Trần Thị Dùng yêu cầu Tập đoàn trả lại bà số đất còn lại là 20 mà trước đây bà đã góp vào Tập đoàn sản xuất nông nghiệp để gia đình bà có kế sinh nhai.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ bẩy:

Trần Thị Ơi, 77 tuổi, cư ngụ tại ấp Xóm Mới, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gia đình bà mua đất năm 1969 hợp pháp và định cư ổn định trên mảnh đất của mình là 55 công.

Năm 1983, Chấp hành chính sách sản xuất nông nghiệp Tập đoàn của Nhà nước, gia đình bà Ơi góp đất vào Tập đoàn là 55 công đất. Tập đoàn sản xuất nông nghiệp không hiệu quả và giải thể, trả lại ruộng đất cho nông dân. Gia đình bà Ơi chỉ được trả lại một phần đất mà gia đình bà đã đóng góp là 17,2 công. Số còn lại là 37,8 công của ông Trần Văn Lũy và bà Ơi đến nay Tập đoàn vẫn không trả lại. Hoàn cảnh gia đình bà Ơi, vợ chồng bà đều đã ở độ tuổi không còn sức lao động. Tổng số nhân khẩu của gia đình bà Ơi là 30 nhân khẩu chỉ với 17,2 công đất không đủ để nuôi sống 30 nhân khẩu này. Gia đình ông Lũy và bà Ơi yêu cầu Tập đoàn trả lại số đất 37,8 công để gia đình có đất canh tác sản xuất nuôi sống toàn gia.

Phần khiếu nại tiếp theo về đất hương hỏa của gia đình bà Ơi:

Ông Trần Văn Lũy (chồng của bà Ơi) được quyền sử dụng hợp pháp 520m2 đất theo di chúc của bà Nguyễn Thị Thăng năm 1997 để lại (được UBND xã chứng nhận là di chúc hợp pháp). Ông Trần Văn Chúc là hộ đất liền kề đã lấn chiếm một phần diện tích đất của ông Lũy với diện tích: 2,8m x 12,8m. Ông Trần Văn Lũy đã khiếu nại chính quyền giải quyết.

UBND huyện Ba Tri ngày 8/12/2004 đã xét xử, tuyên tại Quyết định số 1322/QĐ-UB buộc ông Trần Văn Chúc phải tháo dỡ phần lấn chiếm trái phép đất của ông Trần Văn Lũy.

Ông Trần Văn Chúc kháng cáo Quyết định số 1322/QĐ-UB của UBND huyện Ba Tri lên UBND tỉnh Bến Tre. 4 năm sau đó, tức là ngày 14/7/2008, UBND tỉnh Bến Tre có Quyết định số 1315/QĐ-UB với nội dung hủy Quyết định số 1322/QĐ-UB của UBND huyện Ba Tri, công nhận đơn khiếu nại của ông Trần Văn Chúc.

Quyết định này là quyết định cuối cùng, có nhiều nội dung không đúng thực tế, đã gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của ông Chúc về đất đai. Yêu cầu được giải quyết thỏa đáng và sòng phẳng với hai nội dung khiếu kiện trên đây của ông Trần Văn Lũy.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ tám:

Phan Thị Đẹp, sinh năm 1933, cư ngụ tại ấp 4, xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gia đình bà có 40 công đất canh tác. Năm 1983 thực hiện chủ trương “Sản xuất Tập đoàn nông nghiệp”, gia đình bà đã đóng góp vào Tập đoàn là 40 công đất. Tập đoàn sản xuất không hiệu quả, dẫn đến giải thể. Tập đoàn chỉ trả lại cho bà là 25 công đất, còn thiếu 15 công chưa trả, trong khi bà đã già yếu hết sức lao động. Tổng số nhân khẩu trong nhà bà Phan Thị Đẹp lên tới 20 nhân khẩu. Bà Đẹp còn phải nuôi dưỡng một người con bị tâm thần, không có khả năng lao động. Chồng của bà Phan Thị Đẹp là người tham gia kháng chiến có Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ chín:

Lê Thị Đành, 67 tuổi, cư ngụ tại số 184, ấp An Lợi, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gia đình của bà có mảnh đất hương hỏa từ năm 1939 đến nay. Bà có bằng khoán điền thổ từ thời thuộc Pháp. Năm 1983 với chính sách Tập đoàn sản xuất nông nghiệp đã ép buộc thu giữ đất hương hỏa của gia đình bà vào Tập đoàn là 1.883m2. Đất hương hỏa là đất quy định sử dụng để cất nhà, chứ không phải đất để cày cấy, làm ruộng; nhưng ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã kí quyết định lấy 1.833m2 đất của bà Đành cấp cho ông Huỳnh Văn Hân là Tập đoàn trưởng sản xuất nông nghiệp làm nhà ở từ 1983 tới nay.

Đây là đất hương hỏa của ông cha dòng tộc của bà Lê Thị Đành để lại, bà Đành đã làm đơn yêu cầu UBND xã An Bình Tây hủy sổ đỏ đã cấp 1.833m2 đất của bà Đành cho ông Huỳnh Văn Hân và hủy 2 bản án năm 2006 gây oan sai làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đành, tại Bản án số 451/DS-PT ngày 22/6/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre.

Vấn để khiếu nại thứ hai:

Đến năm 2006 là 12 năm ban hành luật đất đai, lại 1 lần nữa UBND xã Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vi phạm luật đất đai, tiếp tục lấy đi của bà Đành là 1.520m2 đất cấp cho ông Ngô Văn Song.

Sự việc này chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu và khiếu nại đến UBND xã Bình Tây và đã được thụ lý vụ việc. Ngày 30 tháng 8 năm 2011 tại văn bản số……………/BB-LV đã chính thức xin lỗi gia đình bà Đành về vụ việc này, chấp nhận có sai phạm của UBND xã. Thế nhưng từ đó đến nay, sự việc vẫn chìm vào “im lặng” mà không được sửa sai để trả lại đất hương hỏa không thuộc diện đất sản xuất nông nghiệp cho gia đình bà Đành, gây thiệt hại cho đình bà trong bao nhiêu năm qua.

Vấn đề khiếu nại thứ ba:

Khi gia đình bà Đành gia nhập Tập đoàn sản xuất nông nghiệp, đóng góp 5.000m2. Tập đoàn sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên giải tán, và đã trả lại cho bà Đành là 4.226m2 đất. Hiện tài sản của của bà Đành vẫn còn 774m2 mà Tập đoàn nay là UBND xã An Bình Tây vẫn chưa trả. Gia đình bà Đành yêu cầu trả sòng phẳng lại số đất nói trên cho gia đình bà có đất sản xuất canh tác, khắc phục đời sống khó khăn, giải quyết cho 27 miệng ăn trong nhà.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ mười:

Nguyễn Thị Nhu, cư ngụ ấp Xóm Mới, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Chấp hành chính sách sản xuất nông nghiệp tập đoàn, gia đình bà Nhu góp trên 20 ha vào Tập đoàn. Tập đoàn sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, tuyên bố giải tán. Song Tập đoàn chỉ trả lại cho gia đình bà Nhu chưa được 1 ha đất.

Nhận thấy đây là một việc làm thiếu minh bạch của Tập đoàn, bà Nhu đã dứt khoát không nhận số đất chưa đầy 1 ha được trả lại và đi kiện từ cấp huyện. Huyện bao che, bà kiện lên cấp tỉnh. Tỉnh trả lời không thỏa đáng bà đã vượt hành trình 2.000km ra tận Hà Nội, nằm hè đường để kiện tới tận cấp cao nhất của cả nước. Cho đến nay bà Nhu vẫn tiếp tục đương đơn kiện đòi lại công lý cho mình.

Nay bà Nhu yêu cầu UBND xã Mỹ Hòa phải trả lại đủ số đất mà gia đình bà đã góp vào Tập đoàn trước đây để gia đình bà có đất sản xuất canh tác, nuôi sống 21 nhân khẩu chỉ sống bằng nông nghiệp.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ mười một:

Võ Thị Lệ, 62 tuổi, số nhà 017, ấp 3, xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1983 gia đình bà Lệ góp vào Tập đoàn sản xuất nông nghiệp với số đất là 5,6 ha. Sau khi Tập đoàn giải tán số đất trả lại cho gia đình chỉ có 2,8 ha, còn lại 2,8 ha không được trả. Bà Thị Lệ khiếu nại sự thiếu sòng phẳng này, nên UBND xã An Phú Trung đã trả tiếp đợt 2 là 1.800m2 đất. Số đất còn lại cho đến nay UBND xã Phú Trung vẫn chưa trả cho gia đình bà Lệ.

Hoàn cảnh gia đình của của bà Lệ hiện nay rất khó khăn, tổng số nhân khẩu trong nhà bà là 18 người. Chồng của bà Lệ đau bệnh hiểm nghèo mới từ trần, để lại cho bà một khoản nợ nần, khiến gia đình bà lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Võ Thị Lệ đề nghị UBND xã An Phú Trung nhanh chóng trả hết số đất còn lại của gia đình bà để khắc phục cái đói, cái nghèo.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ mười hai:

Đặng Thị Kính, tuổi 69, ấp 6, xã Nghĩa Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Vấn đề khiếu nại thứ nhất:

Cha của bà Đặng Thị Kínhông Đặng Văn Tư, sinh năm 1913. Năm 1983 tham gia sản xuất nông nghiệp Tập đoàn, cha của bà Kính đã góp vào Tập đoàn là 32.040m2 đất và Tập đoàn giao khoán cho gia đình của cha bà Kính là 3 nhân khẩu là 4.800m2.

Năm 1990, do tính lại “bình quân cào bằng”, UBND xã Nghĩa Trung lấy lại số đất đã giao cho cha của bà Kính là ông Đặng Văn Tư 1.500m2. Số đất gia đình cha bà Kính thực nhận còn 3.300m2.

Hộ chị Đặng Thị Để (chị bà Kính) được giao 10.000m2 đất (cộng số đất cha bà Kính là 3.300m2 + 10.000m2 của chị Để chị của của bà Kính là 13.300m2). Số đất còn lại hiện UBND xã đang còn giữ của cha bà Kính là ông Đặng Văn Tư: 18.740m2.

Đặng Thị Kính tiếp tục có đơn đòi UBND xã Nghĩa Trung trả lại đất. Năm 2011 UBND xã Nghĩa Trung trả tiếp 5.000m2 nữa.

Số đất hiện gia đình được UBND xã Nghĩa Trung đã trả lại là 18.300m2. Vậy số đất còn lại của gia đình cha bà hiện UBND xã Nghĩa Trung còn giữ là 13.740m2. Số đất này khi ông Nguyễn Văn Thạnh, công an của ấp năm 1983, lợi dụng chức quyền đã chiếm gần 2.000m2 để cất nhà.

Năm 1990 xã lại tính “bình quân cào bằng”. Ông Nguyễn Văn Thạnh công an ấp lợi dụng chức quyền, chiếm đoạt tiếp lần 2 của gia đình bà Kính 1.500m2 vào việc cho thuê đất.

Năm 1992, ông Thạnh lên chức Chủ tịch xã, ông đã bán trái phép phần đất cho thuê 1.500m2 cho ông Phan Văn Dũng.

Kính là người thừa kế, được cha bà ủy quyền. Bà Kính yêu cầu UBND xã nghĩa Trung sớm giải quyết, hủy sổ đỏ đã cấp trái phép cho ông Nguyễn Văn Thạnh đã chiếm đoạt trái phép của bà Kính bán cho ông Phan Văn Văn Dũng.

Vấn đề khiếu kiện thứ hai:

Hộ của bà Đặng Thị Kính khi vào Tập đoàn sản xuất nông nghiệp đã góp 20.000m2 đất. Được khoán lại 10.000m2 gồm ao hồ, vườn cây lâu năm.

Năm 1983, ba vị cán bộ đã lợi dụng quyền hạn của mình là ông Ngô Văn Dữ Chủ tịch Nông nghiệp, Ông Ngô Văn Quyền Bí thư ấp An Vi, xã nghĩa Tây (con ông Dữ), ông Ngô Văn Khương công an ấp An Vĩ đã chiếm đoạt trái phép số đất nói trên của gia đình bà.

Năm 2001, do gia đình bà Kính quyết liệt khiếu kiện nên phải trả lại gia đình bà 5.000m2. Hiện tại còn 5.000m2 đất của gia đình bà Kính vẫn đang bị ba cán bộ UBND xã An Nghĩa Tây chiếm dụng trái phép. Bà Kính yêu cầu các cấp, ban ngành có thẩm quyền xem xét buộc ba vị cán bộ kia phải trả lại đất cho gia đình Kính để đảm bảo tính công bằng trong xã hội.

Vấn đề khiếu nại thứ ba:

Ông nội của chồng bà Đặng Thị KínhLê Văn Sâm để lại hương hỏa là 7.500m2 đất để làm nhà thờ cúng. Phần đất này vào năm 1983 Tập đoàn sản xuất nông nghiệp đã lấy giao cho bà Lê Thị Xê, hiện đang sử dụng trái pháp luật.

Vậy gia đình bà Kính yêu cầu UBND xã An Phú Trung giải quyết, thu hồi lại 5.000m2 đất mà bà Lê Thị Xê đang sử dụng trái luật trả lại cho gia đình bà.

– Câu chuyện của người “dân oan” thứ mười ba:

Ông Nguyễn Văn Nông, sinh năm 1953, đại diện cho mẹ là bà Trần Thị Tím (vợ của ông Sấm đã chết) đứng đơn khiếu kiện việc tranh chấp mảnh đất có diện tích 1.080m2 thuộc thửa 104, tờ bản đồ số 5, ấp 3, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông Nông cho biết gia đình ông ở ổn định từ đời ông cố nội, đến đời ông nội, đến đời cha ông (là ông Sấm) và đời anh em ông đến nay đã gần 100 năm.

Năm 1987, ông Phan Tuấn Kiệt ở ấp 1, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến tre đưa đơn đến UBND huyện Ba Tri tranh chấp mảnh đất nói trên với gia đình ông Nông.

Lý do tranh chấp mà ông Kiệt đưa ra: ông bà của ông Sấm đã bán mảnh đất cho ông bà của ông Kiệt (?) thế nhưng ông Kiệt không xuất trình được văn tự mua bán giữa hai bên. Ông Kiệt cho biết đã bị mất! Dựa vào một mảnh giấy lem nhem với nội dung “vào năm 1976 ông Phan Văn Khế (cha của ông Phan Tuấn Kiệt) đến bảo tôi có mua mảnh đất không thì bán”, và UBND xã Mỹ Nhơn đã yêu cầu ông Sấm mua lại phần diện tích này của ông Khế.

UBND huyện Ba Tri đã thụ lý vụ việc tranh chấp này và tuyên tại Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 23/11/1997 nội dung chia đôi mảnh đất theo chiều dọc. Ông Kiệt và ông Sấm mỗi người được 535m2.

Trước đó ngày 29/11/1993 Thanh tra Nhà nước huyện Ba Tri đã ra quyết định số 08/QĐ-TT như sau: công nhận quyền sử dụng và quản lý đất thổ cư của ông Sấm bởi phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, bác đơn đòi lại đất của ông Phan Tuấn Kiệt vì không có căn cứ pháp lý. Hơn nữa gia đình ông Sấm đã gắn bó trên mảnh đất này đã 100 năm, trong khi đó gia đình ông Kiệt không hề ở hay canh tác gì.

Ông Sấm đã có đơn kháng cáo quyết định này của UBND huyện Ba Tri.

Đến ngày 14/12/1998 UBND tỉnh Bến tre đã ra Quyết định cuối cùng 2043/QĐ-UB, bác đơn khiếu nại của ông Sấm, giữ nguyên Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 23/11/1997 của UBND huyện Ba Tri.

Dựa trên hiệu lực của Quyết định số 2043/QĐ-UB ngày 14.12.1998, UBND tỉnh Ba Tri đã ra quyết định cưỡng chế buộc ông Sấm phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên phần đất ông Kiệt được chia để trả đất cho ông Kiệt. Trong cuộc tháo dỡ kinh hoàng này đội tháo dỡ đã bất chấp vứt bàn thờ liệt sĩ mà gia đình ông Sấm đang thờ cúng xuống đất. Sau cưỡng chế cũng không giao đất cho ông Kiệt.

Uất ức với cách giải quyết thiếu công tâm này, ông Sấm đội đơn đi kiện. Trong năm 2002, do sức yếu ông Sấm đã từ trần trên đường ra Hà Nội khiếu kiện.

Gia đình ông Sấm vẫn tiếp tục trở lại mảnh đất của mình đã 3 đời định cư ổn định gần 100 năm. Ngày 2/7/2004 UBND huyện Ba Tri ra Quyết định số 614/QĐ-UB xử lý vi phạm hành chính lấn chiếm đất đai đối với các con ông Sấm là ông Ri, ông Nông mỗi người 7 triệu đồng, buộc ông Ông Nông, ông Ri phải tháo dỡ những vật liệu kiến trúc trên phần đất đã tuyên trả lại cho ông Kiệt.

Gia đình các con ông Sấm tiếp tục đội đơn đi khiếu kiện.

Ngày 9/9/2004 UBND huyện Ba Tri tiếp tục ra quyết định cưỡng chế buộc di dời mộ của ông Sấm trên phần đất của ông Kiệt được tuyên, đối với các con ông Sấm và vợ ông Sấm là bà Tím.

Cho rằng quyết định không hợp lý, hợp tình, không đúng luật gia đình ông Nông, ông Ri đã không nhận quyết định.

Ngày 13/9/2004 đội cưỡng chế đến tháo dỡ. Một cuộc tháo dỡ kinh hoàng khi ngôi mộ của ông Sấm được móc lên. Các con ông Sấm chạy vào ôm quan tài ông Sấm, người thì bị còng tay đưa đi. Bà Tím (vợ ông Sấm) và một người con gái tật nguyền bị đánh trọng thương phải đưa vào bệnh viện.

Việc giải quyết tranh chấp với chứng cớ không có tính thuyết phục của UBND huyện Ba Tri có hợp lý, hợp tình và đúng luật hay không? Gây những xáo trộn không đáng có cho dân và gây mất niềm tin trong nhân dân. Nguyên nhân do cán bộ non yếu về nghiệp vụ? Hay do ông Kiệt là người thân của ngài Tổng thanh tra Trần Văn Truyền?

Vụ việc đến nay vẫn chưa có hồi kết. Người bị oan ức là gia đình các con ông Sấm vẫn tiếp tục khiếu kiện đến các cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Báo Đồng KhởiBáo Bảo vệ Pháp luật đã đăng về vụ việc này nhiều kì.

Có em sinh viên nọ hỏi tôi “tại sao thời ông Diệm, ông Thiệu lại không có những đoàn người mang tên “dân oan” đi đầy đường với những dòng chữ oán than được in trên áo, như một bản cáo trạng dành cho nhà cầm quyền cộng sản như thế?”

Vâng, tôi trả lời em sinh viên đó rằng: thuật ngữ “dân oan” chỉ mới xuất hiện gần đây kể từ khi bắt đầu nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, một định hướng quái gở được hình thành.

Lại thêm chính sách ruộng đất “đất đai thuộc về quyền sở hữu toàn dân. Nhà nước thống nhất quản lý”. Với hai yếu tố này nó đã làm cho người nông dân phải trở nên trắng tay khi “buộc” phải ra khỏi mảnh đất bờ xôi ruộng mật của mình mà hkhông được quyền chống cự.

Đỉnh điểm của nỗi bức xúc này là “tiếng bom” của nông dân Đoàn Văn Vươn và “tiếng súng” của anh Đặng Ngọc Viết. Thực tế thì tôi không cổ vũ cho bạo lực, nhưng đây chính là lời cảnh tỉnh cho sự không công bằng dùng quyền lực Nhà nước để tước đoạt tài sản của người nông dân, vắt kiệt sức dân.

Nhà nước lấy đất của dân để giao cho dự án. Dân được bồi thường một cách rẻ mạt và phải lang bạt ra khỏi mảnh đất của mình. Đất được giao cho dự án, chủ dự án san đất đổ nền xong bán lại cho chính người chủ cũ với giá cao ngất ngưởng gấp nhiều lần so với tiền đền bù rẻ mạt cho dân. Điều này đi ngược lại chính sách đền bù và giải tỏa đất đai của Nhà nước với dân “chỗ ở sau phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở trước”. Người dân đã bị sự cấu kết làm giàu giữa doanh nghiệp với quan tham địa phương, những kẻ rất tích cực trong việc cưỡng chế đánh đập dân để lấy đất của dân, đẩy dân vào con đường cùng không lối thoát.

Với tình trạng cấp trên không cương quyết xử lý những sai phạm trong quản lý đất đai của những quan làng xã, giải quyết trả lại đất cho dân sau khi tan rã Tập đoàn sản xuất, đã gây ra những xáo trộn bất ổn cho xã hội. Xin chuyển đến các vị tứ trụ triều đình nỗi oan mất đất trong mười ba câu chuyện của “dân oan” mà tôi được nghe từ chính lời bà con nông dân Bến Tre, Đồng Tháp kể. Xin được các quan trên đèn giời soi xét.

Tóm lại thì chỉ thằng dân đen là khổ!

Bến Tre, ngày 19/9/2016

N.T.H.L

Tác giả gửi BVN.

(BBT Bauxite Việt Nam có biên tập sửa chữa một vài câu chữ, chính tả và trình bày)

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.